Hôm nay,  

Con Mèo Trèo Cây Cau

09/02/201100:00:00(Xem: 19026)

Con mèo mày trèo cây cau.
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà,
- Chú chuột đi chợ đường xa,
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.

(Ca dao Việt-Nam)


1Có nhiều bà con đọc xong câu ca dao trên rồi lên tiếng bình phẩm mèo là nham hiểm. Các vị đó cho rằng:

Mèo vì không rình được chuột nên phải lập mưu trèo lên cây cau trõ sang mái nhà chuột ở, lấy lời đường mật đón đưa thăm hỏi. Bề ngoài thơn thớt như vậy kỳ thực trong bụng, Mèo những mong chuột sẽ nhẹ dạ ngúng nguẩy thò ra để xuất kỳ bất ý nhảy sang vồ liền. Chẳng may chuột đi guốc vào lòng nham hiểm của Mèo nên ở lì trong ống tre rồi sai cháu nói trõ ra rằng: chú tôi đi vắng rồi!

Để tỏ lòng quân tử của mình, Chuột dặn cháu nói thêm: "Chú chuột tôi đi chợ vắng để lo việc mua bán các thức về làm giỗ cha chú Mèo". Lời lẽ trung hậu biết bao, nặng nghĩa bạn bè biết bao! Đáng nhẽ Mèo nghe thấy như vậy phải lấy làm hổ thẹn về lòng lang dạ thú của mình và phải tìm cách cải tà qui chánh mới phải.

Hiểu như vậy chính là hiểu đúng theo tinh thần câu ca dao, nhưng oan cho Mèo quá.

Sự thực khi Mèo trèo lên cây cau là lòng thành muốn gặp chuột mong cùng chuột giao ước xóa bỏ tị hiềm cũ để kết bạn lâu dài.

Câu chuyện xảy ra tự ngày xửa ngày xưa, thời mà loài vật còn nói tiếng người.

Câu chuyện đó đầu đuôi như sau:

Có một ông phú hộ kia thấy chó hay quật mèo và mèo hay vồ chuột bèn nảy ra ý định làm cho chó sợ mèo và mèo sợ chuột. Chẳng hiểu rằng phú ông vì có tuổi mà sinh ra lẫn cẫn hay vì ruộng sâu trâu nái có thừa mà đâm ra tính chuyện làm ngang để mua vui

Con chó cái nhà ông đẻ lứa vừa rồi được bốn chú cún, con mèo cái cũng đã cho ra đời ba chú mèo xinh. Hôm đó, bốn chú cún hết nô rỡn ngoài sân lại kéo nhau sang vườn đuổi nhau quanh mấy gốc cau và mấy bụi chuối. Phú ông chọn chú cún mũm mĩm nhất bắt nhốt riêng một chỗ.

Mèo mẹ khi đó đang dạy ba con tập nhảy, tập vồ trong bếp.

Xin nói rõ thêm: sở dĩ bốn mẹ con mèo phải đưa nhau vào bếp như vậy để khuất mắt chó. Thời đó chó mới ở rừng về "qui thuận" người nên tính tình còn thô bạo lắm. Trong làng không có ngày nào là không có dăm ba vụ chó quật chết mèo.

Phú ông vào bếp và cũng chọn chú mèo đĩnh ngộ nhất bắt lấy. Mãi trưa hôm sau phú ông mới giương bẫy chụp được chú chuột non râu còn ngắn, da còn đỏ hỏn.

Thế là đủ bộ!

Lập tức phú ông làm một cái chuồng lớn, chia làm ba ngăn: ngăn phía trong, sát góc tường, nhốt chuột; ngăn giữa nhốt mèo và ngăn ngoài cùng nhốt chó. Chương trình giáo huấn bắt đầu ngay hôm đó.

*

Chương trình giáo huấn bắt đầu ngay hôm đó! Phú ông, một tay cầm roi tre, một tay thỉnh thoảng vuốt râu mép và bắt chó, mèo, chuột lên ngồi cả trên cũi, lắng nghe mình nói.

Phú ông nói rằng:

- Bớ mèo! mi chớ tưởng rằng dòng giống mi ăn đứt dòng giống chuột đâu nhé. Nói về nhanh nhẹn, mi đã chẳng nhanh gì hơn chú chuột, ngay cả khi mi rượt bắt nó. Còn lúc bình thường thì mi oằn oại trễ nải trong xó nhà, xó bếp, mi ngủ vùi ngủ rập trên đống gio, đống chấu. Nói về răng, răng mi đâu đã nhọn đã sắc bằng răng chuột"

Cúi xuống chân, Phú ông nhấc lên một cái võng đay bị cắn nát và giơ cho tất cả cùng trông rồi lại nói với mèo:

- Mi có bao giờ cắn nát được chiếc võng như thế này không" Chính răng chuột đã cắn đó. Mi hãy mở mắt ra mà nhìn. Đó là chiếc võng mà ta mới bện mùa hè năm ngoái. Qua mùa đông không dùng tới ta cất võng lên vựa thóc. Võng đay mới, bện chắc, ấy vậy mà răng chuột nhọn hơn dùi, sắc hơn dao đã cắn nát được như thế đó. Răng mi liệu có bì được chăng"

Thấy Mèo có vẻ lơ đãng, Phú ông quất mạnh roi tre lên lưng và tiếng mèo kêu thét lên.

Phú ông quát lớn:

- Bớ mèo, ta nói gì mi có nghe không" Cớ sao khi ta nói mi nhìn đi tận đâu đâu!

Tiếng mèo mếu máo:

- Bẩm ông, con vẫn nghe đấy chứ ạ, con có dám nhìn đi đâu đâu!

Lườm mèo một cái cuối cùng rồi Phú ông chững chạc bước tới ngăn nhốt chó. Tay vẫn lăm lăm cầm roi, Phú ông quát:

- Bớ chó!

Chó run sợ:

- Dạ.

- Mi chớ có cậy sức lực hơn mèo mà làm điều càn rỡ!

- Dạ.

- Tại sao dòng giống mi hay cà khịa quật chết mèo"

- Dạ...dạ...bẩm...

- Trong năm nay, con mẹ mi đã quật chết của ta ba con mèo và của nhà hàng xóm hai con.

Một tiếng roi vút tiếp theo tiếng kêu thất thanh của chó rồi tiếng van lạy rối rít:

- Con lạy ông! Dạ...bẩm con lạy ông

Phú ông quát:

- Im!

Tức thì tiếng chó im bặt.

- Im cái mồm nghe không"

Tiếng chó:

- Dạ.

Giọng Phú ông trở lại dễ dàng:

- Nghe ông nói đây. Mèo tuy kém mi về sức nhưng hơn mi có móng sắc, dù mi có khỏe tày trời nó vẫn có thể nhảy lên bám chắc cổ mi và cào rách nát thịt mi, mi rõ chưa"

- Dạ.

- Rồi sau khi đã cào rách nát thịt mi rồi nó nhảy vút lên tường leo tít lên mái nhà, hỏi mi làm gì được nó chăng"

- Dạ.

Lại một tiếng roi vút trong không khí nhưng lần này Phú ông quất lên thành cũi. Tuy nhiên, chó cũng rúm người lại và kêu thất thanh:

- Ối con lạy ông! dạ..bẩm... con lạy ông.

Phú ông tiếp:

- Mi chớ quên Mèo đã về với chúng ta từ lâu, tính tình đã thuần thục. Nó nhịn chúng mi mà chúng mi không biết. Thực ra hỏi nó thua kém gì chúng mi nào"

Chó vẫn lấm lét nhìn tay roi của chủ.

- Dạ.

Lùi lại hai bước rồi đứng vào chính giữa, Phú ông khoát tay nói lớn:

- Vậy từ nay tất cả chúng bay phải nghe tao.

Chợt Phú ông quay nhìn chòng chọc về phía Mèo:

- Bớ mèo, mi có nghe thấy lời ta nói không"

- Dạ bẩm ông con vẫn nghe. Phú ông gật đầu:

- Vậy từ nay tất cả chúng bay phải nhập tâm lấy lời ông dạy đây: chuột nó không hèn yếu hơn mèo và mèo nó cũng chẳng thua kém gì chó như chúng bay đã hiểu lầm, chúng bay nghe rõ chưa"

Tất cả đều đáp:

- Dạ.

- Vậy từ nay chúng bay phải cư xử đúng mực. Ta cấm mèo vồ chuột! Ta cấm chó quật mèo! Chúng bay nghe rõ chưa"

Tất cả đều đáp:

- Dạ.

Thấy tiếng chuột lí nhí, Phú ông tiến tới hỏi:

- Chuột! Mi hãy mở mồm cho hoạt bát. Mi có sợ Mèo không"

Chú chuột bé bỏng buột mồm:

- Dạ bẩm sợ ạ! Phú ông dậm chân và quật roi tre đánh đét một cái lên mặt cũi quát:

- Mi không nghe lời ta dạy lúc nãy sao"

Chuột cuống quít:

- Dạ có! Dạ có! - Thế việc chi mi phải sợ nào"

Chuột đưa mắt liếc trộm Mèo rồi đáp:

- Dạ vâng ạ.

Một thoáng suy nghĩ ... , Phú ông cho chó mèo vào chuồng và bắt chuột mang đi.

Phú ông tự thấy rằng riêng với chuột mình cần phải giảng dạy nhiều hơn nữa.

Mãi đến chiều hôm đó Phú ông mới lại đem chuột thả vào ngăn cũ bên mèo.

*

Đêm hôm đó, một đêm thượng tuần có trăng. Trong chuồng chia ngăn, mỗi con vật tìm một xó khuất để nằm. Chẳng con nào nhìn con nào!

Tiếng Phú ông còn như xoáy bên tai Chó. Thật là hãi hùng! Ý nghĩa quan trọng của những lời nói đó Chó quên rồi (Chó vốn vô tâm mà! ). Cái khiến nó nhớ lại mà còn hãi hùng là kèm theo với tiếng quát tháo, nó đã nhận một roi quắn xương sườn.

Nhưng rồi Chó cũng ngủ chợp đi lúc nào không biết.

Trong khi đó, ở ngăn trong cùng, chú Chuột bé bỏng cũng đang lan man nghĩ đến những lời Phú ông dạy riêng mình lúc nãy. Nó nghĩ thầm: "Kể lời Phú ông nói có lý. Nói về nhọn và sắc quả là răng mình nhọn sắc hơn răng mèo. Nói về nhanh thì sự thực nếu mình không cuống Mèo vị tất đã đuổi kịp được mình ".

Ấy lúc nghe Phú ông nói riêng thì Chuột vững tâm lắm, nhưng khi về nằm sát ở ngăn bên Mèo, dáng đi tuy trễ nải nhưng bề thế của hắn, Chuột lại thấy chột dạ.

Chuột lim dim đôi mắt, lắng nghe tiếng giã gạo và xay lúa đều đều bên nhà hàng xóm rồi cũng chợp đi lúc nào không biết.

Riêng tâm trạng Mèo có bề rối ren hơn cả, Mèo về ở với Người trước Chó nhiều lắm nên cũng đã tiêm nhiễm được vẻ điềm đạm của Người trong cách cư xử cũng như cách xét đoán việc đời. Tuy nhiên, lần này Mèo cũng chịu không hiểu vì đâu Phú ông lại bắt mình phải sợ Chuột.

Quả đáng tội, trưa này trữ này mấy lần Phú ông phải hét "bớ Mèo, ta nói gì mi có nghe ta không" là đúng. Bởi sự thực, khi thoạt nghe câu chuyện, Mèo cho là Phú ông nói đùa.

"Mi chớ tưởng rằng, dòng giống mi ăn đứt dòng giống chuột đâu nhé! ..."

Ăn đứt lắm chứ! Mèo đã từng thấy mẹ mình vồ chuột. Trời! Chuột to cũng như Chuột nhỏ lúc đó hầu như bị thôi miên chỉ còn biết rúm lại chờ chết. Có chú vừa mới nhú ra khỏi hố mà cũng cuống quít thế nào đến nỗi không chui vào kịp. Rồi một tiếng "chóe" thất thanh, tiếp theo mấy cái quật. Chỉ một loáng đã thấy mẹ ung dung đi lại phía ba anh em, mồm ngậm ngang lưng chú chuột khốn nạn, tứ chi, đầu và đuôi rũ xuống, nhưng thịt còn nóng hổi.

Ăn đứt lắm chứ! Lời Mẹ dạy nhảy, dạy vồ còn vang bên tai " các con quật đuôi bên trái thì nhảy sang bên phải, quật đuôi bên phải thì nhảy sang trái. Các con nhảy cao lên! Nhớ phải đón đầu chú chuột một chút! ".

Phải răng Mèo tuy không nhọn không sắc cho lắm, song cũng thừa vững chắc để nhấm nháp thịt mềm, xương non của chú chuột!

Chó quên lời của Phú ông mà chỉ nhớ đến chiếc roi lằn lưng. Mèo trái lại, đã quên chiếc roi lằn lưng nhưng nhớ rành rọt lời nói phi lý của chủ.

Ánh sáng bên ngoài mờ đi rất nhiều, có lẽ trăng thượng tuần sắp lặn. Tiếng xay lúa đã ngừng từ lúc nào, duy tiếng chày thình thịch bên dậu thưa còn vang lên đều đều càng làm tăng thêm vẻ cô tịch của đêm khuya.

Mèo tuy nằm duỗi dài, gục đầu lên hai chân trước nhưng nó vẫn chưa ngủ.

*

5


Mèo không thấy khó chịu gì với anh chó lớn con mà xuề xoà. Nằm bên anh ta.

Đã một tháng qua, cả ba con vật đều lớn lên trông thấy. Hôm nào Phú ông cũng đến nhắc lại những điều đã nói hôm đầu. Thường thì ngày nào Mèo cũng bị ít ra là một roi vì tội không chịu chú ý nghe. Sau đó chừng nửa tháng, Phú ông bắt Chuột, Chó, Mèo lần lượt nhắc lại lời mình vừa nói. Tuy Mèo nhắc trôi chảy hơn cả, nó vẫn bị chủ nhìn bằng con mắt nghiêm khắc, hằn học.

Thỉnh thoảng Phú ông lại mở chuồng mang một mình chuột đi đâu chẳng biết, có khi đến chiều mới thả về chỗ cũ.

Mấy ngày gần đây, Mèo nhận thấy Chuột bắt đầu có những cử chỉ hỗn xược với mình. Chuột đi đi lại lại bên kia ngăn và nhìn Mèo qua tấm phên đan như muốn khiêu khích.

Mèo ôn thầm trong trí lời mẹ dạy:

"Các con quật đuôi bên trái thì nhảy sang phải, quật đuôi bên phải thì nhảy sang bên trái. Các con nhảy cao lên! Nhớ phải đón đầu chuột một chút! !".

Và tuy bề ngoài Mèo lờ như không để ý đến hành vi khiêu khích của Chuột nhưng bề trong Mèo đã tưởng tượng ra cảnh mình phi thân lên cao nhảy đón đầu chuột và ... Mèo thấy móng vuốt mình ngứa ngáy vô cùng. Đến khi quay sang nhìn Chó, thấy thái độ Chó e dè nhìn lấm la, lấm lét, Mèo càng thêm ngán. Nó muốn kêu lên: "Cậu thực thà lắm! Sao cậu ngu thế, sức tôi thì làm quái gì được cậu nào".

Đêm hôm đó, về khuya ba con vật đã ngủ cả, chợt Chuột giật mình tỉnh dậy vì có tiếng ai gọi mình.

- Kìa bác, bác bị nhốt ở đây đấy ư"

Nhận ra đấy là chú chuột em cùng lứa với mình, Chuột anh vui mừng khôn xiết bèn hỏi lại:

- Sao chú biết tôi ở đây mà đến"

- Ấy Bà sáng nay có leo lên trên mái này, tình cờ nhìn xuống nhận ra Bác, cụ mừng quá xuống ngay báo tin cho cả nhà. Hôm nhận dược tin bác bị Phú ông chụp được bắt đi, cả nhà cầm bằng là bác chết.

Chuột anh lắc đầu:

- Không việc gì chú ạ. Tôi không ngờ việc đó ngày nay chính lại hóa ra may mới chết chứ.

- Sao lại gọi là may hở bác"

Chuột anh hạ giọng hơn:

- Phú ông cốt giữ tôi để dạy dỗ, rèn luyện nâng cao dũng khí họ hàng nhà Chuột khiến Mèo sau này cũng phải "kiềng".

Chuột em suy nghĩ rồi lắc đầu:

- Em không tin lười Phú ông tí nào bác ạ. Ai đời Mèo lại "kiềng" Chuột bao giờ.

Chuột anh cướp lời:

- Ấy, lúc đầu tôi cũng nói với Phú ông y như lời chú nói với tôi vừa rồi và bị Phú ông mắng cho vuốt mặt không kịp.

- Phú ông bảo sao cơ bác"

- Phú ông bảo tại mình ngu, mình cứ đinh ninh là dòng giống nhà mình hèn kém rồi mình sợ sệt ra mặt nên dòng giống nhà Mèo mới lên nước thế.

Chuột em lại lắc đầu:

- Mình bé và yếu thế này, nó lớn ngần kia.... Em vẫn không tin bác ạ.

Chuột anh nói bằng giọng chắc chắn:

Thế mà tôi tin đấy chú ạ. Phải được nghe Phú ông nói mình mới thấy rằng dòng giống nhà mình đã nhầm mới sợ Mèo. Trong trời đất có chán vạn giống nhỏ mà đánh bay giống lớn. Có một hôm Phú ông mang tôi ra đồng chứng kiến mấy con chèo bẻo đuổi đánh một con diều hâu trên trời.

- Con chèo bẻo nó như thế nào hở bác"

- Trông chèo bẻo bay trên cao thì bề ngang chỉ nhỏ như chiếc thoi dệt cửi, còn con diều hâu thì to trùng trục bằng cuộn thừng thả diều.

- Thế con diều hâu thua chạy thật ư hở bác"

- Thua chạy thật mới chết chứ. Cậu cả cứ cúp đầu mà vỗ miết đôi cánh thôi.

- Lạ quá bác nhỉ.

- Rồi Phú ông giảng giải: "chèo bẻo bé nhưng bé hạt tiêu nên diều hâu sợ. Có thế thôi".

- Ý kiến bác thế nào"

- Tôi cho rằng lời Phú ông nói đúng. Có lẽ ông cha chúng ta có một thời quá nhu nhược nên mới đến nông nỗi ngày nay. Tôi quyết tâm theo lòi chỉ dẫn của Phú ông và hy vọng một ngày gần đây sẽ rửa nhục được cho họ hàng Chuột nhà ta.

Nghe vậy Chuột em cũng thấy vui lây và vững lòng. Ngoài sân như có tiếng động, Chuột em vội vàng cáo biệt:

- Thôi bây giờ em về để bác nghỉ. Em sẽ thì thọt đến thăm bác luôn.

- Ừ thôi chú về.

Thế là kể từ đấy, thường là vào lúc đêm khuya hai anh em nhà Chuột lại gặp nhau. Em mang tin gia đình. Anh kể lại chuyện học tập với Phú ông.

Hai tháng qua....

Mèo, Chuột, Chó đã thành những Mèo, Chuột, Chó "Thanh niên" hiếu thắng. Ngày nào Phú ông cũng vào buồng này tới bốn năm lượt nói lại lời cũ và bắt nhũng con vật nhắc lại.

Chuột vênh vang tự đắc lắm. Phú ông không còn phải mang nó đi dạy dỗ riêng như tháng trước nữa. Mèo trái lại rất lấy làm khổ tâm.. Nó thấy nung nấu trong lòng và chỉ ao ước sao gặp dịp ăn sống nuốt tươi Chuột cho hả. Tuy nhiên, khi Phú ông nói nó vẫn nghe, bề ngoài thật là thành khẩn. Khi Phú ông bắt nó nhắc lại, nó nhắc càng trơn tru. Khóe nhìn của Phú ông vì vậy cũng đã bớt gay gắt.

Chỉ có Chó là không có điều chi băn khoăn trong lòng. Tuy nó có nhớ cảnh mẹ nó quật chết mèo nhà và mèo hàng xóm, tuy nó vẫn biết rằng nó khỏe hơn Mèo nhiều lắm, nhưng bây giờ nó nghĩ lại tưởng tượng cảnh mèo nhảy lên bám cổ và cào rách thịt nó - như lời Phú ông hàng ngày giảng dạy- thì quả là có nguy và kể cũng đáng sợ lắm thay. Bởi vậy, thái độ Chó rất thuần thục đối với Mèo. Và cũng vì vậy ngoài roi ra oai hôm đầu, Chó không bị Phú ông "đét" thêm lần nào nữa.

Như đã có chương trình dự định sẵn sàng, một buổi sáng kia Phú ông giảng giải lâu hơn mọi ngày rồi chợt ra lệnh cho Mèo phải ra đứng trước Chuột ở sát phên ngăn và nói rất kính cẩn: "bẩm anh, em sợ anh lắm, anh đừng cắn chết em".

Mèo không ngờ Phú ông lại rắp tâm làm nhục mình đến thế. Nó thấy căm giận "lão già lẩm cẩm" và nó đã đi đến trước Chuột với một dáng điệu ngạo mạn rồi nói với Chuột câu đó bằng một giọng khôi hài. Nó cầm bằng là sẽ bị một roi "quắn xương sườn" như mọi khi. Thà thế còn hơn!

6


Mèo không để ý đến lời Chuột nữa, nó nghĩ thầm: "Mình lại về rừng ở là cùng chứ gì"

Nhưng nó đã tính nhầm: đi ngược ý muốn của chủ, nó khinh chuột ra mặt thế cũng là khinh mạn Phú ông vậy.

Sau một tiếng quát vang như sấm "Quân khốn kiếp! ", Phú ông lôi tuột mèo ra khỏi chuồng quật túi bụi một chặp đến mười roi. Tiếng Mèo van lạy rối rít, Chó ở trong ngăn sợ xanh mắt. Chỉ có Chuột là hả. Vừa lúc đó Mèo mẹ ngoài sân bỡ ngỡ bước vào...

Phú ông quát:

- Con kia, lại đây ông bảo.

Biết Phú ông đương nổi cơn lôi đình thịnh nộ, Mèo mẹ rụt rè bước lại:

- Dạ ông bảo gì con"

Bằng một giọng đanh thép, Phú ông truyền lệnh:

- Mi ra đứng trước Chuột, kính cẩn thưa rằng: "Bẩm anh, em sợ anh lắm, anh đừng cắn chết em".

Việc Phú ông giáo huấn ngược đời này, Mèo mẹ vốn có được biết. Nó nghĩ thầm:

"Chắc con ta còn trẻ dại, đã vụng về cư xử thế nào nên mới bị rừ đòn thế kia", và nó lẳng lặng đến trước Chuột làm vẻ kính cẩn thưa rằng:

"Bẩm anh, em sợ anh lắm, anh đừng cắn chết em!".

Phú ông cười đắc chí bảo Mèo con:

- Mi thấy chăng" Đến con mẹ mi còn không dám

Đoạn Phú ông thả Mèo vào chuồng rồi dõng dạc ra lệnh:

- Hãy ra trước mặt Chuột và nói y như mẹ mày!

Mèo mẹ đưa đẩy con mắt làm hiệu bảo con hãy nên làm theo lời chủ. Mèo con vừa bị trận đòn đau nên nhuệ khí cũng bớt bèn ra đứng trước Chuột nhắc lại y hệt lời mẹ lúc nãy:

- "Bẩm anh, em sợ anh lắm, anh đừng cắn chết em!".

Chú chuột ve vẩy cái đuôi, hai tai nhỏ xíu hơi rung dộng, mõm hơi hếch lên, đôi mắt ti hí chớp luôn mấy cái ra vẻ khoái chí.

Chó ngồi im thin thít ở góc ngăn.

Phú ông cũng đã thấy hả giận một phần nào.

Mèo mẹ rón rén quay ra, đi thẳng xuống nhà ngang. Ngày hôm đó nó đã rình vồ được ba chú chuột ở khoảng cối xay. Rồi những ngày tiếp đó nó đều hoạt động ráo riết như vậy.

Nó rắp tâm báo thù mà!

Hai chú mèo con cũng theo gương mẹ, hàng ngày thì thọt vào bếp rình vồ chuột nhắt tiêu khiển.

Cũng kể từ hôm đó, Phú ông càng năng lui tới chỗ ba con vật, Phú ông không giảng dạy gì nữa mà chỉ bắt Mèo ra đứng trước Chuột nhắc lại câu: "Bẩm anh, em sợ anh lắm, anh đừng cắn chết em! Rồi bắt Chó phải đứng trước Mèo kính cẩn thưa: "Van anh đừng cào nát thịt em! ".

Rút kinh nghiệm trận đòn đau hôm nào mỗi khi phải nói với chuột, Mèo tự làm như không hồn, tự làm như một con mèo gỗ.

Phương pháp ấy thế mà hay! Nó không còn thấy nỗi ấm ức dằn vặt tâm can nữa, vì nó nói những lời đó y hệt chiếc cối xay lúa kêu ù ù lúc chập tối, tiếng chày giã gạo thình thịch lúc đêm khuya, hay tiếng võng kèo kẹt buổi trưa hè. Điều làm Mèo khó chịu chính là vẻ quị lụy quá đỗi ... "nghịch cảnh" của Chó. Rồi sau vài hôm, nó không khó chịu nữa mà thấy buồn cười. Ấy thế mới nguy! Sáng nay nhìn anh Chó to lớn, phổng phao khúm na khúm núm trước mình vởi vẻ mặt đau khổ, Mèo đã tưởng nôn ruột lên rồi. Đến khi thấy Chó cất giọng ồ ồ trịnh trọng thưa: " Van anh đừng cào nát thịt em" thì Mèo tưởng không còn bấm bụng nhịn được nữa. Lập tức nó vội dùng kế "linh hồn thoát xác" cũ để biến thành con Mèo gỗ. Nó biết lắm: tội để cho Chó nhờn với mình cũng ốm đòn ngang với tội mình nhờn với chuột.

Sang tháng thứ tư, Mèo, Chó càng lớn hơn nữa, duy Chuột là vẫn y như cũ. Có lẽ Chuột đã lớn hết cỡ rồi ... Song chuột chỉ kém thế về hình thức thôi, còn về tinh thần, uy tín Chuột đã tăng lên gấp bội. Chuột được Phú ông cho phép tự ý muốn gọi Mèo lúc nào cũng được. Khi nghe tiếng gọi, Mèo phải lập tức chạy đến trước Chuột kính cẩn thưa câu: "Bẩm anh, em sợ anh lắm ..."

Ngay buổi đầu trước khi có lệnh mới đó, Phú ông mang Chuột ra chỗ khác nói riêng:

- Mi có thấy Mèo đã hết ương ngạnh và tỏ thái độ phục tòng mi" Ngày mi thành công, tức là dòng giống nhà mi thành công đó.

Chuột kính cẩn thưa:

- Bẩm ông, được vậy chúng con thật đội ơn ông vạn bội.

Phú ông nói tiếp:

- Mi hãy nghĩ xem, rồi đây ta thả mi với Mèo ra giữa sân, mi sẽ đi đi lại lại chững chạc thản nhiên bên mèo. Thỉnh thoảng mi lại quát bắt Mèo phải thưa câu: "Bẩm anh, em sợ anh lắm", mi đã thấy hả dạ chưa"

Chuột kính cẩn đáp:

- Bẩm ông, được vậy chúng con thật đội ơn ông vạn bội.

Phú ông tiếp:

- Rồi tin đó sẽ lan khắp xóm, khắp làng, khắp vùng; dòng giống mi trở nên oai vệ và dòng giống Mèo thì tự nhiên nhuệ khí nhụt hẳn như bị cắt tai.

Chuột không dấu được nỗi vui mừng:

- Bẩm ông, được vậy chúng con thật đội ơn ông vạn bội.

Phú ông tiếp:

- Muốn chóng tới ngày vinh quang đó, kể từ hôm nay trở đi, mi phải luôn luôn quát mắng, hạch sách. Nếu Mèo tỏ thái độ ương ngạnh mi sẽ báo cho ta hay để ta nghiêm trị.

Chuột cúi đầu kính cẩn:

- Bẩm chúng con thật đội ơn ông vạn bội. Khi Phú ông vừa thả Chuột về chỗ cũ, lập tức Chuột làm bộ hung hăng quát ngay:

- Bớ Mèo.

Mèo hiểu thừa cơ sự nên kính cẩn thưa:

- Dạ anh gọi em.

Chuột càng nạt lớn:

- Mi hãy tới đây nhắc lại câu nói.

Con Mèo tinh khôn của chúng ta đã ngoan ngoãn nhắc lại câu nói: "Bẩm anh, em sợ anh lắm..."

Phú ông lúc đó đứng tì tay ngay chỗ cửa ra vào, vờ ngẩng mặt lơ đãng nhìn trời chiều rồi thong thả bước xuống thềm ra sân, đầu gật gù vẻ tự đắc.

Kể từ hôm đó, Chuột suốt ngày hống hách quát tháo, hạch sách Mèo. Tuy đã có phương pháp "linh hồn thoát xác" để biến thành Mèo gỗ mà chú mèo đáng thương của chúng ta đôi khi cũng thấy máu sôi lên trong huyết quản. Nhưng có bực tức thì cũng chỉ bực tức trong bụng thôi, Mèo dại gì mà để lộ ra nét mặt.

Tối hôm đó, Chuột vừa thiu thiu ngủ thì bên ngoài có tiếng gọi. Tuy mắt nhắm, mắt mở mà Chuột cũng nhận ngay ra là chú em mình.

Chuột hỏi em:

- Làm sao mà có tới một tháng trời không thấy chú đến đây"

- Bác tính đến làm sao được cơ chứ" Nguy hiểm lắm bác ơi. Hôm nay em đến đây cũng là mạo hiểm lắm đấy.

- Cái gì mà có vẻ ghê gớm thế"

- Bác ạ, gia đình nhà ta bây giờ phải tản lên nóc nhà cho đỡ nguy hiểm.

- Thế gia đình không ở bếp nữa ư"

- Không dám ở bếp nữa bác ạ.

Con mèo mẹ nó rình mò ráo riết quá. Mặc dầu Bà đã trông nom hết sức chu đáo, cấm không cho tụi nhỏ lơ đễnh ra khỏi tổ ban ngày thế mà cứ hai ba ngày lại có một đứa bị toi mạng vì con mẹ Mèo. Rồi đến lượt Bà hôm qua, chẳng biết nghĩ ngẫm thế nào mới chập tối cụ đã lẫm cẫm bò ra nhặt hạt rơi, hạt vãi bị con mẹ Mèo nó vồ mất, có khổ không"

Vừa nghe rứt câu chuyện, Chuột anh thấy uất lặng người. Nó chợt hung hăng ra phía Mèo quát lớn:

- Bớ Mèo!

Đêm đã về khuya, Mèo đang ngủ say nghe tiếng gọi giật mình tỉnh dậy bỡ ngỡ.

- Bớ Mèo!

Nhận ra là Chuột gọi mình, Mèo nghĩ thầm: "Sao đêm hôm khuya khoắt hắn còn gọi mình làm trò gì thế này"". Nhưng dù đêm hay ngày thì bổn phận của Mèo vẫn phải là vâng lời.

Nó cất tiếng thưa:

- Dạ anh gọi em"

Tiếng Chuột nạt lớn:

- Mi hãy tới đây nhắc lại câu nói.

Mèo ngoan ngoãn tiến tới nhắc lại câu "Bẩm anh, em sợ anh lắm...".

Tuy trong nhà tối om nhưng Mèo cũng nhận thấy bóng Chuột em thập thò ngoài chuồng phía sát góc tường.

Chuột em được chứng kiến cảnh đó lắc đầu lè lưỡi phục anh, nhưng trong bụng vẫn gờm mèo.

Chuột anh dõng dạc ra lệnh:

- Thôi cho về chỗ cũ.

Rồi quay lại góc chuồng với em, vẻ hãnh diện. Nó cho như là đã báo thù được một phần nào cái nhục truyền kiếp đối với Mèo.

Chuột em nói:

- Bác ạ, bác oai thật đấy nhưng không hiểu sao em vẫn thấy kinh thằng cha ấy.

- Đó là chú chưa được dạy dỗ để biết cách tự nâng cao bản lĩnh uy nghi của mình. Chính tôi trước đây cũng nghĩ như chú nhưng bây giờ thì tôi hiểu , Mèo không những không dám bắt nạt tôi mà sau khi bị mấy vố Phú ông đánh cho quắn xương sườn hắn cũng đã hiểu rằng hắn kém vế tôi rất xa. Với tôi bây giờ thì hắn phải vào khuôn vào phép.

Chuột em cáo từ.

- Thôi em về bác ạ, kẻo mẹ Mèo nó đánh hơi được thì nhà lại một phen khóc hết nước mắt.

- Ừ thôi chú về. Chú nói với nhà rằng xin tất cả cứ yên tâm. Ngày tôi xuất đầu lộ diện rửa nhục cho họ hàng nhà Chuột chúng ta không còn bao xa nữa.

Cuộc giáo huấn kéo dài đến hết tháng thứ năm thì các con vật đều thuần thục theo chiều uốn nắn của Phú ông.

Buổi sáng hôm đó là một buổi sáng đầu thu, gió heo may phe phẩy làm xào xạc mấy tầu lá chuối khô ở ngay đầu hồi nhà. Phú ông thực hiện cuộc thí nghiệm đầu của mình. Ông mở toang cửa chuồng, bỏ các ngăn ở trong chuồng. Thế là ba con vật sống chung sát bên nhau. Chuột đi đi lại lại bên Mèo vẻ chững chạc. Chó cũng đi đi lại lại bên Mèo nhưng vẻ khúm núm.

Thỉnh thoảng tiếng Chuột quát:

- Bớ Mèo, hãy nhắc lại câu nói!

- Và Mèo kính cẩn một cách thản nhiên nhắc lại câu: "Bẩm anh, em sợ anh lắm ...".

Để làm vui lòng Phú ông, Mèo đôi khi cũng vờ quát Chó:

- Bớ chó, mi hãy nhắc lại câu nói!

Và trong khi Chó khúm núm, kính cẩn nhắc lại câu "Van anh, anh đừng cào nát thịt em" thì Mèo đưa mắt lơ đãng nhìn Chuột uốn éo bò quanh và nghĩ thầm: "Sao xương sống nó có thể mềm đến thế! Sao lông nó bóng nhẫy đến thế" Rồi trí tưởng tượng của Mèo cứ thế theo đà mà mở rộng ra như mây gặp gió.

Mèo nghĩ thầm: - Bảo Chuột là con vật không xương thì không đúng đã đành, không xương như một con sâu to thì kinh tởm lắm! Nhưng bảo Chuột là con vật có xương thì cũng quá lắm. Cái kiểu nó bò mềm mại thế kia thì xương đó chỉ là sụn thôi, một thứ sụn làm tăng phần đậm đà cho thịt.

7Tự nhiên Mèo thấy ngứa ngáy móng vuốt và nước rãi hình như ứa đầy miệng.

Bỗng nhiên bên ngoài có trẻ nhỏ vào báo với Phú ông:

- Bẩm ông có người gánh thóc đến giả nợ.

Phú ông gật đầu theo ra ngay. Mèo thấy nhẹ hẳn người. Và chỉ một thoáng suy nghĩ, nó đã quyết định xong cả. Bóng Phú ông vừa khuất, tiếng Chuột lại hách dịch:

- Bớ Mèo, hãy nhắc lại câu nói.

Mèo không để ý đến lời Chuột nữa, nó nghĩ thầm: "Mình lại về rừng ở là cùng chứ gì".

Phú ông vừa ra tới giữa sân, chưa kịp hỏi người gánh thóc đến trả nợ câu nào thì bỗng nghe một tiếng "chóe" thất thanh của Chuột. Ông vỗ đùi kêu:

- "Thôi hỏng rồi".

Và ông chạy bổ trở lại. Vừa khi đó, Mèo từ trong nhà nhảy vụt ra. Sự thể quả đã hỏng thật!

Tiếng Chó ở trong chuồng:

- Bẩm ông, Mèo nó đã ăn mất Chuột rồi. Phú ông lôi Chó ra, thả xuống đất và quát:

- Mày đuổi quật chết Mèo cho tao.

Chó trù trừ đáp:

- Bẩm ông, con sợ nó cào nát thịt con.

Phú ông điên tiết đá Chó một cái mạnh như giới giáng và quát lớn:

- Mày ngu như chó ấy, đuổi mau không nó chạy mất giờ.

Cái đá và tiếng quát đó đủ phủi hết lượt "bụi giáo huấn" bấy lâu đã phủ hờ lên linh tính chó. Nó chợt nhận thấy rõ là nó khỏe hơn Mèo nhiều lắm. Với sức lực ấy mà vùng vẫy, mà tấn công, Mèo cào sao nổi" Nó chạy vút ra cửa.

Nói về Mèo, sau khi nhai ngấu nghiến chuột xong bèn tìm lối thoát thân. Nhẩy ra tới ngoài, nó thoáng nhìn thấy trên mái nhà hàng xóm bóng một chú chuột vừa chui vội vào ống tre. Cao hứng, nó đương tìm lối nhảy lên rình bắt, thì Chó đã huỳnh huỵch từ xa phi tới. Mèo nhảy tót lên thân cây cau gần đấy rồi leo tít lên ngọn. Ở trên đó, nó nhìn thẳng vào ống tre mái nhà hàng xóm, trong đó thập thò mấy chú chuột xinh. Chó lồng lộn rít lên từng hồi ở dưới, Chó không biết trèo.

*

Hôm đó, Mèo đã ở lì trên ngọn cau đến chiều, Chó hục hặc ở dưới. Sau cùng, Chó tự biết là không thể làm gì được, đâm chán bỏ đi.

Phú ông thoạt đầu nộ khí xung thiên nhưng sau cũng nguôi dần. Tới lúc chiều, cả bóng tối bắt đầu phủ nhòa lên cảnh vật, Phú ông còn thấy bóng Mèo lắt lẻo trên ngọn cau thì bỗng rủ lòng thương hại.

Ông tới gốc cây và nói:

- Thôi hãy xuống mau, ta tha tội cho.

Giọng Mèo rất cảm động:

- Bẩm, cám ơn ông lắm, nhưng còn e Chó nó sẽ rình quật chết con.

- Mi không phải lo điều đó.

Mèo xuống, Chó từ xa chạy bổ lại. Phú ông quát:

- Mi hãy xin lỗi chó đi, rồi hai con phải sống với nhau cho hòa thuận nghe.

Mèo đã thành thực xin lỗi Chó, mặc dầu nó cũng thành thực nhận thấy là nó chẳng có lỗi gì với Chó. Sai đó hai con sống chung với nhau như bạn vậy.

Đến đây, tưởng phải xin phép độc giả mở một dấu ngoặc để giải thích thêm là: tục lệ bắt mèo chắp tay trước chó nay vẫn còn. Tôi còn nhớ cách đây ít lâu, vì thấy nhà nhiều chuột quá, mẹ tôi phải đi chợ mua một con mèo về.

Con Mực của tôi từ trong nhà nhẩy xổ ra muốn quật chết tươi mèo ngay. Mới trông thấy vậy, tôi tưởng như con mèo khó lòng mà sống qua được một ngày. Trong khi đó, mẹ tôi vừa nâng cao mèo lên quá đầu vừa quát mắng chó: - Chết giờ! Em nó đây mà.

Các em tôi vốn thích mèo nên đổ xô lại quát và dọa đánh Mực. Mẹ tôi hạ thấp Mèo, chắp hai chân trước của nó, làm điệu như thể mèo vái con Mực mấy cái và người nói nửa như nói thay mèo, nửa như sui mèo nói thế:

- Lạy anh đi! Lạy anh đừng cắn em!

Con Mực tuy rít lên nhưng vẫn đứng nguyên.

Các em tôi đã đi kiếm đâu được mối đứa một thanh củi to tướng, lăm lăm cầm ở tay. Khi mẹ tôi buông mèo xuống đất chỉ cầm đầu giây buộc cổ nó thôi , thì con Mực càng rít lên rùng rợn và dè dặt tiến lên. Con mèo hơi cong lưng lại, một chân trước co lên thành một đường cong, miệng phun phì phì.

Các em tôi giơ một loạt thanh củi lên và hét:

- Chết giờ! Chết giờ!

Mực ta hít mấy cái như muốn ghi nhận kỹ hơi mèo rồi quay đi. Một lát sau, khi mẹ tôi buộc mèo vào chân bàn ăn thì Mực đã qua lại đó một cách thản nhiên rồi. Sang tới ngày hôm sau cả hai con mặc nhiên coi nhau như người một nhà và sống với nhau rất thân thiện. Tuy nhiên, không khí thân thiện đó đôi khi cũng có bị xáo trộn, thường là vào những bữa ăn và ở những trường hợp hạn hữu, khi một miếng xương hay miếng thịt rơi đúng giữa vị trí hai con. Lúc đó buộc lòng Mực phải lấy cả sức nặng của thân thể lao lại để uy hiếp mèo. Mèo cũng chỉ nhảy tránh lấy lệ, cách xa chỗ đó chừng vài bước, và quay lại phun phì phì, trong khi Mực nhai ngấu nghiến miếng xương hoặc miếng thịt, động cơ của cuộc tranh chấp vừa qua.

Sau đó đôi bên lại hòa!

*

Trở lại chuyện Mèo, Chó của Phú ông.

Sau ngày Mèo chắp tay xin lỗi Chó, hai con sống với nhau thật là hòa thuận. Đôi khi đi vào nhà thấy cái chuồng cũ, Mèo không khỏi thấy vừa sợ vừa buồn cười, vừa vui thích. Sợ là vì nhớ lại những roi vút lên lưng và trận đòn thập tử nhất sinh của Phú ông ngày nào; buồn cười vì nghĩ đến cử chỉ khả bỉ của Chuột rồi bị mình vồ; vui thích vì thấy Chó đã bớt hung hăng đi nhiều và đã trở thành người bạn thiết với mình. Câu "ghét nhau như chó với mèo" thực không còn đầy đủ ý nghĩa quan trọng như xưa nữa.

Rồi Mèo nghĩ nếu quả là mình và Chó đã có thể quên hết mọi hiềm khích cũ để sống hòa thuận thật sự bên nhau thì sao tình bạn đó lại không có thể thực hiện giữa mình và Chuột"

Và ngay chiều hôm đó Mèo trèo lên cây cau, nhìn sang ổ chuột trong ống tre, gọi chú chuột em ra ý muốn trần tình mọi lẽ phải trái rồi đôi bên sẽ sống thân thiện bên nhau kể từ đấy.

Nhưng đáp lời Mèo, Chuột em không chịu ra; Chuột em chỉ sai thằng cháu ra nói thác là: "chú tôi đi vắng rồi".

Hôm sau Mèo lại trèo lên cây cau gọi. Cháu chuột lần này ra nói thêu dệt thêm rằng: "chú Chuột tôi đi vắng để mua các thứ làm giỗ cha chú Mèo".

Mèo nghĩ thầm:

- Ranh con chỉ nói tầm phèo. Giỗ bố mình vào tháng hai, bây giờ mới đầu tháng chín mà lại kêu là đi chợ mua các thứ làm giỗ cha mình. Bố láo!

Rồi thêm mấy lần sau nữa Chuột em vẫn nhất định không chịu xuất đầu lộ diện và chỉ sai cháu ra nói thác cái câu trí trá nghe mãi thấy chán tai: "Chú Chuột tôi đi vắng để mua các thứ về làm giỗ cha chú Mèo".

Mèo không biết rằng hai con vật trong một nhà chỉ có thể xóa bỏ hết tị hiềm khi cả hai cùng có thiện chí giúp ích cho chủ!

Khi đó sự phá hoại của Chuột ngày một lớn. Chúng ăn vụng thóc, ăn vụng ngô, tối đến chúng đi từng đoàn ra phá hoại mùa màng ngoài đồng. Khi không có ăn thì bạ cái gì chúng gậm nhấm cái ấy. Thầy đồ nghèo bên hàng xóm có mấy pho sách quý của thánh hiền cũng bị Chuột cắn nát. Rồi chợt cả một vùng lân cận xuất hiện một thứ bệnh tối nguy hiểm, mười người bị chết cả mười. Lúc chết người nào cũng thấy mẩn lên khắp mình những nốt đỏ. Về sau các cụ gọi bệnh đó là dịch hạch. Các cụ có ngờ đâu bệnh đó chính cũng lại do loài chuột gây ra.

Sau đó Mèo hoàn toàn bỏ ý định kết giao với Chuột. Trái lại, nó cùng các con cháu ra tâm rình mò, diệt giống phản phúc ấy cho Phú ông.

Còn Chó! Kể từ ngày Chó kết giao với Mèo thành thử ra ngoài việc giữ nhà cho chủ, Chó không còn thú gì tiêu khiển nữa. Sau cùng, thấy Mèo đuổi bắt Chuột suốt ngày, chó cũng xoay ra đuổi quật chuột chơi cho đỡ buồn. Nhưng, như chúng ta ai nấy đều biết, chó bắt chuột vụng quá lắm. Chó to hơn mèo nên ở thế bất lợi không luồn lỏi mau lẹ bằng. Rất nhiều khi vào lúc trời chiều bảng lảng, Mèo đang nằm trên mái nhà mơ màng nhìn làn khói lam uốn mình trên các mái bếp, hoặc đăm chiêu ngắm ngôi sao hôm mọc sớm lấp lánh đàng Tây, hoặc thả hồn theo tiếng chuông chùa cô tịch, bỗng giật mình tỉnh mộng vì những tiếng xô đuổi lạo-xạo dưới nhà. Kế đó đến tiếng hục-hặc làu nhàu của Chó. Và bận nào cũng vậy, Mèo chỉ khẽ lắc đầu thương hại cho ông bạn vụng, rồi lại nằm phục xuống tiếp tục thả hồn vào cảnh chiều man mác của nơi đồng-nội thanh bình.

Doãn Quốc Sĩ
(Trích Sợ Lửa)

8
Và năm Mão trở lại mèo ta tiếp tục... trèo cây cau.


Chúc Tết Năm Mão Mừng Sinh Nhật Nhà Văn Cổ Tích

2-content3
Doãn Quốc Sỹ, ảnh Duy Thanh, 2010.
Ký hoạ Choé phía sau:
1980, nhà văn trong trại tù Gia Trung
Tù khổ sai đóng gạch: tay bưng gạch năng
Ngón chân thành ngòi bút cắm đất

Mùng một Tết Tân Mão 2010 đúng là sinh nhật Doãn Quốc Sỹ. Năm nay, nhà văn 88 tuổi. Ông sinh tại Hà Đông, ngày 3 tháng 2 năm 1923, tức ngày 17 tháng 2 năm năm Quí Hợi.

Wikkipedia ghi tiểu sử nhà văn: Ông là con trưởng của gia đình văn nghệ sĩ. Cha ông là Doãn Hưu, một nhà nho. Năm 1946, ông lập gia đình với con gái nhà thơ trào phúng Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu) là bà Hồ Thị Thảo. Năm 1954, ông cùng vợ di cư vào Nam. Gia đình nhà thơ Tú Mỡ vẫn ở lại Hà Nội. Gia đình em ruột ông cũng vậy. Sau này Doãn Nho là nhạc sĩ Quân đội Nhân dân tại miền Bắc.

Ngay từ 1954, khi còn là một sinh viên tại Saigon, Doãn Quốc Sỹ cùng bạn hũu thành lập Hội Học Sinh Hà Nội Di Cư. Đón Tết năm Mùi 1955, ông chu biên báo Xuân Chuyển Hướng, trong đó có in “Sợ Lửa.” Đây là tựa đề tập truyện cổ tích đầu tiên của Doãn Quốc Sĩ ấn hành tại miền Nam, trong sách này có truyện “Con Mèo Trèo Cây Cau”. Tập truyện cổ tích thứ hai của ông mang tên “Hồ Thuỳ Dương”.

Cũng trong năm 1955, Doãn Quốc Sỹ là chủ nhiệm báo Người Việt. Đây là tập san chuyên về văn học sáng tác đầu tiên tại Saigon. Các sáng tác của Nguyễn Sĩ Tế, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Quách Thoại đều xuất hiện ở đây. Năm 1956, sau khi đình bản Người Việt, ông cùng bạn hữu chủ trượng tạp chí Sáng Tạo.

Ông là giáo sư trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn, Đại học Văn Khoa Sài Gòn năm 1962 đến giữa thập niên 1960. Ông du học tại Hoa Kỳ về ngành giáo dục và rồi trở về nước tiếp tục công việc giảng dạy cho đến năm 1975.[2]

Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Khu Rừng Lau, một trường thiên tiểu thuyết gồm có: Ba Sinh Hương Lửa (1962), Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến (1964), Tình Yêu Thánh Hóa (1965), Những Ngả Sông (1966)...Theo Lê Văn, đặc phái viên Việt Ngữ của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, trong một cuộc phỏng vấn ông, có dẫn chuyện rằng "Ba Sinh Hương Lửa người ta thường ví như những tác phẩm lớn của Nga như Chiến tranh và hòa bình" trong đó nội dung mô tả lại những cảm xúc đớn đau của của một thế hệ thanh niên mới lớn tham gia vào công cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng sau đó phát giác ra mình đã bị lợi dụng như công cụ đấu tranh giai cấp của những người cộng sản và "có lẽ chính vì thế mà anh đã bị cộng sản bỏ tù khi họ khi chiếm được miền Nam"

Sau năm 1975, ông bị chính quyền Việt Nam giam cầm nhiều lần vì tội "viết văn chống phá cách mạng", tổng cộng là 14 năm trước khi được phép di cư sang Hoa Kỳ vào năm 1995. Hiện nay ông sống tại Houston, Texas từ khi sang định cư tại Hoa Kỳ.

Ông là tác giả của khoảng 25 cuốn sách. Chuyện ngụ ngôn của ông có tựa đề Con cá mắc cạn đã được dịch ra tiếng Anh (The Stranded Fish)[4] và có trong sách Việt Nam: bạn đồng hành văn chương của một du khách (Vietnam: A traveler's literary companion)[5] do Nguyễn Quí Đức và John Balaban biên soạn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.