Hôm nay,  

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 54)

08/05/200700:00:00(Xem: 3473)

 Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Sau trận đòn hội chợ của vệ binh tại Quân lao Gò Vấp, cơ thể của tôi chịu đựng nhiều đau đớn, mà 3 tháng sau, khi bị đổi lên trại tù ở gần núi Bà Đen, mỗi lần kéo gầu nước từ giếng sâu, ngực tôi vẫn nóng ran, và tôi vẫn còn ho ra máu. Thê thảm hơn, những vết máu bầm vẫn còn nguyên ở trong phổi của tôi suốt nhiều năm. Đến cuối năm 1979, khi được qua Úc định cư, hôm trước đến Cabramatta Hostel, thì ngay sáng hôm sau, tôi đã bị chuyển vô Randwick Hospital để điều trị. Lý do là qua chụp X-rays, thấy vết bầm trong phổi, bác sĩ đã nghi ngờ tôi mắc "bệnh lao". Sau 3 tháng uống thuốc, vết bầm vẫn còn nguyên nên bác sĩ ngạc nhiên hỏi tôi có bao giờ đánh lộn với ai không. Tôi kể lại chuyện xưa ở Quân lao Gò Vấp, bác sĩ nghe biết ngay tôi không hề bị bệnh lao, nên ngay tuần lễ sau đó, tôi được xuất viện. Tuy nhiên, mấy năm đầu khi tới Úc, mỗi năm hai lần, tôi vẫn phải tới bệnh viện Canterburry để chụp X-rays, cho đến khi vết bầm trong phổi mờ dần và mất hẳn...
Trận đòn hội chợ của vệ binh khiến tôi càng thêm quyết tâm, phải vượt ngục bằng mọi giá. Nhưng để có thể vượt ngục theo kế hoạch của anh Dzoãn Bình, tôi phải hồi phục sức khỏe. Đáng tiếc, không lâu sau ngày bị chúng đánh hội đồng, tôi và anh Dzoãn Bình, cùng với khoảng 50 người tù khác, bị chuyển đến trại tù ở gần núi Bà Đen, chấm dứt giấc mộng vượt ngục ở Quân lao Gò Vấp.
Trại tù gần núi Bà Đen là trại tù được VC xây dựng khá quy mô, với đầy đủ các hàng rào kẽm gai trong ngoài. Cho đến nay, tôi cũng không nhớ chính xác tên và vị trí của trại tù này, nhưng tôi vẫn thỉnh thoảng nghe anh em bạn tù nhắc đến những địa danh như ấp Tân Thiết, Trại Đèn, ấp Phước Hòa, xã Lộc Ninh... Nhìn về phía sau của trại tù, tôi thấy rõ núi Bà Đen cao to sừng sững chiếm cả một góc trời. Trại tù được chia ra làm nhiều khu, mỗi khu có nhiều lán, giam giữ khoảng trên dưới 1000 tù, gồm đủ các thành phần, tù chính trị, tù hình sự... Hệ thống canh gác tại đây cũng rất nghiêm ngặt. Ngoài các hàng rào kẽm gai, còn có những chòi canh chung quanh trại, và tại mỗi khu gồm có hai lán, luôn luôn có vệ binh luân phiên canh gác vào ban đêm.
Ngay khi đặt chân đến trại tù mới, tôi đã vội tìm hiểu địa hình địa vật để vượt ngục. Tôi biết, lúc đó tôi đã bị vệ binh và quản giáo VC ghi vô "sổ đen", nên tôi bị theo dõi kỹ càng hơn và thường bị trừng phạt chỉ vì những chuyện không đâu. Để có thể vượt ngục, điều đầu tiên, tôi phải làm cho vệ binh quản giáo của trại lơ là cảnh giác đối với tôi. Muốn vậy, một mặt tôi phải tỏ ra tích cực lao động và mặt khác, tôi phải cho mọi người thấy tôi rất yếu đuối, bệnh hoạn, sau trận đòn hội chợ tại Quân lao Gò Vấp. Vì vậy, cùng với những lần ho ra máu, tôi giả vờ đi đứng chậm chạp, ăn uống uể oải, ngoại hình suy nhược...
Vì việc chuyển tù từ Quân lao Gò Vấp về trại tù mới được tiến hành vào ban đêm, nên tôi không biết rõ vị trí của trại tù mới nằm ở đâu. Trong những lúc đi lao động ngoài trời, tôi tìm cách khéo léo dò hỏi anh em bạn tù đường đi nước bước, nên biết được, trại tù của chúng tôi nằm gần xã Lộc Ninh, cách biên giới Việt Miên không bao xa. Thời gian đó vào khoảng năm 1977, mối quan hệ Việt Miên ngày càng căng thẳng thù nghịch, nên có tin đồn, cộng sản Miên đang có ý đồ xâm lăng Việt Nam. Nghe tin này, có một số người lo sợ sẽ bị Miên cộng giết; nhưng cũng có người nuôi hy vọng, cuộc xâm lăng của cộng sản Miên sẽ "giải phóng" chúng tôi thoát khỏi sự kìm kẹp của cộng sản Việt Nam. Có điều mọi người lúc đó đều không thể ngờ được, chính viễn ảnh xâm lăng Việt Nam của Miên cộng đã khiến cộng sản Việt Nam có âm mưu sẵn sàng thủ tiêu tất cả những người tù chúng tôi bằng mìn Claymore một khi trại tù bị quân đội Miên tấn công... Tôi chỉ biết được âm mưu này vào một buổi chiều, sau khi đi lao động trồng khoai mì trở về trại...
Chiều hôm đó, tôi được anh Dzoãn Bình gọi sang lán của anh uống trà. Tôi quên thưa với quý độc giả, anh Dzoãn Bình và tôi tuy cùng được chuyển trại tù từ Quân lao Gò Vấp, nhưng khi lên đến trại tù mới, anh bị chuyển sang lán tù đối diện với lán của tôi. Là một nhà báo tên tuổi của VNCH trước năm 1975, từng được giải thưởng của Tổng Thống qua phóng sự chiến trường viết về trận Bình Giã, nên anh Dzoãn Bình rất có uy tín trong trại tù. Nhờ vậy, anh biết được những tin tức đặc biệt, mà những người tù bình thường không thể biết, hoặc biết rất muộn.
Buổi chiều hôm đó, gặp tôi anh Dzoãn Bình thì thầm nói:
- Cậu biết không, tôi vừa mới nghe được một tin "con cuốc"...
Anh Dzoãn Bình có thói quen khi nói chuyện thường hay dùng chữ "con cuốc" để mô tả bất cứ chuyện gì không rõ xuất sứ hoặc có nội dung không tốt lành, không được như ý.
- Cậu biết thằng Tuân, tù "tự quản" không"
Tôi thưa:
- Có phải Tuân bên khu rèn không anh"
Anh Dzoãn Bình gật đầu:
- Thằng đó nó vừa nói với tôi, sáng hôm qua, những người tù "tự quản" được lệnh của tụi giám đốc trại cho gài mìn Claymore chung quanh trại...
Tôi giật mình, hỏi anh:
- Chắc chúng cho gài mìn để chống tụi Miên xâm lăng"
Anh Bình lắc đầu:
- Không phải để chống tụi Miên cộng đâu. Nó gài mìn là để giết mình đó. Thằng Tuân nó nói số lượng mìn gài chung quanh trại không rõ bao nhiêu, nhưng cứ cách 20 thước, chúng bắt chôn một trái, mà mìn hướng vào trong trại. Cậu biết mìn Claymore chứ gì"
- Em biết.
Mặc dù chính mắt tôi chưa hề thấy trái mìn Claymore bao giờ, nhưng tôi đã nghe rất nhiều bộ đội đề cập đến nó như là một loại vũ khí quái ác, gây nhiều tử vong và tàn tật cho binh lính VC.


Anh Dzoãn Bình nói tiếp:
- Cậu phải biết, mìn Claymore khác với loại mìn thường. Mìn thường, phải chôn dưới đất, còn mìn Claymore thì để trên mặt đất, với mặt cong có dòng chữ bằng tiếng Anh ghi rõ hướng về phía kẻ thù. Thằng Tuân nó cũng là lính nên nó biết, khi gài mìn Claymore mà quay hướng mìn vô trong trại tù là rõ ràng, tụi VC chúng muốn giết tù, chứ không phải giết tụi Miên cộng đâu. Cậu phải biết, với tầm sát thương từ 100 mét đến 200 mét theo hình quạt 60 độ của 700 viên bi thép cho mỗi trái mìn Claymore, mà tụi VC nó cho gài các trái mìn Claymore sát nhau như vậy thì rõ ràng, cộng sản nó sẽ giết cả trại tù này không còn một mống cho coi...
Tôi lạnh người:
- Như vậy là Miên cộng chưa kịp "giải phóng" thì mình đã bị tụi VC nó giết sạch...
Anh Dzoãn Bình kéo một hơi thuốc lào rồi nói thiệt nhỏ:
- Tôi nghĩ tình thế này, cậu phải tìm mọi cách trốn trại ngay. Ở lại thêm ngày nào là nguy hiểm ngày ấy...
Tôi ngạc nhiên:
- Ủa, như vậy anh không vượt ngục cùng với em hay sao"
Anh Dzoãn Bình thở dài:
- Tôi già rồi, trốn không được, cậu ạ. Ở đây rừng rú bao bọc chung quanh, muốn trốn phải có sức. Già yếu như tôi mà trốn tù với cậu thì chỉ là gánh nặng cho cậu. Cậu nghe tôi, đi đi...
Tôi rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào không biết nói làm sao, khi tôi phải chấp nhận một sự thực chua xót: Tôi phải trốn trại một mình và anh Dzoãn Bình phải ở lại! Anh Bình nói tiếp:
- Nghe cậu kể chuyện ở Quảng Trị, tôi biết cậu có kinh nghiệm đi rừng, nên chuyện trốn trại ở đây không có gì khó khăn với cậu. Theo tôi biết, từ đây về thị trấn Dầu Tiếng chỉ khoảng vài tiếng đồng hồ đường rừng. Trốn khỏi trại tù, cậu cứ nhắm vùng ánh sáng về phía tay phải mà đi, thế nào cũng băng qua khu rừng cao su trước khi đến được thị trấn Dầu Tiếng... Sau đó cậu đón xe về Tây Ninh... rồi về Sàigòn.
Tôi lo lắng hỏi:
- Anh nghĩ em có nên rủ Minh trốn cùng với em không"
Anh Bình lắc đầu:
- Không nên. Tính Minh tôi biết, hắn rất tốt với bè bạn, nhưng phổi bò, mắt lồi như mắt trâu nên nhát lắm. Trong tù, Minh ngang tàng, thích làm người hùng những chuyện cỏn con. Nhưng đụng chuyện lớn thì nhát. Tôi biết, khi ở Quân lao Gò Vấp, Minh đã hứa sẽ vượt ngục chung với cậu, nhưng Minh đâu có dám thực hiện lời hứa. Tôi nói vậy có đúng không nào"
Nhận xét của anh Bình về Minh rất chính xác. Trong tù Minh ngang tàng, đánh đấm hết người này người nọ và trở thành một "vua tù". Nhưng thực tế, dù đã hứa sẽ vượt ngục với tôi, nhiều lần Minh lần khân, khất lần, không muốn vượt ngục với tôi.
Anh Bình dặn tôi:
- Cậu nhớ, đừng nói với Minh và bất kỳ ai về ý định trốn trại của mình. Cậu đừng có tin một ai cả. Điều khó khăn nhất cho chuyến vượt ngục của cậu là cậu không có tiền mặt mà tôi cũng không có. Nhưng tôi tin, nếu cậu trốn ra ngoài thế nào cũng được người dân họ giúp đỡ. Lòng dân bây giờ khác với ngày xưa nhiều lắm. Chẳng còn ai ảo tưởng vào tụi VC nữa đâu. Cậu đi lao động thì cậu biết lòng người ra sao rồi...
Anh Bình nói rất đúng. Trong suốt thời gian bị tù đầy hơn một năm trời, mỗi khi phải ra ngoài lao động, chúng tôi đều có dịp được chứng kiến những tấm lòng vàng của người dân đối với tù cải tạo. Vì vậy, tôi tin chắc, một khi thoát khỏi hàng rào kẽm gai của trại tù, được gặp gỡ người dân Miền Nam, tôi sẽ như con cá sống trong nước, tha hồ vùng vẫy, xuôi ngược.
Anh Bình đưa chiếc điếu cầy làm bằng nhôm cho tôi, rồi tiếp:
- Từ nay trở đi, cậu và tôi cũng đừng nên gặp nhau nữa, kẻo khi cậu đi, chúng lại lôi tôi ra hành hạ. Nếu có gì gấp gáp lắm, cậu cứ nói với Duy...
Sau lần trò chuyện với anh Dzoãn Bình, tôi gấp rút chuẩn bị cho việc trốn trại. Qua tìm hiểu địa hình địa vật, tôi thấy có hai cách trốn trại. Cách thứ nhất, trốn trại vào ban ngày khi đi lao động. Trốn trại cách này tôi có được lợi thế lớn nhất là không phải vượt qua bốn hàng rào kẽm gai và bãi mìn Claymore chung quanh trại. Theo lời anh Dzoãn Bình, mìn Claymore có 3 cách phát hoả. Cách thứ nhất do người gài mìn chủ động khai hoả. Cách thứ hai là gài bẫy, khiến mình đụng phải, mìn sẽ nổ tung. Cách thứ ba là dùng mìn giờ để kích hoả vào đúng lúc mình muốn. Tại trại tù của chúng tôi vào lúc đó, VC đã gài mìn Claymore theo cách thứ hai. Ngoài ra, chúng còn gài những loại mìn cá nhân khác, nên rất nguy hiểm cho những ai trốn trại phải chui qua mấy hàng rào kẽm gai quanh trại. Lợi thế thứ hai khi trốn trại ban ngày là tôi có thể chui vào rừng rậm, ẩn mình chờ đến tối đi tiếp. Lợi thế thứ ba, từ chỗ chúng tôi lao động đến thị trấn Dầu Tiếng, gần hơn một tiếng đồng hồ đi bộ so với từ trại tù đến thị trấn Dầu Tiếng. Tuy nhiên, nếu trốn trại ban ngày, tôi chỉ có thể trốn vào lúc ăn trưa, và có tối đa 30 phút đồng hồ trước khi bị phát hiện. Với lực lượng vệ binh gần một trung đội cộng với quân khuyển, việc truy lùng một người tù trốn trại trước đó 30 phút là điều không khó khăn. Vả lại, khi tù lao động ở ngoài trại, đều bị vệ binh và tù "tự quản" kiểm soát rất chặt chẽ, và mọi người tù đều bị tổ chức thành từng tổ 3 người một để theo dõi lẫn nhau. Tránh tình trạng những người quen thân cùng chung một nhóm 3 người, cùng trốn trại với nhau, quản giáo thường bắt thay đổi, nay người này ở nhóm này, mai phải ở nhóm khác...
Chính vì những khó khăn và nguy hiểm lớn lao như vậy, nên tôi quyết định trốn trại vào ban đêm. Có hai cách, có thể trốn trại vào ban đêm. Cách thứ nhất, trốn trong lúc tù còn thức từ 6 giờ chiều đến 9 giờ tối. Cách thứ hai, chờ tù ngủ hết, trốn từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng. Cách thứ hai rất khó trốn, vì lúc đó, trong mỗi lán tù cứ mỗi hai tiếng đồng hồ, đều có bốn người tù luân phiên canh gác từ đầu lán đến cuối lán. Bên ngoài lán tù, còn có hai vệ binh canh gác ở hai đầu lán. Riêng cách thứ nhất, có vẻ khó khăn hơn, vì lúc đó tù còn thức, đèn điện còn sáng choang, nhưng trên thực tế, lúc này là lúc có cơ hội trốn hơn cả, vì thứ nhất, tù còn thức nên đi lại trong lán rất lộn xộn, không ai có thể theo dõi và biết tù nào còn trong lán, tù nào đã ra ngoài lán đi dao. Thứ hai, vì đèn đuốc sáng choang nên lúc này chỉ có một vệ binh canh gác mỗi lán tù khoảng 120 người. Thứ ba, thời gian này là thời gian duy nhất, tù được phép đi vệ sinh ở một nhà cầu nằm ở cuối trại, sát hàng rào kẽm gai. Sau 9 giờ tối, tất cả mọi chuyện vệ sinh cá nhân của tù đều phải thực hiện ngay trong lán. Đi tiểu, thì tù phải đi vào trong một ống lồ ô, hôm sau đem đổ. Còn đại tiện thì phải đào hố ngay trong lán, đi vô đó, rồi lấp đất, ngày hôm sau phải dọn sạch sẽ. Tù nhân muốn đi tiểu hay đi tiêu từ sau 9 giờ tối đều phải hô to: "Báo cáo cán bộ tôi muốn đi tiểu / đi cầu". Đến khi nghe vệ binh nói "Được" thì mới được nghiêng mình trút bầu tâm sự vô ống hay ngồi dậy đào lỗ.... (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.