Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.
*
(Tiếp theo...)
Sau trận đòn hội chợ của vệ binh tại Quân lao Gò Vấp, cơ thể của tôi chịu đựng nhiều đau đớn, mà 3 tháng sau, khi bị đổi lên trại tù ở gần núi Bà Đen, mỗi lần kéo gầu nước từ giếng sâu, ngực tôi vẫn nóng ran, và tôi vẫn còn ho ra máu. Thê thảm hơn, những vết máu bầm vẫn còn nguyên ở trong phổi của tôi suốt nhiều năm. Đến cuối năm 1979, khi được qua Úc định cư, hôm trước đến Cabramatta Hostel, thì ngay sáng hôm sau, tôi đã bị chuyển vô Randwick Hospital để điều trị. Lý do là qua chụp X-rays, thấy vết bầm trong phổi, bác sĩ đã nghi ngờ tôi mắc "bệnh lao". Sau 3 tháng uống thuốc, vết bầm vẫn còn nguyên nên bác sĩ ngạc nhiên hỏi tôi có bao giờ đánh lộn với ai không. Tôi kể lại chuyện xưa ở Quân lao Gò Vấp, bác sĩ nghe biết ngay tôi không hề bị bệnh lao, nên ngay tuần lễ sau đó, tôi được xuất viện. Tuy nhiên, mấy năm đầu khi tới Úc, mỗi năm hai lần, tôi vẫn phải tới bệnh viện Canterburry để chụp X-rays, cho đến khi vết bầm trong phổi mờ dần và mất hẳn...
Trận đòn hội chợ của vệ binh khiến tôi càng thêm quyết tâm, phải vượt ngục bằng mọi giá. Nhưng để có thể vượt ngục theo kế hoạch của anh Dzoãn Bình, tôi phải hồi phục sức khỏe. Đáng tiếc, không lâu sau ngày bị chúng đánh hội đồng, tôi và anh Dzoãn Bình, cùng với khoảng 50 người tù khác, bị chuyển đến trại tù ở gần núi Bà Đen, chấm dứt giấc mộng vượt ngục ở Quân lao Gò Vấp.
Trại tù gần núi Bà Đen là trại tù được VC xây dựng khá quy mô, với đầy đủ các hàng rào kẽm gai trong ngoài. Cho đến nay, tôi cũng không nhớ chính xác tên và vị trí của trại tù này, nhưng tôi vẫn thỉnh thoảng nghe anh em bạn tù nhắc đến những địa danh như ấp Tân Thiết, Trại Đèn, ấp Phước Hòa, xã Lộc Ninh... Nhìn về phía sau của trại tù, tôi thấy rõ núi Bà Đen cao to sừng sững chiếm cả một góc trời. Trại tù được chia ra làm nhiều khu, mỗi khu có nhiều lán, giam giữ khoảng trên dưới 1000 tù, gồm đủ các thành phần, tù chính trị, tù hình sự... Hệ thống canh gác tại đây cũng rất nghiêm ngặt. Ngoài các hàng rào kẽm gai, còn có những chòi canh chung quanh trại, và tại mỗi khu gồm có hai lán, luôn luôn có vệ binh luân phiên canh gác vào ban đêm.
Ngay khi đặt chân đến trại tù mới, tôi đã vội tìm hiểu địa hình địa vật để vượt ngục. Tôi biết, lúc đó tôi đã bị vệ binh và quản giáo VC ghi vô "sổ đen", nên tôi bị theo dõi kỹ càng hơn và thường bị trừng phạt chỉ vì những chuyện không đâu. Để có thể vượt ngục, điều đầu tiên, tôi phải làm cho vệ binh quản giáo của trại lơ là cảnh giác đối với tôi. Muốn vậy, một mặt tôi phải tỏ ra tích cực lao động và mặt khác, tôi phải cho mọi người thấy tôi rất yếu đuối, bệnh hoạn, sau trận đòn hội chợ tại Quân lao Gò Vấp. Vì vậy, cùng với những lần ho ra máu, tôi giả vờ đi đứng chậm chạp, ăn uống uể oải, ngoại hình suy nhược...
Vì việc chuyển tù từ Quân lao Gò Vấp về trại tù mới được tiến hành vào ban đêm, nên tôi không biết rõ vị trí của trại tù mới nằm ở đâu. Trong những lúc đi lao động ngoài trời, tôi tìm cách khéo léo dò hỏi anh em bạn tù đường đi nước bước, nên biết được, trại tù của chúng tôi nằm gần xã Lộc Ninh, cách biên giới Việt Miên không bao xa. Thời gian đó vào khoảng năm 1977, mối quan hệ Việt Miên ngày càng căng thẳng thù nghịch, nên có tin đồn, cộng sản Miên đang có ý đồ xâm lăng Việt Nam. Nghe tin này, có một số người lo sợ sẽ bị Miên cộng giết; nhưng cũng có người nuôi hy vọng, cuộc xâm lăng của cộng sản Miên sẽ "giải phóng" chúng tôi thoát khỏi sự kìm kẹp của cộng sản Việt Nam. Có điều mọi người lúc đó đều không thể ngờ được, chính viễn ảnh xâm lăng Việt Nam của Miên cộng đã khiến cộng sản Việt Nam có âm mưu sẵn sàng thủ tiêu tất cả những người tù chúng tôi bằng mìn Claymore một khi trại tù bị quân đội Miên tấn công... Tôi chỉ biết được âm mưu này vào một buổi chiều, sau khi đi lao động trồng khoai mì trở về trại...
Chiều hôm đó, tôi được anh Dzoãn Bình gọi sang lán của anh uống trà. Tôi quên thưa với quý độc giả, anh Dzoãn Bình và tôi tuy cùng được chuyển trại tù từ Quân lao Gò Vấp, nhưng khi lên đến trại tù mới, anh bị chuyển sang lán tù đối diện với lán của tôi. Là một nhà báo tên tuổi của VNCH trước năm 1975, từng được giải thưởng của Tổng Thống qua phóng sự chiến trường viết về trận Bình Giã, nên anh Dzoãn Bình rất có uy tín trong trại tù. Nhờ vậy, anh biết được những tin tức đặc biệt, mà những người tù bình thường không thể biết, hoặc biết rất muộn.
Buổi chiều hôm đó, gặp tôi anh Dzoãn Bình thì thầm nói:
- Cậu biết không, tôi vừa mới nghe được một tin "con cuốc"...
Anh Dzoãn Bình có thói quen khi nói chuyện thường hay dùng chữ "con cuốc" để mô tả bất cứ chuyện gì không rõ xuất sứ hoặc có nội dung không tốt lành, không được như ý.
- Cậu biết thằng Tuân, tù "tự quản" không"
Tôi thưa:
- Có phải Tuân bên khu rèn không anh"
Anh Dzoãn Bình gật đầu:
- Thằng đó nó vừa nói với tôi, sáng hôm qua, những người tù "tự quản" được lệnh của tụi giám đốc trại cho gài mìn Claymore chung quanh trại...
Tôi giật mình, hỏi anh:
- Chắc chúng cho gài mìn để chống tụi Miên xâm lăng"
Anh Bình lắc đầu:
- Không phải để chống tụi Miên cộng đâu. Nó gài mìn là để giết mình đó. Thằng Tuân nó nói số lượng mìn gài chung quanh trại không rõ bao nhiêu, nhưng cứ cách 20 thước, chúng bắt chôn một trái, mà mìn hướng vào trong trại. Cậu biết mìn Claymore chứ gì"
- Em biết.
Mặc dù chính mắt tôi chưa hề thấy trái mìn Claymore bao giờ, nhưng tôi đã nghe rất nhiều bộ đội đề cập đến nó như là một loại vũ khí quái ác, gây nhiều tử vong và tàn tật cho binh lính VC.