Hôm nay,  

Ta Chạy Vòng Vòng, Ta Chạy Vòng Quanh

05/08/200500:00:00(Xem: 5724)
Không biết đây là lần thứ mấy tôi phải đề cập đến chuyện nhà cửa đất đai, sổ hồng, sổ đỏ của người dân VN. Còn người dân thì lúc nào cũng thấp thỏm lo âu về chuyện giấy tờ nhà đất để "xin một cuộc đời" yên tâm làm ăn sinh sống. Từ ngàn xưa, các cụ đã dạy "có an cư mới lạc nghiệp được." Ai cũng hiểu như thế. Và cũng từ ngàn xưa, việc giấy tờ nhà đất, người dân chỉ cần lo một lần là xong, hàng trăm năm từ đời ông sơ, ông cố để lại cho con cháu, vẫn có giá trị như thường.
Nhưng ngày nay thì khác, lo một lần chẳng bao giờ xong. Nhất là những người dân thành phố và ở những vùng đang phát triển. Sự phát triển ở đây, xin gói gọn trong phạm vi nhà cửa cứ mọc lên như nấm, quy hoạch không theo kịp nên lẽo đẽo chạy theo sau để rồi không thể theo một trật tự nào gây nên biết bao cảnh dở khóc dở cười vì những khu "quy hoạch treo," những dẫy phố không phép tắc, những người dân ở trong những căn nhà mình làm ra mà không phải là của mình, giấy tờ lộn xộn, trở nên bất hợp pháp. Đã ở bất hợp pháp thì chính mình đang là anh công dân lương thiện cũng trở thành kẻ sống bất hợp pháp.
Tin nhau thí ít, phản nhau thì nhiều
Xét cho cùng thì giá nhà đất cứ tăng vù vù, dẫn đến tình trạng tranh giành quyền làm chủ, quyền được mua bán. Không ít người, đang là anh nông dân nghèo rớt mồng mồng tơi bỗng biến thành tỉ phú. Bỏ cả bàn thờ gia tiên, bỏ cả ruộng đồng, bỏ cả nghề nghiệp leo lên làm tỉ phú để một thời gian sau trở thành thất nghiệp, con cái cũng vì thế mà hư hỏng. Không thiếu gì những cô gái bỏ làng quê ra đi rồi một thời gian sau trở thành bơ vơ. Vì một vài thước đất, người ta sẵn sàng từ bỏ tình nghĩa xóm làng, quên cả tình máu mủ, đưa nhau ra tòa, đánh giết nhau chí chóe. Hàng ngàn, hàng vạn vụ án cũng từ đó mà ra, không thể thống kê hết những vụ án "bỏ quên tình nghĩa" này. Có thể nói hầu hết những vụ trọng án đều phát xuất từ những nguyên nhân đó. Người ta đưa nhau ra tòa ngày một nhiều hơn. Xã hội trở nên "loạn lạc," thứ "loạn lạc âm thầm" từ trong nội tâm mà ra. Con người đề phòng nhau phản trắc vì nhà đất hơn là tin nhau. Cứ thẳng thắn mà hỏi ngay cả những Việt kiều nếu có nhà, có đất, có tài sản ở VN không được đứng tên, liệu họ tin tưởng được vào ai" Ngay như những người ở trong nước cũng thế thôi. Thậm chí có những người không dám cho thuê nhà vì sợ bị mất nhà. Bởi đã có khá nhiều những vụ lừa lọc ngay cả những người thân, người ơn, người tình, người nghĩa của mình. Cho nên niềm tin cùng với đạo đức sói mòn. Sự băng hoại của xã hội cũng từ đó mà ra. Chưa nói đến những tệ nạn khác, những sa đọa hầu hết cũng bắt nguồn từ những nguyên nhân ấy. Đó là một thực trạng rất hiển nhiên đã và đang nghiễm nhiên hiện diện từ bao năm nay.
Mỗi sự thay đổi là một một sự lên giá của quyền lực
Sự lên giá của nhà đất song hành cùng với sự lên giá quyền lực của những tấm giấy chứng nhận nhà đất mà luật lệ đã quy định nó là "sổ hồng" và sổ đỏ." Nó cũng đồng hành cùng những phức tạp nẩy sinh trong mọi vấn đề giao dịch. Mọi thứ giấy tờ cứ thay đổi xòanh xọach, luật lệ cũng cứ thế mà rối rắm và càng rối rắm bao nhiêu thì quyền hành của nó càng lớn bấy nhiêu. Người dân cầm được tấm giấy "chủ quyền" mừng như bắt được vàng. Thế cho nên người có quyền cấp phát tha hồ mà làm eo làm sách, người dân bị hành lên hành xuống cũng cứ "vui vẻ chấp nhận" cái giá phải trả cho cái "chủ quyền" của mình. Chạy chọt, đút lót đủ mọi cửa, phù phép đủ mọi kiểu, miễn là có được cái chủ quyền thứ của mình đáng có. Đôi khi cái giá lên tới 50%, tức là "anh một nửa tôi một nửa" cái nhà của tôi, nếu anh cho phép tôi bán được cái nhà hoặc miếng đất của tôi. Đấy là chưa kể đến các vị quan chức, có tí "ban bệ" đi vồ những thứ không phải là của mình. Nó là của nhà nước hay của nhà anh hàng xóm thấp cổ bé miệng, của những anh "bỏ của chạy lấy người," của những gia đình lục đục ly tán... Những vụ chiếm đất gần đây nhất như một loạt quan chức cỡ lớn của hòn đảo Phú Quốc, của cửa biển "vàng" Đồ Sơn - Hải Phòng chưa giải quyết xong thì lại vừa xảy ra vụ các quan chức hàng đầu của tỉnh Phú Thọ cấu kết nhau, nghiễm nhiên vồ đất của nhà nước cấp phát cho con cái mình, trong khi người dân nghèo mạt rệp thì không được cấp và nếu muốn được cấp thì phải "ủng hộ" quỹ vớ vẩn nào đó vài chục triệu may ra mới được "xem xét." Mặc xác anh là thương phế binh hay "chiến sĩ" gì đó nay đã về vườn.
Nhà đất đã trở thành một "mỏ vàng" cho những kẻ có quyền có thế tha hồ xâu xé. Luật lệ càng rắc rối thì người có quyền hành càng có cơ hội kiếm chác. Còn người dân thì cứ chạy và chạy long tóc gáy mới mong "hợp thức hóa" được cái tài sản của mình.
Của mình mà không phải là của mình
Thế nhưng cái tài sản đó, nay là của mình, mai lại không phải của mình vì luật lệ thay đổi. Nay sổ hồng có giá trị, mai nó hết giá trị, nay sổ đỏ là có chủ quyền, mai lại cần thêm một thứ giấy khác, một thứ giấy chứng nhận khác, một thứ "mộc đỏ" khác mới được công nhận là của mình. Người dân chẳng còn biết đằng mù nào mà lần. Có thể xác định chắc chắn rằng chẳng mấy ai mua bán nhà đất mà không phải chạy chọt, đút lót qua những tay trung gian, những tay "cò," đủ các kiểu "cò" hoặc may mắn hơn thì đi thẳng với người có quyền hành cho nó nhanh. Xì ra một khoản tiền, chia chác một miếng đất là cứ ngồi nhà, mọi chuyện đâu vào đó hết. Mai này thay đổi, lại chạy. Các quan nhà đất cứ thế mà "làm việc."
Và một chuyện vui vừa mới được ban hành, khiến khá nhiều người mùng húm là thành phố Sài Gòn đã có một quyết định rất "cởi mở," sẽ "xí xóa" cho những căn nhà xây dựng trái phép trước ngày 1-7-2004. Tính ra có đến 140.000 căn nhà trái quy định như hình khối kiến trúc, phần ban công nhô ra ngoài lấn chiếm hẻm, tầng trệt nhô quá chỉ giới đường 0,3m... và nhiều quy định khác. Ngoại trừ những căn nhà vi phạm quá xá vào an ninh đường sắt, an quốc phòng vv... thì không được "xí xóa" là lẽ đương nhiên.
Vậy là những căn nhà xây dựng trái quy định đã bị cưỡng chế đập phá trước đây phần lớn đều "hố" to.
Không biết trong 140.000 căn nhà được "xí xóa" đó, có bao nhiêu căn nhà của người lao động nghèo và có bao nhiêu căn của các vị có chức có quyền" Cứ "tính nhẩm" chắc cũng có thể hiểu cái tỉ lệ này. Và chắc cũng có khá nhiều anh "liều," cứ xây rồi hạ hồi phân giải. Dĩ nhiên các anh "liều" này cũng phải tin tưởng vào đâu chứ, dân rách thì lo làm đúng luật, chạy cái chủ quyền còn chưa xong, ai dại gì mà uống thuốc liều để rồi mất hết. Nhưng bây giờ anh "liều" lại được "ưu ái." Thế thì coi bộ sẽ còn nhiều anh liều nữa, dù cái quy định đó nói rõ rằng những anh "liều" sau ngày 1-7-2005 sẽ "kiên quyết bị xử lý." Nhưng biết đâu mai này lại có cái quyết định "xí xóa"" Luật lệ thay đổi từng ngày mà!
Tán dóc mà ngay boong
Sở dĩ lần này tôi phải nói đến chuyện nhà đất vì như một lần trước đây, khi có dịp tường trình về "con đường đau khổ" này, tôi đã có lời bàn rằng "chưa biết ngày mai sẽ còn những loại giấy màu nào nữa, xanh đỏ hay tím vàng" Tưởng rằng đó là lời bàn Mao Tôn Cương tán dóc, dỡn cợt, ấy vậy mà trúng phóc. Nay lại đang có "đề xuất" thay cả hai loại giấy hồng, giấy đỏ bằng giấy xanh cho nó "tiện việc sổ sách." Nói trắng là những thứ giấy tờ "chủ quyền" của người dân đang có giá trị bỗng đùng một cái trở thành... vô giá trị, nếu anh muốn mua bán nhà đất.
Xin hãy nghe ông Trần Đông Tùng - Phó cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia về giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp), đơn vị soạn thảo ra dự luật này đã giải thích:
- Theo dự thảo Luật Đăng ký bất động sản, khi có "giấy xanh" rồi, thì "sổ đỏ," "sổ hồng" vẫn có hiệu lực. Nhưng ta sẽ thay dần bằng cách: nếu bạn có "sổ đỏ," và muốn đưa "sổ đỏ" này ra giao dịch (chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, cho thuê...), thì lúc đó sẽ phải chuyển đổi thành "giấy xanh" để giao dịch. Nếu không giao dịch thì vẫn có thể sử dụng giấy cũ.
Như thế là quá rõ ràng, anh cầm tài sản trong tay mà chỉ để ngắm chứ không có quyền mua bán tức là không phải của anh. Nó là của ai thì chưa rõ. Vậy, cái mà ông Phó cục trưởng gọi là "hiệu lực" kia để làm gì" Để mang đi khoe hay để treo trong nhà như cái bằng khen"
Anh lại phải có cái "giấy xanh" mới mua bán được. Tâm lý người dân hay bất cứ ai cũng vậy, làm sao người ta có thể "an tâm" khi trong tay mình cầm một tài sản là của mình nhưng giấy tờ lại không có quyền giao dịch như vậy" Thế là công toi, chạy mờ mịt được cái "chủ quyền" bây giờ lại thành công cốc. Những sự thay đổi về luật đã làm người dân điêu đứng, bên cạnh đó lại còn những "lệ," những "quy định chung, quy định riêng," những "thực tế" của từng địa phương còn làm họ khốn đốn hơn nữa. Anh có giỏi luật cách mấy cũng thua những cái thứ "lặt vặt" nó biến hóa khôn lường, nó như trò ảo thuật, trò ma trơi. Thứ ma thuật có giấy tờ đàng hoàng, có "quyết định" hẳn hoi chứ không phải là thứ bịp bợm. Muốn áp dụng thứ luật nào, rẽ trái hay quẹo phải, đều có thể áp dụng được. Trắng đen cứ lẫn lộn. Ma thuật phù phép mà không phải trò bịp, mà là "bịp" đúng luật lệ. Luật lệ đấy mà bịp bợm đấy, xoay sở cũng ở đấy. Khi làm cho ra lẽ thì ông có quyền ban phát ân huệ bao giờ cũng đúng. Bởi ông áp dụng theo điều a,b,c khoản 5-6-7-8... bố ai mà biết được. Thôi thì cứ nghe ông phán thế nào chúng con làm như thế cho yên chuyện. Vẽ chuyện ra chỉ có thiệt. Các ông ấy nổi giận thì cứ ở đó, dài cổ ra mà đợi, có khi các ông ấy viện dẫn thứ luật nào đó ra lại mất trắng hoặc không bao giờ nhúc nhích được. Đấy là kinh nghiệm mồ hôi nước mắt, có thể nói không ngoa rằng đó là kinh nghiệm xương máu của những người đã từng phải mua bán nhà đất.
Đó là cái tâm lý chung của mọi người dân, ngay cả những người chưa cần mua bán cũng phải phòng xa, lại phải đi lo cái giấy xanh cho nó chắc ăn, khi cần có thể cầm cố mua bán ngay được. Chứ không thể đợi đến lúc "nước đến chân mới nhảy." Chưa biết chừng đến lúc đó đi xin cái "giấy xanh" lại mất thì giờ và tốn kém hơn gấp bội.
Lý do "tế nhị" về cái quyền sở hữu
Giải thích vắn tắt, hiện nay ở VN sổ hồng là thứ giấy chứng nhận quyền "sở hữu" nhà. Thí dụ như anh ở chung cư, lầu 1 lầu 2, anh làm gì có đất, chỉ có cái xác nhà nằm trên miếng đất ấy. Chuyện đó chẳng có gì đáng nói. Ở những nơi khác cũng vậy, dù anh làm nhà ở đâu, cái nhà anh làm ra là của anh, không ai chối cãi được. Nhưng đất vẫn không bao giờ là đất của anh. Anh chỉ có một cái "sổ đỏ" - tức là cuốn sổ có cái bìa màu đỏ - gọi là "quyền sử dụng đất."
Ở bất kỳ đâu, miếng đất dù của đời ông đời cha anh để lại cũng chỉ là giấy chứng nhận "quyền sử dụng đất." Có nghĩa là anh chỉ có quyền sử dụng mà thôi. Đất vẫn là đất của nhà nước. Không ai có quyền có đất cả. Nhưng anh vẫn có quyền bán cái "quyền sử dụng" đó cho người khác hoặc để lại cho con cháu anh.

Trên thực tế, hai cái quyền đó giống y chang nhau. Thế thì cái "quyền sử dụng" đó chẳng khác nào cái quyền "sở hữu."
Vậy tại sao không gọi nó là quyền sở hữu cho nó rõ ràng, minh bạch" Đó là một thắc mắc, ai cũng biết, nhưng hầu như chẳng ai nói ra. Bởi một lý do "tế nhị" nào đó chăng"
Vâng, theo tôi, đấy là một lý do "tế nhị" như bao nhiêu thứ "tế nhị" khác. Bởi theo luật đã ban hành thì mọi thứ đất đai đều là của nhà nước. Nhưng đến khi áp dụng vào thực tế thì sự mua đi bán lại đất đai là thứ nhu cầu thực tiễn và hết sức cần thiết cho một xã hội, nó như một thứ quyền sinh hoạt bình thường của mọi con người. Và khi đã xác định đó là tài sản của nhà nước thì cùng một lúc không thể lại là tài sản của từng cá nhân. Mặc dù thứ đó đã được công nhận là quyền của người dân.
"Vướng mắc" chính là ở đó. Rối rắm cũng chính là ở đó. Nếu công nhận quyền sở hữu đất đai thuộc về từng cá nhân thì trái với "đường lối," ngược với "chủ trương" của nhà nước. Nó có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cái hệ thống tư tưởng mà nhà nước đang theo đuổi. Cho nên cứ phải để nó là "quyền sử dụng đất" chứ không ai dám đề nghị cho nó cái danh chính ngôn thuận là "quyền sở hữu." Mà thực tế nó đã và đang là quyền sở hữu. Tôi cho rằng đó là cái lý do "tế nhị" mà ai cũng biết nhưng không ai nói ra.
Bởi thế nên mới có cái sự "giấy hồng, giấy đỏ" ra đời. Bạn muốn gọi là "giấy" cũng được mà gọi là "sổ" cũng được, điều này thì không ai cấm.
Khi người dân còn chưa hết băn khoăn xung quanh câu chuyện về "sổ đỏ," "giấy hồng" nay lại hoang mang về chuyện rồi đây "giấy xanh" sẽ ra đời cùng với dự luật đăng ký bất động sản mà Bộ Tư pháp vừa đệ trình Chính phủ.
Ta chạy vòng vòng, ta chạy vòng quanh
Theo lời giải thích của cơ quan có "sáng kiến đổi mới" này thì sổ hồng" và "sổ đỏ" có hai thứ tội:
"Hiện nay 2 loại giấy chứng nhận đối với bất động sản là "sổ đỏ" và "sổ hồng" đều có những bất cập. "Sổ đỏ" thì mới chỉ xác định được người quyền sử dụng đất; còn tài sản, bất động sản trên đất thì chưa rõ ai là chủ sở hữu. Hơn nữa, quá trình bất động sản trên đất biến động cũng không được làm rõ trong "giấy đỏ." Còn "sổ hồng" thì hiện nay mới điều chỉnh nhà ở đô thị. Ý tưởng về "giấy xanh" sẽ giải quyết những bất cập này."
Thế ra từ bao năm nay người dân và nhà nước đều làm việc với nhau qua những thứ "bất cập" đó. Nếu là sổ đỏ xác nhận được quyền sở hữu thì mọi thay đổi, mọi biến động đều có thể ghi trên đó chứ tại sao lại chỉ có cái giấy xanh mới ghi được những thay đổi" Nếu cứ mỗi lần nhận thấy một "bất cập" cần phải bổ sung lại thay một thứ giấy khác thì đến bao giờ người dân mới biết chắc rằng đó là thứ văn bản có giá trị. Phải chăng mọi giá trị đều chỉ là phù du" Người dân biết tin vào đâu"
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Tống Văn Nga, trong văn bản gửi Bộ Tư pháp nhấn mạnh, các quy định này "không phù hợp với thực tế, trái với các quy định của pháp luật hiện hành và gây ra nhiều phức tạp không cần thiết." Theo ông Nga, Điều 48, Luật Đất đai quy định: "Chủ sở hữu của tài sản phải đăng ký quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật về đăng ký bất động sản," có nghĩa là người có tài sản phải được Nhà nước công nhận quyền sở hữu trước khi thực hiện hành vi đăng ký. Như vậy, việc đăng ký bất động sản không đồng nghĩa với việc "xác lập quyền sở hữu bất động sản."
Câu chuyện về "giấy xanh" một lần nữa bộc lộ sự thiếu thống nhất trong quan điểm về quản lý đất đai và tài sản liên quan giữa chính các cơ quan quản lý nhà nước.
Khi Bộ Xây dựng đưa ra cơ chế chứng nhận quyền sở hữu nhà ("sổ hồng"), nhiều ý kiến đã tranh luận quyết liệt về vấn đề nên có "1 giấy" hay "2 giấy" về "quyền sử dụng" và "quyền sở hữu" nhà đất. Và cuối cùng, Thủ tướng VN đã chọn giải pháp "2 giấy." Nay dự thảo Luật Đăng ký bất động sản lại đưa ra giải pháp "1 giấy.
Tất cả cứ chạy vòng vòng, chạy vòng quanh. Thế thì đến thánh cũng phải ngẩn ngơ chứ nói gì đến dân.
Cả đến "quan chức" cũng lúng túng. Lại quay về "thủ tục đầu tiên"
Những người dân đã có "sổ đỏ," "sổ hồng" sẽ phải chịu thêm một thủ tục chuyển đổi nữa mới đưa được bất động sản của mình ra giao dịch. Những thủ tục này, chắc chắn là sẽ nhiêu khê, phiền hà vô cùng. Hàng chục triệu "sổ đỏ," hàng triệu "sổ hồng" đã được cấp sẽ mất hết giá trị, gây lãng phí về tiền bạc và công sức. Theo "dự kiến" thì việc này sẽ tiêu tốn khoảng 150 tỉ đồng nữa. Việc quy định thêm một loại giấy khác nữa là không cần thiết và có thể làm phát sinh nhiều phiền toái: thêm một cửa hành chính, thêm thủ tục hoán đổi giấy...
Trong khi việc "cải cách" về sổ đỏ sổ hồng vừa mới ban hành, đang được các cơ quan nhà đất ở các địa phương còn rất lúng túng, chưa thể giải quyết 10% công việc, rồi chuyện một cửa, hai cửa, còn đang phân công rối tinh rối mù thì lại thêm cái dự thảo "giấy xanh" làm chính những "ông quan địa chính" từ lớn đến nhỏ cũng phải méo mặt. Nhiều "quan chức" cho rằng phải năm ba năm may ra mới hoàn thành được mớ công việc khổng lồ này. Một giấy hay hai giấy vẫn còn đang là vấn đề nan giải, nay lại thêm giấy xanh thứ ba. Như thế vài chục năm nữa may ra cái thứ nhà cửa đất đai chỉ có một giấy như cái giấy xanh mới được hoàn tất. Ngay lúc này, người có nhu cầu mua bán đất đai chẳng còn biết làm cái thứ giấy nào cho đúng với thủ tục hành chánh. Muốn tuân theo pháp luật của nhà nước cũng là chuyện khó khăn, nếu không có ai lo giùm chẳng bao giờ xong được. Mọi thủ tục lại quay về với "thủ tục đầu tiên." Người nhà nước có quyền từ chối những gì không muốn làm, bởi chưa có "hướng dẫn rõ ràng" hoặc "chờ quyết định mới" của cấp trên. Ông ta đúng! Và khi ông ta muốn làm thì cứ áp dụng sự linh động trong mọi thứ quy định là có thể làm được tuốt hết, không có gì trở ngại, đó là cách "giúp dân," thông cảm với dân, cách làm sáng tạo và đầy nhiệt huyết của "cán bộ."
Để lý giải cho sự việc "văn minh tiến bộ" này, ông Phó cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia đã chỉ ra: "Không riêng ở Việt Nam, mà ở nhiều nước khác, chẳng hạn như Nhật Bản, quá trình đăng ký quyền sở hữu bất động sản cũng diễn ra cả trăm năm mới thành nền nếp."
Hy vọng rằng một trăm năm sau, sẽ không có ông Phó Cục nào lại bắt chước Mỹ hoặc Châu Phi làm thêm trăm năm nữa cho luật đất đai ở VN nó hoàn hảo hơn thì con cháu chúng ta ở cái đất nước này mừng quá xá.
Nhà không được sửa, đất không được đổi, mưa nắng mặc bay
Đấy là chưa kể đến nỗi khổ của những những người dân có nhà cửa đất đai ở những khu quy hoạch treo mà đã biết bao lần những ông "chính quyền địa phương" hứa hẹn sẽ giải quyết dứt điểm mà chưa bao giờ dứt điểm. Nhà của mình, đất của mình mà muốn làm bất cứ cái gì đều không được bởi cái bản giấy vẽ quy hoạch của địa phương.
Một thí dụ điển hình ở một thành phố xa, không phải là một thành phố phức tạp bề bộn như Sài Gòn hay Hà Nội mà cũng có chuyện "đi thì dở ở không xong."
Năm 1994, TP Quy Nhơn có kế hoạch mở đường Chương Dương với chiều dài khoảng 500 mét, nối đường An Dương Vương và đường Tây Sơn. Sau hơn 10 năm thực hiện dự án, con đường này vẫn chưa đâu vào đâu, đến nay mọi chuyện vẫn còn trên giấy... vẽ hình chú Cuội.
Sự chậm trễ này đã gây ra quá nhiều hệ lụy cho những người dân trong diện giải tỏa. Ông Nguyễn Đình Thê, đại diện cho những gia đình nói trên cho biết: Suốt nhiều năm nay, chúng tôi sinh sống trong cảnh "tiến thoái lưỡng nan," đi thì không có chỗ để đến, ở lại thì thấp thỏm lo âu. Những gia đình có con cái, cháu chắt đông đúc lại càng khổ sở gấp bội phần. Nhà cửa vốn đã xuống cấp lại trở nên chật chội, tù túng hơn mà không dám làm thêm, không dám chỉnh sửa vì cơ quan chức năng đã lập biên bản kê khai đền bù. Không chỉ có vậy, mỗi khi trời mưa, nước ngập hết các khu nhà, bà con ở đây không biết xoay xở ra sao (vì đường đã làm ở hai đầu, chỉ còn một đoạn khoảng 80m ở giữa bị "ách" lại). Nhiều lần đề nghị với các cơ quan chức năng, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời là tiếp tục cố gắng... chờ! Bà Vũ Thị Tuyết nói: "Vì diện mạo thành phố, chúng tôi tình nguyện dời nhà đi nơi khác, nhưng chờ đợi dài cổ, đến nay... cổ vẫn dài. Sau 10 năm, các con của tôi đã lập gia đình, có con cái nhưng vẫn không được tách riêng nhà vì đã nằm trong diện quy hoạch, giải tỏa."
Chuyện đó đã và đang xảy ra từ thành phố lớn đến thị trấn nhỏ.
Thôi thì ta cùng cơ quan "chức năng" cứ chạy vòng vòng, cứ chạy vòng quanh như các em nhỏ cho nó vui. Đỡ mất tiền liên hoan ca vũ nhạc.

Về địa chỉ của "người lính cũ"

Trong một số báo trước, tôi có bài viết về "người lính cũ." Gần đây tôi nhận được thông báo của một số báo và bạn đọc về địa chỉ của anh lính quân y Phan Văn Phước gặp một vài trở ngại. Vì thế nên sự giúp đỡ của một số vị hảo tâm chưa đến được với anh Phước. Đó là một điều rất tiếc.
Anh Phước cho biết sau khi bài viết của tôi được gửi đi, anh phải đi làm ở nhà người hàng xóm bên cạnh nên không có mặt ở nhà và căn nhà đó là nhà của anh chị anh, thường không có người ở nhà.
Thứ hai là những dịch vụ chuyển tiền từ nước ngoài về đến Sài Gòn thì có dịch vụ chịu đi giao tiền cho người ở các tỉnh xa, kể cả vùng Năm Căn, Cà Mau. Nhưng cũng có dịch vụ không chịu đi xa, đôi khi họ gửi qua Bưu diện địa phương của người nhận.
Tuy vậy, trong những ngày vừa qua anh Phước cũng nhận được một số tiền của đồng đội và của những vị có lòng hảo tâm do dịch vụ ở Sài Gòn mang đến tận nhà hoặc bưu điện xã Lộc Thái mời đến nhận. Anh Phước nhờ tôi chuyển lời cảm tạ đến những vị có lòng hảo tâm đó:
Anh Phước đã nhận được 100 đô-la của các bạn ở Nhóm Hoa Tình Thương ở Toronto - Canada và đã có hồi âm. 50 USD của bà T.T.Ha ở Mỹ, vì không có địa chỉ nên anh chưa thể hồi âm được. 100 đô la của một vị cựu sĩ quan TLC ở Úc, 100 đô la của một vị ân nhân ở Úc và 3 triệu đồng VN của tòa soạn báo Văn Nghệ Thời Báo ở Úc. Khi tôi đang viết bài này, anh Phươc cũng báo tin đã nhận được thêm của Bà Phạm Thị Yến gửi 200 đô la do dịch vụ Ngân hàng Đông Á, chuyển đến nhà. Một chi tiết khá lý thú khác là ông LH ở Canada, gửi về cho anh một cuốn "Dịch cân Kinh" để anh chữa bệnh và thêm sức khỏe "để trước là đi làm và sau là lập gia đình."
Còn một số vị khác, anh Phước biết rằng có gửi đến nhưng anh chưa nhận được có lẽ vì một trong hai lý do trên đây.
Vậy ở đây, tôi ghi lại địa chỉ hiện nay của anh Phước và số CMND của anh cho rõ ràng hơn để tiện cho các vị độc giả liên lạc:
Ông Phan Văn Phuớc, CMND số 280227836, Tổ 1, Ấp 3, Xã Lộc Thái, Huyện Lộc Ninh, Tỉnh Bình Phước. VN
(Không phải ấp 5 như tôi đã ghi trong bài trước, dù mỗi ấp chỉ có vài gia đình, nhưng ghi như thế cho chính xác)
Xin cảm ơn quý vị.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.