Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

09/06/200900:00:00(Xem: 2980)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.


Thấy những chuyện khó nghe, khó nhìn, tôi kéo tay Hính và Chăn đi vào buồng. Buổi tối hôm ấy, sau khi cán bộ trực vào buồng điểm xong bước ra, anh Nguyễn văn Tâm kỹ thuật tổ may, đứng giữa buồng nói to:
- Tôi được lệnh của cán bộ, xin các anh vui lòng lần lượt đến tôi để đo, sau này cắt may quần áo!
Cả buồng xôn xao suy đoán, là sắp được trao trả rồi. Nhất là, từ ít tuần nay, ra đường chúng tôi được gặp cán bộ trại, nam cũng như nữ cho đến cả anh Đại y tá, thái độ tình cảm, niềm nở khác thường. Thậm chí bà Hoàng cán bộ y tế của trại, khi bất ngờ gặp tôi trước khu ban giám thị, đã cong cớn chì chiết:
- Về miền Nam, thì đừng quên miền Bắc nhé!
Tôi chỉ cười, mà không nói gì; tôi hiểu chuyện đời không đơn giản như 2 + 2 = 4. Nhưng nhìn lại mọi vấn đề, từ hiện tượng, đến thái độ lời nói của cán bộ của Bộ, của trại kể cả giám thị trưởng là ông Nguyễn thành Cửu cũng thế. Một hôm tôi ở ngoài lán mộc, ông ghé qua xem cái giường đôi, tôi và Chăn đang làm dở. Trong một câu chuyện vui ông vồn vã nói:
- Sau này, anh còn làm gì đến cái nghề này nữa"
Tôi coi như ông ta nói đùa nên trả lời:
- Thưa ông, đây là nghề kiếm cơm của tôi, Đảng và nhà nước đã giáo dục dậy cho tôi cái nghề này, làm sao tôi bỏ được!
Tóm lại với cái nhìn và cái hiểu của tôi, từ cán bộ Bộ, cán bộ trại họ đều đinh ninh, tin tưởng là số biệt kích gián điệp này, sẽ được trở về với gia đình ở trong Nam. Đến ngay bản thân chúng tôi, hầu như ai cũng nghĩ như thế (Họ làm sao hiểu được chủ trương, thâm mưu của bộ chính trị"). Riêng tôi, nhiều đêm ngày nghĩ suy, qua sách vở, qua phim ảnh kết hợp với kiến thức của mình. Rất nhiều sự việc trong thế chiến I và II, chuyện cổ, chuyện kim cho tôi hiểu đừng thấy đỏ mà kết luận là đã chín. Ông bà mình vẫn thường ca thán: Leo cây đã đến buồng rồi, mà vẫn không được ăn v.v…
Có những chuyến tàu trao trả tù binh; ra tới giữa biển thì nổ tan tành, chìm mất tiêu cả người áp tải, đến tù binh. Vậy phải thận trọng tối đa, với điều kiện có thể. Suy nghĩ như vậy, một buổi tối cuối tuần, tôi đã gọi Nông văn Hính và Lầu chí Chăn; những hạt nhân đã được tôi luyện, thử thách. Sau khi tôi đưa ra ý kiến, và trình bày chung quanh sự việc; các anh đều thấy cái nguy hiểm: Có khi ở tù mãi không sao, nhưng phút cuối cùng tưởng chim đã xổ lồng, sẽ thực hiện những mộng đẹp, đã xây từ bao ngày tháng trước đây, lại trở thành Zêrô vào gió bụi.
Nghe tôi đưa ra sự việc như vậy Chăn và Hính đều có nét tư lự, suy tư. Thấy vậy, tôi cười kể cho Hính và Chăn nghe một sự việc người thật, việc thật như sau:
- Qúa lâu ngày tôi không còn nhớ rõ do ai và bao giờ, nhưng có một anh ở trong tù bị bắt về tội vượt tuyến kể lại. A! Tôi nhớ ra rồi, anh ta là Nguyễn chí Sơn, tình báo đặc công cấp huyện, tập kết từ trong Nam ra Bắc của CS. Năm 1964 anh ta muốn vượt tuyến (qua giới tuyến 17) vào miền Nam. Sau nhiều những chuẩn bị, luồn lọt, lắt léo, công phu, anh mò vào đến bờ sông Bến Hải. Cái đêm hôm ấy, ra tới bờ sông, anh nhìn giòng nước lững lờ chảy ra phía cầu Hiền Lương, tâm hồn anh thanh thoát lâng lâng, với bao nhiêu mộng đẹp ngày mai. Anh nghĩ, biết bao nhiêu gian nan, khổ cực anh đã trải qua, chỉ còn một giòng sông này nữa và anh đã trườn nhẹ xuống nước, để bơi sang kia bờ. Khi tới bờ bên kia, tuy mệt, nhưng sự sung sướng đã làm anh, quên cả mệt. Để thưởng nhận cái phút linh thiêng ban đầu của tự do, anh đã giang tay nằm xấp, ôm lấy mảnh đất tự do, qúy yêu của miền Nam. Ở giữa đám cây rừng, miệng anh gào to cho thỏa, cái sướng vui trong lòng: Ôi! Tự do đây rồi! Ta đã được tự do rồi! Ngay lúc đó, hai tên CA thường phục, bẻ giật hai tay anh ra sau lưng khóa lại. Chỉ vì giòng Bến Hải, chỗ đó có một giòng nhánh, mà theo vĩ tuyến 17 thì nó vẫn còn thuộc bờ Bắc khu phi quân sự.
Trong niềm hưng phấn, lẫn lộn nỗi ưu lo, tôi hay thơ thẩn một mình ra những chỗ vắng vẻ trầm ngâm suy tư. Tình cờ tối hôm qua ở ngoài hội trường, nhìn thấy anh Tarzan dễ mến. Người thợ máy trên con thuyền định mệnh đã đưa tôi ra Bắc năm 1962, mừng rỡ, tình thâm tôi bắt tay anh mà giữ mãi chẳng muốn rời. Thấy anh đang chuyện trò với một người nữa, tôi chỉ mỉm cười, anh Tarzan (Nguyễn Phương) vẫn cầm tay tôi, hất hàm về người đó:
- Đây là anh Hưng 10 năm xưa, cũng là thủy thủ đưa anh đi chuyến đó!
Tôi mững rỡ ra mặt, cũng bắt tay, nhưng không thể nhận ra anh; làm sao mà nhớ được! Nhân dịp này tôi tíu tít hỏi hai anh về chuyến đi, bị bắt của các anh; đồng thời tôi mong muốn được gặp lại bác thuyền trưởng già ngày ấy. Anh Hưng rối rít chạy vào buồng, rồi cùng ra với 2, 3 người nữa, anh Hưng chỉ một bác đã có tuổi nói nhè nhẹ:
- Đây là bác Vy tiến An thuyền trưởng!
Câu chuyện hàn huyên rôm rả, nhưng cũng có nhiều tiếng thở dài. Nhóm thủy thủ do bác Vy tiến An làm thuyền trưởng, gồm 11 người bị bắt ở ngay bên ngoài cửa sông Gianh, ngày 28/ 6/ 1962. Như thế chỉ đúng một tháng sau (ngày tôi ra Bắc 28/5/1962), các anh đã bị bắt rồi ở một chuyến khác. Thương các anh, các bác và tôi cũng thương tôi nữa. Cho đến nay tôi được biết 11 người Hải thuyền đó: Vy tiến An. Thuyền trưởng chết ở trại tù Thanh Phong Thanh Hóa 1981. Hoàng Bài, Thủy thủ hiện ở California. Hoàng Cung, Thủy thủ hiện ở California. Nguyễn Hưng, Thủy thủ chết ở trại tù T52 Hà sơn Bình. Nguyễn Phương (Tarzan) thợ máy, hiện ở Tortine Cali. Hoàng Thêm, Thủy thủ hiện ở Cali. Hoàng Thủ, Thuỷ thủ hiện ở Cali. Hoàng Xuân Tình, Thủy thủ, hiện ở Cali. Nguyễn Hòa Thủy thủ, hiện ở Cali. Trịnh văn Truyện, Thủy thủ, hiện ở Florida. Nguyễn Thiện, Thủy thủ, chết ở trại tù Cổng Trời, Quyết Tiến.
Ngay buổi tối, đến lượt tôi được đo giầy, đo quần áo, tôi tần mần cứ nhìn anh chàng Tâm đo chiều này, chiều kia. Đầu lại suy nghĩ về cái toán người Nhái của anh, vụ án sông Gianh, tôi đã tường thuật ở tập 3 Thép Đen. Ra Bắc 26/ 6/ 1962. Vụ của anh có 4 người là: Lê văn Thảo, chết ngay khi bấm nút mìn, nhầm từ 2 giờ thành 2 phút. Nguyễn văn Tâm, Toán phó, hiện ở Cali. Nguyễn văn Chuyên, Toán trưởng không rõ. Lê văn Kinh, hiện ở Florida.
Khi Tâm đo gần xong, đột nhiên tôi hỏi:
- Anh có biết anh Chuyên sống chết ra sao không"
Anh chỉ nhìn tôi, như ngỡ ngàng rồi lắc đầu. Trong đầu tôi lại loé lên một ý nghĩ: Không biết có liên quan gì, giữa chuyến của Lê văn Kinh, toán người nhái (Frogman), và cuả bác thuyền trưởng Vy tiến An hay không" Tôi chưa có điều kiện hỏi.
Đã hơn một tuần rồi từ cái hôm Hính, Chăn và tôi bàn đến sự an nguy của chuyến tàu về Nam. Hôm nay, tôi có ý định gặp lại hai anh, thấy hai anh không có ý kiến gì; tôi đành phải thong thả trình bày:
- Vì sự sống còn của bản thân chúng ta, phải cần ít nhất 5, 7 người, tương đối bén nhậy tinh nhanh, phân công đều khắp những nơi cần thiết của con tầu, nâng cao cảnh giác tối đa: Mọi hiện tượng không bình thường, bất kỳ của thủy thủ đoàn, cũng như những thành phần của đối phương liên hệ. Tóm lại, không bỏ qua bất cứ một hiện tượng nào nghi ngờ, thái độ, ánh mắt của họ nhìn nhau v.v… Chúng ta đều ít nhiều có một chút chuyên môn, về mìn và chất nổ.
Hính và Chăn đều đưa ra ý kiến là phải có một người, chịu trách nhiệm điều hành, và đặt tên là gì" Tôi cũng lúng túng, xưa nay mình có quen kiểu đó đâu, nên nói đại: Hay là cứ tạm thời đặt là "Ủy ban hành động". Lúc này chỉ cần 3 chúng ta, sau này diễn tiến tới đâu, mỗi người chúng ta đều nhắm, dự trù 2 người, như tiêu chuẩn đã nói. Khi gần cuối chúng ta mới báo, đưa họ vào ủy ban. Giữa 3 người (ý kiến 2 anh), tạm thời tôi làm tổ trưởng điều hành.
Buổi tối, khi sinh hoạt tổ, toán xong, Chăn ghé tai tôi:
- Anh Bình có muốn gặp mấy anh bộ đội miền Bắc, bây giờ là biệt kích không"


Tò mò, tôi nhận lời ngay, cuối cùng tôi đã gặp 3 anh: 1) Nguyễn thế Hiên, Tiểu đội trưởng bộ đội Việt cộng. 2) Lò khâm Thái, bộ đội VC. 3) Nguyễn đình Linh, Đại đội trưởng bộ đội VC. Ba anh này đều là bộ đội của CS, đóng quân ở Hòa Bình đã đào ngũ, trốn sang Lào rồi vào Sài Gòn. Sài Gòn đã tuyển mộ để huấn luyện tình báo, trở thành Biệt Kích. Ba anh đều đi bổ sung, cho một toán biệt kích đã hoạt động ở miền Bắc, các anh bị bắt ngày 9/ 9/ 1962.
Điều đáng đau lòng, với những tiếng thở dài cho tới nay, tôi được biết cả 3 anh đều đã sang bên kia thế giới. Riêng anh Nguyễn thế Hiên, một lần đã cướp súng của một tên công an võ trang ở trại tù Thanh Phong Thanh Hóa, chạy vào rừng. Bị chúng truy đuổi theo và đã bị bắn chết đầu 1980. Giờ đây, tôi được biết 2 anh Thái và Linh cũng bị chết do cùm kẹp ở trại Thanh Phong. Tôi xin kính cẩn thắp nén hương lòng, cầu chúc cho linh hồn, các anh với lòng kính trọng, và biết ơn của tôi.
Đến đây, lòng tôi cũng nhiều day dứt không thể ghi nhớ được nhiều sự việc một cách rõ ràng. Nguyên nhân chính từ dạo đó (1972), tôi có nghĩ đâu sẽ có một ngày, được ngồi viết lại chi tiết những sự việc đã trông thấy, đã trải qua"
Buổi sáng ngày 20- 11-1972, khi F3 tập họp để đi làm như mọi ngày, tên trực trại đọc 3 tên ở lại trại: Lưu nghĩa Lương. Lê văn Bưởi. Đặng chí Bình. Cả 3 chúng tôi đều nghĩ, lại sẽ lên gặp cán bộ của bộ. Sau khi F3 đã xuất trại gần 1 giờ, tên trực trại lại vào F3, y chỉ tay vào chúng tôi, cao giọng rõ ràng:
- Hai anh hãy chuẩn bị tất cả công tư trang của 2 anh, 15 phút nữa ra chờ phía cổng F3.
Chúng tôi nhớn nhác, vừa buộc gói chăn màn xong thì một tên cán bộ đi vào; thì ra là tên Bùi huy Tập, cán bộ giáo dục của trại; chúng tôi đã nhẵn mặt. Hôm nay y rất lạnh lùng:
- Các anh ôm chăn chiếu theo tôi!
Tôi quay lại nhìn anh Bưởi, vừa như chào, vừa ngỡ ngàng không biết thế nào" Khi chúng tôi ra tới cổng trại, có một tên công an võ trang từ cổng tách ra, đi sau chúng tôi. Tên Tập đi trước rẽ về phía đường ra trại 1 (Dù đi tỉnh nào, cũng phải đi ra trại 1 rồi qua phố Lu).
Loay hoay hơn 3 cây số đường rừng, dù trời đã vào chớm Đông mà tôi và Lương cũng toát mồ hôi, vì đi bộ và ôm, vác. Nhưng cái làm chúng tôi mệt hơn cả là lòng hoang mang, không biết chúng đưa chúng tôi đi đâu, rời chỗ đang ăn uống no nê bồi dưỡng v.v…"
Khi tới cổng trại 1, tên Tập ra hiệu tay cho hai chúng tôi đi vào. Lại một bất ngờ nữa, có trời mới hiểu, chúng định làm gì" Rồi y chỉ tay tiếp, rẽ vào ngôi lán ở sát cổng. Đây là toán lâm sản, của những người tù chính trị địa phương. Nghĩa là chúng tôi lại trở về tù, như mọi khi, ăn chế độ 12 đồng. Phần vì mệt, nhưng cái chính là nỗi buồn hoang mang. Đời lại rơi xuống hố đen thẳm, như trước đây; vì thế cả Lương và tôi đều vất chăn màn vào chỗ chỉ định rồi nằm vật ra, im lìm như ngủ. Đến bữa, mấy anh toán lâm sản giục đem bát ra chia cơm, cả Lương và tôi chẳng còn thiết ăn uống gì, nên đều nói:
- Xin mời các anh chia cả cho toàn mâm, hôm nay chúng tôi không ăn!
Nằm im như ngủ, nhưng lòng tôi đang nghĩ lại trong đó, K3 đang ríu rít anh em ăn uống thịt cá, còn chúng tôi thì hết rồi! Nhìn sang Lương nằm bên cạnh, tôi đoán chắc Lương cũng chẳng hơn gì tôi.
Khoảng 2 giờ chiều, lại thấy anh Lê văn Bưỏi, mặt cũng dài và nhăn như cái giẻ, ôm chăn chiếu bước vào. Thủ đoạn gớm thật, một chút cũng thủ đoạn, chỉ có một con đường ngắn, từ K3 đến K1 hơn 3 cây số, ba chúng tôi chúng phải đưa làm 2 lần.
Tôi tin rằng tất cả các anh em biệt kích, ở F1, F2, F3 không một ai biết là ba chúng tôi, đang ở ngay K1 này. Đúng như thế, cụ thể mới đây trong một lần, tôi đi Cali để tìm tòi lại những dữ kiện, chuẩn bị viết cuốn Thép Đen 4, là cuốn cuối cùng cho xong món nợ nhỏ nữa, với quê hương. Một bữa có 7 người ngồi ở phòng khách của nhà anh Hồ văn Sinh, trong đó có 5 người là Biệt Kích, có cả bác Hà văn Chấp, toán trưởng của toán biệt kích đầu tiên ra miền Bắc. Trong tù chúng tôi đều gọi là bác, năm nay bác đã 85 tuổi.
Tên toán của bác là CASTER (Mỹ là CASTOR), gồm 4 người ra Bắc ngày 27- 5-1961, do Nguyễn Cao Kỳ lái, địa bàn hoạt động thuộc Sơn La, Lai Châu. Hà văn Chấp Toán trưởng, hiện nay ở Cali. Đinh văn Anh, truyền tin trưởng, hiện nay ở Cali. Lò văn Piếng, truyền tin phó. Tôi nghe loáng thoáng đổi hay ghép người, phái đoàn Mỹ phỏng vấn, anh bị từ chối, nên vẫn còn ở VN. Quách Thức, hiện nay nghe nói đã chết ở VN.
Đúng một tháng sau, chuyến bay C47 (Cò trắng) do Phan Thanh Vân lái ra để tiếp tế ngày 2/7/1961, bị hạ ở Cồn Thoi, Ninh Bình. Tôi đã tường thuật ở Thép Đen III. (Hiện nay, tôi có bản viết như hồi ký " Người về từ cõi chết ''. Ký tên ''Cò trắng Phan Thanh Vân". Nếu không có gì trở ngại, tôi sẽ in nó vào phần cuối tập này).
Trở lại ngôi nhà anh Hồ văn Sinh, tôi nhớ hôm đó là 16-11-2003. Có 7 người gặp nhau họp mặt, 5 biệt kích là. 1- Hà văn Chấp. (Đã nói ở trên) 2- Đinh văn Anh. (Đã nói ở trên) 3- Lưu nghĩa Lương. Đã nói về Lương trong tập 2 Thép Đen. 4-Đặng chí Bình. 5-Phạm ngọc Ninh. Trong toán Hadley, 11 người do Lê văn Ngung làm toán trưởng, bị bắt 26-1-1967. Còn hai người không phải biệt kích là anh Phan Nhật Nam và anh Nguyễn Chí Thiện.
Trong một câu chuyện, đề cập đến buổi VC gọi đưa anh Bưởi, tôi và Lương đi. Anh chàng Ninh phát biểu, như khẳng định.
- Khi đó và ngay cả bây giờ chúng tôi cứ nghĩ, nó (CS) đưa các anh ra để tha trước!
Anh Bưởi thì chết ở NY rồi. Tôi và Lương ngồi đấy, đều cười và nói:
- Nó chuyển ra ngay K1 rồi đưa sang trại Phong Quang.
Nhưng Phạm ngọc Ninh vẫn cho là chúng tôi nói đùa chứ anh tin là CS đã tha chúng tôi rồi. Dù chuyện của 3 người, mà 2 người ngồi đấy là hai chúng tôi đều khẳng định, VC đưa chúng tôi vào tù trở lại. Ninh vẫn cứ tưởng chúng tôi nói vui đùa. Thấy vậy, tôi nghiêm mặt hỏi Ninh:
 - Em nghe ai nói thế" Khi đó em đang ở trong F1, F2 mà. (vì Ninh nhỏ hơn tôi hàng chục tuổi, nên tôi vẫn gọi thế từ khi biết nhau).
Ninh thẳng thắn trả lời ngay:
 - Khi họ đưa các anh đi tha, F3 ai cũng biết, kháo nhau ầm lên, hai ngày sau tin đó mới vào F1, F2 chúng em!
Tôi trình bày chi tiết một sự việc để thấy rõ cái thủ đoạn lắt léo, lừa lọc của CS. Sự việc của 3 người, mà 2 người còn sống ngồi ngay đấy, Ninh còn không tin. Nếu 1 hoặc cả 2 chúng tôi đều chết, thì ai mà thanh minh" Ngay buổi tối, khi ở nhà anh Sinh về Lưu nghĩa Lương, đã hỏi thẳng tôi:
- Em vẫn chưa hiểu hoàn toàn, CS lắt léo vụ 3 anh em mình ở K3 ngày ấy, thì họ có lợi gì" Tôi nhìn Lương bằng đôi mắt nheo nheo như cười; như muốn nói với Lương: Tôi biết Lương cũng hiểu nhưng, muốn thử xem trí của tôi, còn sài tạm được hay không mà thôi; hay đã lú lẫn, lẩn thẩn rồi; dù thế tôi cũng nói:
- Do anh em mình mỗi người đều phải mưu sinh; không có điều kiện chuyên trách ngồi nghiên cứu, đào sâu, xét kỹ những thủ đoạn lắt léo, lừa lọc của CS, cho nên chúng ta khó thể quán triệt. Tuy thế trong trường hợp này, anh cũng thấy CS có 3 điểm lợi chính:
1/ Bọn biệt kích gián điệp này chúng không muốn trả về miền Nam. Như một con nợ không muốn trả, mà người đòi lại lịch sự, hòa nhã, tư cách kiểu salon, bàn giấy thì chúng giấu bớt đi. Trước hết là những thành phần đi lẻ, không là một tập thể như một toán biệt kích, có sự ràng buộc liên đới với nhau. Chúng có muôn ngàn lý do nói về những cá nhân này: Anh ta đã chết bịnh ở một trại nào đó, năm nào đó. Ở trại X, anh ta đã trốn vào rừng, nghe đâu đã chết rồi v.v…
2/ Đây là những anh đã thực sự cải tạo tốt nhất; đã tố cáo mọi sai trái, để giúp đỡ những người chung quanh tiến bộ, vì thế Đảng và nhà nước đã tha, cho các anh ấy về với gia đình trước v.v… Niềm khích lệ, niềm cổ vũ cho những ai còn mơ hồ.
3/ Trong đám biệt kích còn lại, có những người sâu sắc suy đoán: Có thể chúng đem 3 người đi vào rừng thủ tiêu; chứng cớ chúng đưa đi 2 đợt, dù chỉ có 3 người. Gây ra những áp lực ngầm lo sợ cho bản thân mỗi người, hãy ngoan ngoãn yên lành, chịu đựng như thế.
Nói về cái thủ đoạn lọc lừa của CS thì nói mãi cũng không cùng. Tôi nhớ lại một sự việc ở Hội Nghị Genève 20-7-1954. CS đã làm cho thế giới, trắng mắt ra mà nhìn. Hội Nghị Genève có Ủy hội Quốc Tế 3 nước, một nước trung lập là Ấn Độ làm Chủ Tịch, còn 2 nước ở 2 phe: CS có Ba Lan, tự do có Canada.
Uỷ hội QT này có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, xem xét 2 phía, thực thi những điều khoản của hội nghị. Riêng điều khoản, dân chúng 2 miền Nam Bắc vĩ tuyến 17 được toàn quyền, ở lại hay sang phía bên kia sống, tùy theo ý muốn.
Đối với dân chúng miền Bắc thì Ủy hội và thế giới khỏi lo: Vì chính phủ VC đã tuyên bố rõ ràng: Chính quyền của chúng tôi từ dân mà ra, cho nên mục tiêu là phục vụ người dân. Nếu dân muốn, không những chúng tôi làm theo mà còn tạo mọi điều kiện thuận tiện dễ dàng, cho họ làm theo ý muốn.
Đến giai đoạn các điều khoản bắt đầu có hiệu nghiệm thực thi. Trong hội nghị, những buổi liên hoan tiệc tùng, họp hành CS cũng đã tuyên bố rõ, nhất là với phái đoàn Canada: Trên miền Bắc các ông có toàn quyền đi bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, ngày cũng như đêm để thăm hỏi dân chúng, có muốn di cư vào miền Nam. Nhưng xin các ông cũng thông cảm cho chúng tôi. Mới tiếp nhận, chúng tôi chưa đủ khả năng kiểm soát được hết. Chiến tranh vừa xong, súng ống, đạn dược đây đó còn nhiều, chúng tôi chưa thể quán thấu. Do đấy, nếu các ông muốn đi đến vùng nào, huyện nào xin các ông cho chúng tôi biết nơi và thời gian chính xác, chúng tôi có trách nhiệm giữ an toàn bảo vệ cho các ông. Các ông không còn lạ gì nữa, dân chúng mà mình chưa kiểm soát được, do những căm thù riêng rẽ cá nhân. Họ dùng súng chỗ nào đó ''đoàng" một phát thì nguy hiểm, chúng tôi cũng có phần trách nhiệm v.v…
Mấy ông tư bản của chúng ta, cũng hiểu CS có nhiều độc hiểm. Mình đi làm đây lương năm, lương tháng lo cho vợ, cho con, cho bố, cho mẹ v.v… Xông xáo, xục xạo lắm, chẳng giải quyết được cái gì, nhỡ không may thì khổ vợ, khổ con v.v… Vậy để an toàn cứ nên làm theo CS.
Xin trở lại trại trung ương số 1 phố Lu, Lào Cai. Giai đoạn này chúng tôi tất cả gồm 3 người tâm trạng chán chường, lo âu, lại phải ăn đói, sống cuộc sống lầm than khổ cực. Vì thế ngay khu A chính trị, cách cái sân trại phía hàng rào bên kia, chúng tôi cũng chả cần biết, còn các anh em tù chính trị miền Bắc nữa hay không"  (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.