Hôm nay,  

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 86)

15/01/200800:00:00(Xem: 2459)

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Nghe cụ M nói, tôi cúi xuống nhìn đôi dép râu mình đang đi và nhận ra ngay sự hớ hênh nguy hiểm của mình. Thì ra, trong quá khứ tôi đã có cả hai chục năm đi dép râu nhưng tôi vẫn vô tình không để ý đến những dấu hiệu quan trọng của một người đi dép râu lâu năm. Sự thực ở Miền Bắc trong suốt những năm dài sau 1954, hầu như mọi người đều phải đi dép râu, vì đó là một phương tiện đơn giản, rẻ tiền, hữu dụng và lâu bền cho những người nghèo khổ. Dép râu làm bằng vỏ xe cũ phế thải, cắt theo hình bàn chân để làm đế, phía trên dùng ruột xe cắt thành quai, ở mu bàn chân thì có hai quai vắt chéo hình chữ X, ở cổ chân có hai quai ôm khít phía trước và phía sau. Vì các quai dép đều làm bằng cao su, ôm chặt bàn chân người đi nên người nào đi dép râu lâu, bao giờ trên da hai bàn chân cũng có những dấu quai dép hằn sâu và khác hẳn mầu da còn lại. Còn tôi, vì sau thời gian dài 7, 8 năm không đi dép râu, nay mới đi dép râu trở lại, nên hai bàn chân của tôi không có những dấu vết của người đi dép râu lâu năm. Người nào tinh ý, chỉ nhìn thoáng qua là biết.
Tôi lo ngại hỏi:
- Thưa cụ, bây giờ cháu phải làm thế nào" Hay là cháu... đi giầy"
Cụ M lắc đầu:
- Không, anh đi giầy không được. Từ đây đi đến cửa khẩu Móng Cái cả mấy trăm cây số, lúc thì đi bộ, lúc đi xe, thì giầy nào, chân nào chịu cho thấu. Tốt nhất là anh cứ đi dép râu. Nhưng để tôi chọn cho anh một đôi dép râu cũ cũ, chứ đi đôi dép này mới quá, chân anh lại trắng quá, nên dễ bị để ý. Mình đã là người sống ngoài vòng pháp luật thì đừng làm cái gì, đừng dùng cái gì, để cho người khác để ý...
Ngay buổi tối hôm đó, cụ sai đứa cháu chọn cho tôi một đôi dép râu cũ trong thùng dép cũ của gia đình. Đôi dép vừa vặn chân của tôi nên không phải sửa đổi gì. Cụ bảo tôi đi đôi dép đó rồi lấy đất bùn trộn với ít than bột đắp lên hai bàn chân tôi. Sau đó, cụ lấy vải quấn cả dép lẫn bàn chân tôi lại. Tối hôm đó, tôi lên giường ngủ với cả đôi bàn chân nặng trĩu than đất như vậy.
Sáng hôm sau, cụ M lấy nước tưới vô hai bàn chân của tôi rồi gỡ vải, gỡ bùn. Nhìn xuống hai bàn chân, tôi ngạc nhiên thấy chúng đen đủi. Khi cởi đôi dép râu, tôi thấy những dấu quai cao su hằn sâu trên da hai bàn chân. Như vậy là tôi đã có được đôi bàn chân của người đi dép râu lâu năm.
Cụ M cười bảo tôi:
- Bàn chân của anh bây giờ đi dép râu là rất hợp. Nhìn vô không ai biết là anh mới đi đâu. Vì da của anh trắng, nên tôi chỉ làm cho chân anh ngăm ngăm đen thôi, chứ không muốn làm đen quá, người ta lại để ý. Bây giờ, tôi với anh đi ăn phở rồi về bàn đường đi nước bước từ đây đi Móng Cái...
Tôi ngủ lại nhà cụ M hai đêm, rồi tạm biệt cụ lên đường đi Móng Cái. Đây là chặng đường gian khổ và nguy hiểm nhất cho tôi. Xe đò trên chặng đường này rất hiếm, hầu hết đều là xe nhà binh, hoặc xe của các công sở, chở hàng hóa di tản. Không khí trên các chặng đường từ Hải Phòng đi Móng Cái rất sôi sục khí thế chống Trung Cộng. Đâu đâu cũng đầy cờ xí, khẩu hiệu, loa phóng thanh và những đoàn người hô to các khẩu hiệu chống Trung Cộng, hoặc hát các bài hát khích động lòng căm thù cộng sản Tàu, kêu gọi mọi người sẵn sàng hy sinh bảo vệ tổ quốc.
Chờ đợi xe ở các bến xe khách rất nguy hiểm, vì các nơi này  lúc nào cũng dầy đặc công an, bộ đội. Trên đường đi, các đoàn xe quân sự chở đầy bộ đội, vũ khí, hoặc kéo theo các khẩu đại pháo to nhỏ đủ cỡ tiến về phía biên giới. Ngoài ra, còn có những đoàn xe do bò kéo, hoặc người kéo, chở đầy dây kẽm gai, các bàn chông thép, tiến về biên giới. Coi kỹ các bàn chông thép và hỏi những người kéo xe, tôi được biết, những chông thép này là do các đoàn thể ngoại vi của cộng sản như thanh niên, phụ nữ, học sinh, bô lão... tại các địa phương làm dưới sự chỉ đạo của đảng cộng sản. Chông có đủ loại, to nhỏ khác nhau, nhưng nhìn chung điều giống nhau ở cách thức làm. Chông chỉ có hai bộ phận chính là đế làm bằng xi măng, nhỏ thì bằng chiếc chén ăn cơm, to thì bằng tô canh. Ở giữa có từ ba đến 5 chiếc chông thép có ngạnh, cao thấp khác nhau, cắm sâu vô đế xi măng.
Trưa hôm đó, tôi thấy một cụ già kéo một chiếc xe bò đầy các bàn chông thép, đang ngồi nghỉ ăn cơm nắm ở dưới gốc cây bên vệ đường. Cụ khoảng ngoài 60, râu tóc bạc phơ, mặc bộ đồ bộ đội đã bạc màu, rách như tổ đỉa. Cụ ngồi phệt thoải mái ngay trên mặt đất ăn cơm. Trước mặt cụ là một tầu lá chuối non, chặt vội bên đường. Trên tàu lá chuối là nắm cơm, vài củ khoai, một gói muối nhỏ và bi đông nước. Nói là "ăn cơm nắm", sự thực bữa cơm của cụ chỉ có một nắm cơm nhỏ bằng quả chanh, còn lại là khoai lang chấm muối. Cụ ăn khoai mà không hề bóc vỏ, cứ thản nhiên cầm cả củ khoai để nguyên vỏ, chấm muối, ăn ngon lành. Ăn khoai xong, cụ mới cầm "nắm cơm chim" bằng cả hai bàn tay đưa lên trước mắt ngắm nghía hồi lâu, rồi cụ nhắm mắt lại, đưa nắm cơm lên mũi hít hà một cách say sưa.... Chòm râu của cụ rung rung không ngớt. Hít hà một lúc lâu, cụ mới từ từ cắn từng miếng cơm nhỏ, nhai một cách chậm rãi, tận hưởng cái hương vị tuyệt vời của miếng cơm trắng... Từ lúc cắn miếng cơm nắm đầu tiên cho đến khi nuốt miếng cơm nắm cuối cùng, cụ đều ăn một cách chậm rãi, và mắt luôn luôn nhắm, mũi hếch lên, hai cánh mũi phập phồng... như đang tận hưởng cái hạnh phúc được ăn miếng cơm trắng.


Tôi ngồi cách cụ không xa, ngắm cụ ăn bữa cơm trưa mà thấy xúc động.... nhớ tới không biết bao nhiêu thảm cảnh trong các bữa ăn độn khoai, độn sắn, độn mì, độn củ chuối... dưới hàng triệu mái gia đình Miền Bắc trong suốt mấy chục năm kể từ sau 1954. Tôi biết trong suốt mấy chục năm đó, hàng triệu em bé ở Miền Bắc đã khóc vì thiếu sữa, thiếu cơm, vì không nuốt nổi những miếng khoai hà, sắn thối, hay những cục mì luộc đầy mối mọt, mà nhà nước cộng sản phân phối nhỏ giọt cho mọi người qua chế độ tem phiếu. Quanh những "bữa cơm" thiếu cơm, thậm chí không có cơm, lại luôn luôn vắng mặt chồng, con và những người thân, hàng triệu người mẹ, người vợ đã phải khóc trong âm thầm đau đớn... Rồi tôi nhớ lại ở Miền Bắc sau năm 1954, có một nhà văn, nhà thơ nào đó đã nói, sống ở trên đời được ăn một bữa cơm không độn có chết cũng sướng... Sau 1975, cùng với gót dép râu xâm lăng của cộng sản, thảm cảnh ở Miền Bắc lại lan tràn trên lãnh thổ Miền Nam, và cả hai miền của đất nước cùng chịu chung số phận bị cộng sản đầy đọa, thiếu thốn mất mát đủ mọi thứ, kể cả nhân phẩm.
Ngoài đường phố lúc đó, xe cộ các loại, người già, người trẻ đi lại lũ lượt, bụi bặm đầy trời, nhưng cụ già vẫn thản nhiên ngồi ăn, coi như một mình cụ là cả một thế giới. Cụ biết tôi ngồi cách cụ không xa, đang chăm chú quan sát cụ, nhưng cụ bất cần.
Chờ cụ ăn uống xong xuôi, tôi bước lại mời cụ điếu thuốc. Cụ cầm điếu thuốc, nhìn tôi, mắt hấp háy, vẻ ngạc nhiên, nhưng không nói gì. Tôi ngồi xuống bên cạnh cụ, lễ phép giới thiệu:
- Thưa cụ, con tên là Lai... Còn cụ, quý danh...
Cụ cười ha hả, cắt ngang lời tôi:
- Quý danh!... Tôi từ bé đến lớn nghèo hèn khốn khổ, chả có cái gì là quý thì làm gì có quý danh. Cậu cứ gọi lão là Bò Giếng đi... Lão làm con bò kéo xe cả mấy chục năm nay rồi... Còn Giếng hả" À nhà lão có cái giếng, cả làng đến xin nước, nên họ cứ gọi lão là Bò Giếng. Tên thật của lão thì cũng có chớ, nhưng bà con gọi mãi là Bò Giếng thì mình nghe hoài cũng quên luôn cả tên thật của mình. Hà... hà... Vậy cũng vui. Cậu ở quanh đây hả"
Tôi thưa:
- Con ở Hải Phòng.
Cụ ngạc nhiên:
- Ở Hải Phòng" Từ đó đến đây cũng cả vài trăm cây số. Sau cậu đi xa vậy mà chẳng có hành lý gì là thế nào"
- Con đi thăm người bạn ở Móng Cái.
- Thăm ai thì cũng vậy. Đi xa thì mình phải có hành lý chớ. Nghèo giầu gì cũng phải mang theo bộ quần áo, chớ đi tay không như cậu thì cũng hơi lạ. Vậy nên tôi mới ngạc nhiên tưởng cậu người ở đây...
Nói đến đó, cụ quay nhìn tôi vẻ thăm dò. Tôi tảng lờ như không biết, hỏi tiếp:
- Cụ cho con hỏi, cụ kéo xe chông này đi đâu vậy"
- Tôi kéo lên trên Tịnh Xá. Cậu không biết là bây giờ nhà nước đang lo tụi Tàu cộng nó xâm lăng, nên mình phải lo phòng thủ biên giới, rải chông thép dọc theo sông Ka Long, để lỡ tụi nó chơi trò biển người tràn qua, thì vướng chông nằm đó...
Nghe cụ nói đến đó, tôi lạnh người. Mục đích của tôi trong chuyến đi này là vượt biên giới Việt Trung. Tôi không biết chính xác sẽ vượt biên giới ở chỗ nào. Nhưng nếu như dọc theo biên giới hai nước được rải đầy loại chông thép, đế xi măng này, thì điều đó rõ ràng là một trở ngại đầy nguy hiểm cho tôi.
Tôi lo ngại thăm dò:
- Thưa cụ, biên giới mình với Tàu dài cả mấy ngàn cây số như vậy thì lấy đâu chông thép mà rải cho hết được"
Cụ Bò Giếng lắc đầu:
- Cái chuyện đó nhà nước họ lo. Mình là dân thì chỉ biết thiên lôi chỉ đâu đánh đó thôi. Trên trung ương họ bảo tỉnh, tỉnh bảo huyện, huyện bảo xã, xã bảo làng, làng họp dân lại giao khoán cho từng nhà phải nhận 2000 cụm chông thép đem về đổ xi măng rồi cắm chông vào, chờ khô thì đem lên Tịnh Xá nộp... Đó là nhà ít người. Còn nhà nào đông người thì phải lấy hơn, có khi phải lấy gấp đôi. Nghe đâu cả mấy tỉnh từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Móng Cái cho đến cả Lạng Sơn, Lai Châu, nghĩa là các tỉnh dọc theo biên giới Việt Trung, phải làm mấy chục triệu chông thép để đưa về rải...
- Thưa cụ, vậy xi măng là do dân tự túc"
- Xi măng, cát, chông thép thì do xã cung cấp. Mình thì lo nước và công làm. Mỗi nhà lấy 10 bao xi măng, 10 bao cát, làm 2000 cái chông xi măng, mỗi cái nặng nửa kí lô. Bổn phận chống xâm lăng thì như vậy, nhà nào cũng phải làm. Nhưng ai tình nguyện làm hơn thì nhà nước sẽ phát cho cái giấy khen. Cứ làm thêm 1000 cái thì được một cái giấy khen to bằng bàn tay. Tôi thì tôi chả ham những thứ nấy. Mà của đáng tội, trong làng tôi cũng chẳng có ai ham giấy khen. Thấy kêu gọi mãi cũng chẳng có ai làm, bây giờ trên tỉnh họ giảm xuống còn có 100 cái cũng cho giấy khen.
Tôi hỏi tiếp:
- Tại sao sau khi làm xong, cụ phải chở đến Tịnh Xá" Bộ nhà nước không cho xe hơi đến chở chông đi cho cụ sao"
- Nhà nước họ lo chở từ huyện lên tỉnh. Còn trong huyện thì dân chúng khắp các xã phải lo nhà nào nhà nấy chở đến mấy địa điểm do huyện phân phối, bố trí. Tôi đi chuyến này là chuyến thứ ba rồi. Còn hai chuyến nữa thì hết.
- Khi đó cụ sẽ được nghỉ"
- Làm sao mà nghỉ được. Hết chuyện này thì lại có chuyện khác. Đất nước mình đang sắp có chiến tranh mà. Hết chuyện làm chông thì làm dây kẽm gai, lo biểu tình chống Trung cộng, rồi đi dân công lên biên giới lo rải chông, lo giúp các công ty của nhà nước đi sơ tán...
Cụ xin tôi điếu thuốc nữa. Tôi đưa gói thuốc cho cụ, rồi hỏi:
- Vậy dọc theo biên giới mình chỉ rải chông, chăng kẽm gai thôi sao"
Cụ cười ha hả:
- Cậu này sao mà ngây thơ quá vậy. Rải chông, chăng kẽm gai là ngăn cản tụi Tàu cộng nó dùng biển người. Còn đối với xe tăng, đại pháo nó tràn sang thì mình phải lo rải mìn chống tăng nữa chớ. Nghe đâu nhà nước đã cho rải cả mấy triệu trái mìn chống tăng rồi đó. Chỉ rải ở những chỗ xe tăng nó có thể tràn qua thôi. Còn những vùng rừng núi hiểm trở thì chỉ rải mìn cá nhân và chông là đủ rồi. Nhưng đó là những bí mật quân sự nên tôi chỉ biết đại khái vậy thôi... (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.