Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

15/01/200800:00:00(Xem: 2442)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.
Hai tay được tự do, không phải mang sức nặng của sợi dây xích, tôi chống tay bò dậy, thế mà cũng phải mấy lần mới ngồi lên được.
Hai mắt hoa lên, quay cuồng, tôi phải cố như lấy gân cả hai tay, mới nâng cho cái cùm há mồm lên, để lấy đôi chân ra. Đôi chân tôi bây giờ sưng húp lên cả mắt cá. Hai bàn chân to tướng với mấy khúc xương tong teo nhăn nhúm, xám xịt, như hai chiếc đũa cắm vào hai củ khoai lang luộc vậy.
Tôi cố bò ra khỏi buồng. Y nhìn thân hình của tôi một lúc, rồi dịu giọng:
- Cho anh ra rửa ráy, rồi vào viết kiểm điểm.
Vừa nói, y vừa chỉ mấy tờ giấy, cái bút và lọ mực đang để trên bậc đá, lối lên cửa hầm “cát xô”.
Thật là lạ lùng, mắt của tôi nhìn ngay y, mà sao cũng không nhìn rõ nữa. Hình ảnh một tên mặc quần áo màu vàng, mồm đang quàng một cái khẩu trang màu trắng trông cũng rất lờ mờ. Tôi lại càng lo sợ, không hiểu vì sao mắt mình lại như vậy. Phải chăng, vì ở rong chỗ mờ tối quá lâu (gần hai tháng trời), mắt luôn luôn phải điều tiết căng thẳng, hay vì mấy năm nay ăn uống đói khát và thiếu chất dinh dưỡng" Có lẽ vì hai lý do. Tôi nghiến răng, kéo “hai củ khoai lang luộc” về chỗ vòi nước rửa hai con mắt xem thế nào.
Trời đã vào Thu nên nước bắt đầu lạnh. Tôi vuốt, dụi, rửa hai con mắt, nhưng vẫn không thấy sáng hơn. Tôi bò lại chỗ để mấy tờ giấy và lọ mực.
Đầu tiên, tôi viết chữ “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”. Do cái tay quen viết theo tay, mắt tôi chỉ thấy những nét ngoằn ngoèo, đen đen mờ mờ trên giấy trắng, không đọc rõ được nét chữ. Tôi quay lại y:
- Thưa ông, tôi chả nhìn thấy chữ tôi viết!
Y ngạc nhiên, lại gần tôi nhìn. Có thể y thấy thái độ khổ tâm của tôi vì đôi mắt như vậy, nên y bật cả hai cái đèn trong hầm “cát xô”, y lại trèo lên những bậc đá tới cửa hầm “cát xô”, mở phanh to cho ánh sáng ở trên chiếu vào. Căn hầm đã sáng hẳn ra, nhưng mắt tôi nhìn chữ viết vẫn chưa rõ hẳn, vì vậy tôi bỏ bút xuống, nói với y:
- Thưa ông, hiện giờ mắt tôi không nhìn rõ chữ viết. Vậy, để mai kia xem mắt tôi có nhìn thấy, tôi mới viết được. Hơn nữa, lúc này tôi mệt lắm, tôi không biết viết gì!".....
- Được! Sau này anh sẽ viết chi tiết. Còn bây giờ, theo nguyên tắc, anh phải viết mấy giòng ngắn gọn: “Xin nhận hoàn toàn khuyết điểm, sai lầm. Xin cam đoan không bao giờ tái phạm”.
Thấy y nói như vậy, tôi cũng cố gắng viết đại theo lời y nói, dù tôi chả nhìn thấy rõ. Tôi cũng viết 3, 4 giòng, ký tên, rồi đưa cho y. Lúc đó mới khoảng 10 giờ, y cầm tờ giấy tôi viết, xem qua, rồi hất tay ra hiệu bảo tôi chui vào chuồng:
- Hãy đi vào buồng, tạm cho anh nghỉ cùm và xích!
Được lời như cởi tấm lòng, tôi bò vào chuồng có vẻ nhanh hơn lúc tôi bò ra. Cửa chuồng đã đóng, và cửa “cát xô” cũng đã khóa. Tôi loay hoay tìm thế nằm ngửa, gối đầu lên cùm sắt, giơ hai chân thẳng lên, rồi co lại. Dần dần, làm được! Mệt, tôi nghỉ, hết mệt, tôi lại tiếp tục làm.
Theo suy lý của tôi, hai cái chân bị phù toàn là nước ở bên trong, bây giờ giơ ngược lên nhiều lần, nước dần dần sẽ phải rút xuống cơ thể.
Trưa hôm đó, một cán bộ lạ coi trại chung dẫn anh hình sự vào cho tôi ăn cơm. Ăn xong, tôi lại tiếp tục tập. Thực ra cơ thể tôi lúc này, chỗ nào cũng cần tập, nhưng trong điều kiện tối ưu tiên, phải dành cho hai chân đã. Nghĩa là dồn hết sức của cơ thể để tập cho hai chân. Chẳng hiểu sự suy lý của tôi có đúng hay không, hay vì lý do gì khác mà tôi không biết. Điều trông thấy, cũng như sờ thấy là hai bàn chân tôi, mà tôi gọi là “hai củ khoai lang luộc”, chỉ có một đêm với nửa ngày tập, đã rút được đến hai phần mười.
Tôi càng cảm thấy được khích lệ, sáng hôm sau, tôi lại tiếp tục nỗ lực tập nữa. Nhất là đêm vừa rồi lại không bị cùm, xích, tôi cảm thấy tay chân tự do, thoải mái nhẹ tênh tênh, muốn để tay đâu, muốn để chân đâu, tùy theo ý mình. Hỡi tự do! Mi là thiên thần của loài người! Nhưng không phải ai cũng được mi tới thăm.
Tuy được tha cùm và xích tay, nhưng tâm tư tôi vẫn thấp thỏm không yên. Thoáng nghe tiếng động cửa lại giật mình lo sợ cán bộ vào cùm, xích lại. Lúc cán bộ vào cho ăn cơm, tôi ngồi nhai miếng cơm, nhưng mắt vẫn theo dõi thái độ của y, sợ bất chợt y bảo bỏ chân vào cùm, bỏ tay vào xích. Thật, nhiều lúc tủi hận cho một kiếp người, chẳng khác gì một con chó! Nhưng, tôi nghĩ rằng con chó không thể ý thức sự cùm xích bằng tôi. Nó làm sao cảm thấy tủi hận, uất hờn, dày vò, cấu xé trái tim đã rướm máu bầm đen như tôi.
Tạo hóa sinh ra loài người là sinh vật cao quý nhất, nhưng, cũng là sinh vật đểu giả, nham hiểm, tàn ác nhất!.....

Năm mươi tư: Tìm Được Cố Vật, Không Gặp Cố Nhân!...

Chiều hôm đó, vào khoảng sau giờ tan tầm được một lúc, cửa “cát xô” lại mở. Tên Đại vào mở cửa chuồng tôi, ra hiệu bảo tôi chui ra ngoài. Khi thấy tôi chui ra khỏi chuồng, y đứng chụm hai chân lại, người thẳng dưỡn lên, nét mặt ra vẻ hết sức nghiêm trang:
- Thừa lệnh Ban Giám Thị, tôi tuyên bố anh được tha ở “cát xô”, trở về xà lim, cùm một chân!
Nhìn y đứng cứng ngắc, hai mắt nhìn thẳng lên cửa hầm “cát xô”, hai môi mím chặt, trông cả đẫn một cục to tướng, nhưng tôi cũng không cười được. Bởi vì, tiếng sáo “Cầu Sông Kwai” đang trỗi dậy trong lòng tôi như chào mừng dứt điểm “cát xô”, trở về hay trở lên trần thế với xã hội loài người.
Sau khi tuyên bố xong, y ra hiệu tay cho tôi bò lên cửa “cát xô”. Dù trong lòng, điệu sáo mê hồn vẫn lả lơi, nhảy múa; nhưng tôi vẫn chưa đi được. Hai bàn chân vẫn nặng chịch, nhức buốt. Chắc rằng ban giám thị cũng hiểu như vậy, nên chúng đợi cho tới khi trại chung vào hết rồi, mới mở “cát xô” cho tôi bò ra. Hai đầu gối chỉ là hai cục xương, nghiến xuống đá và xi măng đau quá! Tôi cố bò lên khỏi lỗ hầm, rồi nằm vật ra, không bò được nữa. Hai đầu gối đã rướm máu.
Tên Đại cũng nhìn thấy vậy, y lúng túng không biết phải giải quyết thế nào. Giữa lúc đó, tên Trì, Phó Giám Thị, cùng một tên cán bộ nữa đang từ cổng trại chung đi vào. Y đến bên cạnh tôi, nhìn tôi đang nằm ngửa thở, y liếc đôi chân tôi một lúc, rồi quay sang nói với tên Đại như ra lệnh:
- Đồng chí xuống trại thợ, gọi một tên thằng lên cõng nó về xà lim!
Tên Đại hấp tấp đi ngay! Tên Trì cứ nhìn đôi bàn chân của tôi, đầu y gật gật. Rồi nhìn tôi, môi trên y nhếch cong lên, để lộ mấy cái răng hô đầy cáu ghét ra ngoài:
- Anh chịu đựng tốt hỉ"
Tôi im lặng như không nghe y nói gì. Trong khi ấy, tên Đại và một anh tù từ phía nhà bếp đi lên. Khi tới cạnh tôi, tên Đại nói với anh tù như quát, tay chỉ về phía cuối sân:
- Cõng tên này về phía kia!
Anh tù, chắc là hình sự, chừng 30 tuổi, mập, lùn, da bánh mật, mặc chiếc quần đùi nâu đã vá hai miếng ở mông, với chiếc áo trại nhiều vết dầu mỡ đen xì. Anh cố ý nương nhẹ, đỡ hai tay cho tôi ngồi dậy, rồi nâng tôi đứng lên, nghiêng vai nói nhẹ, giọng miền Nam đã pha Bắc:
- Anh ôm cổ tôi!
Anh cõng tôi đi trước, tên Đại cầm chùm chìa khóa lẻng kẻng theo sau.
Kể từ ngày tôi vào “cát xô” tới hôm nay, là 47 ngày; nhưng nếu kể cả những ngày nằm ở bệnh xá, thì gần hai tháng. Mới chỉ hai tháng, không khí cũng như quang cảnh sân trại chung đã thay đổi, khác lạ hẳn xưa. Rải rác chung quanh cái sân trại rộng lớn là những lỗ “tăng xê” cá nhân, màu đất mới vàng au, từng đống đây đó. Bốn chiếc loa to ở cái chòi giữa sân Hỏa Lò, đang lải nhải chữ Mỹ khiêu chiến, tạo nên vụ Vịnh Bắc Bộ với chiếc tàu Maddox. Những bài nói chuyện, cũng như những thông cáo của những tên lãnh đạo miền Bắc khích lệ, cổ vũ, hô hào quân cũng như dân miền Bắc chuẩn bị chiến tranh. Nào là các quân binh chủng tăng cường luyện tập, bố trí công sự, hầm hố, chuẩn bị nhiều phương án tác chiến. Đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, v.v… Nào là, động viên người và của, chuẩn bị cho chiến tranh lớn… Nào là, ra lệnh và hô hào quần chúng, nhân dân Hà Nội, các trường học, bệnh viện, mọi cơ sở sản xuất không cần thiết cho chiến đấu đều phải di tản, sơ tán khỏi Hà Nội, v.v…
Lúc này máy bay Mỹ đã bắn phá thị xã Đồng Hới và Hòn Gay. Không khí sôi nổi và căng thẳng của chiến tranh, tràn ứ khung trời Hà Nội. Khi anh tù hình sự cõng tôi đến cổng xà lim I, tên Đại đẩy cánh cổng, ra hiệu cho anh tù cõng tôi vào.
Trời! Sân xà lim đầy những lá bàng, và bao nhiêu là quả! Tôi ngước nhìn lên cành bàng, cả cây bàng trĩu trái xanh, vàng, hồng lẫn trong màu lá xanh. Từng chiếc lá úa vàng, lốm đốm những chấm hồng, đỏ lả lơi rời cành đang quay cuồng trong gió để trở về cội. Thỉnh thoảng, những tiếng lộp độp đây đó của những quả bàng, đã chín vàng cũng rùng mình lìa cành lao về với đất. Tất cả tạo thành một bức tranh đầy mầu sắc của trời Thu.
Ngay trên chạng ba của cây bàng, một chiếc loa mới gắn chỉa thẳng vào xà lim. Từ nay, tôi lại điếc tai với “con mụ lắm mồm”, loại chửi thuê ở bến xe, xó chợ.
Khi qua sân, trong lúc chờ tên Đại loay hoay mở ngăn kéo, lấy chùm chìa khóa của các buồng xà lim, anh tù hình sự lựa khẽ để tôi ngồi ghệ trên hè, dựa vào tường. Tôi đưa mắt quan sát những quả bàng gần sát chân mình. Có những quả vàng ươm, chín rẽ chân chim. Một mùi thơm ngây ngất, ngon ngọt, theo từng cơn gió thổi đầy ắp vào mũi tôi, mở toang bao nhiêu cửa tuyến, để cho nước miếng tràn đầy mồm. Mũi tôi đang cong lên để đón nhận những làn hương trong gió, đột nhiên, anh hình sự ghé vào tai tôi thì thào:


- Chúng tôi ở trại thợ, hoan nghênh anh lắm!
Tôi chỉ kịp quay lại mỉm cười và tươi ánh mắt nhìn anh nói với anh lòng thiện cảm của tôi, vì tên Đại đã đứng lên, ra hiệu cho anh tù hình sự cõng tôi vào buồng.
Thật là lạ lùng, thấy nó đưa vào gần tới buồng 6, tôi tưởng nó phải cho tôi về buồng cũ, trong đó vẫn còn một số đồ lặt vặt của tôi; nhưng lại là buồng 5, ngay buồng bên cạnh.
Khi anh hình sự cõng tôi lách vào cửa, đặt tôi lên sàn xi măng ở một bên, tên Đại cũng vào buồng ra hiệu cho anh hình sự ra ngoài. Tôi liền báo cáo ngay:
- Thưa ông, trước khi phải vào “cát sô”, tôi có chiếc chiếu và một bộ quần áo trại cũ, vỏ ba lô, cùng một số thứ lặt vặt còn để ở buồng số 6. Đề nghị ông, cho tôi xin lại, lấy cái dùng!
Y nhìn tôi, ngần ngừ một lúc, rồi sang bên buồng số 6 mở cửa. Y sai anh hình sự ôm hết các thứ của tôi sang.
Trông thấy những món đồ cũ, thật tôi thấy nở từng khúc ruột, vừa là những đồ kỷ niệm với bao nhiêu công trình, lại vừa còn cái chì mật nữa. Trong khi tôi mừng rỡ, lúi húi vơ gọn những đồ anh hình sự mang sang, tên Đại ra rút chốt cùm. Tôi tự hiểu, nên lê dần xuống phía cái cùm, nâng miếng sắt nửa trên của cái cùm cho há ra, rồi tôi phải dùng tay nâng chân để vào. Vì chân bị phù, nên lỗ cùm vừa khít, thật là chặt. Tôi rất lo lắng! Bề ngang của cái cùm rộng 8 phân là sắt, áp sát vào ống chân. Ở xà lim đã có nhiều người bị thối chân, chỉ vì chân to, cùm chặt. Thối chân ở trong này, làm gì có thuốc chữa, tất nhiên chân ấy phải hỏng, vì sẽ trở thành sâu Quảng.
Sau khi tên Đại đã khóa cửa đi rồi, tôi cố gắng vặn, xê dịch cái cổ chân. Quá chặt! Không còn cách nào khác. Chỉ còn mong sao tập tành thế nào cho chân rút phù, mới lỏng ra được. Tôi dõi mắt nhìn sang cái cùm phía sàn bên kia, với ước lượng của mắt, tôi thấy hai lổ cùm bên ấy hình như có nhỉnh hơn. Ngày mai, tôi sẽ lựa lời báo cáo với tên Chiến trực xà lim, xin cùm bên ấy.
Lại còn tên Chiến nữa. Không biết sự việc xảy ra do tôi, bây giờ nó có căm hận, ghét tôi không" Điều này, phải đợi sáng mai mới biết.
Tôi chợt nhớ anh Căn buồng 12, đối diện với buồng 5 của tôi hiện giờ, rồi hai cô gái buồng số 9 nữa. Chắc rằng họ chẳng biết gì về tôi. Họ chỉ biết tự nhiên tôi đi mất. Có thể, họ cho là tôi đã được ra trại chung, hoặc đi trại trung ương rồi, chứ làm sao họ hiểu được là vừa qua tôi đã làm một cú động trời, và đến nay, gần chết lại trở về đây"
Tôi nằm chờ 2, 3 tiếng đồng hồ, xà lim vẫn yên ắng khác thường. Tôi cảm thấy như đổi thay hết, sau gần hai tháng tôi rời xa. Tôi cứ nằm miên man suy nghĩ, trong khi tiếng loa, bây giờ, nghe rõ mồn một. Chợt, tôi nghe chúng đề cập tới “câu chuyện cảnh giác”: chúng nhắc đến việc Biệt Hải miền Nam đã bí mật đột kích hòn Mê  rồi, chúng nói đến “kế hoạch 34A” của miền Nam, cho người nhái lợi dụng những đêm tối trời, hoặc mưa gió bất ngờ đổ bộ lên những vùng ven biển. Bắt dân, hoặc cán bộ mang ra xuồng cao su rồi chạy ra tàu ở ngoài khơi, chở về Nam để khai thác tin tức tình báo.
Điều tôi muốn nói ở đây, “kế hoạch 34A” phải là một kế hoạch bí mật. Vậy sao trên đài, trên báo của cộng sản, chúng đã nói một cách công khai" Như vậy, ta thấy tình báo của cộng sản, đã phải biết kế hoạch này, ngay từ lúc chưa được thi hành.
9 giờ tối, tiếng loa đã tắt, xà lim yên ắng. Thỉnh thoảng một vài tiếng lộp bộp của những quả bàng rơi xuống sân, nghe như tiếng đập nia, xảy thóc ngày mùa. Tôi ho mấy tiếng như gọi, như chào, nhưng vắng lặng vẫn hoàn toàn vắng lặng. Quái thật! Mới 2 tháng, cảnh cũ còn đây mà người xưa đâu ta" Thấp thỏm, băn khoăn mãi, rồi cũng phải chìm dần vào giấc ngủ muộn
Năm mươi lăm: Tin tức, hay tuyên truyền bịp bợm"
Sáng hôm sau, chưa mở mắt, tiếng đài đã léo nhéo! Dù không muốn nghe, tiếng loa vẫn cứ như chọc vào tai mình, nó độc lập với ý chí của mình. Phải nói, nhiều lúc tôi coi tiếng loa như một cái nạn phải chịu đựng vậy. Sáng hôm nay, trong một bài bình luận, tôi chợt nghe đến một ý chúng lý luận cứ như thật ấy! Rằng: “Trong chế dộ tư bản mà chúng gọi là thế giới tự do, nguyên tắc sống của xã hội đó là mạnh được, yếu thua, cá lớn nuốt cá bé; cho nên, xã hội ấy tôn thờ và đề cao sức mạnh. Lẽ phải thuộc về sức mạnh. Nhưng, dưới chế độ ưu việt xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã tỏ cho thế giới thấy tính hơn hẳn của chủ nghĩa cộng sản. Một cuộc cách mạng đổi đời từ tận gốc, đã biến đổi hẳn nguyên tắc sống của xã hội tư bản xấu xa cũ, trở thành: Sức mạnh thuộc về lẽ phải. Nghĩa là, nếu có lẽ phải, là có sức mạnh”.
Một người dân bình thường, sống dưới chế độ chuyên chính này cũng thấy ngay, đó chỉ là lý luận bịp bợm, trái ngược hoàn toàn với thực tế của xã hội cộng sản. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hãy nhìn bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, chuyện ở trong nước, cũng như chuyện ở ngoài nước, ta thấy chúng luôn luôn, và còn nhiều lần gấp bội xã hội tư bản, lấy sức mạnh để đè bẹp lẽ phải. Như vậy mà chúng cứ bắt người phải nghe! Phải nói rằng: Nó có lý do của nó. Nó buồn cười như trên đài, trên báo thường xuyên ca ngợi, đề cao tự do. Nhưng có tìm đỏ mắt cũng không thấy có tự do thực sự trong chế độ cộng sản. Sau này, chúng ta sẽ bàn tới.
Giờ hành chính đã đến, cán bộ trực xà lim đã bắt đầu mở buồng cho ra rửa ráy.
Qua cách mở cửa, và tiếng bước chân đi, tôi biết không phải tên Chiến, nhưng cũng không đoán ra là ai" Tiếng buồng 1 báo cáo xong. Rồi tiếng cán bộ quát:
- Ra đi!
À, tên Dư! Tên này là Trung Sĩ, tôi có gặp hắn vài lần trực xà lim vào ngày Chủ Nhật. Nhưng, hôm nay là ngày thường, có lẽ hắn đã trực xà lim thay tên Chiến cũng nên. Dư có tuổi, khoảng 50, 55 người thấp bé, cũng là loại tương đối dễ tính, không quá ác ôn như nhiều tên công an khác.
Đến lượt buồng tôi, vì đã có chủ ý, tôi vội vàng cố gắng nâng cái cùm, rồi rút chân ra. Mãi không thấy tôi ra, y thò cổ vào, đang định quát hỏi, tôi nói ngay:
- Báo cáo ông, tôi ở “cát xô” mới được cõng về đây chiều tối hôm qua, tôi chưa đi được.
Chỉ vết cùm hằn ép vào chân mình, tôi nói:
- Thưa cán bộ, chân tôi bị phù to quá, lỗ cùm lại nhỏ. Xin cán bộ cho tôi đổi qua cùm bên kia.
Vừa nói, tôi vừa chỉ cái cùm ở sàn bên cạnh. Y không nói năng gì cả, đóng sầm cửa lại, cũng chả thấy rút chốt cùm sàn bên. Thôi, mặc, tôi tranh thủ vịn vào sàn chậm chạp tập đi. Hai chân nặng như hai hòn đá, lại còn đau buốt như kim châm, tôi vẫn cố gắng tập đi. Nhìn hai mu bàn chân, tôi thấy điều lạ là chúng sưng to đã đành, nhưng còn tím lại như bên trong có máu bầm đen vậy. Hình như chân sưng lên vì vết thương chứ không phải phù.
Các buồng khác đã đổ bô vào đều bị cùm ngay, thế mà buồng tôi không đi rửa, lại chưa bị cùm" Tôi thấy thái độ của y như vậy, tôi càng hy vọng sẽ được đổi cùm.
Nghe loáng thoáng buồng 14 bị kiết lỵ ra máu, báo cáo xin thuốc từ mấy hôm trước, bữa nay y tá mới vào, tôi liền báo cáo ầm lên:
- Báo cáo ông Dư, chân tôi buốt lắm, xin ông báo y tá cho xin thuốc!...
Tiếng chân đi vào rõ dần, rồi cửa con xoạch mở:
- Anh báo cáo cái gì, làm ầm lên thế!
- Thưa ông, chân tôi tím lại buốt quá, xin y tá cho thuốc!
- Chờ đấy!
Cửa sổ nhỏ đóng rồi. Bây giờ tôi mới để ý thoáng thấy chiếc lon 3 sao nằm trên một vạch trắng, trên một miếng dạ đỏ nhỏ hình bình hành, gắn ở ve cổ áo, còn mới nguyên. Tôi lại nhớ đến, tên Đại cũng chiếc lon mới toanh. Như vậy, dịp mồng 2 tháng 9 vừa rồi, ngành công an lại cho lên lon. Thời chiến, có nhiều tình huống mới, tụi lãnh đạo bộ chính trị phải mua chuộc phỉnh phờ tụi cán bộ cấp thấp, hạ tầng. Có thể vì mới được lên Thượng Sĩ, nên tên Dư lại càng dễ tính hơn. Mỗi tháng cũng thêm được mươi đồng.
Một lúc sau, cửa lớn mở: Bà Dậu y tá. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy bà ta dạo này gầy hẳn đi, da xạm lại, trông tay chân bà ta như con chão chàng, trắng nhờn nhợt. Trong khi đó, ngược lại, bà ta cũng mở to mắt nhìn bộ xương của tôi. Chắc hẳn bà ta cũng chẳng lạ gì chuyện trốn tù của tôi hơn hai tháng trước. Bà sờ tay vào hai mu bàn chân của tôi, dịu dàng hỏi:
- Chân anh sao tím lại thế"
Tôi chỉ lắc đầu, tỏ vẻ cũng không biết tại sao. Bà ta nói thong thả, chậm rãi:
- Cái này chỉ chích B1, khỏi ngay. Nhưng, B1 bây giờ rất hiếm. Tôi sẽ đề nghị cho anh ăn cơm cám một tuần.
Cuối cùng, tôi chả có thuốc gì cả, nhưng được những lời thăm hỏi, an ủi về tinh thần. Điều làm tôi mừng nhất là thái độ của tên Dư, cũng như của bà Dậu, họ không có vẻ căm ghét tôi đã đánh cán bộ. Chính điều này, lúc đó, tôi chưa nhận thức được đầy đủ, nhưng đã là những yếu tố góp vào sự phân tích của tôi sau này, có phần thực tế hơn.
Khi lấy cơm vào, cũng như lúc trả bát, tôi phải bò. Tên Dư đã đóng chốt cùm phía này, và rút chốt cùm phía sàn bên kia, đổi chỗ cùm cho tôi.
Hai ngày hôm sau, tôi bắt đầu được ăn cơm…. trộn cám. Về xà lim được 5 ngày, tôi đã có thể chậm chạp đi lần theo tường ra lấy cơm, cũng như đổ bô.
Sau một tuần ăn cơm cám, và phần khác, do nổ lực tập luyện hàng ngày, chân tôi đã bớt trông thấy. Mỗi ngày mỗi rút nhỏ lại, đến bây giờ, tôi đã đi lại được. Cuộc sống lại trở về phong thái của hơn 3 tháng trước đây. Như vậy, có thể nói rằng việc quyết định trốn tù của tôi, đã đúng như tôi nhận định: Nếu không được, tôi cũng không mất cái gì cả! Chợt cái lưỡi đẩy đưa vào khoảng trống ở hàm dưới, tôi thầm nghĩ: Cũng có mất, 3 cái răng và một vết sẹo kỷ niệm ở tam tinh.
Đến hôm nay, tôi đã nhận biết là 2 cô gái ở trong buồng số 9, không còn ở đó nữa. Thay vào đấy, bây giờ, là một tù nhân nam. Tiếng cười điên rồ của buồng số 10 cũng đã hết. Không biết anh ta chuyển đi đâu, tình trạng của anh ta, sau khi tôi đi, diễn tiến thế nào"
Anh Nguyễn Văn Căn, bị kết án tử hình, đã ký đơn xin ân xá với tên cáo Hồ ("), tôi biết đây chỉ là một hình thức chính trị, bịp bợm. Một cái khung sơn phết lòe loẹt đủ hình thức dân chủ, nhân dân, chấp pháp, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, quốc hội, Công tố viện, luật sư, xin ân xá Chủ Tịch nhà nước, v.v… Tất cả chỉ để che đậy cái “lò nấu xác”, một cái “lò sát sinh” không hơn không kém ở bên trong. Tuy tôi chưa dám kết luận, nhưng nếu tôi đoán không lầm thì anh Căn đã bị xử rồi, nhất là khi tình hình đang biến đổi sang thời chiến.
Nhân sự trong xà lim đã thay đổi hết, ngay cả cán bộ trực xà lim cũng là những tên cán bộ khác rồi. Chỉ hai tháng đi “cát xô” mà đổi thay nhiều thế.
Tôi cứ nằm vẩn vơ nghĩ ngợi. Thỉnh thoảng một cơn gió nhè hẹ vương rải một mùi hương vừa ngọt, vừa ngây ngất, nhắc nhở tôi mùa bàng chín của Hỏa Lò. Đột nhiên, cửa sổ nhỏ xoạch mở. Tôi giật mình, nhìn ra, thoáng thấy cái môi vẩu nhọn ra như cái môi con cá ngão, tôi đã biết ngay là tên Bằng. Bây giờ, cán bộ Hỏa Lò đối với tôi, cũng như tôi đối với chúng, đã quen nhau, nhẵn mặt nhau quá rồi. Y chỉ nói cộc lốc hai tiếng: "Đi cung!”, rồi cúi xuống rút chốt cùm, mở khóa mở cửa. Tôi vừa nhấc chân ra khỏi cùm, vừa chuẩn bị tư tưởng lên phòng cung. Vì từ ngày tôi trốn đến nay, đã hai tháng hơn mới gọi.
Ra tới hè. Trời! Sân xà lim, bàng chín rơi từng đống. Tôi tập tễnh đi qua, mắt nhìn những quả bàng chín vàng ngậy, rẽ chân chim lăn lóc khắp sân. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.