Hôm nay,  

Hy Vọng & Thực Tế Tan Hoang

17/01/201000:00:00(Xem: 2815)

Hy Vọng & Thực Tế Tan Hoang – Nguyễn Xuân Phong (Dịch thuật Phan Quân)

LGT: Từ năm 1965 đến 1975, ông Nguyễn Xuân Phong đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ VNCH và biết nhiều bí mật dẫn đến việc mất Miền Nam. Trong thời gian hòa đàm Ba Lê về Việt Nam, từ địa vị thành viên phái đoàn lúc ban đầu, ông đã trở thành Trưởng Phái Đoàn vào giai đoạn cuối cùng, với chức vụ Quốc Vụ Khanh đặc trách hòa đàm trong chính phủ. Đặc biệt, ông cũng là nhân vật quan trọng trong Hội Nghị Thượng Đỉnh của nguyên thủ 7 quốc gia Châu Á Thái Bình Dương tại Manila vào 2 ngày 24 & 25 tháng 10, 1966, nhằm thẩm định về cuộc chiến ở Nam Việt Nam với sự tham dự của Tổng thống Phi Luật Tân, Ferdinand E. Marcos; Tổng thống Đại Hàn, Park Chung Hee; Tổng thống Hoa Kỳ, Lyndon B. Johnson; Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo VNCH, Nguyễn Văn Thiệu; Thủ tướng Úc Châu, Harold Holt; Thủ tướng Tân Tây Lan, Keith Holyoake; Thủ tướng Thái Lan, Thanom Kittikachorn; và Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương VNCH, Nguyễn Cao Kỳ. Tại Hội Nghị, ông là người Việt Nam duy nhất được trực tiếp nghe trưởng phái đoàn Nam Hàn cho biết: Tổng thống Nam Hàn đã cảnh giác, [qua kinh nghiệm cuộc chiến tranh Cao Ly] nếu như hòa đàm [với VC] có xảy ra, chính phủ Sài Gòn sẽ thấy Mỹ thương thuyết thẳng với phía bên kia [VC], còn Sài Gòn chẳng nói năng gì được trong khi thương thuyết, và cuối cùng sẽ phải chấp nhận và tuân hành những gì Mỹ và VC ký kết. Quả nhiên, 6 năm sau, lời tiên đoán này đã trở thành sự thật tại Hội Nghị Ba Lê, dẫn đến bản Hiệp Định đầy phi lý, khi Mỹ toa rập với VC cho phép quân đội xâm lăng VC được tiếp tục hiện diện trên lãnh thổ VNCH, dẫn đến thảm kịch 30-4-75. Sau đây, Sàigòn Times trân trọng giới thiệu tiếp những sự thật được ông tiết lộ trong tác phẩm  "Hope and Vanquished Reality", được ông viết theo yêu cầu của "The Center for A Science of Hope" ở New York.

*

(Tiếp theo số 648...)

Ông Lâm và tôi nhất quyết cho rằng Hà Nội chẳng có gì để điều đình cả, vì điều kiện tiên quyết của CS Hà Nội là Hoa Kỳ hoàn toàn chấm dứt can thiệp vào Việt Nam và loại bỏ toàn bộ chế độ chống cộng ở Sài Gòn.
Còn ông Thiệu và phe quân sự thì không có cách nào khác hơn là tiếp tục khẳng định việc Mỹ tiếp tục can thiệp và việc duy trì chính phủ chống cộng ở Nam Việt Nam. Thật là một mớ bòng bong đầy cố chấp nan giải mà về sau Henry Kissinger phải tìm cách tháo gỡ. Ông Lâm và tôi kết luận rằng nhiệm vụ của chúng tôi ở Ba Lê sẽ không mấy vất vả vì những cuộc điều đình thực sự - cũng là chuyện đau đầu cho ông Thiệu - là phải xử sự với Hoa Thịnh Đốn chớ không phải với Hà Nội. Bàn rộng tán dài xong, ông Lâm và tôi có được may mắn là lại cùng chung gánh nặng lần đầu tiên kể từ Thượng Đỉnh Manila 1966.
Phái đoàn Sài Gòn, kể cả Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ và phu nhân, đến Ba Lê ngày 8 tháng Mười Hai 1968. Hoa Kỳ đã nói chuyện riêng với Hà Nội từ tháng Ba, và nói chuyện chính thức từ tháng Năm. Cuối cùng, Hà Nội lẫn Hoa Thịnh Đốn đã thỏa thuận cho Bà Bình tham dự các phiên họp chính thức, tương đối công khai, song song với những cuộc thương thuyết riêng, với điều kiện là Tổng Thống Thiệu cũng được đối xử như Bà Bình. Ngay sau khi Bà Bình được xuất hiện tại bàn hội nghị, Hà Nội chẳng còn quan tâm đến số thân hữu trên toàn Thế Giới Tự Do mà Hoa Kỳ muốn đưa tới Khách Sạn Majestic sang trọng ở Ba Lê, được đặt tên mới là Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế.
Trên một nghìn nhà báo, từ khắp nơi trên thế giới, kéo đến Ba Lê để săn tin hòa đàm và mọi người đều có nhiều hy vọng về một cuộc dàn xếp qua thương thuyết - ngoại trừ những người được phái đến để thương thuyết. Ông Lâm và tôi không nuôi ảo tưởng khi chúng tôi bắt tay vào những phiên họp quái gở "hai bên mà bốn phe" đó, ngồi quanh một cái bàn được tính toán cẩn thận với đường kính là tám thước. Thương thuyết cứ kéo dài lê thê, lâu trên bốn năm.
Kích cỡ và hình dáng bàn họp của hòa đàm Ba Lê về Việt Nam được thiên hạ biết đến rất nhiều. Ông Thiệu nhất định đòi Hoa Thịnh Đốn phải cho thực hiện "một hội nghị hai bên", một lập trường hợp lý đối với một cuộc chiến tranh giữa hai lực lượng đối nghịch. Mục đích của ông là nhằm loại bỏ Bà Bình với cái Mặt Trận Giải Phóng của bà. Trái lại, Hà Nội nhất quyết cho rằng rõ ràng là có bốn thành phần tham dự hội nghị và như thế họ sẽ đạt được điều họ mong muốn là công nhận Bà Bình về mặt chính trị.
Thế là những cuộc thảo luận sôi nổi về hình dáng cái bàn kéo dài hàng mấy tháng. Hầu hết các nhà quan sát thời cuộc đều ngao ngán cho tính phi lý của vấn đề. Hòa đàm Ba Lê để tìm ra một giải pháp ôn hòa cho một cuộc chiến tranh đẫm máu không thể bắt đầu được vì chính những người tham dự không thỏa thuận được hình dáng của cái bàn mà họ sẽ ngồi vào. Tôi không nghĩ là các đại sứ Harriman và Vance quan tâm mấy đến hình dáng của vật trang trí phiền phức đó và sẽ vui lòng chịu ngồi xếp bằng dưới đất, nếu như ai ai cũng thật sự quan tâm đến chuyện thương thuyết nghiêm chỉnh để tìm hòa bình. Muốn cho ông Thiệu hài lòng, Tổng Thống Johnson tán thành luận điểm của ông về hội nghị hai bên về hình thức (cái bàn). Còn về phần nội dung (thỏa hiệp) thì đó là chuyện hoàn toàn khác biệt, vào lúc cuối cùng.
Chuyện bàn cãi về cái bàn làm cho những người có thiện chí và các quan sát viên trung lập đưa ra đủ thứ đề nghị. Trong tinh thần hòa bình và hợp tác, một vài người đưa ra ý kiến là nên ngồi một phía của cái bàn để những người tham dự có thể túm tụm lại với nhau cho ấm trong những ngày giá lạnh của mùa đông Ba Lê. Qua cách sắp xếp này, tất cả đều có thể nhìn vào một tấm gương trang trí to lớn - một quà tặng của Mẫu Quốc Pháp tại Đông Dương trước đây - treo trong phòng. Như thế, mọi người sẽ có bóng mình trong gương, coi như có phần ở một mặt của hòa bình, mà còn được đối thoại với nhau qua tấm gương. Những người khác thì gợi ý nên cung cấp cho mỗi đại biểu một bộ bàn ghế cá nhân, giống như bàn học sinh nhưng có bánh xe, như thế người nào cũng có thể tự do chạy ngược xuôi khắp phòng họp để nói chuyện với nhau. Như vậy sẽ làm cho hòa đàm tiến triển thật sự. Ý kiến hấp dẫn hơn hết xuất phát từ những người đề nghị rằng đơn giản nhất là nên tổ chức một chầu ăn uống đứng và la cà với nhau trên thảm cỏ xanh nhân tạo, trong phòng hội sang trọng kiểu Louis XV - với thịt nguội và rượu vang Beaujolais mới ra lò, một ý kiến của phe tiết kiệm; hay là theo ý kiến của khuynh hướng thanh lịch, thì với thức ăn khai vị, sâm banh và áo quần dạ tiệc sang trọng. Như thế sẽ gợi ý cho một mối thân hữu chân tình và một điều khích lệ để đi tới hòa bình, tạo điều kiện cho mọi người cùng có chung một tâm trạng đầy hương vị, cởi mở và phấn khởi.
Sau khi bị bế tắc khá lâu, cuối cùng vấn đề tế nhị đó cũng được giải quyết với sự giúp đỡ của Pháp và Liên Xô. Bốn bên ngồi vào một chiếc bàn tròn rộng lớn (để thích ứng với sự hiện diện của bốn phái đoàn qua một cung cách trung lập), đường kính tám thước (để bảo đảm cho không một ai có thể bị thương nếu người ta muốn ném vật gì đó vào nhau, như một trái dừa khô Việt Nam hoặc quả bóng chày Mỹ), với hai chiếc bàn hình chữ nhựt nhỏ đặt ở hai đầu đường kính dành cho thư ký (đúng ra là một món quà rẻ tiền cho mối ám ảnh của Tổng Thống Thiệu về một cuộc họp hai bên nhưng hoàn toàn vô ích đối với mọi người khác). Chiếc bàn được phủ lên bằng một tấm nỉ mỏng màu xanh lá cây đậm giống như tấm bọc bàn bi-da. Không được để cờ hay bảng tên và mọi người tham dự đều uống một thứ nước khoáng trắng trong. Không có cung cấp cà-phê nên không một ai có thể tìm cách chống lại cơn ngủ ngày thật khoan khoái trong lễ đọc bài diễn văn đã soạn sẵn, một thủ tục dễ ghét và đương nhiên có thể cứ dài lê thê, tuần này qua tuần khác, tháng nọ sang tháng kia và năm này qua năm nọ.


Tôi được cái đặc ân, mà ai cũng mong muốn, là người lên tiếng đầu tiên tại phiên họp thứ nhất, có cả bốn phái đoàn tham dự một cách chính thức. Sau tôi là Cyrus Vance, Bà Bình (MTGP) và Hà Văn Lâu (Hà Nội), tại chiếc bàn tròn dễ nể. Trong phiên họp đầu tiên, không có những bài diễn văn soạn sẵn và chỉ nhằm thông qua lần cuối cùng những thủ tục hội họp. Nhưng hóa ra lại là lần đối thoại đầy ý nghĩa duy nhất trong hòa đàm Ba Lê. Đó là hình ảnh đầu tiên đầy phấn khởi đối với báo chí thế giới và vô cùng hữu ích cho vị tổng thống vừa mới đắc cử của Mỹ, Richard Nixon - người có nhiệm vụ khẩn cấp là đề cử trưởng phái đoàn Hoa Kỳ tại hội đàm để thay thế Averell Harriman, người của đảng Dân Chủ. Tấn tuồng vĩ đại đó, hạ màn khoảng bốn năm sau, đã có một buổi diễn giáo đầu rực rỡ vào ngày 25 tháng Giêng 1969, khi Đại Sứ Cabot Lodge, một nhân vật cố cựu có liên hệ đến Việt Nam, đến với hòa đàm.
Richard Holbrooke (sau này làm đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc) đã có mặt tại Ba Lê, làm việc với các đại sứ Averell Harriman và Cyrus Vance, khi Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn đã thỏa thuận gặp nhau không chính thức hồi tháng Ba và gặp chính thức hồi tháng Năm 1968. Holbrook với tôi cùng lứa, vào khoảng thời gian đầu của lớp tuổi ba mươi. Có điều đáng chú ý là ông nhận xét rằng tôi còn trẻ so với chức vụ. Đương nhiên rồi, vì hai ông Harriman và Vance là những nhân vật nổi tiếng trong chính trị và ngoại giao quốc tế, nhiều tuổi gấp đôi chúng tôi. Một vài ngày sau khi tới Ba Lê, tôi có mặt cùng với ông Harriman và những người khác tại một cuộc tiếp tân vào lúc các ký giả hỏi ông cựu thống đốc Nữu Ước về viễn ảnh của một cuộc dàn xếp để chấm dứt chiến tranh. Đáp lời, Harriman đưa ra nhận xét:
- Theo tôi nghĩ ông Phong là người có thể làm được việc này. Điều phải làm là nhốt ông ta và Bà Bình vào một cái phòng, rồi khóa cửa lại, ném chìa khóa đi, và chỉ khi nào họ tìm được giải pháp mới thả ra.
Tôi góp ý ngay là tôi sẵn sàng hy sinh nhưng nên làm sao cho nhanh nhanh vì tôi không đủ "hỏa lực" để chịu đựng kỷ thuật "trì hoãn chiến" nổi tiếng của bà ta. Chalmer Roberts của tờ Washington Post cho rằng cuộc trao đổi rất lý thú. Còn Đại Sứ Lâm của Sài Gòn thì có lúc bị Harriman ví như "con ếch độc hại", một biệt danh làm cho Tổng Thống Thiệu vui thích và hài lòng, coi đó như là một nhận xét cho thấy rằng đại sứ của ông ta tại hòa đàm Ba Lê chẳng khác nào một loại vũ khí độc, theo tiêu chuẩn Mỹ, để đương đầu với kẻ thù.
Khi Richard Nixon lên nắm quyền tổng thống Hoa Kỳ hồi tháng Giêng 1969 thì có một sự thay đổi các vai quan trọng tại hòa đàm Ba Lê, nhân vật nổi tiếng thay thế con người lừng danh. Henry Cabot Lodge kế tục Harriman hồi tháng Giêng 1969, nhưng vào tháng Mười Hai năm đó, David K. E. Bruce, ở tuổi bảy mươi hai, nắm quyền lãnh đạo phái đoàn Mỹ tại Ba Lê. Các phiên họp được cả bốn phái đoàn chuyên cần tham dự, nhưng những lúc hào hứng nhất là những bữa ăn trưa tuyệt vời do Bộ Ngoại Giao Pháp cung cấp hàng tuần. Trong khi đó, có tiết lộ cho biết rằng các cuộc thương thuyết thực sự được tiến hành qua mật đàm giữa Kissinger và Lê Đức Thọ là những người đã "đi đêm" với nhau ở Ba Lê từ ngày 21 tháng Hai 1970. Những phiên họp mật của hai người, lúc tiến khi lùi, tiếp tục diễn ra mãi cho đến ngày 23 tháng Giêng 1973.
Qua các kỳ họp đầu tiên của họ tại Ba Lê, Thọ nhanh chóng vạch ra cho Kissinger thấy một thực tế không bao giờ thay đổi là: "Ông đã thua và chúng tôi đã thắng". Kissinger đâu cần Thọ nói cho ông điều đó vì ông đã từng giảng dạy nguyên lý thắng bại trong du kích chiến cho những học sinh của ông ở Harvard (phe tiến hành chiến tranh du kích thắng nếu không thua, trong khi phe đối tượng của du kích chiến thua trận nếu không thắng). Thọ và các đồng chí của y đã chịu đựng gian khổ không kể xiết, mấy mươi năm qua, để nói ra được những lời đó nên y đã không để lỡ cơ hội.
Một mặt thì Hoa Kỳ tin tưởng rằng sức mạnh quân sự của họ có thể thuyết phục Hà Nội từ bỏ cuộc đấu tranh. Trái lại, Hà Nội có một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều, nhưng một nhiệm vụ, vào lúc cuối cùng, sẽ thành công, như David đã đánh bại Goliath. Chiến lược của Hà Nội gồm có ba mặt: chính trị, quân sự và ngoại giao. Thứ nhất là bộ phận chính trị kết hợp chủ nghĩa cộng sản với cao trào mãnh liệt của tinh thần dân tộc trong nhân dân Việt Nam để chống lại sự hiện diện của người ngoại quốc và của quân đội nước ngoài trên đất nước họ. Bộ phận này coi cuộc tranh đấu của cộng sản như là một hành động chống lại xâm lược của ngoại bang và cho nó mang đặc tính của một cuộc chiến tranh giải phóng và tự vệ, huy động được hậu thuẫn quần chúng cho một tinh thần chống Mỹ. Thứ hai là, bộ phận quân sự kết hợp rất có hiệu quả cái gọi là "chiến tranh nhân dân" để tự vệ và chiến thuật du kích, được điều phối một cách chính xác với chiến tranh quy ước. Cuối cùng là bộ phận ngoại giao dựa trên công tác huy động công luận thế giới, thay vì dựa vào hành động của chính phủ, và dùng dư luận quốc tế đó chủ yếu đánh vào công luận Hoa Kỳ. Thắng lợi của bộ phận này hiện rõ ở những cuộc biểu tình phản chiến và mức độ chống đối chiến tranh ở Quốc Hội Hoa Kỳ.
Cuộc chiến Việt Nam sẽ còn được phân tích, nghiên cứu, mổ xẻ và viết ra trong nhiều năm tới và lịch sử sẽ hòa hợp chuyện hoang đường với thực tế. Nhưng một sự kiện nổi bật vẫn tồn tại cho thấy rằng mục đích chính của Kissinger là chấm dứt hành động quá nặng nề của Hoa Kỳ ở Việt Nam, nhưng chấm dứt trong danh dự. Hiệp Định Ba Lê đã làm được điều đó cho Hoa Kỳ. Thế thì, điều gì đã sai quấy hồi mùa xuân 1975 làm cho cấp lãnh đạo tại Hoa Kỳ phải nhục nhã đến vô phương cứu chữa như vậy"
Con đường vạn dậm và đau khổ để mưu tìm hòa bình cho Việt Nam tại Ba Lê được Tổng Thống Johnson khởi công hồi tháng Ba 1968, được theo đuổi trong một thời gian là bốn năm và được Tổng Thống Nixon kết thúc hồi tháng Giêng 1973. Chiếc bàn tròn do Pháp và Liên Xô thiết kế đã đem lại kết quả - cho Hà Nội và MTGP. Không phải là "hai bên" mà cũng chẳng phải "bốn phe". Ý kiến của tôi về "câu chuyện huyền thoại của ba thành phố" và ba người tham dự điếc đặc đâm ra sát với thực tế hơn luận điệu "bốn thành phố" của ông Lâm. Lê Đức Thọ và Bà Bình nhất định hành xử theo tinh thần một người cho mọi người và mọi người vì mỗi người. Hoa Thịnh Đốn và Sài Gòn lẽ ra phải cùng chung tư tưởng nhưng, rủi thay, hai nơi lại khác biệt nhau một cách đau buồn.
Sau khi Sài Gòn sụp đổ hồi tháng Tư 1975, Hà Nội và MTGP chẳng phải chờ đợi gì lâu để biểu lộ ý muốn nhất trí của họ qua việc thống nhất hai miền Nam Bắc hồi tháng Bảy 1976 dưới quyền cai trị của chế độ cộng sản Hà Nội.        (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.