Hy Vọng & Thực Tế Tan Hoang – Nguyễn Xuân Phong (Dịch thuật Phan Quân)
LGT: Từ năm 1965 đến 1975, ông Nguyễn Xuân Phong đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ VNCH và biết nhiều bí mật dẫn đến việc mất Miền Nam. Trong thời gian hòa đàm Ba Lê về Việt Nam, từ địa vị thành viên phái đoàn lúc ban đầu, ông đã trở thành Trưởng Phái Đoàn vào giai đoạn cuối cùng, với chức vụ Quốc Vụ Khanh đặc trách hòa đàm trong chính phủ. Đặc biệt, ông cũng là nhân vật quan trọng trong Hội Nghị Thượng Đỉnh của nguyên thủ 7 quốc gia Châu Á Thái Bình Dương tại Manila vào 2 ngày 24 & 25 tháng 10, 1966, nhằm thẩm định về cuộc chiến ở Nam Việt Nam với sự tham dự của Tổng thống Phi Luật Tân, Ferdinand E. Marcos; Tổng thống Đại Hàn, Park Chung Hee; Tổng thống Hoa Kỳ, Lyndon B. Johnson; Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo VNCH, Nguyễn Văn Thiệu; Thủ tướng Úc Châu, Harold Holt; Thủ tướng Tân Tây Lan, Keith Holyoake; Thủ tướng Thái Lan, Thanom Kittikachorn; và Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương VNCH, Nguyễn Cao Kỳ. Tại Hội Nghị, ông là người Việt Nam duy nhất được trực tiếp nghe trưởng phái đoàn Nam Hàn cho biết: Tổng thống Nam Hàn đã cảnh giác, [qua kinh nghiệm cuộc chiến tranh Cao Ly] nếu như hòa đàm [với VC] có xảy ra, chính phủ Sài Gòn sẽ thấy Mỹ thương thuyết thẳng với phía bên kia [VC], còn Sài Gòn chẳng nói năng gì được trong khi thương thuyết, và cuối cùng sẽ phải chấp nhận và tuân hành những gì Mỹ và VC ký kết. Quả nhiên, 6 năm sau, lời tiên đoán này đã trở thành sự thật tại Hội Nghị Ba Lê, dẫn đến bản Hiệp Định đầy phi lý, khi Mỹ toa rập với VC cho phép quân đội xâm lăng VC được tiếp tục hiện diện trên lãnh thổ VNCH, dẫn đến thảm kịch 30-4-75. Sau đây, Sàigòn Times trân trọng giới thiệu tiếp những sự thật được ông tiết lộ trong tác phẩm "Hope and Vanquished Reality", được ông viết theo yêu cầu của "The Center for A Science of Hope" ở New York.
*
(Tiếp theo số 648...)
Ông Lâm và tôi nhất quyết cho rằng Hà Nội chẳng có gì để điều đình cả, vì điều kiện tiên quyết của CS Hà Nội là Hoa Kỳ hoàn toàn chấm dứt can thiệp vào Việt Nam và loại bỏ toàn bộ chế độ chống cộng ở Sài Gòn.
Còn ông Thiệu và phe quân sự thì không có cách nào khác hơn là tiếp tục khẳng định việc Mỹ tiếp tục can thiệp và việc duy trì chính phủ chống cộng ở Nam Việt Nam. Thật là một mớ bòng bong đầy cố chấp nan giải mà về sau Henry Kissinger phải tìm cách tháo gỡ. Ông Lâm và tôi kết luận rằng nhiệm vụ của chúng tôi ở Ba Lê sẽ không mấy vất vả vì những cuộc điều đình thực sự - cũng là chuyện đau đầu cho ông Thiệu - là phải xử sự với Hoa Thịnh Đốn chớ không phải với Hà Nội. Bàn rộng tán dài xong, ông Lâm và tôi có được may mắn là lại cùng chung gánh nặng lần đầu tiên kể từ Thượng Đỉnh Manila 1966.
Phái đoàn Sài Gòn, kể cả Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ và phu nhân, đến Ba Lê ngày 8 tháng Mười Hai 1968. Hoa Kỳ đã nói chuyện riêng với Hà Nội từ tháng Ba, và nói chuyện chính thức từ tháng Năm. Cuối cùng, Hà Nội lẫn Hoa Thịnh Đốn đã thỏa thuận cho Bà Bình tham dự các phiên họp chính thức, tương đối công khai, song song với những cuộc thương thuyết riêng, với điều kiện là Tổng Thống Thiệu cũng được đối xử như Bà Bình. Ngay sau khi Bà Bình được xuất hiện tại bàn hội nghị, Hà Nội chẳng còn quan tâm đến số thân hữu trên toàn Thế Giới Tự Do mà Hoa Kỳ muốn đưa tới Khách Sạn Majestic sang trọng ở Ba Lê, được đặt tên mới là Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế.
Trên một nghìn nhà báo, từ khắp nơi trên thế giới, kéo đến Ba Lê để săn tin hòa đàm và mọi người đều có nhiều hy vọng về một cuộc dàn xếp qua thương thuyết - ngoại trừ những người được phái đến để thương thuyết. Ông Lâm và tôi không nuôi ảo tưởng khi chúng tôi bắt tay vào những phiên họp quái gở "hai bên mà bốn phe" đó, ngồi quanh một cái bàn được tính toán cẩn thận với đường kính là tám thước. Thương thuyết cứ kéo dài lê thê, lâu trên bốn năm.
Kích cỡ và hình dáng bàn họp của hòa đàm Ba Lê về Việt Nam được thiên hạ biết đến rất nhiều. Ông Thiệu nhất định đòi Hoa Thịnh Đốn phải cho thực hiện "một hội nghị hai bên", một lập trường hợp lý đối với một cuộc chiến tranh giữa hai lực lượng đối nghịch. Mục đích của ông là nhằm loại bỏ Bà Bình với cái Mặt Trận Giải Phóng của bà. Trái lại, Hà Nội nhất quyết cho rằng rõ ràng là có bốn thành phần tham dự hội nghị và như thế họ sẽ đạt được điều họ mong muốn là công nhận Bà Bình về mặt chính trị.
Thế là những cuộc thảo luận sôi nổi về hình dáng cái bàn kéo dài hàng mấy tháng. Hầu hết các nhà quan sát thời cuộc đều ngao ngán cho tính phi lý của vấn đề. Hòa đàm Ba Lê để tìm ra một giải pháp ôn hòa cho một cuộc chiến tranh đẫm máu không thể bắt đầu được vì chính những người tham dự không thỏa thuận được hình dáng của cái bàn mà họ sẽ ngồi vào. Tôi không nghĩ là các đại sứ Harriman và Vance quan tâm mấy đến hình dáng của vật trang trí phiền phức đó và sẽ vui lòng chịu ngồi xếp bằng dưới đất, nếu như ai ai cũng thật sự quan tâm đến chuyện thương thuyết nghiêm chỉnh để tìm hòa bình. Muốn cho ông Thiệu hài lòng, Tổng Thống Johnson tán thành luận điểm của ông về hội nghị hai bên về hình thức (cái bàn). Còn về phần nội dung (thỏa hiệp) thì đó là chuyện hoàn toàn khác biệt, vào lúc cuối cùng.
Chuyện bàn cãi về cái bàn làm cho những người có thiện chí và các quan sát viên trung lập đưa ra đủ thứ đề nghị. Trong tinh thần hòa bình và hợp tác, một vài người đưa ra ý kiến là nên ngồi một phía của cái bàn để những người tham dự có thể túm tụm lại với nhau cho ấm trong những ngày giá lạnh của mùa đông Ba Lê. Qua cách sắp xếp này, tất cả đều có thể nhìn vào một tấm gương trang trí to lớn - một quà tặng của Mẫu Quốc Pháp tại Đông Dương trước đây - treo trong phòng. Như thế, mọi người sẽ có bóng mình trong gương, coi như có phần ở một mặt của hòa bình, mà còn được đối thoại với nhau qua tấm gương. Những người khác thì gợi ý nên cung cấp cho mỗi đại biểu một bộ bàn ghế cá nhân, giống như bàn học sinh nhưng có bánh xe, như thế người nào cũng có thể tự do chạy ngược xuôi khắp phòng họp để nói chuyện với nhau. Như vậy sẽ làm cho hòa đàm tiến triển thật sự. Ý kiến hấp dẫn hơn hết xuất phát từ những người đề nghị rằng đơn giản nhất là nên tổ chức một chầu ăn uống đứng và la cà với nhau trên thảm cỏ xanh nhân tạo, trong phòng hội sang trọng kiểu Louis XV - với thịt nguội và rượu vang Beaujolais mới ra lò, một ý kiến của phe tiết kiệm; hay là theo ý kiến của khuynh hướng thanh lịch, thì với thức ăn khai vị, sâm banh và áo quần dạ tiệc sang trọng. Như thế sẽ gợi ý cho một mối thân hữu chân tình và một điều khích lệ để đi tới hòa bình, tạo điều kiện cho mọi người cùng có chung một tâm trạng đầy hương vị, cởi mở và phấn khởi.
Sau khi bị bế tắc khá lâu, cuối cùng vấn đề tế nhị đó cũng được giải quyết với sự giúp đỡ của Pháp và Liên Xô. Bốn bên ngồi vào một chiếc bàn tròn rộng lớn (để thích ứng với sự hiện diện của bốn phái đoàn qua một cung cách trung lập), đường kính tám thước (để bảo đảm cho không một ai có thể bị thương nếu người ta muốn ném vật gì đó vào nhau, như một trái dừa khô Việt Nam hoặc quả bóng chày Mỹ), với hai chiếc bàn hình chữ nhựt nhỏ đặt ở hai đầu đường kính dành cho thư ký (đúng ra là một món quà rẻ tiền cho mối ám ảnh của Tổng Thống Thiệu về một cuộc họp hai bên nhưng hoàn toàn vô ích đối với mọi người khác). Chiếc bàn được phủ lên bằng một tấm nỉ mỏng màu xanh lá cây đậm giống như tấm bọc bàn bi-da. Không được để cờ hay bảng tên và mọi người tham dự đều uống một thứ nước khoáng trắng trong. Không có cung cấp cà-phê nên không một ai có thể tìm cách chống lại cơn ngủ ngày thật khoan khoái trong lễ đọc bài diễn văn đã soạn sẵn, một thủ tục dễ ghét và đương nhiên có thể cứ dài lê thê, tuần này qua tuần khác, tháng nọ sang tháng kia và năm này qua năm nọ.