Hôm nay,  

Tin Nước Úc

16/05/201000:00:00(Xem: 3666)

Tin nước Úc

PHÓ THỦ TƯỚNG JULIA GILLARD PHỦ NHẬN SẼ THAY RUDD TRƯỚC BẦU CỬ

CANBERRA: Trong lúc quốc hội liên bang chuẩn bị tái nhóm họp để quyết định về ngân sách của tài khóa 2010-2011 tới đây thì TT Kevin Rudd lại bị một tin không được vui lắm, nếu không nói là tệ hại: có thêm một cuộc thăm dò dân ý nữa cho thấy uy tín của ông và chính phủ Lao động liên bang đang trên đà đi xuống.
Kết quả của cuộc thăm dò do AC Nielsen thực hiện cho công ty truyền thông Fairfax- bao gồm những tờ báo lớn như The Sydney Morning Herald ở NSW và The Age ở Victoria- cho thấy uy tín của ông Rudd đã tụt giảm tệ hại với số cử tri hài lòng với ông sụt giảm từ 59%  xuống còn  45% trong lúc số cử tri không hài lòng với ông nhảy 13% lên 49%. Đây là lần đầu tiên mà tỷ lệ người không hài lòng vượt cao hơn những người hài lòng với ông kể từ khi ông trở thành lãnh tụ đảng Lao động cho đến nay.
Tệ hại hơn nữa, tỷ lệ cử tri đầu phiếu cho hai phe chính phủ và đối lập lại ngang ngửa với nhau 50-50 so với 51-49 cách đây một tháng. Điều này có nghĩa là có một sự thay chiều đổi hướng trong ý định bầu cử của cử tri với giá trị là 2,7%, và với tỷ lệ thay chiều đổi hướng như thế, nếu cuộc tổng tuyển cử liên bang được tổ chức ngay thời điểm này thì chính phủ Rudd sẽ mất 19 ghế và mất chính quyền.
Chính vì thế mà giới bình luận chính trị cùng nhiều nhà phân tích thời sự và giới truyền thông đã công khai lên tiếng đồn đại rằng có thể bà Julia Gillard sẽ thay thế ông Rudd trong chức vụ thủ tướng và sẽ lèo lái chính phủ liên bang trong kỳ tổng tuyển cử sắp tới đây.
Thế nhưng, hôm thứ Hai 10/5/10 vừa qua thì bà Gillard đã phủ nhận những lời đồn đại rằng bà sẽ trở thành lãnh tụ đảng Lao động liên bang trong tương lai gần. Bà nói: “Không một cá nhân nào trong đảng Lao động nói gì với tôi [về chuyện ấy] cả. Tôi đang chú tâm vào công việc của tôi là phó Thủ Tướng. Tôi thích công việc này và tôi đặc biệt hãnh diện về những thành quả của chúng tôi trong lãnh vực giáo dục và quan hệ lao tư. Chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc để làm, kể cả chuyện chuẩn bị cho các cuộc thi toàn quốc trong tuần này”.
Thêm vào đó, bà Gillard cũng nói rằng chính những quyết định thật khó khăn là nguyên nhân đàng sau sự suy sụp uy tín của chính phủ và bà vẫn tiếp tục yểm trợ ông Rudd làm thủ tướng. Bà nhấn mạnh: “Anh ấy đang lèo lái chính phủ trong một vài hoàn cảnh khó khăn, lãnh đạo chính phủ khi chúng tôi phải đối diện với các quyết định khó khăn, lèo lái chính phủ trong lúc chúng tôi đưa ra một sự lãnh đạo mà dân chúng muốn và cần trong lãnh vực kinh tế. Rõ ràng là trong khoảng thời gian gần đây chúng tôi đã phải đối phó với một vài câu hỏi lớn lao- chẳng hạn như thuế đánh trên mức lợi nhuận ngoại hạng (super profits tax). Tất cả những việc này cần một thời gian để giải thích cho cử tri và chúng tôi sẽ chuyên tâm vào việc ấy”.

NHU CẦU THÀNH LẬP ỦY BAN ĐỘC LẬP ĐIỀU TRA CÁC VỤ ÁN BỊ XỬ SAI

BRISBANE: Hội Đồng Tranh Đấu Cho Dân Quyền Quensland (Queensland Council for Civil Liberties) vừa tuyên bố rằng việc tái thẩm cuộc điều tra về một vụ án mạng là bằng chứng hiển hiện cho thấy nhu cầu cấp bách về một cơ quan thẩm quyền mới để điều tra về những vụ án bị xử sai lầm (miscarriages of justice).
Ông Graham Stafford phải ngồi tù gần 15 năm qua vì bị kết tội đã giết một cách thật dã man cô bé nữ sinh 12 tuổi ở Ipswich là Leanne Holland tuy ông luôn luôn khẳng định về sự vô tội của ông. Gần đây, cái án của ông đã bị Tòa Kháng Án hủy bỏ và cảnh sát phải tái thẩm lại về vụ án này.
Trạng sư của ông Stafford là Joe Crowley cho biết ông ta đang chuẩn bị cho vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại cho ông Stafford.
Chủ tịch Hội Đồng Tranh Đấu Cho Dân Quyền Quensland, ông Terry O’Gorman cho biết  trong suốt hơn một thập niên qua hội đồng đã mạnh mẽ lên tiếng yêu cầu phải có thay đổi trong hệ thống công lý. Ông nói thêm rằng lực lượng cảnh sát Queensland lẽ ra không nên điều tra khả năng hoạt động của chính họ và sự bồi thường thiệt hại cho những người bị xử án sai lầm không nên tùy thuộc vào sở thích của bộ trưởng tư pháp. Ông nói: “Bồi thường thiệt hại, tái thẩm những vụ án bị xử sai lầm nên được thi hành chiếu theo luật, và được điều hành bởi một cơ quan độc lập, tương tự như ở Anh Quốc, vốn có danh xưng là Ủy Ban Tái Thẩm Các Vụ Hình Sự (Criminal Cases Review Commission) và chúng tôi kêu gọi ngài bộ trưởng tư pháp nên thành lập một cơ quan như thế.  Cảnh sát có đặc quyền  để cố đi đến kết luận rằng hoàn toàn không có gì sai lầm trong vụ án này vì họ không muốn thú nhận sai sót của họ. Chúng tôi nói rằng cuộc tái thẩm này cần được thực hiện bởi một nhóm cảnh sát viên từ các tiểu bang khác. Đây không phải là một đề nghị thái quá”.
Giáo sư tội phạm học của Bond University, ông Paul Wilson, từng viết một quyển sách về vụ án của ông Stafford cũng đồng ý rằng cảnh sát Queensland không nên tự điều tra hành động của họ. Ông nói: “Vấn đề khó khăn trong việc Lực lượng Cảnh sát  Queensland tự điều tra chính họ là nó chẳng khác gì việc học trò tự chấm điểm bài tập của chúng cả, đặc biệt là với lịch sử của cảnh sát Queensland trong việc tái thẩm những cuộc điều tra trong quá khứ của họ”.
TTL cảnh sát Bob Atkinson cho biết ba thám tử Queensland thâm niên không dính líu tới cuộc điều tra nguyên thủy cùng với một thám tử nhiều kinh nghiệm về các vụ án sát nhân từ New South Wales sẽ tái thẩm vụ án giết hại em Leanne Holland.

THAY LUẬT ĐỂ BẢO VỆ HỌC SINH

CANBERRA: Chính phủ liên bang muốn thay đổi đạo luật kỳ thị giới tính (Sex Discrimination Act) để bảo vệ trẻ em và các thiếu niên không bị sách nhiễu tình dục. Hiện nay, những người dưới 16 tuổi không thể dùng đạo luật này để kiện cáo giáo viên hoặc những bạn học hay hà hiếp với tội sách nhiễu tình dục.
Tổng Trưởng Phụ Nữ Sự Vụ (Minister for Women) bà Tanya Plibersek cho biết những đề nghị tu chính này phản ánh các mối nguy hiểm mà trẻ em hiện nay phải đối phó. Bà nói: “Hiện nay trẻ em dưới 16 tuổi được rất ít sự bảo vệ chống lại sự sách nhiễu từ một học sinh khác. Thí dụ điển hình là việc một nữ sinh 15 tuổi bị người bạn trai gởi những tấm hình không thích hợp của em đến với các bạn học cùng lớp, em không được sự bảo vệ nào cả trong khi một nữ sinh 16 tuổi thì lại được đạo luật Kỳ Thị Giới Tính bảo vệ”.
Bà cho biết đạo luật này đã không được tu chỉnh trong 25 năm qua và hiện không còn hợp thời nữa. Bà nói: “Tôi nghĩ rằng thực tế bất hạnh cho phụ huynh của hôm nay là giới trẻ  dính líu ở một tuổi quá sớm vào việc gởi qua điện thư (SMS) những thứ hình  ảnh, tài liệu nội dung không thích hợp cũng như bị đưa vào tầm ảnh hưởng của những tài liệu không thích hợp qua mạng. Chúng ta sống trong một thế giới tân thời, nơi mà trẻ em, ở một tuổi trẻ hơn xưa rất nhiều, lại bị đặt để vào sự nguy hiểm từ những tài liệu như thế này”.

NGÂN HÀNG LỢI DỤNG KHỦNG HOẢNG KINH TẾ ĐỂ THỦ LỢI

CANBERRA: Các ngân hàng lớn đã lợi dụng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu để moi thêm từ thân chủ một số tiền là $733 Úc Kim mỗi năm trong lúc họ tăng lương cho các nhân viên cao cấp và mang về lợi nhuận kỷ lục cho cổ đông viên.
Một cuộc nghiên cứu của đại học Canberra cho thấy bốn ngân hàng lớn (Westpac, Commonwealth, NAB và ANZ) đang bắt thân chủ phải trả thêm quá nhiều tiền qua việc kiếm lời nhiều hơn từ các món nợ mua nhà, qua lệ phí cao hơn và qua việc giảm thiểu mức tiền lời của trương mục tiết kiệm so với trước khi có cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu.
Trong cùng tuần lễ mà ngân hàng Westpac thông báo rằng lợi nhuận giữa năm của họ gia tăng hơn 30%, lên đến gần $3 tỷ thì bản tường trình của cuộc nghiên cứu cho thấy các con số thống kê chính thức đã chứng minh rằng các ngân hàng này đã nói dối với quần chúng về tình trạng tài chánh của họ. Ông Milind Sathye, giáo sư ngành Ngân Hàng và Tài Chánh tại đại học Canberra cho biết: “Họ (các ngân hàng Westpac, the Commonwealth, NAB và ANZ) khóc lóc rằng họ nghèo lắm xuyên suốt cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu, thế nhưng những dữ liệu chính thức cho thấy họ đã tạo ấn tượng sai lầm”.
Viện đại học Canberra đã sử dụng các con số thống kê của cơ quan APRA (Australian Prudential Regulatory Authority- cơ quan có nhiệm vụ kiểm soát các công ty trong ngành tài chánh, ngân hàng.vv.) để theo dõi tình trạng tài chánh của các ngân  hàng. GS Thaye nói: “Điều này có nghĩa là kết luận của chúng tôi có thể dễ dàng được kiểm chứng công khai. Các ngân hàng thì khác, họ đưa ra lý luận dựa vào những con số mà chỉ riêng họ mới có thể xem mà thôi. Và trên căn bản ấy thì họ có thể cãi gần như bất cứ điều gì cũng được”.
Những dữ kiện gần đây nhất của APRA cho thấy rằng thay vì cắt giảm xuống trong thời gian có cuộc khủng hoảng thì các ngân hàng này lại gia tăng lương hướng cho các giám đốc và nhân viên từ $14 tỷ một năm lên $16 tỷ một năm. Đây là một sự gia tăng 14,2%. Tất cả những chuyện tăng lương nói trên xảy ra trong lúc nhiều triệu người bình thường làm việc ăn lương phải bị cắt giờ làm việc hoặc phải bị đình hoãn việc tăng lương.
Các ngân hàng cũng cắt giảm lãi suất mà họ trả cho những người có trương mục tiết kiệm, đôi lúc đến gần phân nửa mức lãi suất trước đó. Chỉ có những trương mục định kỳ (term deposit) với số tiền tối thiểu là $10.000 thì mới có lãi suất cao hơn mà thôi.
Trong lúc tất cả các ngân hàng đều biện minh rằng họ bị buộc phải trả lãi suất cao hơn cho những số tiền mà họ mượn từ thị trường cho vay sỉ (wholesale market), nhưng thật ra thì các con số thống kê của APRA cho thấy “tổng số chi phí kiếm tiền” (total funding cost) cho cả bốn ngân hàng lớn nhất là 4,9% trong tháng 9/2008, nhưng phí tổn này lại giảm xuống còn có 3,39% trong tháng 9/2009. GS Sathye cho biết: “Những vụ tăng lãi suất vừa qua chỉ cần thiết nếu quý vị đồng ý rằng chuyện quan trọng cần yếu là giúp cho các ngân hàng này tiếp tục có mức lợi nhuận kỷ lục. Rất nhiều người sẽ cho rằng trong những thời điềm khó khăn thì các ngân hàng nên gách chịu một phần chi phí. Thế nhưng, cuối cùng thì cho dù các chuyên viên quan hệ quần chúng của họ muốn nói gì đi nữa, sự thật vẫn được phơi bầy qua các bản báo cáo tài chánh được kiểm toán của họ, và các bản báo cáo này cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác hẳn”.
Các dữ kiện của APRA còn cho thấy thêm là ngân hàng đã gia tăng lợi nhuận thêm $4 tỷ từ các lệ phí  với số lợi nhuận này là $17 tỷ một năm cho đến tháng 9/2008, và $21 tỷ cho thời gian tương đương cho đến tháng 9/2009 vừa qua.
Số tiền $733 gia tăng trên mỗi thân chủ là con số trung bình được tính từ thân chủ của tất cả 15 ngân hàng. Thế nhưng, vì các dữ liệu của APRA chỉ được áp dụng với bốn ngân hàng lớn mà thôi nên con số thực thụ tính đổ đồng trên thân chủ của các ngân hàng này có thể lên đến hơn $3.000 một năm, theo InfoChoice. Tổng Giám đốc InfoChoice, ông Shaun Cornelius cho biết: “Họ chỉ chuyển gánh nặng qua cho thân chủ nhiều hơn khi mức lãi suất gia tăng, và khi mức lãi suất sụt giảm thì họ lại cắt giảm ít hơn”.

TÁT CON HƯ, MẸ BỊ TỐNG GIAM VÀ RA TÒA

SYDNEY: Khi bà Colleen Gudmann được tin rằng cảnh sát đã bắt được đứa con gái 16 tuổi của bà sau khi nó say xỉn  và cố dùng căn cước giả mạo để vào quán nhậu thì bà ngỡ như thế là quá tệ hại rồi. Thế nhưng, khi người thợ uốn tóc ở Northbridge này đến bót cảnh sát Chatswood để rước con về thì sự việc lại trở nên tồi tệ hơn nữa.
Đến cuối đêm ấy thì chính bà Gudmann là người bị tống giam với tội hành hung và bị cảnh sát đưa lệnh cấm bạo hành (Apprehended Violence Order- AVO) chỉ vì chuyện mà bà cho là quyền dạy dỗ con cái của phụ huynh. Cảnh sát tóm bắt bà sau khi bà tranh cãi với cô Victoria, con gái của bà, lúc nó chửi mắng bà là “đồ chó”.
Bà Gudmann cho biết bà làm chuyện mà đại đa số phụ huynh trong trường hợp của bà cũng đều sẽ làm: bà tát Victoria một cái vào mặt để nó ngừng lại. Bà cay đắng kể lại: “Kế đến, người nữ cảnh sát nạt nộ tôi và nói “Cút ngay!”. Họ dẫn tôi vào một cái phòng và cho biết họ truy tố tôi với tội hành hung và xin lệnh cấm tôi bạo hành. Tôi nói: “Mấy người nói đùa hả"”. Tôi không tin được chuyện ấy, nhưng họ nói rằng toàn bộ cảnh này đã được máy quay phim an ninh CCTV thu hình và họ phải truy tố tôi. Tôi phải đổ hết mọi thứ trong giỏ xách tay của tôi ra, họ lấy dấu tay của tôi, họ đẩy tôi ra trước cái đèn sáng chói và chụp hình tôi. Thật là kinh khủng. Tôi phải ngồi ở đấy đến 5g00 sáng để chờ lệnh AVO, và vì thế, mặc dù mẹ con tôi sống chung với nhau nhưng Victoria vẫn không được trao lại cho tôi dẫn về nhà. Toàn bộ sự việc bị xé to một cách quá đáng. Tới bây giờ tôi vẫn không tin được rằng nó đã xảy ra”.  “
Ngày 6/11 ấy là lần đầu tiên trong đời bà Gudmann phải đến bót cảnh sát.
Hai tuần sau đó thì bà lại có một kinh nghiệm đầu tiên khác: phải hầu tòa địa phương Hornsby với tư cách là bị cáo, ngay vào ngày chống bạo hành gia đình (Domestic Violence Day) trong khi Victoria, con gái bà, học sinh lớp 11 trường trung học Killarney bị các nhân viên xã hội thẩm vấn xem cô có e ngại cho sự an toàn của bản thân cô hay không.
Thẩm phán Lesley Brennan bãi bỏ vụ án chiếu theo điều 10 của luật Hình Sự và không ghi án vào hồ sơ. Bà gudmann kể lại: “Ông thẩm phán nói “Đây chỉ là chuyện một phụ huynh thi hành quyền làm cha mẹ của họ- cái vụ truy tố này thật là lố lăng. Thế rồi, khi chúng tôi bước ra khỏi tòa thì Victoria bật khóc nức nở. Nó hiểu được mức nghiêm trọng của sự việc. Nó bị cấm không được đi đâu trong suốt một tháng, nhưng còn tôi thì tôi bị một sự căng thẳng nhất trong suốt cả cuộc đời tôi. Tôi không phải là người xấu, nhưng tôi chỉ đánh Victoria có ba lần trong suốt đời nó, khi nó hư hỏng mà thôi”.


Victoria nói: “Chuyện chẳng có gì cả, thực sự chẳng đáng gì cả. Lúc ấy tôi  nghĩ “có gì mà ầm ĩ chứ"”. Tôi muốn nói rằng chẳng lẽ họ không còn chuyện gì khác hơn, tốt hơn để làm hay sao chứ" Tôi chỉ muốn về nhà với mẹ tôi thôi. Tôi muốn thấy mẹ tôi. Chúng tôi bị căng thẳng quá độ vì chuyện ấy. Thật là tồi tệ vô cùng”.
Chiếu theo luật lệ hiện hành ở NSW  thì phụ huynh và người giám hộ có quyền kỷ luật con cái họ, nếu hình phạt phải chăng. Tuy nhiên, cảnh sát viên trực ở đồn Chatswood, ông Stefan Kent vẫn khăng khăng cho rằng tát một đứa trẻ là sự hành hung. Ông nói: “Bà ta hành hung cô ấy trong phòng truy tố, ngay trước mặt cảnh sát. Hoàn toàn không có gì khác biệt nếu chuyện ấy xảy ra trong nhà họ hay ngoài đường hay ở bất cứ nơi đâu”.

LÀM PHAO NGƯỜI ĐỂ PHẢN ĐỐI CHÍNH SÁCH TỴ NẠN CỦA ÚC

SYDNEY: Người bàng quan nhìn sững sờ và du khách thì chụp ảnh liên tục khi những người biểu tình tụ, đứng thành vòng tròn tạo nên một cái phao người khổng lồ trên bãi biển Bondi hôm cuối tuần qua hầu gởi một thông điệp chính trị đến các chính khách ở Úc để phản đối cách đối xử với người tầm tỵ đến Úc bằng ghe thuyền hiện nay.
Cuộc biểu tình phản đối này được tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) tổ chức, với khoảng 300 người tham dự, đa số mặc quần áo mang mầu sắc của chuyên viên cứu người trên biển (lifesaver) là vàng và đỏ. Tại các thành phố lớn khác là Melbourne, Brisbane và Adelaide cũng có những cuộc biểu tình đầy ấn tượng tương tự.
Giám đốc toàn quốc của Ân Xá Quốc Tế, bà Claire Mallinson cho biết tổ chức này hiện đang chuyên chú trở lại vào người tỵ nạn vì những bước lui quá độ của chính phủ Rudd trong thời gian gần đây. Bà nói: “Những sự thay đổi chính sách gần đây của chính phủ, kể cả việc đình hoãn thủ tục xét  đơn xin tỵ nạn của người tầm tỵ A Phú Hãn và Tích Lan, việc mở lại trung tâm tạm giam Curtin cũng như những chính sách của phe đối lập trong việc đẩy ngược ghe thuyền tỵ nạn ra biển và tái lập loại chiếu khán bảo vệ tạm thời (temporary protection visa), tất cả những chuyện này đều soi mòn nhân quyền căn bản của con người là quyền xin được bảo vệ tránh né bạo động và sự ngược đãi hà khắc”.
Đại diện của các cộng đồng tỵ nạn- không hiểu có cộng đồng người Việt tỵ nạn trong số này hay không- cùng các tổ chức tranh đấu giúp người tỵ nạn như Refugee Council, các tổ chức tôn giáo (không hiểu có Phật Giáo hay không) và tổ chức xã hội GetUp! đều tham dự cuộc biểu tình này.

TRAO LỘN TRẺ SƠ SINH TẠI BỆNH VIỆN

SYDNEY: Nhiều em bé sơ sinh bị trao lầm cho người khác và những bà mẹ này vì không biết nên đã cho con người ta bú sữa của mình và qua đó, khiến cho các bà mẹ cùng các em có nhiều nguy cơ bị bệnh tật.
Trong một trường hợp tạo nhiều chấn động thì một em bé sơ sinh phải bị rửa ruột sau khi được cho bú sữa cũ được vắt ra một tháng trước đó từ một người đàn bà không phải là mẹ em.
Trong vòng 3 năm qua ở NSW có ít nhất là 26 vụ trẻ sơ sinh bị trao lầm mẹ tại các bệnh viện sản khoa ở Sydney. Sự thiếu hụt nhân viên cũng như việc một số bà mụ không xem kỹ những cái vòng nhựa căn cước quanh cổ chân hoặc cổ tay hài nhi là nguyên nhân của những vụ sai lầm này.
Sau một cuộc điều tra kéo dài suốt một năm thì những hồ sơ được phổ biến chiếu theo luật Tự Do Thông Tin FoI (Freedom of Information) cho thấy tầm vóc của những sự sai lầm này.
Một trong những trường hợp trầm trọng nhất xảy ra tại bệnh viện Blacktown ở miền Tây Sydney với một em bé bị cho uống thuốc một cách không cần thiết vì bị sự lầm lẫn vòng căn cước.
Trong một trường hợp khác, một bé gái mới chào đời được 10 giờ đồng hồ tại Westmead bị trao lầm cho một bà mẹ khác để bà cho bú bởi vì nhân viên chịu trách nhiệm không xem xét kỹ càng vòng căn cước.
Ít nhất là phân nửa những vụ lầm lẫn xảy ra trong khoảng thời gian 2006-2009, đã xảy ra ở trong phạm vi của dịch Vụ Y Tế Tây Nam Sudney (Sydney South West Area Health Service- SSWAHS), vốn bao gồm những bệnh viện Royal Prince Alfred, Fairfield, Liverpool, Campbelltown và Bankstown.
Và cũng chính SSWAHS đã cố che giấu những lỗi lầm này của họ và từ chối không chịu phổ biến hồ sơ cho đến khi bị văn phòng Ombudsman ra lệnh.
Hồ sơ được phổ biến từ bệnh viện cho thấy nhiều bà mẹ bị phẫn nộ và sầu não tột cùng sau khi khám phá, hoặc được thông báo rằng đứa bé mà họ vừa cho bú sữa của họ không phải là con họ.
Nhiều em bé cũng bị cho uống lầm sữa đã vắt sẵn, và đây là một việc hoàn toàn trái ngược với các chính sách rất nghiêm nhặt của bộ Y tế NSW.
Tại dưỡng đường chăm sóc cho các trẻ sơ sinh (newborn care unit) của bệnh viện Liverpool ở miền Tây Nam Sydney thì một em bé được cho uống sữa đã vắt sẵn mà người ta tìm thấy trong tủ lạnh. Bầu sữa này đã cũ ít nhất là một tháng và của một bà mẹ khác vốn đã được xuất viện từ rất lâu. Và vì thế, em bé phải bị rửa ruột, rửa bao tử để không bị nhiễm trùng hoặc bị bệnh nặng. 
Bà Robyn Thompson, một chuyên gia về đỡ đẻ (midwifery expert) với hơn 40 năm kinh nghiệm tại bệnh viện công cũng như tư, cho biết các bà mẹ có thể bị nhiều sự chấn động tâm lý đến tột cùng. Bà nói: “Vấn đề ở đây là nguy cơ những bệnh tật truyền nhiễm lây lan qua máu có thể được truyền qua đứa bé khi người khác không phải là mẹ nó cho nó bú và thêm vào đó là sự chấn động tinh thần và tâm lý khi một bà mẹ biết rằng có người đàn bà lạ cho con mình bú sữa bà ta. Tôi khuyên các bà mẹ nên giữ con với họ mặc dầu họ có mệt  đi nữa”.
Chính sách quản trị an toàn sữa mẹ của bộ Y Tế NSW đòi hỏi nhân viên phải kiểm soát vòng căn cước trên cổ tay và cổ chân bé sơ sinh với vòng căn cước trên cồ tay bà mẹ. Sữa mẹ vắt ra phải được kiểm soát lại với bà mẹ và cần được giữ trong tủ lạnh trong phòng của bà ta.
Vào tháng Ba vừa qua thì bệnh viện Broken Hill ở vùng viễn Tây của tiểu bang NSW đã buộc lòng phải lên tiếng cáo lỗi sau khi một đứa bé sơ sinh bị trao lầm cho một bà mẹ khác.
Các trường hợp khác bao gồm một em bé được nhân viên bệnh viện RPA chăm sóc rồi sau đó bị trao lại lầm cho một bà mẹ khác để cho bú; một bà mẹ bị trao lầm con và cho nó bú trước khi sơ sót này được khám phá ở bệnh viện Canterbury; một em bé được đeo lộn vòng căn cước của một người đàn bà lúc ấy vẫn còn đang rặn đẻ tại bệnh viện Nepean;
Dịch Vụ Y Tế Miền Bắc Sydney và Central Coast (Northern Sydney Central Coast Area Health Service- NSCCAHS) là dịch vụ duy nhất không có vụ trao lộn con nào được thông báo trong khoảng thời gian 2006-2009.
Phát ngôn nhân của Hiệp Hội Cho Con Bú Sữa Mẹ (Australian Breast Feeding Association) bà Wood cho biết những vấn nạn nói trên cần được nêu lên để qua đó, giáo dục cho các bà mẹ. Bà nói: “Đây là hoàn cảnh có thể né tránh được khi các bà mẹ và các em bé được giữ chung với nhau”.
Cả tiểu bang NSW chỉ có 9 bệnh viện được chứng nhận “thân thiện với trẻ em”, với các bà mẹ được khuyến khích giữ con của họ trong phòng của họ. Chương trình quốc tế này được UNICEF và WHO đề đặt ra nhằm buộc các bệnh viện phải tuân thủ theo các chính sách nghiêm nhặt hầu cung cấp một môi trường an toàn.
Bác sĩ Michael Nicholl, cố vấn sản khoa của bộ Y Tế NSW cho biết “hậu quả trực tiếp” của những vụ lầm lộn nêu trên là bộ Y Tế đã chỉnh sửa chính sách của bộ từ tháng Ba vừa qua. Ông nói: “Bây giờ chúng tôi mạnh mẽ khuyên phải giữ trẻ sơ sinh với mẹ chúng trong cùng một phòng. Khi sữa mẹ được vắt và cất giữ thì phải có những khu vực thích hợp để cất giữ riêng lẻ và cần phải dán nhãn có đề tên bà mẹ và đứa bé”.

LAO ĐỘNG CÓ THỂ BỊ TÁT TRÁI TRONG KỲ BẦU CỬ BỔ TÚC Ở PENRITH

SYDNEY: Thủ hiến NSW, bà Kristina Keneally e ngại một sự tát trái mạnh mẽ mà cử tri ở đơn vị Penrith miền Tây Sydney sẽ dành cho chính phủ Lao động sau khi nữ dân biểu Karyn Paluzzano từ chức cuối tuần vừa qua.
Bà Paluzzano đã đệ đơn từ chức dân biểu lên chủ tịch hạ viện hôm thứ Sáu vừa qua sau khi thú nhận trong cuộc điều tra của Ủy Ban Bài Trừ Tham Nhũng ICAC là bà đã ký giấy giả mạo phí tổn lương hướng cho nhân viên cũng như đã man khai với Ủy Ban này trước đó.
Thủ hiến Keneally cho biết bà cũng bị nữ dân biểu Paluzzano nói dối và bà vô cùng giận dữ vì chuyện này. Bà Keneally tuyên bố: “Bà ấy đã phải chấp nhận hậu quả của những quyết định của bà ấy và bà ấy đã làm như thế. Vị trí của bà ấy trong chức vụ dân biểu không thể nào giữ vững được nữa, và vì thế sự từ chức của bà  là một việc làm thích hợp”.
Sự từ chức này sẽ dẫn đến một cuộc bầu cử bổ sung tại Penrith, một cuộc bầu cử mà bà Keneally không tin rằng chính phủ của bà sẽ có thể thắng được. Bà nói: “Tôi nghĩ rằng người dân Penrith sẽ vô cùng bất mãn- một cách đúng đắn- về hành động của người dân biểu địa phương của họ và tôi thông cảm với chuyện ấy”. Tuy nhiên, lãnh tụ đối lập tiểu bang NSW, ông Barry O’Farrell cho biết đảng của ông cũng sẽ phải trải qua một cuộc tranh đấu rất gay go nếu họ muốn thắng cái ghế ấy.  Ông nói: “Đây là một kết quả vô cùng đáng buồn về một vụ việc vốn đã kéo dài quá sức lâu. Thế nhưng, đây cũng là một cơ hợi, một cơ hội cho những người sống ở đơn vị Penrith để làm một việc tốt cho tiểu bang này, làm một việc tốt cho chính bản thân họ và gạch một đường ranh chấm dứt sự làm việc tồi tệ của chính phủ tiểu bang này”.

NGƯỜI THU LƯỢM XE ĐẨY BỊ BÓC LỘT

ADELAIDE: Những người thu lượm xe đẩy tại siêu thị (trolley boys) chỉ được trả lương  có $8 một giờ và họ cho rằng xếp của họ muốn đuổi hết những nhân viên da trắng để có thể mướn người gốc Phi Châu.
Nhiều cựu nhân viên cho biết Ahmed Mohammed, chủ nhân công ty Congress Service chuyên thầu thu lượm xe đẩy tại siêu thị Woolworth ở Arndale và siêu thị Coles ở North Park và trong thành phố Adelaide, yêu cầu họ phải đuổi nhân viên da trắng và thay vào đó bằng nhân viên gốc Phi Châu bởi vì những người gốc Phi Châu ít than phiền về lương lậu ít ỏi.
Những người cựu nhân viên này cũng tố cáo rằng Mohammed trả tiền mặt cho một vài nhân viên.
Những cựu nhân viên tại Arndale cho biết họ được Mohammed trả $8/giờ và họ tin rằng ông ta trả lương cho một số nhân viên khác ở một siêu thị khác ít hơn thế nữa, khoảng $4,50 một giờ.
Mức lương theo quy chế hiện nay (accepted rate) là $16,95 một giờ cho những người thu lượm xe đẩy, và cho những giám thị là $21/giờ. Mức lương tối thiểu luật định ở Nam Úc là $14,75/giờ.
Ahmed Mohammed là nhân viên của Mohammed Fedail, người được công ty FAB Shopping Centre Services giao khoán lại cái hợp đồng thu lượm xe đẩy cho Woolworths và Big W tại siêu thị ở Arndale.
Ahmed Mohammed thuê một toán nhân viên thu lượm xe đẩy cho trung tâm này và một trong số những người này đã tiết lộ với phóng viên của nhật báo The Advertiser rằng ông ta được người chủ gốc Phi Châu ra lệnh phải tìm đủ mọi cơ hội để đuổi nhân viên da trắng. Người cựu nhân viên này nói: “Hắn nói hắn muốn có nhân công rẻ mạt và nếu họ không phải là người Phi Châu thì đừng mướn họ và nếu họ là người da trắng thì đuổi họ bất kỳ khi nào có cơ hội để làm thế. Tất cả mọi người được trả tiền mặt, không hề sử dụng trương mục ngân hàng nào cả. Vì như vậy thì không cần phải giữ sổ sách thật nào cả”.
Ahmed Mohammed phủ nhận những lời tố giác nói trên và tuyên bố rằng phần lớn các ngày trong tuần y là người duy nhất thu lượm xe đẩy ở Arndale cho Woolworths và Big W và y không hề thuê mướn nhân viên nào cả.
Một phát ngôn nhân của công ty FAB Shopping Centre Services cho biết FAB không và chưa bao giờ thuê mướn hoặc có bất kỳ một quan hệ nào với Ahmed Mohammed cả. 

KẾ HOẠCH SIÊU THỊ CỦA VÙNG ACT

CANBERRA: Hiện đang có nhiều phản ứng khác nhau  về phương pháp của chính phủ ACT trong việc khuấy động sự cạnh tranh trong thị trường siêu thị thực phẩm.
Được biết chính phủ ACT đã dành ra 5 lô đất để xây siêu thị tại các khu vực Dickson, Kingston, Casey và Amaroo. Hai trong số 5 lô đất này được trao cho công ty Supabarn trong khi hai công ty bá chủ thị trường là Coles và Woolworths đã bị cấm cửa tại bốn trong số 5 lô đất này.
Phe đối lập ACT cho rằng kế hoạch nói trên của chính phủ ACT sẽ bóp nghẹt sự cạnh tranh bởi vì những cửa tiệm siêu thị đơn lẻ độc lập có thể cũng sẽ bị loại trừ ra khỏi những lô đất này luôn. Lãnh tụ đối lập ACT Zed Seselja tuyên bố: “Tôi muốn thấy có sự cạnh tranh mạnh mẽ trong thị trường độc lập. Tôi không nghĩ rằng kế hoạch này có thể làm được việc ấy”.
Thế nhưng, tổng giám đốc Hội Đồng Thương Nghiệp Canberra (Canberra Business Council), ông Chris Faulks đã hân hoan chào mừng quyết định nói trên và cho rằng càng có nhiều sự cạnh tranh thì giá cả sẽ càng tốt hơn. Ông nói: “Điều này chẳng những tốt hơn cho công dân của Canberra mà còn tốt cho uy tín của chúng ta như một thành phố mà người ta có thể sống được với thời giá. Chúng ta hiện đang bị thiếu hụt người có tay nghề và đang muốn thu hút thêm nhiều người đến đây làm việc, và điều này có nghĩa là giá nhà phải chăng, nếp sống căn bản  và sự cạnh tranh giữa các siêu thị là một phần của tất cả những thứ ấy”.
Ông Eric Koundouris tổng giám đốc Supabarn cho biết họ vẫn còn rất nhiều công việc để làm. Ông nói: “Chúng tôi rất sung sướng và hoan nghênh chính phủ vì đấy là một bước tiến lớn giúp cho sự cạnh tranh. Chính sách của chính phủ báo hiệu cho một cơ hội khả dĩ thành sự thật về sự cạnh tranh thực thụ giữa các siêu thị ở ACT. Chúng tôi tin rằng đây là mô hình mà các chính phủ tiểu bang khác nên noi theo”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.