Lớn Lẹ Đi Con – Mõ Sàigòn
Phong Ngọc Quế là một nho sĩ ở Liêu Thành, tỉnh Sơn Tây, nhà nghèo không sản nghiệp. Gặp năm bị nạn đói, mới gãi đầu gãi tai mà bàn với mẹ rằng:
- Người quân tử. Không vì cái tiếng mà chuốc họa vào thân. Không vì cái danh mà phá đi phần tư cách. Không vì cái lợi riêng tư mà lỗi đường hiếu đạo. Có điều, bụng dạ không đủ no, thì tạm thời… không làm người quân tử cũng được. Vậy. Ý mẹ làm sao"
Phong thị đang cong lưng mài củ sắn, nghe con hỏi mình như vậy, bèn cháy bỏng ruột gan. Thảng thốt nói:
- Giấy rách phải giữ lấy lề. Gia đình ta dù gì cũng thuộc hàng… chữ nghĩa, mà con lại chơi luôn. E ít nữa khó quay về nơi xuất phát!
Quế biết mẹ không tán thành ý định của mình, bèn thở ra một cái. Chán nản nói:
- Có sống thì mới… giữ lấy lề được. Chớ một khi thăng rồi. Còn giữ được hay sao"
Mấy ngày sau, Quế nhìn vào lu gạo, thời thấy chỉ còn non chén, liền bảo dạ rằng:
- Hai mẹ con mà chỉ chút gạo này, thời ai ăn ai nhịn" Mà giả như mình có nhịn cho mẹ hiền đi nữa. Thời kéo được mấy hôm"
Rồi thở ra một cái, lầm thầm nói tiếp:
- Bớt đi gánh nặng cho mẹ, cũng là một cách báo hiếu. Tránh cho mẹ không nhìn thấy con mình khổ cực đói ăn, cũng là cách báo hiếu. Ra đi để mẹ sống nhờ hy vọng, cũng là cách báo hiếu. Thôi thì tự xử thời hơn!
Nghĩ vậy, bèn thu dọn một ít hành trang, rồi đợi lúc gà gáy mà lên đường cho sớm. Lúc đi đến huyện Nghi Thủy, tỉnh Sơn Đông, thời xây xẩm mặt mày, bèn tựa vào gốc cây cổ thụ bên đường mà nghỉ, bất chợt có một lão trượng dừng chân lại. Hỏi:
- Ngươi ở đâu" Sao lại có thể nằm vạ trước nhà ta như thế"
Quế ú ớ đáp:
- Tiểu sinh ở Liêu Thành, tỉnh Sơn Tây. Vì nạn đói nên buộc phải xa nhà để tìm kế mưu sinh. Nào dè những nơi mà tiểu sinh bước qua đều đói như nhau cả. Nay mong muốn trở về, nhưng sức cùng lực kiệt, nên phải ngủ nơi cây là vì duyên cớ đó.
Lão trượng ngẫm nghĩ một chút, rồi chặc lưỡi nói:
- Thôi được. Cứ tạm ở lại đôi ngày với lão phu. Chừng khỏe lại rồi về. Chớ sức lực như hơi tàn trước gió, rồi lỡ ra âm dương đôi đàng cách biệt, thì trước là tội cho mẹ của ngươi, sau lương tâm của lão đây cũng ôm nhiều áy náy.
Quế nghe vậy, nước mắt rưng rưng, bèn thút thít nói:
- Thời buổi gạo châu củi quế, mà làm phiền lão nhân gia, thì xem chừng không phải. Lại nữa, tiểu sinh với lão nhân gia thân cũng không mà thích cũng không, rồi bây giờ để lão nhân gia dang tay đùm bọc, tiểu sinh quả tình không dám…
Lão trượng khoát tay đáp:
- Ngươi ở tạm có vài ngày. Không khiến cho ta chết đói được đâu!
Quế trong lòng mừng như mở hội, bèn chắp tay xá xá mấy cái, mà nói rằng:
- Tiểu sinh nguyện kết cỏ ngậm vành, để báo đền ân đức, mà giả như kiếp này không trả được, thì xin làm thân trâu ngựa để đáp đền trong kiếp sau, dài dài, tới tới…
Lão trượng nghe đến chữ báo đền ân đức, liền như đỉa phải vôi. Tức tốc nói:
- Bậy! Bậy! Từ ngày ta ra đời đến nay, đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, mà đa phần ở người ngoài. Tuy ta không được chính tay đáp trả lại lòng hào hiệp của các vị ân nhân - thì hôm nay - ta sẽ bắt chước gương xưa mà làm y như vậy. Chỉ mong ngươi trên bước đường đời, gặp việc đáng giúp thì giúp, đáng làm thì làm. Chớ đừng tính chuyện thiệt hơn, thì xem như đã báo ân cho ta rồi đó vậy.
Đoạn, cùng với Ngọc Quế vào nhà. Tuy nhà tranh vách đất, nhưng sạch sẽ gọn gàng, khiến Quế dù đang mệt hết hơi, cũng nghe chốn tim gan dậy reo niềm hảo cảm. Chợt, nghe lão trượng nói:
- Úy Nương. Nấu cho ông nồi cháo, rồi mang lên đây, luôn tiện pha cho ông ấm trà…
Một lát sau, có một cô gái chừng mười bảy tuổi, dáng điệu thanh tao, bưng lên một mâm vừa cháo vừa trà. Lão ông nhìn vào mâm, hứng khởi nói:
- Giỏi! Giỏi! Đun nước với lá bách chi, ấm chén bằng đồ sành. Thật không uổng công ta ngày đêm nhắc nhớ!
Rồi cùng Quế tự nhiên mà ăn uống. Lúc mọi việc đã xong, mới hỏi Quế rằng:
- Ngươi tên họ là gì" Gia cảnh ra sao" Cứ tuần tự trả lời cho ta biết!
Quế nghe tới gia cảnh, bèn thở ra một cái. Ảo não nói:
- Tiểu Sinh họ Phong, tên Quế. Vì gia cảnh nghèo hèn, nên nghiệp bút nghiên đành lui vào dĩ vãng. Cha của tiểu sinh, vì vớt củi trong mùa lụt, nên đã bỏ mẹ con tiểu sinh mà đi. Tiểu sinh nghe người ta nói: Con không cha như nhà không nóc, mà một khi nhà không nóc. Còn lấy vợ được hay sao"
Rồi ngẩng mặt lên trời. Thống thiết nói:
- Trên thì không xây mồ mả được cho cha. Dưới thì không lo được chén cơm đầy cho mẹ, còn giữa thì trắng bạch đôi tay. Làm trai đứng giữa đất trời. Sao lại có thể vô dụng nhiều đến thế"
Đoạn, ôm đầu mà thở. Lão ông thấy vậy, mới nhỏ giọng nói rằng: