Hôm nay,  

Lớn Lẹ Đi Con

15/03/200900:00:00(Xem: 2918)

Lớn Lẹ Đi Con – Mõ Sàigòn

Phong Ngọc Quế là một nho sĩ ở Liêu Thành, tỉnh Sơn Tây, nhà nghèo không sản nghiệp. Gặp năm bị nạn đói, mới gãi đầu gãi tai mà bàn với mẹ rằng:
- Người quân tử. Không vì cái tiếng mà chuốc họa vào thân. Không vì cái danh mà phá đi phần tư cách. Không vì cái lợi riêng tư mà lỗi đường hiếu đạo. Có điều, bụng dạ không đủ no, thì tạm thời… không làm người quân tử cũng được. Vậy. Ý mẹ làm sao"
Phong thị đang cong lưng mài củ sắn, nghe con hỏi mình như vậy, bèn cháy bỏng ruột gan. Thảng thốt nói:
- Giấy rách phải giữ lấy lề. Gia đình ta dù gì cũng thuộc hàng… chữ nghĩa, mà con lại chơi luôn. E ít nữa khó quay về nơi xuất phát!
Quế biết mẹ không tán thành ý định của mình, bèn thở ra một cái. Chán nản nói:
- Có sống thì mới… giữ lấy lề được. Chớ một khi thăng rồi. Còn giữ được hay sao"
Mấy ngày sau, Quế nhìn vào lu gạo, thời thấy chỉ còn non chén, liền bảo dạ rằng:
- Hai mẹ con mà chỉ chút gạo này, thời ai ăn ai nhịn" Mà giả như mình có nhịn cho mẹ hiền đi nữa. Thời kéo được mấy hôm"
Rồi thở ra một cái, lầm thầm nói tiếp:
- Bớt đi gánh nặng cho mẹ, cũng là một cách báo hiếu. Tránh cho mẹ không nhìn thấy con mình khổ cực đói ăn, cũng là cách báo hiếu. Ra đi để mẹ sống nhờ hy vọng, cũng là cách báo hiếu. Thôi thì tự xử thời hơn!
Nghĩ vậy, bèn thu dọn một ít hành trang, rồi đợi lúc gà gáy mà lên đường cho sớm. Lúc đi đến huyện Nghi Thủy, tỉnh Sơn Đông, thời xây xẩm mặt mày, bèn tựa vào gốc cây cổ thụ bên đường mà nghỉ, bất chợt có một lão trượng dừng chân lại. Hỏi:
- Ngươi ở đâu" Sao lại có thể nằm vạ trước nhà ta như thế"
Quế ú ớ đáp:
- Tiểu sinh ở Liêu Thành, tỉnh Sơn Tây. Vì nạn đói nên buộc phải xa nhà để tìm kế mưu sinh. Nào dè những nơi mà tiểu sinh bước qua đều đói như nhau cả. Nay mong muốn trở về, nhưng sức cùng lực kiệt, nên phải ngủ nơi cây là vì duyên cớ đó.
Lão trượng ngẫm nghĩ một chút, rồi chặc lưỡi nói:
- Thôi được. Cứ tạm ở lại đôi ngày với  lão phu. Chừng khỏe lại rồi về. Chớ sức lực như hơi tàn trước gió, rồi lỡ ra âm dương đôi đàng cách biệt, thì trước là tội cho mẹ của ngươi, sau lương tâm của lão đây cũng ôm nhiều áy náy.
Quế nghe vậy, nước mắt rưng rưng, bèn thút thít nói:
- Thời buổi gạo châu củi quế, mà làm phiền lão nhân gia, thì xem chừng không phải. Lại nữa, tiểu sinh với lão nhân gia thân cũng không mà thích cũng không, rồi bây giờ để lão nhân gia dang tay đùm bọc, tiểu sinh quả tình không dám…
Lão trượng khoát tay đáp:
- Ngươi ở tạm có vài ngày. Không khiến cho ta chết đói được đâu!
Quế trong lòng mừng như mở hội, bèn chắp tay xá xá mấy cái, mà nói rằng:
- Tiểu sinh nguyện kết cỏ ngậm vành, để báo đền ân đức, mà giả như kiếp này không trả được, thì xin làm thân trâu ngựa để đáp đền trong kiếp sau, dài dài, tới tới…
Lão trượng nghe đến chữ báo đền ân đức, liền như đỉa phải vôi. Tức tốc nói:
- Bậy! Bậy! Từ ngày ta ra đời đến nay, đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, mà đa phần ở người ngoài. Tuy ta không được chính tay đáp trả lại lòng hào hiệp của các vị ân nhân - thì hôm nay - ta sẽ bắt chước gương xưa mà làm y như vậy. Chỉ mong ngươi trên bước đường đời, gặp việc đáng giúp thì giúp, đáng làm thì làm. Chớ đừng tính chuyện thiệt hơn, thì xem như đã báo ân cho ta rồi đó vậy.
Đoạn, cùng với Ngọc Quế vào nhà. Tuy nhà tranh vách đất, nhưng sạch sẽ gọn gàng, khiến Quế dù đang mệt hết hơi, cũng nghe chốn tim gan dậy reo niềm hảo cảm. Chợt, nghe lão trượng nói:
- Úy Nương. Nấu cho ông nồi cháo, rồi mang lên đây, luôn tiện pha cho ông ấm trà…
Một lát sau, có một cô gái chừng mười bảy tuổi, dáng điệu thanh tao, bưng lên một mâm vừa cháo vừa trà. Lão ông nhìn vào mâm, hứng khởi nói:
- Giỏi! Giỏi! Đun nước với lá bách chi, ấm chén bằng đồ sành. Thật không uổng công ta ngày đêm nhắc nhớ!
Rồi cùng Quế tự nhiên mà ăn uống. Lúc mọi việc đã xong, mới hỏi Quế rằng:
- Ngươi tên họ là gì" Gia cảnh ra sao" Cứ tuần tự trả lời cho ta biết!
Quế nghe tới gia cảnh, bèn thở ra một cái. Ảo não nói:
- Tiểu Sinh họ Phong, tên Quế. Vì gia cảnh nghèo hèn, nên nghiệp bút nghiên đành lui vào dĩ vãng. Cha của tiểu sinh, vì vớt củi trong mùa lụt, nên đã bỏ mẹ con tiểu sinh mà đi. Tiểu sinh nghe người ta nói: Con không cha như nhà không nóc, mà một khi nhà không nóc. Còn lấy vợ được hay sao"
Rồi ngẩng mặt lên trời. Thống thiết nói:
- Trên thì không xây mồ mả được cho cha. Dưới thì không lo được chén cơm đầy cho mẹ, còn giữa thì trắng bạch đôi tay. Làm trai đứng giữa đất trời. Sao lại có thể vô dụng nhiều đến thế"
Đoạn, ôm đầu mà thở. Lão ông thấy vậy, mới nhỏ giọng nói rằng:


- Đã là người, thời ai cũng có chỗ mạnh và chỗ yếu, sở đoản và sở trường. Ngươi bây giờ hãy nghĩ tới sở trường của mình mà phấn đấu. Trên cõi ta bà này, không có người vô dụng. Chỉ có người không nhìn thấy khiếm khuyết của mình, rồi chê bai người khác mà thôi!
Qua ngày mai, lúc sương đang còn ngậm, Quế giật mình thức giấc, nhìn qua khe cửa, bất chợt thấy Úy Nương đang hí hoáy viết, xóa, ở hiên nhà, bèn giật mình trộm nghĩ: "Khu vực này, mình đã đi qua, cảm được nỗi cực nhọc của cư dân, thì chắc không có trường mà dạy học. Người con gái này, tuy tuổi đang còn trẻ, nhưng nghị lực phi thường, mới biết tận dụng thời gian để mở mang phần trí tuệ. Còn ta, đã chịu ơn của người, thì cũng nên đem chút chữ nghĩa của tháng ngày xưa học được, mà san sẻ đáp đền - để lỡ một mai không còn duyên gặp lại - thời bụng cũng được ổn an, nhẹ lo phần tâm trí!". Nghĩ vậy, liền tức tốc chạy ra. Lẹ miệng nói:
- Tiểu sinh không có tiền, nhưng có chữ. Giúp đặng không đây"
Úy Nương mừng rỡ đáp:
- Tiện thiếp muốn làm bài thơ diễn tả nỗi tịch liêu, nhưng vần, chữ, không thể nào kiếm được. Vậy, nếu tiện thiếp muốn hoàn thành tâm nguyện, thời phải làm sao"
Quế ú ớ đáp:
- Tiểu sinh quen viết điếu văn, chớ không quen làm thơ, nên thiệt không biết phải làm sao cho đúng!
Rồi rờ râu mà suy nghĩ. Bất chợt hỏi rằng:
- Nàng đang tuổi thanh xuân. Lẽ ra phải sống cùng mơ với mộng. Chớ không phải nỗi tịch liêu. Hà cớ chi phải ép mình ra như thế"
Úy Nương bùi ngùi đáp:
- Thiếp hồi năm tuổi, được cha mẹ mang đến đây gởi nhờ ông bà ngoại, để mà đi buôn bán, dự tính chỉ ít trăng thì về. Nào hay gặp thời ly loạn, khiến tin nhạn bặt tăm, nên từ đó đến nay thiếp sống trong nỗi đau chờ với đợi. Rồi ngày qua ngày, tháng qua tháng, thiếp mòn mõi ngóng trông. Chỉ sợ mốt nọ mai kia phần duyên đến rồi không có mẹ cha đứng ra chủ trì hôn lễ, thì trước là gãy đổ mối nhân duyên, sau không biết có còn may gặp được người muốn cưới mình hay không nữa! Tình cảnh như vậy. Thiếp bạo gan hỏi chàng: Không tịch liêu thì cái gì vô trong đó"
Ngọc Quế nghe vậy, bỗng thấy mình có lỗi, bởi không hiểu đã trách người quá vội, bèn ấp úng nói:
- Nhất ẩm nhất trác giai do tiền định. Hà huống tiểu sinh được trú tạm nơi đây. Thiệt không biết ở tiền kiếp xa xưa có dính vào nhau không nữa"
Úy Nương mĩm cười đáp:
- Tiền kiếp thời thiếp không biết, nhưng kiếp này biết được. Chàng. Đành đoạn bỏ mẹ già ở phương xa để tìm kế mưu sinh, thời chữ hoạn nạn xẻ chia hầu như chưa có. Con người ta, quý là ở sự hy sinh, để mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Còn chàng, xem nhẹ tình mẫu tử, lẹ bước chân đi, thời chữ thủy chung mần răng chàng hiểu đặng. Chừng đến khi mộng công hầu không làm được, chàng tay trắng trở về, bắt mẹ phải lo, thời chữ tạo lập công danh vĩnh viễn chàng không biết. Thiếp tuy là hoa cỏ đồng nội, không ăn học được nhiều, nhưng cũng biết lấy chữ phu thê làm trọng, nên phu quân của thiếp. Người mà thiếp chọn làm chồng, cần nhất là ăn đồng chia đủ, ấm lạnh có nhau. Chớ không thể vô tâm bỏ tràn đi như thế!
Quế! Cổ họng đâm ra nghẹn, bởi cứ tưởng mình là nho sĩ, thời cũng phải ở trên đầu trên cổ của người ta, nào dè chỉ vài lý luận của một thôn nữ nhỏ nhoi, đã không làm sao phản bác được, rồi bất chợt nhìn lên ngọn cây, lại thấy chim mẹ tha mồi về tổ, bèn xuội lơ nói:
- Tiểu sinh thật là ân hận, ân hận!
Úy Nương cười to đáp:
- Phải biết mình làm sai điều gì mới ân hận được chứ. Chàng đã biết chưa"
Quế! Như ngồi trên đống lửa, như lọt giữa đám than. Hoảng hốt nghĩ thầm: "Người con gái này biết… trà đạo, nên lý luận có hơi hướng của… Thiền. Ta mà không lẹ rút lui. E sẽ đi từ cái khó này chạy sang cái thảm kịch khác, rồi không biết chỗ mà chui, thì còn gì là hùng tâm của người thanh niên nữa"". Đoạn, vội vã mà nói rằng:
- Trai đơn gái chiếc ở ngoài hiên không tiện. Xin cáo lỗi mà thôi!
Rồi quay người dong tuốt. Úy Nương thấy vậy, mới chạy vào phòng của ông mà nói rằng:
- Kén cháu rể kiểu này. Biết chừng nào mới dính chấu được đây!
Lão ông xởi lởi đáp:
- Có công mài sắt có ngày nên kim. Tìm hoài tất phải dính. Sao lại phải lo"
Úy Nương trề môi nói:
- Con kiếm chuyện cãi lộn với người ta mà không được. Thiệt là tức chết!
Lão ông nghe vậy, mới cốc lên đầu của Úy Nương một cái, mà nói rằng:
- Con tưởng muốn cãi lộn với ai là cãi được hay sao" Chỉ khi nào trong lòng của người ta phải có con thì mới cãi lộn được chứ! Chuyện nhỏ vậy mà chưa hiểu - lại mơ chuyện có chồng - thì có khác chi chưa trúng số mà tin là… triệu phú. Chẳng ẹ lắm ư"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.