Hôm nay,  

Chuyện Người Khắc Chữ

07/12/200100:00:00(Xem: 4251)
Bạn,
Vào một chiều mùa Đông trên đường Trần Cao Vân, Đà Nẵng, một phóng viên báo Tuổi Trẻ lặng lẽ ngắm nhìn người đàn ông đang ngồi khắc chữ trước cổng trung học Thái Phiên. Tên ông là Đặng Đoàn Long, cụt một chân, quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi. Đang vây quanh ông là những tà áo trắng cùng những giọng nói líu lo của các cô cậu học trò: "Khắc chữ cho cháu đi ông. Cháu khắc con rồng, con thiên nga, cặp bướm trắng và cả dòng chữ thân tặng T." Đó là người khắc chữ đã rong ruổi từ Nam chí Bắc, từ đồng bằng lên miền núi, để giúp các cô, cậu học trò khắc những dòng lưu bút trên những kỷ vật sẽ theo các cô, cậu trong suốt cuộc đời.

Sáu năm trước, phóng viên TT đã gặp ông, và bây giờ gặp lại thấy ông gầy đi rất nhiều, nhưng trông vẫn trẻ trung yêu đời. Phóng viên TT kể rằng anh ta không bao giờ quên được món quà của cô bạn thời học trò thân tặng với dòng chữ "kỷ niệm ngày ra trường, xin đừng quên nhau" được ông khắc cho. Món quà tuy rất nhỏ nhưng đã ký thác những dòng tâm sự của cô bạn và rồi nó theo anh phóng viên này suốt cuộc đời. Phóng viên chào ông, ông ngước lên, hình như trong ký ức đang lục tìm lại những hình bóng đã đi qua cuộc đời mình. Phóng viên TT không giấu được xúc động khi gặp lại người nghệ sĩ khắc chữ ngày nào, người mà ngày xưa phóng viên này và bè bạn gọi là "chiếc cầu nối nhịp" cho tình học trò. Con đường nối hai nhịp cầu của ông cũng lắm huyền thoại.

Phóng viên TT ghi lại rằng ngày ấy, khi chia tay cuối thời trung học, một cô gái tặng chàng trai tên Long một cây viết với dòng chữ "Hẹn ngày gặp lại". Thế rồi từ cuộc chia tay ấy, cô gái biền biệt. Rồi một ngày, Long nhập viện trị thương, và cô y tá điều trị cho Long chính là cô gái tặng viết ngày xưa. Gặp nhau, niềm vui không tả xiết, hạnh phúc và nỗi xúc động càng được nhân lên khi cô gái nhận ra cây viết mình tặng vẫn còn trên túi áo của Long. Sau một thời gian, họ quyết định thành vợ chồng. Từ đó ông suy nghĩ mình phải làm một điều gì đó cho lứa tuổi học trò, nhưng mãi năm năm sau ngày cưới nhau, khi sinh cậu con trai đầu lòng, Long mới quyết định làm nghề khắc chữ. Rong ruổi trên con đường hành nghề là chiếc xe đạp cũ kỹ, bút, viết, vài ba tập màu. Một cây viết được khắc tên và dòng chữ lưu niệm ông chỉ lấy 500 đồng, nếu thêm cặp bồ câu hay bướm trắng thì 1 ngàn đồng. Ngày nào học trò khắc nhiều thì được chừng 50 ngàn đồng, nhưng có ngày chỉ có 20-30 ngàn đồng, mà tiền nhà hết 5 ngàn đồng/ngày, số tiền còn lại ông để dành gửi về gia đình. Ông không thích một nơi cố định bởi như ông nói: "Dù khổ nhưng nó mang lại niềm vui hàng ngày được gần gủi học trò, vả lại tôi không muốn đánh mất kỷ niệm ngày xưa đã đem cho tôi tình yêu và cuộc sống." Ngôi trường đầu tiên ông đến là trường cấp 1 Mộ Đức, mái trường ngày xưa đã mang đến cho ông một người con gái. Nơi đây, ông khắc chữ không lấy tiền, chỉ để tặng học trò, với món quà nhỏ này mong sao nó được giữ gìn, trân trọng như kỷ vật ngày xưa ông từng đón nhận.

Bạn,
Dấu chân người khắc chữ đã đi qua rất nhiều nơi và để lại cho học trò những dòng lưu bút được khắc thành chữ "kỷ niệm ngày xa trường". Trong những chặng đường ấy có biết bao buồn vui mà ông cảm nhận được, từ sự thơ ngây của học trò tiểu học, sự hồn nhiên trong trắng của học trò cấp 2, sự xao xuyến đầu đời của các chàng trai, cô gái thời trung học. Qua bàn tay tài hoa của ông, biết bao học trò đã nhờ ông nói hộ điều không nói được của riêng mình.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.