Hôm nay,  

Trung Quốc Ngang Ngược

23/09/201900:00:00(Xem: 2215)

Ngang ngược là kiểu Trung Quốc truyền thống… Hung hăng để chiếm đất, chiếm biển… May mắn thời này còn quốc tế.

Bản tin RFA kể: Một phiên điều trần về hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông trong thời gian qua đã diễn ra tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 18/9 vừa qua.

Phát biểu tại buổi điều trần, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và các vấn đề Thái Bình Dương, David Stilwell nêu lên nhận định về các hoạt động của của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 7 đến nay.

“Hành động này nhằm đe dọa Việt Nam và những thành viên khác của ASEAN không được khai thác nguồn tài nguyên dầu khí trên Biển Đông”, ông Stilwell nói trước Thượng viện.

Từ hôm 3/7 đến nay, Trung Quốc đã liên tục điều tàu Hải Dương 8 cùng các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống vào khu vực phía bắc Bãi Tư Chính của Việt Nam. Đồng thời từ giữa tháng 6, Trung Quốc cũng cho tàu hải cảnh vào quấy nhiễu những hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở lô 06.1 thuộc Bãi Tư Chính.

Trong khi đó BBC ghi nhận rằng Trung Quốc lớn giọng đòi Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính, nơi mà Trung Quốc gọi là Vạn An Than, và có tên tiếng Anh là Vanguard Bank.

Các hoạt động tại vị trí ở ngoài khơi Vũng Tàu này, Bắc Kinh tuyên bố hôm thứ Tư, 18/9/2019, là "vi phạm chủ quyền của Trung Quốc ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông)".

Trong cuộc họp báo định kỳ hôm thứ Tư, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng lên tiếng bác bỏ các cáo buộc của Việt Nam theo đó nói các tàu nghiên cứu Trung Quốc đã xâm phạm quyền tài phán của Hà Nội ở Biển Đông.

Các chuyên gia Mỹ lo ngại và thúc giục chính phủ Mỹ cứng rắng hơn. Bản tin RFI kể: Trên mạng Twitter, ngay từ hôm18/09, giáo sư Ryan Martinson thuộc trường Hải Chiến Hoa Kỳ, người đã theo dõi ngay từ đầu vụ Trung Quốc cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 và đội tàu bán quân sự hộ tống vào hoành hành tại vùng gần Bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cho rằng "chính quyền Mỹ có thể / nên chọn phe trong vụ này vì đây không phải là vấn đề chủ quyền các đảo mà là quyền của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Phán quyết của Tòa Án (Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye) năm 2016 đã giải thích rõ điều đó.”

Theo giáo sư Martinson, điều mà chính quyền Mỹ trước mắt có thể tiến hành là:

1) Lên án Bắc Kinh vì đã sử dụng sự ép buộc để duy trì một yêu sách bất hợp pháp,

2) Cấm các tàu của cơ quan Khảo sát Địa Chất Trung Quốc tiếp cận các cảng của Hoa Kỳ và tiến hành nghiên cứu trong các vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ,

3) Chia sẻ thông tin về những gì đang diễn ra ở các khu vực đó.

Trong khi đó bản tin VOA ghi nhận: Trong một động thái hiếm hoi, hồi cuối tháng trước, ba nước lớn nhất Âu châu là Anh, Pháp và Đức đã cùng đưa ra một tuyên bố chung rằng họ ‘quan ngại về tình hình ở Biển Đông, vốn có thể dẫn đến mất an ninh và căng thẳng trong khu vực’.

Trao đổi với VOA, Giáo sư Ngô Vĩnh Long hiện đang giảng dạy tại Đại học Maine, Hoa Kỳ, giải thích rằng ba nước này (gọi tắt là EU3) đã đáp ứng sau khi có lời kêu gọi của Việt Nam nhằm quốc tế hóa vấn đề trên Bãi Tư Chính.

Việc ba nước này cùng lên tiếng lên án Trung Quốc sau khi Hà Nội kêu gọi quốc tế giúp đỡ, theo ông Long, đã là ‘thắng lợi cho Việt Nam’ vì nó giúp Việt Nam không đơn độc trong việc đối đầu Trung Quốc.

Nhưng bàn tay TQ vẫn thò khắp nơi… Bản tin VnExpress kể chuyện Đà Nẵng: Người Trung Quốc góp vốn vào doanh nghiệp Việt để có quyền tham gia chuyển nhượng quyền sử dụng đất với 21 lô đất trên đường Võ Nguyên Giáp (quận Ngũ Hành Sơn).

Ngày 19/9, tại buổi tiếp xúc với đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, cử tri Ngô Minh Hồng cho rằng hoạt động của người Trung Quốc trên địa bàn đang rất phức tạp, trong đó nổi lên việc núp bóng người Việt để mua đất ở khu vực ven biển. "Cơ quan chức năng phải có biện pháp cho vấn đề này", ông Hồng nói.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng, vừa qua Đà Nẵng đã rà soát các khu vực dự án và xác định 21 trường hợp người Trung Quốc có tên trong quyền sử dụng đất ở khu vực dự án đô thị dọc sân bay Nước Mặn (quận Ngũ Hành Sơn).

Báo Pháp Luật ghi nhận: Thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam từ Trung Quốc đã chuyển hướng sang Philippines và đang tìm kiếm các thị trường khu vực châu Phi, Mỹ. Tại Hội thảo phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam thường niên - năm 2019, ngày 19-9, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex, cho biết: Trước đây, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam nhưng sang 2019, Việt Nam gần như mất thị trường quan trọng này, chỉ đạt khoảng 300.000 tấn.

Không chỉ với VN, Hoa Lục cũng ngang ngược với Đài Loan, kể cả chuyện liên hoan phim ảnh. Bản tin Đài Loan RTI kể: Ngày 19-9 Ủy ban chấp hành của Liên hoan phim Kim Mã tuyên bố, ông Đỗ Kỳ Phong, đạo diễn Hồng Kông vốn đảm nhận chức Chủ tịch của Ban giám khảo Liên hoan phim Kim Mã lần thứ 56, nay do chịu sự hạn chế của hợp đồng ản xuất của chủ đầu tư điện ảnh, cho nên, ông đề xuất yêu cầu xin từ chức chủ tịch, và do đạo diễn Vương Đồng lên thay thế.

Vừa qua Trung Quốc tuyên bố cho tạm ngưng việc đưa phim Trung Quốc và cử nhân viên tham gia các hoạt động liên quan với Liên hoan phim Kim Mã năm 2019 được tổ chức tại Đài Bắc, sau đó có một bộ phận công ty điện ảnh của Hồng Kông cũng lần lượt bày tỏ rút lui, trong đó bao gồm bộ phim “Bão trắng 2” do Lưu Đức Hoa và Cổ Thiên Lạc góp mặt diễn xuất, sau khi báo danh tranh giải đều hủy bỏ đăng ký tham gia. Khi đó dư luận cũng quan tâm việc đạo diễn Đỗ Kỳ Phong ưng thuận nhận chức chủ tịch ban giám khảo liệu có thể từ chức hay không, nay ông chính thức đề xuất lời từ chức, hầu như cũng không có mang lại sự bất ngờ cho mọi người.

Đạo diễn Vương Đồng tạm thời nhận chức Chủ tịch của Ban giám khảo và cho biết ông sẽ dốc toàn lực làm tốt vai trò, đạo diễn Lý An cũng bày tỏ lòng cảm ơn sự trợ giúp tận tình của ông.

Bản tin Zing lại kể lắm trò của TQ: Ngày 19/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng có buổi tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Nhiều cử tri bày tỏ lo lắng thời gian gần đây nhiều nhóm người Trung Quốc đến Việt Nam du lịch nhưng ở lại để buôn bán, sản xuất ma túy, đánh bạc qua mạng và thậm chí dụ dỗ các cô gái trẻ diễn sex, quan hệ tình dục...

Cử tri Ngô Minh Hồng nhắc lại vụ tối 14/9, cảnh sát bắt 5 người đàn ông Trung Quốc cùng 1 cô gái Việt Nam vì có hành vi dụ dỗ các cô gái quan hệ tình dục, diễn cảnh sex để phát tán lên các các trạng mạng khiêu dâm.

Theo cử tri, người dân rất bức xúc vì nó làm ảnh hưởng đến hình ảnh địa phương và gây phức tạp tình hình an ninh trật tự ở Đà Nẵng. Cử tri đề nghị công an sớm khởi tố vụ án, khởi tố bị can để đưa ra xét xử công khai chứ không được trục xuất, trả về nước bạn.

Bản tin VnExpress kể: Hàng chục nhà ở trái phép của công nhân Trung Quốc… Chủ đầu tư khu công nghiệp An Dương xây trái phép hàng chục ngôi nhà dành cho lao động Trung Quốc trên đất quy hoạch trồng cây xanh.

Ngày 19/9, ông Cao Đức Thắng, Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng cho biết, Sở đang hoàn thiện hồ sơ xử lý Công ty TNHH Liên hợp đầu tư Thâm Việt (Công ty Thâm Việt) vì các công trình trái phép. Thẩm quyền và trách nhiệm quản lý việc xây dựng trong khu công nghiệp thuộc Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng, nhưng thanh tra Sở Xây dựng là đơn vị đầu tiên phát hiện sai phạm.

Trên cơ sở đó, ngày 13/9, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã kiểm tra khu công nghiệp An Dương. Tại lô đất CX5 - đất quy hoạch trồng cây xanh, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều nhà lắp ghép phục vụ công nhân, lao động người Trung Quốc lưu trú và sinh hoạt.

Chủ tịch Hải Phòng yêu cầu trong 15 ngày Công ty Thâm Việt phải hoàn tất việc tháo dỡ công trình trái phép, chỉ để lại nhà tạm phục vụ điều hành thi công tại các công trường, trồng cây xanh, xây tường bao khu công nghiệp. Công an TP Hải Phòng và Công an huyện An Dương có trách nhiệm kiểm tra, không để cán bộ, công nhân của một số nhà thầu sinh sống trong khu công nghiệp.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.