Hôm nay,  

Trường Học Đầy Nỗi Lo

24/02/201900:00:00(Xem: 1981)
Xuân Niệm

 

Ngoài phố dĩ nhiên là đầy nỗi lo, đủ thứ chuyện bắt cóc, đụng xe, bạo hành... nhưng trong trường học cũng nguy ngập đủ thứ.

Bản tin VietnamNet kể chuyện Hà Tĩnh: Nổ bình thí nghiệm giờ hoá, nữ sinh bị chấn thương mắt nặng...

Thầy giáo đang làm thí nghiệm hóa học thì bất ngờ phản ứng gây nổ khiến hai em học sinh bị thương, trong đó một nữ sinh bị rách giác mạc.

Ông Nguyễn Bảo Ngọc, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Phan Đình Phùng (thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) cho biết, trong trường vừa  xảy sự việc đáng tiếc, khiến em học sinh gặp tai nạn về mắt.

Bản tin VOV kể: Chính phủ thống nhất có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm đối với giáo viên mầm non; có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm đối với giáo viên Tiểu học, THCS, THPT.

Chính phủ vừa có báo cáo gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

...Theo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi),  đa số ý kiến nhất trí với quy định tại Điều 72 của dự thảo Luật về nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non lên cao đẳng sư phạm. Đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm.

Bản tin Zing kể chuyện học sinh bị tra tấn: Học sinh Sài Gòn thiếu ngủ, stress nặng vì áp lực học tập.

Một số thống kê, khảo sát chỉ ra rằng tình trạng stress, thiếu ngủ do áp lực học hành căng thẳng của học sinh Sài Gòn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng...

Kết quả khảo sát trên 7.300 học sinh khối THPT tại thành phố cho thấy hơn 80% học sinh thường ngủ dưới 7 tiếng mỗi ngày, hơn 10% ngủ dưới 5 tiếng. Một nửa số học sinh được hỏi cho biết họ ngủ khá muộn, thường sau 23h và 20% sau 0h, nhưng hôm sau phải thức dậy lúc 5h30-6h để kịp đến trường. Hơn 44% học sinh cho biết các em không có thời gian ngủ trưa.

Báo SGGP kể chuyện sinh viên mưu sinh: Ra tết, nhu cầu gia sư khá cao khi học sinh bắt đầu vô học kỳ hai, chuẩn bị cho các kỳ thi lớn vào cuối năm. Trước đây, công việc gia sư thường chủ yếu dành cho sinh viên sư phạm, bách khoa, khoa học - xã hội - nhân văn… nhưng với nhu cầu gia sư tăng lên như hiện nay, nghề gia sư đã trở thành cơ hội việc làm cho sinh viên nhiều trường cao đẳng, đại học.

Làm gia sư là công việc không chiếm nhiều thời gian của sinh viên, ít trùng với lịch học ở trường và giúp tạo một nguồn thu nhập hỗ trợ thêm. Hoàng Long (sinh viên Trường Đại học Kinh tế Tài chính), sau một năm làm gia sư, đã không cần sự hỗ trợ của gia đình. Hiện tại Long đang có 2 lớp gia sư kèm học sinh hai buổi/tuần, thu nhập 1,2 triệu đồng/lớp và làm trợ giảng tại một lớp dạy thêm, thu nhập 150.000 đồng/buổi.

Báo Đại Đoàn Kết kể chuyện Sài Gòn: Nhiều trường THPT sai phạm thu chi.

Qua đợt thanh tra mới đây, ngành GD-ĐT TP SG đã phát hiện tại nhiều trường học trên địa bàn thành phố không công khai tài chính các khoản thu từ dịch vụ, nhận học sinh chuyển trường, nhận giáo viên sai ngạch,…

Báo Pháp Luật kể: Có những trường có đến 10%-15% sinh viên theo học các nhóm ngành sức khỏe bị đuối giữa chừng vì không đảm bảo năng lực học thực sự.

Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) hệ chính quy vừa được Bộ GD&ĐT công bố, các nhóm ngành về sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề như y khoa, y học cổ truyền, răng hàm mặt sẽ được quy định ngưỡng điểm đầu vào. Đồng thời, những thí sinh tham gia xét tuyển cũng phải có học lực giỏi lớp 12...

Được biết ở nhóm trường công lập, ngành sức khỏe hầu như chỉ được đào tạo ở những trường chuyên biệt và số lượng không nhiều nên điểm chuẩn đầu vào ở những trường này luôn trong tốp cao nhất, như Trường ĐH Y Dược TP.SG, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.SG), Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y Dược Huế... Tuy nhiên, số trường ngoài công lập đào tạo nhóm ngành sức khỏe hiện nay rất nhiều và ngày một tăng lên với tổng chỉ tiêu không nhỏ.

Báo Giáo Dục VN kể chuyện Cần Thơ: Đại học Y Dược Cần Thơ lần đầu tuyển thí sinh trên cả nước.

Trường đại học Y Dược Cần Thơ tuyển sinh trên cả nước, trong đó thí sinh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 85% chỉ tiêu, các khu vực còn lại 15% chỉ tiêu.

Năm 2019 sẽ là năm đầu tiên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tuyển sinh trong cả nước, những năm trước trường chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ....Trường dự kiến sẽ tuyển sinh thêm hai ngành mới là kỹ thuật hình ảnh y học và hộ sinh.

Báo Nhân Đạo & Đời Sống kể: Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định về việc tặng giấy khen cho em Nguyễn Văn Chương (học sinh lớp 7B2) vì đã có hành động dũng cảm, kịp thời cứu sống 2 em nhỏ bị đuối nước.

Ngày 22/2, lãnh đạo Trường THCS Hàm Nghi (cơ sở 2, đóng tại xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định về việc tặng giấy khen cho em Nguyễn Văn Chương (học sinh lớp 7B2) vì đã có hành động dũng cảm, kịp thời cứu sống 2 em nhỏ bị đuối nước trên tuyến kênh thủy lợi N1.

Báo Người Đưa Tin kể: Nhận thấy các thiết bị không có nhu cầu sử dụng trong trường học gây lãng phí, ngày 09/1/2019, ông Hoàng Văn Tý, Hiệu trưởng trường THPT Tôn Đức Thắng (xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) đã ký văn bản số 166/BC-TĐT gửi sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận báo cáo về việc thiết bị mới được cấp nhưng không sử dụng tại trường do không có nhu cầu sử dụng.

Cụ thể, các thiết bị trường học mà trường THPT Tôn Đức Thắng đề nghị sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận thu hồi gồm: 1 bộ Pipetman, 1 bộ Khuôn điện di của môn sinh học; 6 bộ máy Rumcoop, 3 bộ cơ học chất lưu, 2 bộ dụng cụ thí nghiệm tĩnh học trên bảng từ của một vật lý và 1 tủ sấy tự động, một máy li tâm 8 ống của bộ môn hóa học. Tất cả các thiết bị trị giá hơn 600.000.000 đồng.

Báo Giáo Dục & Thời Đại kể về thầy Trà Ngọc Minh, trường THPT Trần Quốc Toản: Tốt nghiệp Đại học, thầy Minh đã được phân công công tác giảng dạy ở trường THPT Trần Quốc Toản, Đồng Tháp.

Thầy đam mê, nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người, luôn giúp đỡ các em học sinh cũng có hoàn cảnh khó khăn.

Những mùa nước nổi tràn về, thầy chống xuồng cùng các em và phụ huynh đi kê dọn nhà cửa, sắp xếp đồ đạc sao cho khỏi thấm nước, hư hỏng. Rồi có lúc thầy trò cùng đi xuồng nhỏ len lỏi vào những con kênh để hái bông điên điển, bông súng,..

Hay khi màn đêm buông xuống, thầy đi giăng câu, đặt lợp để đánh bắt cá linh, cá rô, …những loại cá đặc sản trong mùa lũ để tăng thêm thu nhập.

Báo Tiền Phong kể chuyện Hà Nội: Năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép một số trường THCS được phép đánh giá năng lực trong tuyển sinh lớp 6 nên nhiều phụ huynh đã chạy đua tìm lớp cho con, có khi cả học trực tiếp và học online.

...Nhiều phụ huynh khác chia sẻ, năm nay, các trường được phép đánh giá năng lực trong tuyển sinh nên họ như “ngồi trên đống lửa” từ trước Tết. Vì nhẽ, chị sợ con không ôn thi chắc, khi trường cho thi đánh giá năng lực thì sẽ bị chậm chân, con sẽ không có một chân trong những trường mong muốn. Và thực tế, việc thi tuyển vào các trường này cạnh tranh đôi khi khó hơn nhiều thi đại học.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.