Trước giờ quân đội Hoa Kỳ đóng khắp nơi trên thế giới là để phòng hờ một cuộc chiến quân sự bùng nổ trên toàn cầu… Tốn kém vì đưa quân khắp thế giới, nhưng cũng chịu, còn hơn là bùng nổ chiến tranh còn tốn kém hơn. Và bây giờ quân sự chưa bùng nổ, nhưng chiến tranh thương mại và chiến tranh khoa học kỹ thuật đã bùng nổ dằng dai cả năm nay. Ngay cả thương thuyết cũng dằng dai, có vẻ như Mỹ đang dằng co khắp thế giới, chiến tranh thương mại với cả Trung Quốc, Châu Âu, Canada… rồi với Canada, Mexico. Thế rồi, khi TT Trump hăm dọa tăng quan thuế với Mexico, nhiều Thượng nghị sĩ Cộng Hòa nổi giận, hăm dọa sẽ chống tới cùng, thế là Trump dịu giọng, nhượng bộ.
Đóng quân tốn kém, nhưng người dân không thấy rõ tốn kém… Nhưng tăng thuế quan thì thấy rõ, vì tiền chợ sẽ tăng.
Hoa Kỳ hiện nay có 800 căn cứ quân sự trên 80 quốc gia, theo thống kể của David Vine, Giáo sư ngành Dân chủng học tại American University. Các căn cứ này làm ngân sách Mỹ tốn 156 tỷ đôla/năm – tức là gần 1/5 chi xài quân sự Hoa Kỳ.
GS Vine đưa ra dự toán rằng chi xài quân sự của Mỹ phải giảm trong tương lai gần, vì chi phí nhiều chương trình xã hội như Medicare và An Sinh Xã Hội (đúng vậy, Hoa Kỳ là quôc gia theo chủ nghĩa xã hội, nên cung cấp miễn phí nhiều dịch vụ, như tiền già, trợ cấp xã hội, trơ cấp y tế, trợ cấp thực phẩm, miễn phí giáo dục từ trung học trở xuống…): tới 62% $4.407 trillion (ngàn tỷ đôla) là cho các chương trình xã hội.
Quốc Hội Mỹ chấp nhận tiêu xài giảm về quân sự, theo ấn bản tuần qua của tạp chí The Trumpet: ngân sách quân đội sẽ giảm từ 4.7% xuống còn 2.7% trên tổng số GDP trong vòng một thập niên. Nếu như thế, đây là điểm các nhà hoạch định chiến lược Việt Nam và ASEAN cần chú ý: các căn cứ quân sự hải ngoại sẽ bị cắt trước tiên. Cả hai phía Cộng Hòa và Dân Chủ đều đồng ý cần giảm căn cứ quân sự.
Nghĩa là, các điểm nóng như Biển Đông sẽ gặp cơ nguy. Kể cả vùng Châu Mỹ Latinh, nơi các băng đảng ma túy quậy phá rồi sẽ lừng hơn. Nhưng đó là chuyện lâu dài… Đành chịu. Tạp chí The Trumpet nói rằng không chính khách Mỹ nào muốn tăng ngân sách quân sự cho các căn cứ hải ngoại nữa. Thực tế, Mỹ không muốn làm cảnh sát thế giới nữa, trong khi chuyển sang vị trí bán vũ khí cho các nước khác tự vệ thì hợp lý hơn.
Trong khi đó, cuộc chiến thương mãi Mỹ-TQ vẫn căng thẳng, theo tin CNBC: Bộ Trưởng Ngân Khô Mỹ Steven Mnuchin nói TT Donald Trump sẽ ra quyết định xem có nên tăng thêm thuế quan đố với TQ sau khi họp với lãnh tụ Tập Cận Bình vào cuối tháng 6/2019.
Mnuchin nói nếu TQ muốn thì hãy tiếp tục trên các điều kiện đã bàn thảo, nếu TQ không chịut hì TT Trump sẽ vui vẻ tấn công thuế quan thêm để quân bình quan hệ.
Trong khi đó, bản tin Bloomberg ghi lời Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF Christine Lagarde cảnh báo rằng nếu Trump áp themt huế quan vào TQ như đã hăm dọa, thì tổng sản lượng quốc dân GDP của thế giới sẽ giảm 455 tỷ đôla.
Trong khi đó, bản tin RFI kể rằng sau khi kết thúc hai ngày họp cấp bộ trưởng Tài Chính nhóm G20 tại Fukuoka, ngày 09/06/2019, các bên đã thảo luật rất gay gắt để ra được bản thông cáo chung và nhìn nhận "căng thẳng thương mại và địa chính trị" đe dọa tăng trưởng toàn cầu.
Hãng tin Pháp AFP trích dẫn một nguồn tin thông thạo cho biết bản thông cáo chung kết thúc hai ngày họp của các bộ trưởng tài chính nhóm G20, bao gồm 20 nền kinh tế lớn nhất của toàn cầu, chỉ dành một dòng duy nhất đề cập đến rủi ro xung đột thương mại đối với tăng trưởng của thế giới. Đại diện của 20 nước tham dự hội nghị Fukuoka đã mất "30 giờ đàm phán" để ra được thông cáo chung với nội dung như sau : "Tăng trưởng toàn cầu có dấu hiệu ổn định nhưng vẫn còn yếu kém và các mối rủi ro khiến tình hình bị xấu đi vẫn tồn tại, nhất là vào lúc căng thẳng về thương mại và địa chính trị gia tăng".
Vẫn theo AFP, trong hai ngày họp vừa qua, nhiều đối tác của Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang. Pháp và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế báo động nguy cơ tăng trưởng toàn cầu bị chựng lại là mầm mống dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới. Theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, các biện pháp tăng thuế nhập cảng do Washington và Bắc Kinh áp đặt khiến tăng trưởng toàn cầu giảm 0,5 % vào năm 2020.
RFI ghi lời Bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ, Steven Mnuchin, nhìn nhận tăng trưởng tại Châu Âu và Trung Quốc bị chựng lại, nhưng theo ông, nguyên nhân không xuất phát từ "các mối căng thẳng mậu dịch".
Cuộc thương chiến Mỹ - Trung là chủ đề chính thu hút mọi sự chú ý tại cuộc họp cấp bộ trưởng Tài Chính G20 tại Nhật Bản. Trong bối cảnh căng thẳng này, ông Steven Mnuchin đã gặp riêng thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc, Dịch Cương. Phía Mỹ nói đến một cuộc trao đổi "tích cực" nhưng không đi sâu vào chi tiết.
Bản tin NHK từ Nhật Bản ghi nhận: Hôm Chủ Nhật, quan chức dẫn đầu đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc hội đàm bên lề hội nghị của các lãnh đạo tài chính nhóm G20 ở Fukuoka, miền Tây Nhật Bản.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đăng trên Twitter rằng ông đã có 1 cuộc họp mang tính xây dựng với Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương, và 2 bên đã thảo luận thẳng thắn về các vấn đề thương mại. Ông Mnuchin cũng đăng 1 bức ảnh chụp ông bắt tay ông Dịch Cương.
Tuy nhiên, chi tiết cuộc họp không được công bố, bao gồm cả việc có tiến triển nào hướng tới giải quyết mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung hay không.
Hôm thứ Bảy, ông Mnuchin phát biểu với báo giới rằng cuộc gặp với ông Dịch Cương không phải là một cuộc đàm phán thương mại, ngụ ý rằng ông không kỳ vọng có tiến triển.
Ông cũng cảnh báo rằng Mỹ sẽ xúc tiến kế hoạch tăng thuế đối với hầu hết hàng nhập cảng từ Trung Quốc nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đạt được thỏa thuận mà Mỹ có thể chấp nhận được khi 2 bên hội đàm bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka cuối tháng này.
Nghĩa là, chiến tranh lạnh lần này của thế giới không phải hai thế giới tự do vs. cộng sản như thời quốc/cộng… Lần này là chiến tranh lạnh giữa các Bộ Tài Chánh, Bộ Thương Mại, và Bộ Kỹ Nghệ…
Và trong thời này, Hoa Kỳ nhìn thấy Việt Nam là một đồng minh “tạm thời”… trong cuộc chiến cản bước Hoa Lục. Nghĩa là, Mỹ vừa bán được vũ khí cho VN, vừa giúp VN cản chân nhà nước Bắc Kinh.
Bản tin VOA hôm Chủ Nhật ghi lời một quan chức ngoại giao Mỹ chuyên về vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế mới nói rằng Washington muốn Việt Nam có các thiết bị quân sự tốt nhất của Mỹ.
“Chúng tôi nóng lòng muốn làm việc tiếp với chính phủ Việt Nam để bảo đảm rằng họ có các thiết bị [quân sự] tốt nhất trên thế giới và các thiết bị đó tới từ Mỹ”, bà Andrea L. Thompson, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ chuyên trách về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế, nói trong một cuộc họp báo hôm 3/6.
Nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ này cũng kể lại về chuyến thăm kéo dài hơn 10 ngày mà bà nói là “tuyệt vời” tới Việt Nam tháng Tám năm ngoái.
Bà Thompson nói rằng bà đã chứng kiến sự hợp tác của hai nước liên quan tới “nhiều thiết bị” và rằng Việt Nam “là một trong các đối tác mạnh” của Mỹ ở khu vực.
Phát biểu của nhà ngoại giao Mỹ chuyên về vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế được đưa ra ít ngày sau khi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ xác nhận trong một phúc trình rằng Washington “cung cấp hỗ trợ an ninh” cho Việt Nam “trong đó có máy bay không người lái ScanEagle, máy bay huấn luyện T-6, tàu tuần duyên cũ, trọng tải cao của Tuần duyên Mỹ và một số xuồng tuần tra loại nhỏ”.
Bây giờ, vấn đề là, chính phủ Hà Nội có thực tâm muốn cản bước chính phủ Bắc Kinh hay không thôi… Thế giới, cụ thể là ASEAN và Hoa Kỳ, muốn thấy VN cứng rắn với mọi bước Nam Tiến của TQ… trong ván cờ đó, Biển Đông thông thương chính là lợi ích chung cho toàn cầu.