Hôm nay,  

Đọc Thơ Tô Đông Pha

07/01/201700:00:00(Xem: 5380)
Những phương trời viễn mộng... đó là những chữ do nhà thơ thiền sư Tuệ Sỹ nhận định về Tô Đông Pha, một nhà thơ cổ thời Trung Hoa, và cũng tuyệt vời sương khói.

Đúng ngày 8 tháng 1 là ngày sinh của Tô Đông Pha. Ông sinh năm 1037, tức 19 tháng 12 năm Bính Tý -- và mất vào năm 1101.

Tên thực là Tô Thức (8/1/1037–24/8/1101), tự Tử Chiêm, một tự khác là Hòa Trọng, hiệu Đông Pha cư sĩ nên còn gọi là Tô Đông Pha, là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Ông được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường Tống.

Ông sinh ra tại Mi Sơn, Mi Châu, nay là địa cấp thị Mi Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. Ông nội Đông Pha tên là Tô Tự, cha ông là Tô Tuân (tự là Minh Doãn, 1009-1066), mẹ ông họ Trình (?-1057) và em trai là Tô Triệt (tự là Tử Do, 1039-1112). Ba cha con ông đều là những nhà thơ có tiếng.

Tự điển Bách khoa Mở ghi rằng Đông Pha cùng cha và em là ba trong số tám đại văn hào lớn nhất (bát đại gia) Trung Quốc suốt bảy thế kỷ từ thế kỷ 7 đến 13. Ông giỏi cả cổ văn lẫn thơ, phú. Tất cả các tác phẩm của ông cộng lại khoảng 1 triệu chữ. Riêng về thi từ, ông có khoảng 1700 bài. Còn cổ văn của ông là "thiên hạ vô địch", cứ hạ bút là thành văn, không cần lập dàn ý, cứ như là "hành vân, lưu thủy". Âu Dương Tu mà hôm nào nhận được một bài văn của ông thì vui sướng cả ngày, còn vua Tống Thần Tông hay đọc bài của ông trong bữa ngự thiện, quên gắp cả thức ăn.

Trong tác phẩm “Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng” của nhà thơ thiền sư Tuệ Sỹ, có ghi lại một số sự tích về Đông Pha, trong đó có những liên hệ với các thiền sư nổi tiếng đương thời, trích:

“Phật Ấn Liễu Nguyên, hiệu Giác Lão. Lúc Đông Pha bị biếm trích ở Hoàng châu, thì sư trụ ở chùa Qui tông, Lô sơn. Hoàng châu và Qui tông đối ngạn, nên ông và sư thường hay qua lại giao thiệp, trao đổi làm thơ, đi ngoạn cảnh.

Sau sư dời sang ở chùa Kim sơn. Một hôm, ông đến thăm vào lúc sư đang giảng kinh cho tăng trong chùa. Họ đứng hai hàng để nghe.

Ông đến, sư nói: "Nơi đây không có giường ghế. Cư sĩ đến, biết ngồi đâu bây giờ?"

Ông bảo: "Vậy thì muợn đỡ tứ đại của Phật Ấn làm giường ngồi." Nghĩa là, ông mượn cái thân tứ đại của Phật Ấn làm giường ngồi.

Phật Ấn nói: "Sơn tăng này có một câu hỏi, nếu thí chủ đáp được, sẽ theo lời cho mượn thân tứ đại này làm giường ngồi. Nếu không, xin để lại sợi ngọc đái làm vật trấn sơn môn."

Ngọc đái là giải dây buộc ngang lưng của bậc thượng lưu thời đó, được đem ra đánh cuộc, để làm bửu vật trấn giữ cửa chùa. Ông liền cởi ngay giải dây đặt lên bàn. Sư hỏi: "Tứ đại giai không, ngũ uẩn phi hữu. Cư sĩ muốn ngồi vào đâu? " Ông ngẫm nghĩ, chưa kịp trả lời, thì sư đã gọi gấp thị giả mang sợi đái đi cất, để làm vật trấn sơn môn. Ông làm ngay hai bài thơ tặng sư (trích một bài đọc chơi):

Bịnh cốt nan kham ngọc đái vi
Độn căn nhưng lạc tiễn phong ki
Dục giao khất thực ca cơ viện
Cố dữ sơn vân cựu nạp y.

Dịch:

Xương gầy giải ngọc buộc sao vô?
Hồ đồ thấp trí chịu thua cơ.
Những mong kiếm chác trò con hát;
Nay để làm duyên với cửa chùa.

Chuyện đó trở thành cái giai thoại mà người ta truyền tụng là "Ngọc đái trấn sơn môn" rất thịnh hành.

Năm ông 49 tuổi. Kể từ khi bị biếm trích ra Hoàng châu đến bây giờ, là đã hơn bốn năm. Tháng 4 năm đó, Giáp tý (1084), ông được lệnh phải dời sang ở Nhữ châu. Trên đường đi Nhữ châu, ông gặp Tử Do ở Quân châu. Lúc này, Tử Do ở Quân châu; sư Vân Am ở chùa Động sơn; Thông thiền sư, người đất Thục, ngụ tại chùa Thọ thánh. Tối đó, cả ba người cùng thấy một giấc mộng giống nhau. Họ thấy đi đón Ngũ Tổ Sư Giới hòa thượng. Sư Giới là một thiền sư đời thứ 9 của dòng thiền Huệ Năng. Cả ba cùng vỗ tay cười lớn: "Thế gian quả có chuyện đồng mộng, lạ thay!" Ít lâu, thư của ông đến báo tin là ông đã tới Phụng tân, sẽ gặp nhau trong sớm tối. Ba người cùng ra ngoài 20 dặm chùa Kiến sơ thì gặp ông. Mỗi người lần lượt kể giấc mộng của mình. Ông mới nói: "Tôi hồi 7, 8 tuổi, có lần nằm mộng thấy mình làm tăng, qua lại bên Thiểm hữu."

Sư Vân Am cả kinh, nói: "Sư Giới là người ở Thiểm hữu. Tuổi về già, bỏ chùa Ngũ tổ đến dạo ở Cao an, sau mất tại chùa Đại ngu. Tính ngược lại, đã đúng 50 năm." Bấy giờ ông 49 tuổi. Vậy, đại khái, đời trước ông là thiền sư Ngữ tổ Sư Giới. Nhưng nghe nói Sư Giới đã tỏ ngộ đạo thiền, đã đắc đạo, sao thác sinh ra ông lại phải trải qua một kiếp lao đao đày ải như thế?

Ông bị đày xuống Quảng đông, rồi Hải nam, từ năm 59 tuổi, cho đến 66 tuổi thì được tha về.

Trong thời gian này, ông quen thân với sư Trùng Biện. Ông viết dật sự của sư Trùng Biện, tức Nam Hoa trưởng lão.

"Thiền sư Khế Tung thường sân; người ta chưa từng thấy sư cười. Sư Hải Nguyệt Biện thường vui, người ta chưa từng thấy sư giận. Tôi ở Tiền đường, chính mắt thấy hai vị đó đều ngồi kiết già mà hóa (chết). Khế Tung đã trà tì (thiêu xác), mà lửa không hủy hoại. Thêm củi cho lửa đỏ đến năm lần mới thôi. Hải Nguyệt đến khi táng mà gương mặt vẫn tươi như còn sống, lại còn cười nụ.

"Thế mới biết, hai người lấy cái sân và cái hỉ mà làm Phật sự vậy.

"Người đời coi thân hình như vàng ngọc, không để cho gót chân dính bụi. Bậc Chí nhân thì ngược lại. Tôi lấy đó mà biết rằng, hết thảy các Pháp đều do ái mà hoại; do xả mà thường. Há không phải vậy sao?

Tôi từ Hải nam trở về, thì Trùng Biện tịch đã lâu. Qua Nam hoa điếu. Hỏi chúng tăng ở đó về chỗ mộ tháp của Sư. Họ bảo: "Thầy tôi xưa đã có làm thọ tháp, về phía đông Nam hoa vài dặm. Có người không ưa thầy, nên táng ở mộ khác. Đã hơn bảy trăm ngày rồi. Nay Trưởng lão Minh Công ra sức một mình, dời về thọ tháp. Thay quan, đổi áo, thấy trọn cả thân thể vẫn như đang còn sống; áo vẫn tươi và thơm. Mọi người hỗ thẹn và kỉnh phục."

"Đông Pha cư sĩ nói: Trùng Biện coi thân là vật gì? Vứt nó vào rừng Thi đà để nuôi chim, nuôi quạ, đâu có sự để ở thọ tháp cho an ổn. Vì là, Minh công là người biết rõ Trùng Biện, nên đặc biệt muốn lấy sự họa phúc đồng dị mà thôi.

"Tôi mới đem trà, quả đến cúng ở tháp sư, rồi viết lại sự việc đó để gởi cho thượng túc đệ tử của sư là sư Khả Hưng. Nam hoa tháp chủ.

"Bấy giờ, niên hiệu Nguyên phù thứ 3 (1100), tháng 12, ngày 19."...”(ngưng trích)

Càng đọc càng thấy từ thơ tới văn của họ Tô hay dị thường. Do vậy, đứng nhìn lại từ thế kỷ 21, xin có mấy dòng thơ đề tặng người xưa:

Tô Đông Pha tuyệt vời
Đời sau dễ mấy người
Đai ngọc còn trên giấy
Nét mực tươi không lời.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Các hiệp định tự do thương mại gọi tắt là FTA đang và sẽ giúp kinh tế Việt Nam tăng tốc xuất cảng…
Tại hội trường Thành Phố Westminster, 8200 Westminster Blvd, Westminster, CA 92683
Nhất Sài Gòn, nhì Hà Nội, thứ ba Hải Phòng, thứ tư là Thái Nguyên… Thống kê này không vui tí nào, vì là danh sách người nhiễm HIV.
Hải Phòng trở thành ổ sòng bài TQ… Báo Người Lao Động kể rằng sau khi khám xét "sào huyệt" đường dây đánh bạc quốc tế qua mạng được đặt trong khu đô thị Our City (Km6 đường Phạm Văn Đồng, phường Hải Thành, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng), đến chiều ngày 28-7, công an cho biết đã tạm giữ 380 đối tượng, đều là người Trung Quốc
Hình ảnh con cọp vẫn còn trong tuyện cổ Việt Nam, nhưng rừng hình như đã vắng bặt loài cọp rồi…
Sông Mekong cạn dòng… Đồng Bằng Sông Cửu Long nguy ngập… Báo Thanh Niên báo động rằng Sông Mê Kông 'trơ đáy', ĐBSCL lo hạn mặn khốc liệt: Sống chung với 'nước kém'…
Khô hạn thê thảm ở Nghệ An: Hạn hán khốc liệt, cá chết khô như sấy, nông dân cắt lúa cho trâu ăn…
Miền Tây lại gặp mưa gió quậy phá… thế là nhà sụp, người chết. VOV kể rằng mưa lớn kèm gió giật mạnh tại các huyện Tịnh Biên, An Phú, Phú Tân, Chợ Mới và TX Tân Châu (An Giang) làm 1 người chết, hơn 600 ngôi nhà bị tốc mái.
Thành phố Sài Gòn nhận nhiệm vụ lớn kinh khủng: kiếm tiền nặng nhất cho cả nước… Có vẻ như năm nay, Sài Gòn sẽ kêu trời…
Trận bóng đá sắp tới, đội tuyển Việt Nam (huấn luyện viên là người Hàn quốc) và đội tuyển Thái Lan (tân huấn luyện viên là người Nhật) sẽ so giày trong tư thế kình địch truyền thống Đại Hàn và Nhật Bản, khi hai huấn luyện viên hai đội này còn đại diện cho sức mạnh thể thao của hai nước Hàn-Nhật từng xảy ra nhiều cuộc chiến tranh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.