Hôm nay,  

Thiếu Cá Lành, Dư Cá Độc

31/08/201600:00:00(Xem: 2972)
Cá thiếu, hay cá dư…
Formosa gật gù
Hỏi gì mà quá dở
Bảo đảm thép sẽ thừa…

Câu chuyện cá lúc nào cũng nhức nhối… Bản tin VOV kể rằng nhiều công ty chế biến thủy sản nguy cơ đóng cửa vì thiếu nguyên liệu.

VASEP cho biết, nguồn nguyên liệu thiếu trầm trọng, trong khi đầu ra của sản phẩm cũng bị co lại, nên doanh số cũng bị giảm mạnh.

Bản tin VOV kể rằng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) - đại diện cho 270 doanh nghiệp thành viên hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thuỷ sản trên toàn quốc - vừa có văn bản gửi lên Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hậu quả của sự cố ô nhiễm môi trường khiến hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Nguồn nguyên liệu thiếu trầm trọng, trong khi đầu ra của sản phẩm cũng bị co lại...

Theo VASEP, tính riêng với ngành thủy sản, sự cố môi trường này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất thủy sản của ngư dân, doanh nghiệp nói riêng và thị trường nói chung...

Bản tin VOV nói rằng đến thời điểm giữa tháng 8/2016, ngư dân vẫn chưa đi đánh bắt trở lại nên dự kiến các tháng cuối năm, nhiều công ty chế biến thủy sản sẽ ngừng hoạt động vì không còn nguyên liệu để sản xuất. Trong khi về phía doanh nghiệp, vẫn phải chi các khoản để giữ chân người lao động và các khoản chi trả cho các đối tác.

Hơn nữa, khách hàng quốc tế quan ngại về sản phẩm. Vì vậy nhiều khách hàng đã hủy hợp đồng không mua thủy sản với các doanh nghiệp có nhà máy chế biến tại 4 tỉnh miền Trung, gây thiệt hại lớn.

Đối với thị trường nội địa, người dân trên cả nước có tâm lý lo lắng nên không mua sản phẩm thủy sản ở miền Trung. Các doanh nghiệp và ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Toàn bộ hàng nội địa phải bảo quản lâu ngày ở kho. Do đó, doanh nghiệp phải chịu thêm nhiều chi phí như tiền điện, tiền kho.

Bản tin VOV kể thêm:

“Theo thống kê của VASEP, sự cố môi trường đã làm giảm sản lượng thu mua của doanh nghiệp đến 60% so với cùng kỳ năm 2015.

Về thiệt hại kinh tế, VASEP cho biết, nguồn nguyên liệu thiếu trầm trọng, trong khi đầu ra của sản phẩm cũng bị co lại, nên doanh nghiệp thu mua nguyên liệu trong 8 tháng chỉ đạt khoảng 40% và doanh số cũng bị giảm mạnh.”

Trong khi đó, Báo Lao Động ghi nhận tình hình các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại 4 tỉnh miền Trung yêu cầu Formosa phải có trách nhiệm về tình hình cá chết.

Trong khi đó, Báo Dân việt kể chuyện các làng chế biến thủy sản “hấp hối”…

Từ ngày xảy ra sự cố môi trường biển do Fosmosa Hà Tĩnh xả thải bẩn, không chỉ công việc đánh bắt trên biển bị ảnh hưởng nặng nề, các làng nghề chế biến hải sản của bà con ngư dân vùng biển Quảng Bình cũng “ngắc ngoải” theo...

Bản tin nói, Quảng Bình có bờ biển dài 116km. Các làng biển ở địa phương này không chỉ có những đội tàu cá đánh bắt trên biển hùng hậu mà còn nổi tiếng với các sản phẩm hải sản chế biến như ruốc, nước mắm, cá khô, mực khô… Đặc biệt nghề làm nước mắm ở Quảng Bình là một trong những nghề thủ công có số lượng cơ sở sản xuất lớn nhất ở vùng biển, với 800 cơ sở lớn nhỏ, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động.

Sản lượng nước mắm sản xuất hàng năm tại các làng nghề đạt trên dưới 3 triệu lít và được tiêu thụ hết sạch vì nước mắm ở Quảng Bình nổi tiếng thơm ngon, có độ đạm cao… Thế nhưng, từ ngày biển nhiễm độc, không chỉ các cơ sở sản xuất nước mắm mà các nghề chế biến hải sản khác ở Quảng Bình đều nằm trong tình trạng “ngắc ngoải”.

Theo nhiều chủ cơ sở chế biến hải sản ở các làng biển Quảng Bình, khó khăn nhất hiện nay đối với họ là thiếu hụt nguồn nguyên liệu sạch để chế biến. Chị Đào Thị Tám - chủ cơ sở sản xuất và chế biến nước mắm, cá khô Long Tám thuộc thôn Đông Dương, xã Bảo Ninh (Đồng Hới), cho biết, mặc dù đang vào giữa vụ mùa đánh cá nam (khoảng giữa tháng 6, tháng 7, tháng 8 dương lịch) là thời điểm thích hợp nhất để sản xuất các mặt hàng cá khô, ruốc, nước mắm các loại, nhưng năm nay, tổ hợp sản xuất của chị và nhiều cơ sở sản xuất khác chỉ sản xuất cầm chừng vì nguồn nguyên liệu khá khó khăn.

Hiện ở Quảng Bình đang trong mùa khuyếc. Đây là con nguyên liệu để chế biến thành ruốc, một loại mắm nổi tiếng ở Quảng Bình. Mấy ngày qua, khuyếc dạt vào bờ các vùng biển Quảng Bình khá nhiều, ngư dân các xã Cảnh Dương, Quảng Xuân (Quảng Trạch); Hải Trạch, Đức Trạch, Nhân Trạch (Bố Trạch) bắt được hàng chục tấn nhưng họ bán không có ai mua và không dám bán vì vùng biển này và cả khuyếc bắt được không biết đã an toàn hay chưa...

Trong khi đó, bản tin RFA kể chuyện: Mùa biển chết, ngư dân sang Lào vất vả mưu sinh…

RFA ghi rằng hiện tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa thiên - Huế, có đến 60-70% ngư dân làm nghề đánh bắt gần bờ. Do ảnh hưởng của biển bị nhiễm độc, nên hầu hết ngư dân phải ngừng đánh bắt và phải đi làm thuê đủ nghề để kiếm sống.

Anh Thành, một người từng làm nghề đi biển ở Huế cho biết, biển độc và cá chết là một thảm họa đã ập xuống đầu các gia đình đang sống bám vào biển như gia đình anh. Theo anh, hiện tại người dân ở 4 tỉnh miền Trung hầu hết đã phải bỏ quê quán để đi làm thuê ở mọi nơi. Từ thủ đô Viêng Chăn, nước Lào anh nói với phóng viên RFA:

“Từ ngày biển chết đến giờ, có nhiều người phải qua đây, có nhiều người vào Sài Gòn, qua Mã Lai… Giờ người ở quê đi hết vì quê hương không có việc gì làm hết. Tiền không có, ở quê không có việc làm, biển thì chết, cá bán không có ai mua. Như tôi thì đi Lào tìm việc làm.”

RFA ghi thêm: “Theo anh Thành, những người dân ở quê anh ngoài nghề đi biển và làm muối thì không còn nghề nghiệp gì khác, vì kế sinh nhai nên đã phải sang đất Lào để kiếm ăn. Ở đây anh và bạn bè phải làm bất kể nghề gì, kể cả lao động nặng nhọc để có tiền nuôi sống bản thân và gửi về giúp đỡ gia đình.”

Nước mắt đầy cuộc đời
Lặn hết rồi cá ơi
Formosa cam kết
Đầy biển, thép sẽ bơi…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.