Hôm nay,  

Trẻ Em Tàng Hình

18/01/201400:00:00(Xem: 4900)
Có những trẻ em bất hạnh hơn mọi trẻ em khác. Các em vẫn hiện diện trên đời này, nhưng không có cơ may được đối xử ngang hàng các em khác. Thậm chí, các em bị xem như vắng mặt, như thể các em đang tàng hình... như trẻ em ở Nigeria, hay trẻ em ở Tây Ninh, hay trẻ em đường phố Việt Nam...

Bản tin VOA hôm 16-1-2014 ghi nhận về một bản phúc trình UNICEF: có tới 60% trẻ em Nigeria 'không tồn tại' một cách chính thức...

Bản tin ghi rằng:

“Khi trẻ em tại Nigeria sinh ra hầu hết không có giấy khai sinh. Thông tín viên đài VOA Heather Murdock tường thuật rằng Cơ quan nhi đồng Liên Hiệp Quốc, UNICEF, nói rằng không có hồ sơ, những trẻ em này thường hay bị từ chối việc chăm sóc sức khỏe cũng như giáo dục và thường là nạn nhân của các vụ vi phạm nhân quyền.

Ông Nicholas Karikarisei, một ngư dân, chăm sóc cho 6 con của ông trong một ngôi nhà hai phòng ở vùng Đồng bằng Sông Niger của Nigeria.

Năm ngoái, ông đem đứa con trai bốn tuổi của mình, cũng tên là Nicholas, tới bệnh viện của nhà nước để được điều trị bệnh sốt rét, một chứng bệnh có thể làm chết người.

Bệnh viện nhà nước miễn phí cho trẻ em dưới 5 tuổi, nhưng ông nói rằng, cũng giống như nhiều gia đình khác, con ông không được chấp nhận vì ông không chứng minh được tuổi của Nicholas. Em không có giấy khai sinh nên ông phải trả một bệnh viện tư 45 đôla cho việc điều trị, tại một vùng mà hầu hết mọi người sống với mức dưới 1 đô la một ngày. Ông nói:

“Sự nhận thức không có. Tầm quan trọng không có. Điều đó chỉ xảy ra khi tôi tới để xin chăm sóc sức khỏe cho con tại một bệnh viện của chính phủ. Chỉ khi tới đó tôi mới biết là không có giấy khai sinh thì không được hưởng dịch vụ y tế miễn phí.”

UNICEF nói rằng, trên khắp thế giới, cứ ba trẻ em thì có một em không chính thức tồn tại, và gần như tất cả đều sống tại Châu Á hay vùng phía nam Sa mạc Sahara của Châu Phi.

UNICEF nói rằng Nigeria có 17 triệu trẻ em không có giấy khai sinh, chỉ đứng hàng thứ nhì sau Ấn Độ, có 71 triệu trẻ em không được đăng ký. Tại Nigeria, 60% trẻ em không có giấy khai sinh...”(ngưng trích)

Câu hỏi là, tại Việt Nam có bao nhiêu trường hợp trẻ em tàng hình như thế?

Một bản tin trên báo Pháp Luật TP kể về “Nhiều trẻ em ở Tây Ninh thất học do thiếu giấy khai sinh,” trong đó cho biết:

“Những đứa trẻ không giấy khai sinh, không hộ tịch đành chịu thất học dù chính quyền cấp xã đã cố gắng tìm nhiều hướng giải quyết.

Rất nhiều trẻ em ở xã Tân Hòa (Tân Châu, Tây Ninh) thất học vì không có giấy khai sinh. Có em may mắn hơn thì được “học lụi” đến hết bậc tiểu học.

Từ những năm 1990, tỉnh Tây Ninh bắt đầu đón làn sóng Việt kiều Campuchia hồi hương. Họ sống trôi nổi trên lòng hồ Dầu Tiếng, nay đây mai đó, chẳng mấy ai đi làm giấy khai sinh cho con cái. Những đứa trẻ ở đây do không giấy khai sinh, không hộ tịch nên đành chịu thất học dù chính quyền cấp xã đã cố gắng tìm nhiều hướng giải quyết.

Ở Tây Ninh, các hộ Việt kiều tạm cư rải rác ở nhiều huyện, tập trung đông nhất ở Dương Minh Châu và Tân Châu. Trong đó, xã Tân Hòa (huyện Tân Châu) có số hộ Việt kiều tập trung đông nhất: 209 hộ với hơn 1.100 nhân khẩu.

Không được đi học

Năm 2007, vợ chồng anh Lê Văn Minh về ở ấp Cây Khế, xã Tân Hòa, may mắn được một người cho ở đậu, cất nhà tạm ở miếng đất sát bên hồ Dầu Tiếng. Việc đánh bắt cá trên hồ ngày càng khó khăn nên vợ chồng anh Minh đổi nghề đi làm rẫy mướn.

Họ có tám người con thì sáu đứa không biết chữ. Các con tứ tán đi làm mướn khắp nơi. Vợ chồng anh Minh chỉ có tờ giấy chứng nhận người Việt tạm trú ở Campuchia (do Campuchia cấp) chứ không có quốc tịch. “Con cái cũng không có giấy khai sinh, vì thế đều chịu dốt hết lượt” - anh Minh nói...”(ngưng trích)

Hay là như trường hợp trẻ em đường phố Việt Nam.

Một bản tin trên VietnamNet ngày 8-10-2013 tựa đề “Bi kịch của trẻ em đường phố Việt Nam” trong đó viết:

“Mồ côi không nơi nương tựa, không có nhà để về, từ quê lên thành phố kiếm sống hay rời bỏ gia đình vì nhiều lý do… trẻ em đường phố thường xuyên phải đối mặt với vô số những cạm bẫy, bi kịch rình rập như: Đói ăn, bệnh tật, nghiện ngập, bị thu gom, bắt bớ hay bị xa lánh, kỳ thị, bị lạm dụng.

Nghiên cứu mới đây của Trung tâm MSD (Trung tâm nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững) trên 120 trẻ em đường phố ở TP.HCM cho thấy: 92,5% trẻ em đường phố tại đây từng bị xâm hại tình dục, khiến các em không chỉ bị tổn thương về thể chất mà cả tinh thần. 98,3% các em đã từng thử một hoặc nhiều chất gây nghiện như rượu, bia thuốc lá, heroin, methamphetamine (đá), keo hay tân dược. Nhiều em sử dụng các chất gây nghiện từ khi còn rất nhỏ, hầu hết nằm trong độ tuổi từ 12-13...” (ngưng trích)

Chúng ta không biết chính xác có bao nhiêu trẻ em đường phố ở Sài Gòn, ở Hà Nội, hay ở trên cả nước.

Tương tự, khắp thế giới... đó là những trẻ em tàng hình.

Các em như dường không có thực, không được nhìn thấy... nhưng nước mắt các em vẫn tuôn chảy như chúng ta, và những nỗi đau của các em vẫn có thực như mặt trời, như mặt trăng, như bầu trời hiện diện quanh ta... mà không mấy ai nhìn ra, hay nhìn ra nhưng không muốn giải quyết, hay là muốn giải quyết nhưng đành phải bó tay.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.