Hôm nay,  

Khi Làm Sai Chữ

30/09/201300:00:00(Xem: 5643)
Hãy hình dung có những cái sai có thể xảy ra. Và những cái sai, nguy hiểm là khi truyền sang nhiều thế hệ sau, có thể sẽ bị chấp nhận như là một thói quen, một tiền lệ, thậm chí như một phương ngữ...

Thí dụ, như chữ Thái Bình, chúng ta có khi thấy viết là Thới Bình. Không phải huyền hoặc đâu. Có một huyện tên là Bình Thới -- chứ không phải Bình Thái -- ở tỉnh Cà Mau.

Không hiểu nguyên khởi là sai ra sao, thời nào, nhưng hẳn là, thôi thì lỡ rồi, dùng luôn cho quen.

Hay thí dụ, xin phép để xin lỗi quý tiên hiền: giả như tên cụ Phan Châu Trinh, có thể nào chúng ta sẽ viết nhầm thành cụ Phang Châu Trinh (chữ Phan có g)? Hay viết nhầm thành cụ Phan Châu Chinh? Nếu sai này không sửa, sang nhiều đời sau, người sau có thể nghĩ rằng đó là “một dạng phiên âm chữ Nôm cổ phải viết như thế”... Thế là kéo nhau, sai dính chùm.

Báo Tuổi Trẻ kể về chuyện “10 năm chép sai chữ của Phan Châu Trinh.”

Đó là ở đền thờ Tăng Bạt Hổ ở huyện Hoài Ân, Bình Định. Nơi này vừa làm lễ đón nhận bằng di tích quốc gia vào ngày 17-9 với rất nhiều quan chức từ trung ương đến địa phương, người dân, học sinh đến dự.

Nhà yêu nước Tăng Bạt Hổ tất nhiên là tuyệt vời rồi. Thế nhưng, báo Tuổi Trẻ kể, tại đền thờ có đôi câu liễn chữ Hán khảm xà cừ rất trang trọng nhưng bị sai nhiều chữ nghiêm trọng, vì khi cụ Tăng Bạt Hổ (1858-1906) từ trần, cụ Phan Châu Trinh (1872-1926) đã làm câu đối này để điếu.

Bài báo viết:


“Nguyên văn câu đối từng được Huỳnh Thúc Kháng chép trong tập Thi tù tùng thoại (xuất bản năm 1939), phiên âm như sau:

Tạp dư niên sơn hải gian quan, nhân giai bi kỳ ngộ, thiên nhược giám kỳ thành, tam đảo minh tiên, tráng chí cẩn năng thông Thượng quốc;

Trấp thế kỷ phong vân biến huyễn, nhân giai tranh dĩ trí, quân dục cạnh dĩ lực, cửu thu quy kiếm, hùng hồn du tự luyến Thần kinh.

(Huỳnh Thúc Kháng dịch: Ba mươi năm lẻ núi biển trải nhọc nhằn, ai cũng thương cho cảnh ngộ, trời hẳn thấy nhiệt thành, quất ngựa thẳng non thần, tráng chí mới thông miền Thượng quốc; Hai chục kỷ đời, gió mây chiều biến đổi, người đều đua lấy trí, ông muốn đấu bằng sức, quay gươm về nước cũ, hồn thiêng còn mến đất Thần kinh).

Năm 2003, đôi câu đối này được chọn để khắc khảm xà cừ thành đôi liễn trang trọng treo tại đền thờ Tăng Bạt Hổ ở Hoài Ân. Theo thứ tự, vế đầu của câu đối khắc sai tám chữ, theo thứ tự từ trên xuống là các chữ: tạp, quan, giai, thành, minh, tiên, cẩn, thượng; vế sau sai chín chữ: trấp, biến, huyễn, giai, dục, thu, do, luyến, kinh. Tổng cộng cả hai vế sai tới 17 chữ trong tổng số 56 chữ...”(ngưng trích)

Sai chữ, và rồi sai nghĩa... Báo Tuổi Trẻ có chụp hình đền thờ và đôi câu này...

Lạ quá, cẩn thận giùm chứ. Cũng cần phải xem lại coi chừng ghi nhầm Tăng Bạt Hổ thành Tăn Bạc Hổ...

Phải coi chừng chớ... (Chữ “chớ” chứ không phảI chữ “chứ”) -- Trời ạ, chữ nào là đúng nhỉ?

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.