Hôm nay,  

Làng Nghề 500 Năm

26/11/200200:00:00(Xem: 4049)
Bạn,
Theo SGGP, tại tỉnh Quảng Nam có xã Điện Phương gồm nhiều làng nghề đã hình thành ngót 500 năm, với gần 20 đời thợ kế truyền, trong đó có làng nghề đúc đồng nổi tiếng khắp miền Trung. Báo SGGP viết về các làng nghề tại xã này qua đọan ký sự như sau.
"Điện Phương dẫu có nhiều làng nghề nhưng bà con ở đây ai cũng tự hào với nghề đúc đồng nổi tiếng của quê mình. Anh thấy đó, nghề của ông cha truyền lại mà chừ còn thịnh hành, người ta bày đồ bán giăng giăng ra đó...", chỉ tay vào những cửa hàng đồ đồng nằm hai bên đoạn QL 1A ngang qua địa phương mình, một viên chức xã Điện Phương, Lê Tân, nói với phóng viên như thế.
Quả là hấp dẫn khi nhìn "phố hàng đồng" với hàng chục cửa hàng lớn, mỗi cửa hàng với hàng trăm mặt hàng bày bán. Anh Nguyễn Mạnh, chủ một cửa hàng, thông tin về sản phẩm của làng nghề: "Đồ đồng Phước Kiều ăn khách nhất vẫn là những thanh la, chiêng, chuông, khánh. Khách mua, ngoài người trong tỉnh còn có cả khách vãng lai. Các cửa hàng bọn tôi còn nhận đúc đồ theo đơn đặt hàng. Tôi đang làm khuôn để ngày mai đúc một quả chuông nặng gần 3 tạ cho một ngôi chùa ở Đà Nẵng..."
Tách phố hàng, theo con hẻm vào chỉ chừng hơn trăm mét phóng viên đã đến được thủ phủ của làng đúc. Ông Dương Nhi, 77 tuổi, người thợ già nhất của làng đúc cho biết tuổi của làng đúc đồng Phước Kiều nay đã ngót 500 năm với 19 đời thợ kế truyền nhau. Cái làng nghề trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn giữ được mạch nghề làm nhạc cụ gõ cho nhiều nơi trong nước, đặc biệt là cho vùng Tây Nguyên và các vùng cao ở miền Trung. Từ đúc đồng, thợ Phước Kiều đã cố hòa mạng công nghiệp bằng cách chuyển sang đúc nhôm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trên móng nền đó, một hợp tác xã nhôm đồng đã ra đời từ những năm 1980, và nay, ngoài hợp tác xã, các hộ đúc đồng ở Phước Kiều đã nhận đúc thêm đồ nhôm.

Bạn,
Báo SGGP viết tiếp: người Điện Phương cho rằng một phần những gì họ có được hôm nay là từ công đức của ông cha từ cái nghề mộc trăm năm xưa lưu lại. Không khu trú thành một làng như nghề đúc đồng, nghề mộc ở Điện Phương tỏa ra ở nhiều làng và các làng có lượng thợ mộc đông nhất là Triêm Trung, Triêm Đông, Đông Khương. Từ trụ sở UB xã, chỉ dong xe chừng hơn 300m, phóng viên đã đến được những xưởng mộc có tiếng trong vùng. Chủ xưởng Trần Hữu Hào tự hào về uy tín của làng mộc quê mình: "Người ta biết nhiều về mộc Kim Bồng của Hội An nhưng thực ra mộc Điện Phương cũng chẳng kém chi. Làng Triêm Tây của Điện Phương kề sát với làng Kim Bồng, trước nay vẫn là nơi có nhiều thợ giỏi làm cho mộc Kim Bồng". Theo ông Tân, gần như nhà nào ở Điện Phương cũng có một người theo nghề thợ mộc. Ngoài làm tại nhà và cho các xưởng mộc tại địa phương, các thợ mộc ở đây còn mang đồ nghề đi làm khắp mọi miền đất nước, một số còn sang làm tận ở Lào, Campuchia. Và tài nghệ của họ đã làm người các nơi biết đến, khen ngợi. Cái tên "mộc Điện Phương" đã được nhiều nơi tín nhiệm, quý chuộng bởi những sản phẩm mộc nội thất hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét cổ xưa có giá trị văn hóa- nghệ thuật cao.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.