Hôm nay,  

Nhà Thơ Phùng Cung

06/07/201200:00:00(Xem: 7746)
Bạn thân,
Mỗi lần đọc về Nhân Văn Giai Phẩm là lại bùi ngùi. Ai biết được nỗi đau của các văn nghệ sĩ, khi nỗ lực cầm bút tự do sao mà khó vậy.

Mạng Bauxite VN hôm 5/7/2012 lại vừa có bài viết của nhà giáo Phạm Toàn, với tựa đề mang những ẩn hiện về một nhà thơ đã từng bị trù dập, bắt giam chỉ vì kêu gọi tự do sáng tác “Nhân sự kiện tập thơ Xem đêm của nhà thơ Phùng Cung ra mắt: Những con chữ hiện lên từ đáy chén trà.”

Một điều để suy nghĩ rằng: buổi hội thảo về tập thơ Xem Đêm của nhà thơ Phùng Cung ngay giữa Hà Nội lại không hề được báo nào tường thuật. Không ngờ bóng phủ trù dập kéo dài u ám cả hơn nửa thế kỷ.

Trong phần Tự Giới Thiệu, nhà giáo Phạm Toàn viết, trích:

“Ngày 28 tháng 6 năm 2012, tại hội trường lớn Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (LEspace) có cuộc Hội thảo về tập thơ Xem đêm của nhà thơ Phùng Cung. Những nhà tổ chức mời tôi viết một bài tham luận. Tôi đã viết bài bên dưới đây.

Sau cuộc Hội thảo, tôi chờ các báo đưa tin. Nhưng tịnh không thấy một lời nào về Phùng Cung và về tập thơ hai trăm bài có tên Xem đêm của nhà thơ. Vì thế, tôi thấy mình có trách nhiệm phải công bố bài viết làng nhàng này...”

Nhưng bài viết của nhà giáo Phạm Toàn thực sự không làng nhàng tí nào: trong đó là nỗi đau của toàn giới trí thức, khi nhà giáo Phạm Toàn nhắc chuyện nhà thơ Phùng Cung chấm ngón tay vào chén trà cặn rồi viết chữ lên mặt bàn.

Nhà giáo Phạm Toàn kể, trích:

“...Phùng Quán mô tả Phùng Cung làm thơ theo cách khác, thi vị không kém, và lên hết chất nhà thơ:

“Sau mười hai năm cách ly đời thường, Phùng Cung như xa lạ với môi trường văn nghệ. Được trả lại tự do, việc đầu tiên là anh cùng với vợ sửa lễ "Tạ ơn cao rộng cho được sống để trở về quê quán". Rồi yên phận hẩm hiu, anh tránh thật xa mùi bút mực. Anh xoay trần làm nghề đập đinh, phụ với vợ thêm nghề bánh rán, nuôi ba đứa con trai đang sức ăn, sức lớn. Song hình như mùi dầu nhờn, gỉ sắt, mỡ rán vẫn không át được mùi bút mực. Những lúc rảnh tay, anh ngồi buồn thiu, thỉnh thoảng chấm ngón tay vào đáy chén trà cặn, viết một từ gì đó lên mặt bàn… “ (Phùng Quán, “Hằng Nga ngủ trong rừng”, talawas)...

...Hai trăm bài Xem đêm…

Thân phận nhà thơ, thời nào cũng thế, không riêng thời hiện đại, thời toàn trị, cái thời nhà thơ có thể bị “triệu tập” và đi suốt cả chục năm không thấy mặt ai…

...Anh Phùng Cung cùng thế hệ với tôi. Nhưng khi các anh tham gia đòi dân chủ, đòi chấn hưng nghệ thuật (Lê Hoài Nguyên), thì tôi lẳng lặng vào thư viện để học. Tôi học để rút ngắn cuộc bắt kịp cái thời chín năm phải tạm ngừng sự học theo đúng nghĩa. Chưa kể là, khi đọc Con ngụa già của chúa Trịnh khi đó, tôi cũng đã dự cảm được một trận bão. Chưa kể là tôi cũng nhát gan. Nhưng sau cơn sóng Nhân Văn ấy, tôi lại tha thẩn đến với hầu hết bọn người bị tù tội hoặc bị kỷ luật đó. Người ta hạch tôi. Tôi nói rõ “vì tôi thấy chị Khuê vợ anh Dần khó có thể là một tên nữ gián điệp như một tờ báo lớn đã lên án”...” (hết trích)

Bao giờ thì hết bóng đêm? Phải chăng đây là câu hỏi cho toàn dân, chứ không riêng cho nhà thơ nào?

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.