Hôm nay,  

Từ Thợ Mài Lên Chủ Hãng

04/06/200100:00:00(Xem: 5072)
Bạn,
Nhân vật được nói đến trong lá thư này nguyên là một thợ mài nghèo khó, nhờ ý chí, nghị lực, giờ đây đã trở thành chủ nhân một doanh nghiệp có hơn 100 công nhân. Báo Kinh Tế Sài Gòn viết về người thợ này như sau.

Nghĩa là con trai độc nhất trong một gia đình có 14 người con. Chính vì nghèo mà mười mấy chị em Nghĩa phải bỏ học khi chưa đến lớp 9 để vào đời sớm. Nghĩa cùng các chị làm công cho một gia đình người Hoa ở gần nhà, chuyên làm thùng thiếc đựng dầu lửa. Năm 1975, cả nhà thất nghiệp, cuộc sống càng thêm khó khăn và thế là hai người chị ở lại giữ nhà trong đó người chị thứ hai chọn nghề làm móng tay kiếm sống, còn lại tất cả về Mộc Hóa, Long An nấu dầu tràm để đắp đổi qua ngày. Ở Long An, sau nhiều năm tạo dựng, cuộc sống gia đình tạm ổn nhưng một trận lũ tai ác đã cuốn trôi tất cả, bố mẹ cùng mấy người con lại trở về thành phố và Nghĩa, theo lời khuyên của người chị, đã đến học nghề mài kềm với ông Sáu ở chợ Thiếc. Tận tâm của thầy, say mê của đệ tử cộng với sự thúc bách của cuộc sống đã nhanh chóng tạo nên người thợ mài trẻ, có tay nghề khá điêu luyện.

Được phép xuống núi, Nghĩa ra đường Lê Thánh Tôn đặt ké cái bàn chuyên mài kềm cắt móng tay bên cạnh một ông thợ bán mắt kiếng cảm thông cho hoàn cảnh của Nghĩa. Nghĩa giải thích, sở dĩ phải đặt ở lề đường Lê Thánh Tôn vì trung tâm quận 1 mới có khách hàng khá giả có nhu cầu làm đẹp và từ đó mới có nhiều thợ làm móng mang kềm tới mài. Kềm cũ, mòn, lụt... qua tay Nghĩa đã trở nên sắc lẻm và đạt yêu cầu cắt da, cắt móng. Một đồn mười, mười đồn trăm, khách hàng ngày càng nhiều, lúc nào cũng sắp hàng chờ sẵn. Cái tên Nghĩa Sài Gòn đã bắt đầu xuất hiện trong giới thợ làm móng và đó cũng là tên của một cửa hàng được mở ra chuyên bán phụ liệu làm tóc, mài kềm, kéo thay cho cái bàn đặt ở lề đường mới được ba năm.

Khác hàng ngày càng nhiều, Nghĩa cảm nhận một thị trường đầy tiềm năng và trên thị trường lúc ấy chỉ toàn hàng ngoại. Ý tưởng sản xuất cái kềm cắt móng xuất hiện. Thế là ban ngày Nghĩa mài kềm cho khách, chiều tối về nhà mài cho mình. Nghĩa mua kềm ngoại về nghiên cứu, mua sắt thép về rèn, đập, mài, giũa...tất cả đều bằng tay. Không ít lần thất bại, Nghĩa bỏ vài tháng rồi lại làm tiếp. Vậy mà cũng mất ròng rã gần mười năm trời “sáng mài, tối mài” bởi đâu có tài liệu kỹ thuật, hay đã có ai là người đi trước hướng dẫn, tư vấn cho cái chuyện sản xuất kềm cắt móng. Cũng trong thời gian trên, Nghĩa Sài Gòn bắt đầu nhận học viên để dạy nghề, tích lũy vốn, nghiên cứu và lên kế hoạch lập cơ sở, chuẩn bị cho ước mơ khởi nghiệp. Đến năm 1990, cơ sở nhỏ “Kềm Nghĩa” ra đời, và ông chủ chỉ mới 28 tuổi, vốn hoạt động là 20 triệu đồng, có tám công nhân, vài cái máy khoan, máy mài loại nhỏ và mặt bằng nhà xưởng chính là cái nhà đang ở.

Bạn,
Cũng theo báo quốc nội, mười năm sau ngày thành lập, bước vào tháng đầu, năm đầu của thiên niên kỷ mới, cơ sở Kềm Nghĩa có danh xưng mới: Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất cơ khí Kềm Nghĩa. Công ty Kềm Nghĩa giờ đây có vốn hoạt động hơn 1 tỉ đồng với 100 công nhân trực tiếp sản xuất trên một diện tích rộng hơn 2 ngàn m2, có hơn 100 máy. Kềm Nghĩa không chỉ tiêu thụ mạnh trong nước mà còn xuất cảng đi Mỹ, Pháp, Canada, Úc và Phi Luật Tân.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.