Hôm nay,  

Làng Dệt Chiếu Nổi Tiếng

06/02/200600:00:00(Xem: 5383)
Bạn,

Theo báo Đà Nẵng, tại tỉnh Quảng Nam có một làng chiếu nổi tiếng hàng trăm năm qua. Chẳng những người quanh vùng, mà cả người ở xa tận Thừa Thiên- Huế, Quảng Trị cũng biết cái tên của vùng làng nhỏ bé này: Làng Cẩm Nê. Bởi làng này có nghề dệt chiếu truyền thống và nổi tiếng nhiều đời. Báo Đà Nẵng viết về làng này như sau.

Ở Quảng Nam có hai làng làm nghề dệt chiếu nổi tiếng. Ngoài làng Cẩm Nê còn có làng Bàn Thạch. Nhưng làng nào có nghề dệt chiếu trước thì cho đến nay cũng chưa ai rõ. Nhưng về nguồn gốc nghề chiếu ở vùng này, khi đến Cẩm Nê gặp các cụ cao tuổi hỏi chuyện, thì các cụ có kể lại rằng: Câu chuyện truyền miệng từ xa xưa cho tới đời các cụ thì nghề chiếu của vùng này gốc tích từ vùng Nga Sơn - Thanh Hóa đưa vào. Dân Cẩm Nê ngoài nghề dệt chiếu cũng có trồng lúa. Nhưng nguồn sống chính là nghề chiếu vì làng ít ruộng đất. Có điều lạ nữa là quanh cận vùng Cẩm Nê không có chỗ nào trồng cây đay và lác (cói) mà lại có nghề dệt chiếu nổi tiếng và phát đạt. Muốn có nguyên vật liệu để dệt chiếu như đay, lác phải đi đến các vùng xa trong tỉnh mua về sử dụng.

Cẩm Nê dệt nhiều loại chiếu, khổ rộng, khổ hẹp, dệt chiếu trơn và dệt chiếu hoa. Chiếu trơn là loại chiếu để nguyên sợi màu trắng không nhuộm màu. Chiếu trơn dệt loại lác dài không chắp, sợi nhỏ bán đắt tiền hơn loại dệt lác chắp, dệt hai sợi lác ngắn tiếp nối nhau. Loại chiếu trơn trắng này dùng loại lác phơi khô vừa phải, khi khô còn ửng màu xanh, đem vào dệt. Chiếu dệt xong đem phơi nắng, vừa để cho lá chiếu trắng sáng bóng, vừa cho khô giòn những đầu thừa thòi ra trên mặt lá chiếu của sợi lác, sợi đay, để dùng dao sắc, phạt cho đứt hết. Loại chiếu hoa ở Cẩm Nê không phải dệt chiếu trắng xong mới dùng khuôn in hoa lên trên nền như một số vùng khác mà phải chọn sợi lác về nhuộm phẩm, màu sắc tùy theo người chủ. Màu đỏ, màu xanh, màu lục, màu vàng.. Phẩm nấu lên và nhúng sợi lác vào, nhúng từng nạm một và đem phơi. Một nạm lác có thể nhuộm một hoặc hai ba lần tùy màu phẩm và độ pha chế đậm nhạt. Những sợi lác màu sau khi phơi khô, được đem dệt chiếu hoa.

Bạn,

Báo Đà Nẵng ghi nhận rằng nghề dệt chiếu hoa nhiều công phu. Ngoài công phu chọn và nhuộm sợi lác còn phải công phu khi dùng sợi đay mắc canh cửi. Mắc cửi đơn hay kép, mặt cửi chạm nổi, âm dương thế nào đó để sau này khi dệt, người cầm khổ (go) dệt sẽ điều khiển khổ cho nổi lên những hình hoa văn trên mặt chiếu. Công phu nữa là người cầm khổ dệt ngồi trên và giữa mặt cửi đay. Với sự sắp xếp hình dáng hoa văn và bông hoa hoặc chữ nghĩa (như chữ thọ, chữ song hỷ) trong đầu, khi ngồi vào khung dệt, tay cầm khổ dệt đồng thời các ngón tay phải điều khiển các sợi canh đay hoặc nâng lên đè xuống, hoặc cải ba cải hai để khi con thoi đưa sợi lác vào cho ăn khớp tạo lên hoa trên mặt chiếu. Người cầm cái khổ dệt chiếu đồng thời là một họa sĩ trang trí trên mặt chiếu. Không phải bằng bút lông mà là bằng đôi tay điều khiển cái khổ và mũi thoi của mình.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.