Hôm nay,  

Bán Sức Cuối Năm Đón Tết

19/12/200500:00:00(Xem: 5415)
Bạn,

Hơn một tháng nữa mới đến Tết Bính Tuất nhưng vào những ngày này, tại SG, Đồng Nai, dân lao động từ các tỉnh đến kiếm sống, đã tăng tốc độ "cày", tính chuyện kiếm tiền về quê đón Tết. Những lo toan cho ngày Tết dường như càng đè nặng đôi vai của họ vốn dĩ thường trực nỗi lo cơm áo gạo tiền như ghi nhận của báo Đồng Nai qua đoạn ký sự như sau.

Tại cổng 1 công ty, gặp phóng viên, anh Nguyễn Văn Bảy, quê ở Đồng Tháp, cho biết: "Cũng phải hai tháng nay, ngày nào vợ chồng tui cũng đi từ sáng sớm tới tối mịt mới về. Buôn bán đêm hôm cực khổ nhưng cũng phải ráng, kiếm thêm đồng nào hay đồng đó để có tiền xài tết. Bình thường tui chỉ bán lòng vòng Bửu Long, Biên Hòa thôi nhưng mấy bữa nay còn đạp tuốt lên Bến Cá, lên tới cổng Công ty Changshin (huyện Vĩnh Cửu) luôn, đợi công nhân ra ca bán thêm cũng kiếm được hơn chục ngàn". Ở quê nước ngập, mùa màng thất bát, hai vợ chồng anh lên Biên Hòa đã hơn một năm nay, trọ ở phường Bửu Long. Ban đầu anh chị đi phụ hồ, dành dụm được chút đỉnh, anh mua chiếc xe đạp đi bán bánh mì dạo, chị Liên vợ anh chuyển sang bán xôi. "Chịu cực vài bữa nhưng có tiền sắm quần áo tết cho mấy đứa nhỏ, chi tiêu trong ba ngày tết. Vợ tôi hổm rày cũng nấu xôi nhiều hơn, bán buổi sáng rồi bán thêm buổi tối nữa", anh Bảy nói.

Vợ chồng anh Dũng, chị Chuyền quê ở Nông Cống, Thanh Hóa vào Đồng Nai hơn hai năm nay và sống bằng nghề phụ hồ. Với mức thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng cũng đủ để anh chị sống tạm gọi là "tươm tất" nếu như mỗi tháng không phải dành dụm 600 ngàn gửi về quê. "Ba đứa nhỏ đang đi học, ở với ông bà ở ngoài quê, mỗi tháng đều phải gửi tiền về phụ giúp nên hai vợ chồng tôi chi tiêu phải cân nhắc. Được cái cả năm có việc đều đều, chỉ nghỉ mấy bữa mưa gió nên cũng dành dụm được chút ít. Hai cái tết xa nhà rồi nên năm nay tôi tính về quê ăn tết, thăm con cái, họ hàng. Tốn kém nhiều đấy nhưng cũng cố gắng, mấy hôm nay hết giờ làm tôi nán lại dọn dẹp, chủ cho thêm tiền cũng đỡ", anh Dũng tâm sự trong giờ nghỉ ăn trưa ngay tại một công trình đang xây dựng dang dở.

Cạnh đó là chị Đinh Thị Vọng, quê ở Thanh Oai, Hà Tây, dù mới 30 tuổi nhưng nhìn chị có vẻ già hơn nhiều so với tuổi. Chị cho biết chỉ mới xin phụ hồ khoảng nửa năm nay. "Lúc trước tôi đi bán trái cây dạo lòng vòng chợ Biên Hòa, chợ Hóa An. Bán bữa được bữa không nên xin làm phụ hồ, công việc có phần nặng nề nhưng thu nhập ổn định hơn. Bữa tối thì phụ rửa chén ở một hàng ăn bên cù lao Phố. Đi làm cả ngày mệt mỏi, chiều về lo cơm nước xong thì đạp xe qua phụ rửa chén. Chồng tôi đập đá bên Bình Dương", chị Vọng than thở, nếu không cần tiền sắm sửa quần áo, gửi tiền về quê cho gia đình lo tết thì buổi tối chị không phải đi rửa chén.

Bạn,

Tâm sự với phóng viên, chị Vọng than rằng"cày cật lực vậy mà hai vợ chồng cũng thắt thỏm lo, cuối năm trăm thứ tiền phải tính. Bây giờ phải chuẩn bị tiền nào mua quần áo cho con, tiền nào gửi cho ông bà hai bên, tiền nào lì xì con cháu", chị thở dài, nhìn xuống đôi tay gầy guộc, chai sần.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.