Hôm nay,  

Lễ Hội Cầu Ngư

05/07/200900:00:00(Xem: 2477)

LỄ HỘI CẦU NGƯ

Bạn,
Tại vùng duyên hải của tỉnh Khánh Hòa có 10 làng biển sống bằng nghề đánh bắt cá tôm. Cuộc sống của những ngư dân mà cuộc đời gắn liền với biển luôn gặp nhiều bất trắc trong mùa giông bão. Họ luôn tin tưởng rằng khi gặp nạn, ông Nam Hải (tức cá ông) sẽ dựa thân mình vào mạn thuyền để đưa vào bờ. Cũng vào những mùa giông bão như thế, có những ông Nam Hải do không chống chọi nổi với bão tố đã bị dạt vào bờ... Ngư dân làm lễ an táng ông, lập đền thờ. Rải rác dọc các làng biển luôn có những đền thờ ông Nam Hải, và Lễ hội cầu ngư thường diễn ra một cách trang trọng, quy tụ toàn bộ ngư dân trong làng.  Báo Đặc san CASG cuối tuần ghi nhận về lễ hội này qua đoạn ký sự như sau.
Ở thành phố Nha Trang có thể bắt gặp hai đền thờ cá ông: một ở phường Vĩnh Nguyên, trên đường Trần Phú; một đền thờ ông Nam Hải khác thuộc phường Vĩnh Trường nằm trên đường Võ Thị Sáu. Riêng tại phường Vĩnh Trường có rất nhiều chiếc rương gỗ bọc đỏ lưu giữ hàng chục bộ xương cá voi lớn nhỏ, có bộ được giữ cả trăm năm. Chỉ đúng vào ngày lễ cầu ngư, chủ đền mới mở cho mọi người xem.


Tin vào sự giúp đỡ của ông Nam Hải, Lễ hội cầu ngư ngoài việc tạ ơn ông, còn là lễ tạ ơn đất trời giúp cho ngư dân đi biển trở về bình yên, thuyền ra khơi về đầy tôm cá. Tại Khánh Hòa, Lễ hội cầu ngư thường tổ chức từ tháng 3 đến tháng 7 âm lịch, theo điều kiện của mỗi vùng. Riêng Lễ hội cầu ngư trong Festival biển lại có sự tập hợp của hầu hết các làng biển mang tính quy mô. Thường thì Lễ hội cầu ngư gồm có Lễ đình và Hội làng. Phần lễ gồm các nghi thức cúng tế như Lễ nghinh thần Nam Hải, Lễ tế tiền hiền, Lễ tế ông Nam Hải, Lễ khai tiên, Lễ chánh tế. Tiếp sau nghi lễ là phần hội, gồm có hát múa của đội bả trạo.
Tại một Lễ hội cầu ngư ở làng biển Khánh Hòa, ngay từ sáng sớm các thuyền đã sắp xếp chỉnh tề để ra biển. Trong đó có một thuyền được trang bị rực rỡ gồm một đội múa từ 8 đến 16 người với những mái chèo làm dụng cụ biểu diễn. Trong đội có một chỉ huy chính hô để đội múa theo nhịp hò. Ra tới cửa biển là những lời khấn vái tế lễ rước ông Nam Hải trên một kiệu nhỏ có bài vị sẵn. Sau đó, thuyền lễ đi đầu, các thuyền khác đi sau đưa ông Nam Hải về đền.
Bạn,
Cũng theo báo SGGP, tại đền ông Nam Hải, lễ tế, lễ đọc văn và biểu diễn bả trạo, múa đao kéo dài trong không khí linh thiêng. Nhiều ngư dân đem tới cúng tạ ông có cả gà, heo, trái cây như lời cảm ơn ông đã giúp đỡ họ được một năm thuận buồm xuôi gió.Lễ hội cầu ngư dẫu mang tính tâm linh nhưng là một lễ hội truyền thống mang nét đẹp văn hóa dành riêng cho ngư dân vùng biển.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.