Hôm nay,  

Nam-bắc Hàn Ký Kết, Dọn Đường Thống Nhất

15/06/200000:00:00(Xem: 5599)
Lập đoàn tuyển thủ chung dưới ngọn cờ “thống nhất Triều Tiên” để diễn hành trong lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội 2000 ở Sydney
BÌNH NHƯỠNG (Reuters) - Bản tin Reuters đề ngày 15-6 gửi đi từ Bắc Hàn vào lúc khuya đêm 14-6 đã loan báo một sự thành công lớn của Hội nghị Thượng đỉnh Nam Bắc Hàn. Kim Đại Trọng và Kim Chánh Nhật đã kết thúc cuộc họp ngày thứ năm 15-6 bằng việc ký kết một thỏa ước bao quát làm giảm tình trạng căng thẳng và cho phép dân Triều Tiên đoàn tụ gia đình sau 50 năm xa cách vì chiến tranh.
Đài TV chiếu hình hai họ Kim nắm chặt hai tay nhau rồi giơ cao quá đầu trong một biểu hiệu của thắng lợi sau lễ ký kết ở thủ đô Bắc Hàn.
Sau khi nâng ly sâm banh chúc mừng với một nụ cuời rất lớn, Kim Chánh Nhật nốc một hơi cạn ly rồi đan bàn tay vào bàn tay Kim Đại Trọng, đón nhận sự thành công và ánh đèn rọi của các máy ảnh và quay phim.
Chính phủ Nam Hàn còn cho biết Kim Chánh Nhật đã chấp nhận viếng thăm Nam Hàn trong kỳ thượng đỉnh kế tiếp, vào một “thời điểm thích nghi”.

HỢP LỰC TIẾN ĐẾN THỐNG NHẤT
Tổng Thống Nam Hàn Kim Đại Trọng hôm thứ tư 14-6 đã tuyên bố cuộc họp Thượng đỉnh là một sự thành công và đưa ra lời kêu gọi lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chánh Nhật hãy hợp lực với ông để tiến đến thống nhất hai miền Nam Bắc.
Trong bài diễn văn đọc tại dạ tiệc vào cuối ngày thứ hai của cuộc viếng thăm miền Bắc, Đại Trọng nói đã đến lúc 70 triệu dân Triều Tiên phải hàn gắn vết thương mà họ đã gây ra cho nhau và “xua đuổi đi nỗi hãi hùng của chiến tranh trên lãnh thổ chúng ta”.
Ông Kim miền Nam nói: “Dân tộc Triều Tiên là một, chúng ta cùng chung một vận mạng. Không có việc gì chúng ta không làm được nếu chúng ta kiên trì nỗ lực với thành tâm và kiên nhẫn. Như vậy chẳng bao lâu chúng ta sẽ đạt đến thống nhất đất nước”.
Trong phúc đáp ông Kim Yong-nam, hiện có danh vị Chủ tịch Nhà nước, nói ông tin rằng cuộc họp sẽ dọn đường cho sự thống nhất một đất nước đã là điểm nóng vũ trang nặng sau chót của chiến tranh lạnh.
Yong-nam là nhân vật thứ hai trong hệ thống quyền lực của Bắc Hàn. Ông nói:
“Lịch sử chỉ cho chúng ta cơ may có một lần. Thống nhất không phải cho tương lai mà cho hiện tại”.


Đại Trọng trước đây là một nhà đối lập ly khai của miền Nam. ông đã thoát chết trong 4 vụ ám sát và từng ở khám tử hình của các chế độ quân nhân Hán Thành. Ông nói ông đã chịu nhiều nỗi thống khổ trong 40 năm làm chính trị.
Theo bài diễn văn của ông được dịch ra Anh ngữ, Đại Trọng nói:
“Tuy nhiên những chuyện đó không làm tôi nản lòng trong ước vọng của tôi là xả thân làm việc cho hòa giải và thống nhất giữa Nam và Bắc và cho sự thống nhất hai miền”.
Ông cũng xác nhận ông đã đạt được thỏa hiệp với ban lãnh đạo miền Bắc, thỏa hiệp mà các giới chức nói liên quan đến hòa giải để có thể tiến đến thống nhất, làm dịu căng thẳng, đoàn tụ những gia đình bị phân ly và trao đổi về kinh tế, xã hội, văn hóa và các lãnh vực khác.
Kim Đại Trọng nói: “Tôi muốn ngỏ lời tri ân của riêng tôi về những nỗ lực của Chủ tịch Kim Chánh Nhật... để đạt đến thỏa ước lịch sử đó. Chúng ta sẽ không thất bại trong việc thi hành”.
Ông Kim miền Nam nói: “Lần đầu tiên, nhân dân Triều Tiên có thể nhìn thấy một tương lai tuơi sáng, vì một buổi bình minh của hy vọng đã ló rạng cho hòa giải, hợp tác và thống nhất”.

ĐOÀN TỤ GIA ĐÌNH VÀ VIỆN TRỢ THÊM 540 TRIỆU ĐÔ CHO BẮC HÀN
Mục tiêu ưu tiên của Kim Đại Trọng là thuyết phục miền Bắc cho phép một phần trong số 7 triệu người miền Nam, đa số đã già có thân nhân hay tổ tiên ở miền Bắc, được viếng thăm Bắc Hàn sau khi xa cách nửa thế kỷ.
Và để minh chứng cho lòng thành thật, bộ Canh Nông Nam Hàn nói sẽ xúc tiến việc gửi 200,000 tấn phân bón cho kịp mùa lúa ở miền Bắc đang bị nạn đói.
Ngoài ra chính phủ Nam Hàn sẽ yêu cầu Quốc Hội chấp thuận viện trợ thêm 450 triệu Mỹ kim cho nền kinh tế tả tơi của miền Bắc.
Tại Bình Nhưỡng ba bộ trưởng tháp tùng TT Kim Đại Trọng là bộ trưởng Tài chính, Thống nhất và Văn hóa, đã hội đàm riêng với cấp bộ trưởng tương đương của phía bên kia.
Các tin tức hôm thứ tư còn nói đến việc hai bên đã thảo luận về hai đoàn tuyển thủ sẽ đi chung duới ngọn cờ “thống nhất” trong lễ khai mạc và kết thúc Thế vận hội 2000 vào tháng 9 ở Sydney, Úc.
Hai bên cũng thảo luận về việc lập đoàn tuyển thủ chung dự giải Bòng bàn Thế giới trong mùa hè này ở Osaka, Nhật Bản. Trước dây Nam Bắc Hàn đã từng lập đoàn tuyển thủ chung đi dự các cuộc đấu thể thao, nhất là bóng bàn và bóng tròn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.