Hôm nay,  

Chuû Tch Pt Nhân Quyền Vn Từ Trần Tại Paris

09/06/199900:00:00(Xem: 5740)
Paris (VB).- Giáo sư Lương Thị Nga, Chủ Tịch Phong Trào Nhân Quyền Việt Nam, đã từ trần lúc 10 giờ 40 phút ngày 4 tháng 6 năm 1999 tại bệnh viện Paris, hưởng dương 58 tuổi. Tin này gây xúc động mạnh trong cộng đồng người Việt, trong các tổ chức nhân quyền trên thế giới, nhất là các cựu nữ sinh trung học Marie Curie Sài-gòn.
Giáo sư Lương thị Nga, sinh năm 1940, trong một gia đình Thiên-chúa giáo gương mẫu, tên thánh của bà là Joséphine. Một trong các người anh của bà là linh mục Denis Lương Tấn Hoàng hiện phụ trách chăn chiên tại họ đạo Châtenay-Malabry, ngoại ô Paris. Chính vì vậy mà linh cữu của giáo sư được làm lễ, và quàn tại nhà thờ thánh Germain-l'Auxerois của tỉnh Châtenay-Malabry.
Hồi niên thiếu, giáo sư Nga theo học tại trường trung học Marie Curie, năm 1958 bà đỗ tú tài triết học, rồi theo học đại học Văn Khoa Sài-gòn. Sau ba năm, bà đỗ đủ bốn chứng chỉ, được trao bằng Cử nhân giáo khoa Văn chương. Lập tức bà được tuyển làm giáo sư trường Marie Curie. Cuộc đời làm thầy bắt đầu.
Nhớ vóc dáng xinh đẹp, ôn nhu văn nhã, yêu học trò; trong suốt thời gian dạy học, giáo sư Nga đã đạt được những tình cảm kính yêu vô vàn của học trò.
Sau biến cố năm 1975, giáo sư Nga tỵ nạn tại Pháp. Bà trở lại học đường với hy vọng lấy bằng Tiến sĩ văn chương. Rồi bà gặp Tiến sĩ Phạm Thanh Dân, luật sư tòa thượng thẩm Paris. Giáo sư Nga là một con chiên ngoan đạo của đạo Chúa, luật sư Dân là một thiền sư (ghi chú của tòa soạn: Là người hành thiền, dạy thiền, chứ không thọ giới thành nhà sư Phật Giáo). Hai vị trở thành chiến hữu, thành bạn đời.

Kể từ năm 1990, giáo sư Nga cùng một số nhân sĩ, trí thức, đại diện các tôn giáo như Thiên-chúa, Phật-giáo, Cao-đài, Hòa-hảo... đứng ra thành lập Liên-đoàn nhân quyền Việt-Nam. Giáo sư được bầu làm chủ tịch. Người bạn đời của bà là luật sư Phạm Thanh Dân được bầu làm cố vấn luật pháp. Trong thập niên qua, Liên-đoàn nhân quyền VN đi khắp nơi, khi thì thuyết trình, khi thì vận động, khi thì họp báo, tố cáo chính quyền Cộng-sản VN vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo. Với sự trợ giúp của cơ quan Trí thức Thiên chúa giáo quốc tế, Liên đoàn nhân quyền VN được mời đến diễn đàn Liên hiệp quốc tại Genève (Thụy sĩ) thuyết trình về tình hình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam rất nhiều lần.
Tại diễn đàn Liên hiệp quốc, với vóc dáng trang trọng, thanh nhã, bằng giọng nói thanh tao, bằng lối văn sáng sủa, giáo sư Nga đã làm nổi bật lên những nét quan trọng trong chính sách tàn bạo của nhà cầm quyền VN. Đôi khi phải trả lời những câu hỏi khó khăn của phái đoàn VC, của những phái đoàn thân VC, của các cơ quan truyền thông. Bà đã ứng đối rất nhanh, bằng ngôn từ sắc bén nhưng không kém truyền cảm.
Năm 1998, một phái đoàn Liên hiệp quốc được cử đến Việt Nam để điều tra. Trước khi phái đoàn lên đường, trong khi Liên đoàn nhân quyền VN về Paris, thì giáo sư Nga ở lại trụ sở LHQ để giúp phái đoàn chuẩn bị tài liệu, cũng như trình bày chi tiết với phái đoàn. Sau khi tiễn phái đoàn lên phi cơ, thì giáo sư Nga bị nhức đầu khủng khiếp. Lập tức bà được chở vào nhà thương. Y sĩ điều trị cho biết bà bị xuất huyết não, phải giải phẫu khẩn cấp. Sau khi xuất viện, y sĩ điều trị khuyên bà phải tĩnh dưỡng, không nên làm việc nữa. Bà ngừng tất cả những việc khác, chỉ còn làm việc cho Liên đoàn nhân quyền VN mà thôi. Việc bà bị xuất huyết não, thình lình, khiến nhiều dư luận nói bà bị đầu độc, như trường hợp ông Lê Văn Đằng của nhóm Thông-luận, hay lâu hơn như trường hợp các ông Phạm Việt Tuyền, Lê Quốc Túy...
Nhìn chung, giáo sư Lương Thị Nga là một người con hiếu trong gia đình, là một giáo sư tận tâm ở trường học, là một người con yêu của Trưng-vương, Triệu-vương, là con chiên ngoan đạo với Thiên chúa, sau hết là người bạn đời cùng lý tưởng của luật sư Phạm Thanh Dân.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.