Hôm nay,  

Mậu Dịch Việt-mỹ Thua Đậm; Adb: Kinh Tế Vn Sẽ Bi Đát

22/06/199900:00:00(Xem: 5718)
HANOI — Viễn tượng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lãnh một đòn nặng hôm Thứ Hai với tin tức rằng vòng họp thứ 8 về hiệp ước mậu dịch Mỹ-Việt tổ chức tại Washington tuần trước đã không đạt được một thỏa ước. Và điều này đã gây thất vọng và tranh cãi trong các giới ngoại giao và chuyên viên quốc tế tại Hà Nội.
Các phân tích gia nói rằng như vậy nhiều phần có nghĩa là sẽ không có một hiệp ước trước năm 2001, bởi vì họ không mong đợi gì việc một hiệp ước có thể được Quốc Hội Mỹ chấp thuận vào cuối năm, và họ tin là một thỏa hiệp không mong đợi gì có vào năm tới bởi vì nước Mỹ sẽ tập trung mọi nỗ lực cho các cuộc bầu cử năm 2000.
“Rất khó mà có một hiệp ước mậu dịch năm nay,” theo lời Jean-Pierre Verbiest, đại diện thường trú Ngân Hàng Phát Triển Á Châu ADB tại Việt Nam hôm Thứ Hai. “Kinh tế Việt Nam rồi sẽ thua thê thảm.”
Một hiệp ước với Mỹ sẽ giúp các cuộc thương thuyết của VN với Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO bởi vì nhiều đòi hỏi thì tương tự nhau.
Các doanh gia Á Châu làm ăn tại VN đã hy vọng có hiệp ước năm 1998 bởi vì họ tin điều này sẽ mang vào đầu tư Mỹ và giúp hồi sinh không khí kinh doanh đang ảm đạm. Các doanh gia Nhật và Nam Hàn hôm Thứ Hai nói rằng họ thất vọng về tin này bởi vì trước đó họ chờ đợi xuất cảng các hàng như giày và trang phục vào thị trường Mỹ.
“Chúng tôi thất vọng,” theo lời một nhà ngoại giao Á Châu. “Tôi không biết các lãnh tụ VN đang làm gì. Họ cần một thay đổi triệt để.”
Các cuộc nói chuyện đã kéo dài hơn 3 năm nhưng cứ đứng lại vì phía VN không chịu mở thị trường và sợ rằng các công ty quốc doanh không cạnh tranh nổi các hãng ngoại. Đầu năm nay, viên chức hai nước nói hy vọng có hiệp ước năm 1999 nhưng mặc dù có nheìu bước tiến, hai nước vẫn còn xa nhau về vấn đều rào nhập cảng và việc cho hãng Mỹ vào thị trường VN.
“Chúng ta đã thu hẹp một cách có ý nghĩa nhiều vấn đề còn sót lại,” theo lời bà Đại Diện Mậu Dịch Mỹ Charlene Barshefsky tại Washington hôm Thứ Sáu. “Tuy nhiên, vài vấn đề chính yếu về việc mở thị trường vẫn chưa xong.”

Các phân tích gia nói rằng hiệp ước này quan trọng với VN, nước đang bi đát vì thiếu ngoại tệ do vì đầu tư quốc tế suy giảm và nhu cầu xuất cảng trì trệ. Tổng xuất cảng của VN năm ngoái là 9.36 tỉ đô, không đổi so với năm 1997, và đầu tư quốc tế còn giảm nữa trong năm nay để sẽ chỉ còn 200 tới 300 triệu đô la, trong khi năm 1998 là 600 triệu đô.
Xuất cảng sang Mỹ năm ngoái là 600 triệu đô, và Ngân Hnag Thế Giới ước lượng rằng một hiệp ước mậu dịch có thể cộng thêm con số 800 triệu đô vào con số trên.
Không có hiệp ước, điều kiện mở đường cho VN hưởng quy chế tối huệ quốc, các phân tích gia cho là Hà Nội phải tiếp tục cắt giảm nhập cảng để giữ kho trữ kim ngoại tệ ước chừng chỉ 1.8 tỉ đô la — nghĩa là vừa đủ 8 tuần lễ nhập cảng hàng hóa.
Các viên chức Mỹ tại Hà Nội từ chối phê bình, và các viên chức Bộ Ngoại Thương CSVN cũng vậy. Một viên chức Bộ Ngoại Thương CSVN nói với phóng viên quốc tế, “Đừng mong đợi chúng tôi nhận xét gì nữa. Đây là vấn đề cực kỳ tế nhị.”

HỌP TIẾP VỀ HIỆP ƯỚC THƯƠNG MẠI VIỆT-MỸ"
Trong khi đó, một bản tin từ Đài Á Châu Tự Do hôm Thứ Hai cho biết rằng hiệp ước mậu dịch Việt-Mỹ sẽ được họp tiếp bên lề một hội nghị ở Tân Tây Lan.
Tin này cho biết, chính phủ Tân Tây Lan cho hay rằng hầu hết các thành viên của Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương sẽ gửi người cầm đầu ngành kinh tế đến dự hội nghị cấp bộ trưởng được tổ chức ở Aucland vào tuần tới.
Phái đoàn Hoa Kỳ sẽ do bà Charlene Barshefsky hướng dẫn, và ông bộ trưởng kinh tế Yosano của Nhật Bản sẽ hướng dẫn phái đoàn Nhật. Riêng ông Mikhail Fradkov, bộ trưởng thương mại Nga thì thông báo bận việc, không thể dự hội nghị lần này.
Được biết phái đoàn Việt Nam sẽ do ông bộ trưởng Trương Đình Tuyển cầm đầu, và có thể, sẽ gặp riêng bà Barshefsky để thảo luận tiếp về bản hiệp định thương mại Mỹ-Việt. Hồi tuần trước, hai phái đoàn Hoa Kỳ và Việt Nam đã gặp nhau tại Washington trong suốt một tuần lễ, và tin tức nói là bản hiệp định không thành hình vì vẫn còn những bất đồng chưa giải quyết được.
Một trở ngại chính trị có thể sẽ xảy ra ở hội nghị năm nay là chuyện ông Supachai Panitchpackdi, bộ trưởng thương mại Thái có thể sẽ không có mặt, nếu người đang đối đầu với ông trong cuộc chạy đua tranh chức Tổng Thư Ký Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới là ông Mike Moore được mời tham dự.
Ông Moore trước đây đã từng là Thủ Tướng Tân Tây Lan.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.