Hôm nay,  

Tử Sĩ Có Lại Được Chân Dung Nhờ Tình Thương Của Em Gái

15/12/200200:00:00(Xem: 4116)
Xin xem đây như một chuyện tình. Chuyện nói về những yêu thương trìu mến, nhưng thầm lặng, của một phụ nữ ở quận hạt Harford đối với người anh của bà, và về việc tại sao sự thầm lặng đó đã trổi thành tiếng gọi của yêu thương đến với hàng ngàn người anh khác từng đi Việt Nam và không bao giờ trở lại.
Anh Charlie, thuở ấy 19 tuổi, tử trận tháng 3-1968, chỉ 4 tháng sau khi đến Việt Nam. Trong một cuộc tuần tiểu, anh và vài đồng ngũ Thủy Quân Lục Chiến bị bắn sẻ, phải gọi súng cối yểm trợ. Một quả đạn rớt khi chưa tới đích và nổ tung làm thân thể anh gần đứt ngang.
Tại Philadelphia, nơi gia đình anh ở, thi hài anh không được đón nhận như một anh hùng.
Từ Việt Nam đưa về toàn tin xấu, dân chúng Mỹ ở trong tâm trạng tức giận. Khi đám tang anh Charlie được nhắc đến trên báo địa phương, gia đình anh nhận được thư từ đầy giọng thù ghét vô ý thức gọi anh là nguời giết con nít.
Suốt 25 sau đó, người em gái Mary Jane không bao giờ nhắc đến anh.
Khi bắt đầu thân với ông Jim Gerity, bà Mary Jane biết ông là cựu hải quân trong thời gian có chiến tranh Việt Nam và phục vụ trên một hải vận hạm ở Địa Trung Hải. Cả hai người dến thăm Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ Mỹ Trong Chiến Cuộc Việt Nam, và tìm thấy tên của anh Charlie khắc trên bức tường. “Chào anh Charlie, em Mary Jane đây.” Bà Jane đã mấp máy câu đó trên môi. Khi bà kết hôn với ông Gerity, hai vợ chồng dọn về quận hạt Harford và định cư ở trấn Joppa. Ông Gerity muốn treo ảnh anh Charlie lên tường, nhưng bà Jane không chịu. Đau xót chưa nguôi.
Về phần ông Gerity, cũng có nỗi niềm riêng. Ông thổ lộ đó là “mặc cảm tội lỗi của người sống sót.” Ông nói: “Nhìn lên bức tường và thấy 58.000 danh tánh, tôi tự hỏi : tại sao họ chết mà tôi còn lại đây" Họ đều xấp xỉ tuổi tôi, và hồi đó còn trẻ măng. Rồi tôi nghĩ : chẳng qua cũng là ý Chúa thôi.”
Bà Jane không muốn nhắc đến anh bà. Gia đình vẫn giữ những thư từ đầy giọng thù ghét sau đám tang của anh. Bà vẫn giận chính phủ nói láo về cuộc chiến tranh, giận Thủy Quân Lục Chiến đã để anh chết. Và, giận cả chính anh! Sao anh đành chết như vậy"
“Tôi nói vợ tôi cứ nhìn bức ảnh - ông Gerity kể lại - anh ấy là một thanh niên tuấn tú và hãnh diện là một Thủy Quân Lục Chiến. Cuối cùng, vợ tôi nói : ‘Được, tụi mình treo ảnh anh ấy lên.’ Đó là khi mọi việc bỗng thay đổi. Vợ tôi bớt giận. Bà bắt đầu ca ngợi cuộc đời anh bà.”
Và, bà Jane muốn biết thêm về cái chết của người anh. Bà biết anh không chết ngay.

Anh nằm dưới đất trong khi một trực thăng cố đến cứu. Bà muốn biết có ai đã an ủi anh trong những giây phút cuối cùng. Trên Internet, bà tìm ra tên một số bạn đồng ngũ của anh bà. Một trong số này là ông Harvey Strode, bà liền liên lạc với ông ở Los Angeles. Ông Gerity kể lại : “Cả hai người đều khóc trong điện thoại. Ông Gerity xin lỗi là đã không làm được gì. Ông ấy nói : ‘ Tất cả những gì tôi có thể làm là ôm anh ấy trong tay và chờ trục thăng.’ Rồi bà Jane nói : ‘ Cám ơn ông. Cám ơn ông đã ôm anh ấy trong tay. Bao nhiêu năm rồi, tôi đâu tưởng anh tôi được nằm trong tay một bạn Thủy Quân Lục Chiến. Anh ấy không cô đơn. Biết được chừng ấy là đủ rồi.’”
Sau đó, ông Strode gửi bà Jane một bức ảnh ông giữ suốt 30 năm qua, chụp anh Charlie và hai bạn đồng ngũ – có tên gọi thân mật là Ski và Mac – đứng trên một ụ súng. Bà Jane nhớ anh bà có nói đến hai người này trong thư. Ông Strode nhắc lại :
Hồi ở Việt Nam, Mac thường gởi anh Charlie các hộp giấy cứng đựng nước ngọt giải khát “Kool-Aid” để làm mùi nước Việt Nam bớt chua. Bà Jane gặp Mac ở Boston, và nghe kể là khi Mac đi thủ đô Washington, có đến thăm Đài Tưởng Niệm, và khi thấy tên anh Charlie trên tường, Mac đã để lại một hộp “Kool-Aid.”
Bà Jane cảm thấy như anh bà đang sống lại, và vợ chồng bà đã nhận thức được một điều thật sâu xa : mãnh lực của một bức ảnh chân dung ! Rồi họ nghĩ tiếp : thế còn những người ra đi không bao giờ trở lại khác thì sao " Đã có những đài tưởng niệm ở Maryland và thủ đô Washington, nhưng sao lại hạn chế sự tuởng niệm trong khuôn khổ những danh tánh trên một bức tường "
Ở Maryland, 1.046 chiến binh trẻ đã không bao giờ trở lại. 3 năm trước, ông Gerity đã lập một nhóm thuộc chi nhánh Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam ở Baltimore. Nhóm này xúc tiến một dự án gọi là “Cuộc Hành Quân Hồi Tưởng” nhằm thu thập ảnh chân dung của tất cả các tử sĩ ở Việt Nam đã ra đi từ Maryland, và lập nơi chưng ảnh cho một đài tưởng niệm mới. Cuối năm 1999, số ảnh thu thập đuợc là 78, năm tiếp theo là 138, rồi năm tiếp theo nữa là 301. Đến nay, theo lời ông Gerity, đã lên đến khoảng 700. Những bức ảnh này đang dược chưng tại chi nhánh Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam ở đây, trên mảnh đất của đồn binh cũ Fort Holabird. Nhưng họ muốn có tất cả 1.046 vào cuối năm tới.
Ông Gerity kết luận : “ 700 chân dung đó, tôi không quen biết ai ngoài đời cả. Nhưng bây giờ, thâm tâm tôi quen biết họ. Tôi nhìn gương mặt họ, thấy họ cười. Tôi đã nói chuyện với gia đình họ. Họ là người thật, không phải chỉ là những cái tên trên một bức tường. Và vợ tôi – phải, Charlie là người anh duy nhất của bà – nhưng bây giờ bà lại có thêm hàng trăm người anh nữa, vì Thủy Quân Lục Chiến đã xem bà như người em gái. Bà đã khuây khỏa nỗi trống trải bằng tình thương của các bạn đồng ngũ với anh bà.
Charlie Walsh đã về với gia đình. Và tình thương của em gái anh đã lên tiếng đón mừng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.