Hôm nay,  

Sơ Lược Y Khoa Việt Nam: Các Năm 1902-1975

24/01/200400:00:00(Xem: 5620)
Trường Y Khoa Đại Học Hà Nội được ra đời từ một thế kỷ trước đây do Toàn Quyền Paul Doumer ký nghị định vào ngày 8 tháng giêng năm 1902. Khởi thủy trường Y Khoa có tên là Ecole de Medecine de l’Indochine, tức là trường Y Khoa đầu tiên của thuộc địa Việt Mên Lào. Vì chủ đích của chế độ bảo hộ Pháp lúc đó là ngoài việc cai trị Đông Dương họ muốn cho dân thuộc điạ có sức khỏe tốt để làm việc cho mẫu quốc và sản xuất kinh tế tốt. Bởi vậy, lập trường đào tạo Y Khoa không có nghĩa là nhà nước bảo hộ thương gì dân tộc thuộc địa, nhưng người Pháp muốn dân bản xứ tự săn sóc sức khỏe cho mình hơn là gửi chuyên viên y tế Pháp sang điều trị bệnh tật cho dân bảo hộ. Tất nhiên, đào tạo nhân viên y tế thuộc địa hồi đó phải là một trong những sách lược hàng đầu.
Khoa Trưởng trường Y khoa bảo hộ là một chuyên gia về vi trùng học, khá nổi tiếng của Pháp, tức là giáo sư y khoa Alexandria Yersin. Nhờ môi trường y tế xứ bảo hộ với những bệnh cực kỳ nguy hiểm thời bấy giờ như dịch hach đã giúp Gs Yersin nổi tiếng về những công trình khảo cứu của ông trong y trường quốc tế.
Khi bắt đầu chương trình thi tuyển sinh viên y khoa đầu tiên cho trường Y Khoa Bảo Hộ thì có 29 người trúng tuyển trong số 105 thí sinh. Chương trình học bấy giờ chỉ đào tạo Medecins Auxilliaires tức là Y sĩ Phụ Tá, sau 4 năm huấn luyện.
Hơn 10 năm sau, tức là vào năm 1914, trường bảo hộ y khoa bắt đầu thêm Dược Khoa và được đổi tên là Ecole de Plein Exercice de Medecine et de Pharmacie dịch là Trường Cao Ðẳng Chuyên Nghiệp Y Dựợc Khoa. Kể từ đây, môn học Dược được chính thức công nhận lần đầu tiên cho dân Việt, Mên, Lào. Phẩm chất y khoa cũng được tăng cao hơn, nghĩa là chương trình y khoa tăng thêm môt năm thành 5 năm.
Một thập niên sau nữa, tức là vào năm 1923, tiêu chuẩn vào trường y khoa cũng được nâng cao hơn nữa tức là bây giờ muốn được dự thi vào y khoa phải có bằng tú tài Pháp. Tổ chức thi cử tú tài thời đó không dựa theo tiêu chuẩn khảo sát tài năng của sinh viên mà chính phủ bảo hộ chỉ muốn đặt ra một nguyên tắc để lấy số chuyên viên vừa đủ vào 2 ngành độc nhất là tuyển chọn huyện lại qua bộ môn luật và tuyển chọn chuyên viên y tế vào trường y dược khoa. Bởi vậy, đậu được mảnh bằng tú tài hết sức khó khăn trong thời bấy giờ. Nếu có bằng Tú Tài Pháp thì khi tốt nghiệp y khoa sẽ được cấp bằng y khoa Pháp. Còn nếu chỉ đậu Tú Tài Bản Xứ thì khi ra cùng một trường y khoa chỉ được danh hiệu cấp bằng Medecin Indochinois tức là Y Sĩ Ðông Dương. Các y sĩ tốt nghiệp y khoa hồi đó mặc nhiên là các quan lớn.
Trường Y Khoa lúc đầu toạ lạc tại Ấp Thái Hòa thuộc ngoại ô thành phố Hà Nội. Sinh viên y khoa thực tập tại hai nhà thương Phủ Doãn và Bạch Mai. Khoảng cuối thập niên 20, trường y khoa được dọn về đường Lê Thánh Tôn ở Hà Nội, trước có tên là đường Bobillot.
Tới năm 1936 thì trường Y Khoa được đổi tên là Faculté de Medecine, tức là Đại Học Y Khoa.
Năm 1947, trường Y Khoa Hà Nội đặt thêm một chi nhánh ở Sài gòn, mục đích là để đào tạo y sĩ cho miền nam Việt Nam. Trước kia, các sinh viên y khoa Nam Kỳ phải ra Bắc để tiếp tục học y khoa.

Tới năm 1954, khi đất nước chia đôi, phần lớn phân bộ y khoa đã di cư vào Nam và đặt Trụ Sở tại 28 Đường Trần Quý Cáp, Sài Gòn. Đây cũng là nơi tụ tập giảng đường và thư viện của trường. Còn nơi học về bệnh lý hay lâm sàng, các sinh viên được thực tập tại những bệnh viện như Chợ Rẫy, Bình Dân, Nhi Đồng, Từ Dũ, Hồng Bàng, Chợ Quán, Đô Thành Sài Gòn và Nguyễn Văn Học. Những nơi thực tập khoa học căn bản thì đóng đô ở Cơ Thể Học Viện, Bệnh Viện Sài Gòn, Viện Pasteur, Phòng Sinh Lý Học, Cơ Thể Bệnh Lý và Mô Học, v..v..
Khởi thủy, ban giáo huấn gồm những giáo sư Viêt và Pháp, nhưng sau đó phần lớn các giáo sư Pháp rút về Pháp. Ảnh hưởng y khoa Pháp giảm dần ở miền Nam và một thể chế y khoa Mỹ dần dần xuất hiện. Bởi vậy, sau năm 1962, văn bằng Y Khoa Sài Gòn không còn được công nhận tương đương với văn bằng Y Khoa Pháp. Tuy nhiên cũng trong thời điểm này, có thể coi như đã chấm dứt thể chế y khoa thuộc địa Pháp. Mặc dầu vậy, ảnh hưởng y khoa Pháp vẫn còn ảnh hưởng xâu đậm, nhất là tiếng Pháp vẫn còn là ngôn ngữ chính được dùng trong chương trình y khoa của người Viêt. Tưởng cũng nên lưu ý là trong thời gian này, học sinh trung học tốt nghiệp chương trình Pháp được nhiều lợi điểm khi vào học y khoa. Vô tình hay hữu ý, dùng tiếng Pháp trong y khoa đã cản trở bước tiến của rất nhiều sinh viên người Việt thời bấy giờ.
Sau này, chương trình y khoa Sài Gòn bao gồm 7 năm: một năm về tiền y khoa gồm 3 môn Vật Lý, Hóa Học và Sinh Vật Học (Physique, Chimie et Biologie) học tại Đại Học Khoa Học Sài Gòn, và 6 năm chuyên về y khoa tại trường Y Khoa Sài Gòn. Sau đó sinh viên phải trình luận án để lấy văn bằng y khoa bác sĩ. Đây là một chương trình dập khuôn của y khoa Pháp.
Kể từ năm 1966, Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa dời về Ðại Lộ Hồng Bàng do Mỹ đài thọ. Chương trình y khoa biến dạng với nhiều bộ môn khoa học mới, theo lối Mỹ, yểm trợ bở Hội Y Sĩ Hoa Kỳ (American Medical Association). Từ đây chế độ học từ chương được thay thế bằng lối học để hiểu. Phải công bằng mà nói thì lối học mới đã giúp ích một số y sĩ Việt Nam tốt nghiệp cứng cáp hơn về bộ môn khoa học căn bản và đã giúp họ hội nhập vào y khoa hải ngoại dễ dàng hơn các đàn anh.
Trong tình trạng đổi mới thời bấy giờ đã giúp thay đổi chức vị trong Hội Đồng Khoa không giống như thể chế y khoa Pháp theo chế độ ông thày cho mỗi bộ môn y khoa, là bất khả xâm phạm và độc tôn. Loại bỏ kỳ thi nội trú cũng giúp các sinh viên y khoa thực tập đồng đều tiến bộ như thường thấy trong khác y khoa tấn tiến ngày nay tại Hoa Kỳ hay Anh quốc.
Tóm tắt, theo nhiều tham khảo, đặc biệt tài liệu của Gs Đào Hữu Anh thì Y Khoa Hà Nội trong thời Pháp thuộc đã đào tạo khoảng 648 người bao gồm Y Sĩ Phụ Tá, Y Sĩ Đông Dương và Y Khoa Bác Sĩ.
Kể từ năm 1947 tới 1975, tổng số luận án y khoa bác sĩ do trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn cấp phát 2380 người, tức là cả thẩy 2380 y sĩ ra trường liên tiếp trong 3 chương trình y khoa Pháp, y khoa Việt Pháp và y khoa Viêt Pháp Mỹ.
Tài liệu:
1) Giáo sư Đào Hữu Anh: Vài dòng tóm lược lịch sử Y Khoa Đại Học Hà Nội, (1902-1954), Y Khoa Đại Học Sài Gòn (1947-1975) Trong Đặc San Đại Hội Quốc Tế Y Nha Dược Sĩ tại Anaheim, August 10-12, 2002.
2) Bác sĩ Tôn Thất Cần: Vài nhận xét về tổ chức Y Khoa Đại Học tại Việt Nam, cho đến năm 1975 trong đặc San Đại Hội Y Nha Dược Sĩ tại Anaheim, 2002.
3) Bác sĩ Nguyễn Đức Tuệ: Giáo sư Đào Hữu Hoành không còn nữa, trong Đặc San Đại Hội Y Nha Dược Sĩ, Anaheim 2002.
Trần Mạnh Ngô, M.D., Ph.D., F.A.A.F.P.; Điện Thoại: (714) 547-3915; E-mail: Tran.Ngo@verizon.net; Diễn Đàn Y Khoa: http://groups.yahoo.com/group/DienDanYKhoa/

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.