Hôm nay,  

Tại Sao Khi Bệnh, Ta Thường Bị Đau Lưng?

30/06/202300:00:00(Xem: 1478)
suc-khoe
Đau lưng là triệu chứng khá phổ biến ở nhiều loại bệnh. Nó không phải là một triệu chứng kiểu hên xui, mà là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa hệ thống miễn dịch và não, được gọi là “khớp thần kinh miễn dịch” Hình: Unplash
 
Quý vị có thường bị đau lưng mỗi khi bị cúm, cảm lạnh, hay khi bị COVID?

Đau lưng là triệu chứng khá phổ biến ở nhiều loại bệnh. Nó không phải là một triệu chứng kiểu hên xui, mà là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa hệ thống miễn dịch và não, được gọi là “khớp thần kinh miễn dịch” (neuroimmune synapse).
 
Khi ta bị bệnh, kết quả của ‘cuộc trò chuyện’ giữa hệ thống miễn dịch và não bộ khá là thú vị, bởi vì sự chú ý sẽ được tập trung đặc biệt ở vùng lưng dưới. Đây là một trong những vùng nhạy cảm nhất của cơ thể trước các mối đe dọa đối với miễn dịch thần kinh (neuroimmune).
 
Khái niệm cơ bản về miễn dịch học
 
Hệ thống miễn dịch là một con dao hai lưỡi. Nó có thể giúp cơ thể chống lại bệnh tật, nhưng cũng có thể khiến chúng ta ‘lao đao’ với công việc mà nó đang làm.
 
Khi cơ thể phát hiện ta đã bị nhiễm bệnh, hệ thống miễn dịch sẽ giải phóng các phân tử bao gồm các protein báo hiệu được gọi là cytokine. Những protein này điều phối hệ thống miễn dịch để chống lại bệnh, và ‘nói chuyện’ với não và tủy sống để thay đổi hành vi và sinh lý của chúng ta.
 
Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, sốt và nhạy cảm với cơn đau. Thông thường, đây được coi là một sự thay đổi hành vi có lợi để giúp cơ thể bảo tồn năng lượng để chống lại bệnh tật. Đó là lý do tại sao chúng ta thường cảm thấy cần phải nghỉ ngơi và tạm ngừng các hoạt động thông thường khi bị bệnh – và cũng là lý do tại sao chúng ta trở nên gắt gỏng hơn bình thường.
 
Những thay đổi nhỏ vô hình
 
Một phần của phản ứng tự bảo vệ này là sự thay đổi trong cách chúng ta nhìn nhận các mối đe dọa, bao gồm cả các kích thích giác quan.
 
Khi chúng ta bị bệnh, những động chạm nhẹ cũng có thể khiến ta đau đớn, và cơ bắp thì thường rất nhức mỏi. Nhiều thay đổi trong hệ thống giác quan và hành vi được cho là có nguồn gốc từ cấp độ nano. Khi các phân tử có thay đổi trong phần não liên quan đến nhận thức hoặc tâm trạng, ta sẽ suy nghĩ và cảm nhận khác đi. Nếu những thay đổi trong khớp thần kinh miễn dịch (neuroimmune synapse) xảy ra ở vùng kiểm soát cảm giác của não và tủy sống, chúng ta sẽ cảm giác đau nhiều hơn.
 
Những thay đổi cảm giác này, được gọi là chứng loạn cảm giác đau (allodynia) và chứng tăng cảm giác đau (hyperalgesia), có thể tăng độ nhạy cảm với cơn đau, ngay cả ở những vùng không bị ảnh hưởng trực tiếp – chẳng hạn như lưng dưới.
 
Ký ức miễn dịch
 
Phản ứng miễn dịch này xảy ra với một loạt các loại bệnh do vi khuẩn và vi rút như COVID hoặc cúm. Trên thực tế, cảm giác bị bệnh mà chúng ta thường có sau khi tiêm vắc-xin là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch đang làm tốt công việc của nó để tạo ra một ký ức miễn dịch bảo vệ.
 
Một số cuộc trò chuyện giữa các tế bào miễn dịch cũng gửi cảnh báo cho bộ não rằng cơ thể đang bị bệnh hoặc khiến ta nghĩ rằng mình đang bị bệnh.
 
Ở một số người, cảm giác bệnh có thể kéo dài lâu hơn sau khi bệnh đã khỏi. Hiện tượng này đang khá phổ biến với một số người từng bị nhiễm COVID, được gọi là di chứng COVID (long COVID).
 
Nữ giới thường có phản ứng miễn dịch mạnh hơn nam giới, nên dễ gặp các triệu chứng đau hơn. Phản ứng miễn dịch cao hơn cũng khiến phụ nữ có nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm cao hơn như các bệnh tự miễn dịch (autoimmune diseases).
 
Khi nào thì cần lo lắng và phải làm gì?
 
Nếu cơn đau dữ dội, dai dẳng hoặc kèm theo các triệu chứng đáng lo ngại khác, quý vị hãy đi khám bác sĩ. Đau nhẹ đến vừa phải là một triệu chứng phổ biến khi bị bệnh, và thường xảy ra ở vùng lưng dưới. Tin tốt là nó thường sẽ giảm dần và khỏi khi hết bệnh.
 
Việc quan trọng là trị bệnh, nhưng cũng có nhiều cách để giảm bớt những đau đớn trong thời gian bị bệnh.
 
Quý vị có thể duy trì hệ vi sinh vật đa dạng (tập hợp các vi sinh vật sống trong và trên cơ thể) bằng cách ăn uống điều độ, và ra ngoài hít thở khí trời. Đảm bảo chất lượng giấc ngủ, uống đủ nước và giảm các tình trạng viêm nhiễm cũng sẽ rất hữu ích.
 
Có nghiên cứu cho thấy món súp gà truyền thống có thể giúp làm giảm các tín hiệu miễn dịch ở khớp thần kinh miễn dịch.
 
Các khoa học gia cũng chỉ ra rằng thiền chánh niệm (mindfulness meditation), liệu pháp trị liệu với nước lạnh (cold water therapy) và tập hít thở có kiểm soát (controlled breathing) có thể thúc đẩy những thay đổi sâu sắc ở tế bào và phân tử, giúp kích hoạt các hệ thống như hệ thần kinh tự trị và thay đổi phản ứng miễn dịch. Những hoạt động này không chỉ giúp kiểm soát cơn đau mà còn góp phần chống viêm, làm giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian mắc bệnh.
 
Trị liệu bằng nhiệt (sử dụng túi chườm hoặc chai nước nóng) có thể giúp giảm đau do làm tăng lưu thông máu. Các loại thuốc giảm đau OTC cũng có thể hữu ích, nhưng hãy hỏi kỹ nếu quý vị đang sử dụng các loại thuốc khác.
 
Tâm trí quyết định tất cả?
 
Liệu có phải tâm trí sẽ quyết định mọi thứ? Có một chút!
 
Vì sao lại là ‘Có một chút’? Nó xuất phát từ một nghiên cứu ủng hộ ý tưởng rằng nếu ta mong đợi liệu pháp tập hít thở, thiền và trị liệu với nước lạnh có hiệu quả, thì nó có thể tạo ra sự khác biệt ở cấp độ tế bào và phân tử. Nhưng hãy luôn nhớ tìm kiếm sự trợ giúp y tế nếu các triệu chứng nghiêm trọng hoặc kéo dài lâu hơn dự kiến. Sức khỏe là trên hết!
 
Việt Báo biên dịch
 
Nguồn:  “Why does my back get so sore when I’m sick? The connection between immunity and pain” của Joshua Pate và Mark Hutchinson, được đăng trên trang TheConversation.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Năm 2011, Gert-Jan Oskam đang sống ở Trung Quốc thì bị tai nạn xe máy, khiến ông bị liệt từ phần hông trở xuống. Giờ đây, với sự kết hợp của các máy móc thiết bị hiện đại, các khoa học gia đã giúp ông kiểm soát lại phần thân dưới của mình, theo trang NYTimes đưa tin vào cuối tháng 5 năm 2023.
Ngày 15 tháng 5 năm 2023, Cơ quan Y tế Quốc tế WHO đưa ra hướng dẫn mới nhất của họ về chất làm ngọt thay thế đường (non-sugar sweeteners) và khuyên không nên dùng các chất này để giảm cân. WHO đã tiến hành một cuộc đánh giá có hệ thống với 283 nghiên cứu về chất tạo vị ngọt mà không dùng đường. Nghiên cứu tổng quan này bao gồm cả các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên và nghiên cứu quan sát (randomized controlled trials and observational studies).
Một số trẻ nhỏ bị dị ứng có thể ăn đậu phộng với liều lượng thấp mà không bị phản ứng nghiêm trọng sau khi đeo miếng dán trong một năm trong một thử nghiệm lâm sàng. Miếng dán thử nghiệm này có thể giúp giảm bớt căng thẳng cho các gia đình có trẻ nhỏ bị dị ứng. Theo kết quả của một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, đối với trẻ mới biết đi bị dị ứng với đậu phộng, một miếng dán da mới có thể làm tăng khả năng chịu đựng của các em đối với loại đậu này.
Số ca tử vong do Covid-19 ở Hoa Kỳ hiện đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2020, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm Soát và Phòng Dịch Bệnh. Tỷ lệ ca bệnh cũng giảm ở mức tương tự, mặc dù việc lây nhiễm trở nên khó theo dõi hơn do các xét nghiệm nhanh tại nhà được phổ biến rộng rãi; nhiều hệ thống giám sát được thiết lập vào đầu đại dịch cũng đã ngừng hoạt động.
Toát mồ hôi về đêm là một hiện tượng khá phổ biến, và cách giải quyết cũng đơn giản. Tuy nhiên, cũng cần chú ý một số nguyên nhân đáng lo ngại. Chúng ta thường nghĩ rằng nhiệt độ cơ thể người bình thường là 98.6 độ F (37 độ C), nhưng thực tế là nhiệt độ đó sẽ thay đổi trong chu kỳ 24 giờ theo nhịp sinh học của chúng ta. Ngay trước khi đi ngủ, nhiệt độ cơ thể của chúng ta bắt đầu giảm xuống, và sẽ đạt mức thấp nhất là khoảng 97.7 độ F trước khi chúng ta thức dậy khoảng ba tiếng. Đây là mức giảm nhiệt tối thiểu, nhưng để giữ cho cơ thể ở nhiệt độ đó, nhiều người thường phản ứng lại bằng cách đổ mồ hôi – đặc biệt nếu nhiệt độ bên ngoài quá nóng.
Mọi người thỉnh thoảng sẽ bị nấc cụt và đôi khi các cơn nấc cụt khá lì lợm, không chịu biến đi. Nấc cụt là sự co thắt không chủ ý của cơ hoành (diaphragm) – cơ ngăn cách phần ngực với phần bụng, đóng vai trò chính trong việc hít thở – sau đó là các dây thanh âm đóng lại đột ngột.
Bệnh Mất Trí (Alzheimer) là chứng bịnh mà các tế bào thần kinh trong não bị teo đi. Đó là do sự tích tụ bất thường của protein beta-amyloid và protein tau. Nghiên cứu về các loại thuốc chống lại bệnh Alzheimer cho thấy rằng nên điều trị sớm trong quá trình điều trị bệnh, trước khi quá nhiều tế bào thần kinh của não bị chết.
Số lượng người trên thế giới sống chung với bệnh suy tim ngày càng tăng, suy tim là tình trạng cơ tim bị suy yếu và không thể bơm đủ lượng máu cần thiết để cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng cho cơ thể. Người bệnh bị suy tim sẽ suy giảm khả năng hoạt động, suy giảm chất lượng sống, tùy từng mức độ sẽ cần sự hỗ trợ khác nhau. Ngoài ra người bệnh suy tim nặng sẽ đứng trước nguy cơ tử vong cao. Có những phương pháp điều trị làm chậm quá trình này, nhưng không có phương pháp nào trực tiếp làm tăng khả năng bơm máu của tim.
Các chuyên gia nghiên cứu tại Trường University of Miami đã báo cáo hai trường hợp đầu tiên được xác nhận vi rút SARS-CoV-2 truyền qua nhau thai và gây tổn thương não cho thai nhi, theo trang Reuters đưa tin ngày Thứ Năm, 6 tháng 4 năm 2023. Theo nhóm nghiên cứu, trước đây, các bác sĩ đã nghi ngờ điều này có thể xảy ra nhưng chưa tìm được bằng chứng trực tiếp nào cho thấy vi rút COVID-19 tồn tại trong nhau thai hoặc não của trẻ sơ sinh.
Điều gì đang xảy ra trong não và cơ thể khi chúng ta thưởng thức nghệ thuật? Đây là một câu hỏi đã nằm trong tâm trí của Anjan Chatterjee nhiều năm. Ông Anjan là giáo sư về thần kinh học, tâm lý học và kiến trúc tại Trường Pennsylvania (University of Pennsylvania). Tại đây, ông đã thành lập một trong những phòng thí nghiệm đầu tiên trên thế giới dành riêng cho khoa học về thần kinh và thẩm mỹ - Penn Center for Neuroaesthetics.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.