Hôm nay,  

Đông Y và Thuật Dinh Dưỡng: Ăn Uống Khoa Học

20/06/201400:00:00(Xem: 6276)

Dẫn nhập:

- Một trong những nguyên tắc sống khỏe, sống thọ là ăn uống hợp lý, đúng khoa học.

- Mô thức dinh dưỡng cân đối trong bữa ăn bao gồm các thành phần căn bản: chất đạm (protein), chất bột đường (carbohydrate), chất béo (fat), chất khoáng (mineral), chất sợi hay chất xơ (fiber), sinh tố (vitamin) và nước uống (drinking water).

- Thực phẩm và đồ uống cũng cần đạt ít nhất 3 tiêu chuẩn: đầy đủ chất bổ dưỡng, ngon miệng và dễ tiêu hóa.

1. Chất đạm:

- Chất đạm (protein), là thành phần không thể thiếu trong thức ăn, cần được cung ứng thường xuyên nhằm giúp cơ thể tăng trưởng, sửa chữa hoặc thay thế những tế bào đã chết theo qui luật.

- Đối với trẻ con và người có bệnh hoặc trong thời gian điều dưỡng, cần tăng cường lượng chất đạm trong các bữa ăn. Thực phẩm cung cấp nguồn đạm phong phú gồm: thịt, cá, trứng, một số loại đậu hạt như đậu nành, sữa và các chế phẩm từ sữa.

- Điểm cần lưu ý: Muốn có một mô thức dinh dưỡng lành mạnh, khoa học, các nhà dinh dưỡng học khuyến khích chúng ta nên chọn cá và thịt gia cầm như: gà, vịt, chim nuôi thay cho thịt đỏ như: thịt bò, bê, cừu vì chứa nhiều mầm mống có hại cho sức khỏe. Rau, củ, đậu hạt cũng là những nguồn thực phẩm giàu chất đạm, rất tốt cho sức khỏe.

2. Chất bột đường:

- Bột đường vốn là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, rất cần thiết cho sự chuyển hóa trong tế bào.

- Bột đường gồm 2 nhóm chính: Nhóm A thuộc nhóm tinh bột gồm: gạo, bột mì, khoai và các loại đậu hạt. Nhóm nầy chiếm tỷ lệ lớn nhất. Còn nhóm B thuộc nhóm tạo đường gồm: các loại trái cây, một vài loại rau xanh và những sản phẩm như bánh ngọt, mức, kem, nước ngọt…

- Điểm cần lưu ý: Ăn quá nhiều chất ngọt, đặc biệt đường tinh luyện như đường cát trắng, dễ bị sâu răng và tích lũy mỡ gây ra bệnh béo phì. Cũng nên biết rằng, béo phì sẽ dẫn tới nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp xương, tiểu đường và bệnh tim mạch.

- Như vậy ăn uống khoa học, cần tránh đường và thực phẩm chứa nhiều đường. Nên sử dụng thực phẩm giàu chất xơ, ít năng lượng như khoai tây, bột mì thô và ngũ cốc nguyên hạt hoặc xay thô.

3. Chất béo:

- Chất béo cung cấp năng lượng và góp phần thành lập màng tế bào.

- Chất béo chia thành 2 loại chính: Chất béo bảo hòa, gồm phần lớn các loại mỡ động vật như chất béo trong sữa bò, cheese, thịt bò, mỡ bò, mỡ heo, mỡ gà, mỡ cừu, lòng đỏ trứng. Các chất béo nầy thuộc loại xấu vì có khuynh hướng làm nghẽn động mạch gây chứng xơ vữa động mạch, cao huyết áp và bệnh động mạch vành tim. Trái lại, chất béo không bảo hòa gồm phần lớn các chất béo trong cá, trong đậu nành, trong mè, trong hạt hướng dương, trong quả olive, trong ngũ cốc. Các loại chất béo nầy có lợi cho sức khỏe hơn loại bảo hòa.


4. Chất xơ:

- Mặc dù chất xơ khó tiêu hóa và không cung cấp bất kỳ một chất dinh dưỡng nào cho cơ thể, nhưng chất xơ trong trái cây và rau xanh gián tiếp giúp bộ máy tiêu hóa làm việc dễ dàng hơn, đặc biệt ngừa chứng táo bón kinh niên dẫn tới nguy cơ bị bệnh trĩ, đi tiêu ra máu và chứng sa trực tràng.

- Điều cần chú ý: Theo nhiều cuộc nghiên cứu khoa học cho biết, ăn ít hoặc không ăn rau xanh hay trái cây, xác suất bị bệnh ung thư ruột già rất cao.

5. Sinh tố và chất khoáng:

- Sinh tố, tức vitamin, là những chất chỉ cần một lượng rất ít cũng thúc đẩy được tế bào và các cơ quan hoạt động bình thường.

- Rau quả tươi là nguồn cung cấp sinh tố thật dồi dào cho cơ thể. Như vitamin B9, tức folic acid chẳng hạn, rất cần cho các phụ nữ có thai giúp ngăn ngừa dị tật ở thai nhi hoặc sau khi sinh nở thì giúp trẻ con phát triển bình thường.

- Còn về chất khoáng như calci, natri, kali, iôt, sắt, kẽm, cơ thể cũng rất cần nhằm giúp các cơ quan, xương, bắp thịt hoạt động khỏe mạnh.

6. Nước:

- Nước chiếm hơn 70% trọng lượng cơ thể và là thành phần căn bản để duy trì sự sống

- Tuy trong thực phẩm, rau xanh, trái cây có chứa nước nhưng cần phải uống thêm cho đủ lượng nước theo nhu cầu từng cơ thể bằng cách tính lượng nước thải ra bằng lượng nước uống vào. Trung bình, ở người lớn, mỗi ngày cần uống từ 2-3 lít nước. Khi làm việc ngoài trời hoặc xuất mồ hôi nhiều, lượng nước uống phải nhiều hơn mức trung bình.

- Điểm cần chú ý: Nước uống ở đây là nước lọc tinh khiết, không phải nước ngọt, nước trà hay cà phê.

Kết luận: Phương pháp ăn uống khoa học gần đây được giới thiệu bằng một biểu đồ hình tháp, đỉnh nhọn ở trên, đáy rộng ở dưới, mệnh danh là “tháp dinh dưỡng”. Các nhà dinh dưỡng học chia tháp nầy thành 7 ngăn, tính từ dưới (dùng nhiều nhất) lên trên (dùng ít nhất). Ngăn số 1 gồm thành phần ngũ cốc. Ngăn số 2 gồm rau xanh. Ngăn thứ 3 gồm trái cây chín. Ngăn thứ 4 gồm thịt gia cầm, cá, sữa, đậu hạt và chế phẩm từ đậu. Ngăn thứ 5 gồm chất béo. Ngăn thứ 6 gồm thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu. Và ngăn thứ 7 gồm muối và đường trắng.

Như vậy, ăn uống khoa học có nghĩa biết sử dụng thực phẩm theo mức độ qui định. Ăn uống đúng khoa học, sức khỏe khang kiện. Làm ngược lại, sức khỏe tiêu vong.

Đông Y Sĩ Cảnh Thiên

GHI CHÚ: Kính mời đồng hương tham dự buổi ra mắt sách Trường Xuân Bảo Điển, bắt đầu từ 11 giờ sáng Chủ Nhật 22-6-2014, tại:

Westminster Civic Center

8200 Westminster Blvd.

Westminster, CA 92683.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.