Hôm nay,  

Bạch Y Thần Chú

22/03/201000:00:00(Xem: 12141)

Bạch Y Thần Chú

Phương Chính Nguyễn Quang Đạt
Sau biến cố 1975, hàng triệu người Việt Nam đã tìm đường vượt thoát khỏi ách cai trị của cộng sản bằng mọi phương tiện.  Người trốn đi bằng đường bộ, người vượt thoát bằng đường biển…Trên quá trình tìm đến bến bờ tự do, hơn phân nửa đã vùi thây nơi biển cả vì giông tố, vì đói khát. Đa số còn lại đều bị bọn hải tặc cướp bóc, hảm hiếp, đày đoạ và thảm sát.   Biết bao sự tường thuật cũng như sách báo, hồi ký đã ghi lại những mẩu chuyện đầy bi thương ai oán, và đã làm không biết bao nhiêu người rơi lệ.  Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!
  Câu chuyện vượt biển dưới đây nếu so sánh với những gì được biết đến thì quả thật đã quá là may mắn và không có gì để đáng nói, duy có một điều liên quan đến tâm linh, đến oai lực và linh ứng của “Thần Chú” mà chư Phật đã lưu truyền lại cho thế gian. 
Hãy nhất tâm trì niệm, khi hữu duyên tuỳ cầu tất ứng!
Nguyện cho tất cả vong linh vì 2 chữ “Tự Do” đã bỏ xác nơi lao tù, nơi rừng hoang, nơi biển cả được cứu độ và siêu sinh.
Nam-mô đại-từ đại-bi cứu khổ cứu nạn quãng đại linh cảm Bạch Y Quán Thế Âm Bồ Tát.
***
  “Đức Quán Thế Âm Bồ Tát sở trường phép tu tam muội về nhĩ căn viên thông từ hồi đời Đức Phật quá khứ cách nay hằng hà sa số kiếp tên là Quán Thế Âm.  Vì vậy cho nên trải qua các kiếp tu hành Bồ Tát, Ngài vẫn giữ tên là Quán Thế Âm, nghĩa là quán sát âm thanh kêu cầu mà cứu, nên gọi là Quán Thế Âm.”
  “Hễ ai thờ Ngài ắt được phước đức, ai cầu nguyện và niệm tưởng Ngài thì sẽ được Ngài che chở và cứu giúp qua khỏi nạn nguy.”
  “Hoặc gặp oán tặc (cướp giặc) vây, cầm dao toan làm hại, do chí tâm niệm Quán Thế Âm, hết thẩy khởi lòng từ.”
  Những ngày tháng trước khi ra đi vượt biên, tôi đã nghe kể rất nhiều về biết bao cái chết hãi hùng trên biển cả, không chết vì đói khát, giông bão, cũng khó tránh khỏi sự cướp bóc tàn ác của bọn hải tặc Thái Lan, khiến cho tôi cũng cảm thấy hoang mang lo sợ.  Mẹ tôi thường nhắc nhở: “Con hãy cố gắng cầu nguyện Phật Bà ban sự bình an.”  Quả thật nơi đại dương bao la, sóng gió bão bùng, mạng người chẳng khác gì tơ trời mong manh, mới thấm hiểu ý nghĩa thâm sâu của vô thường.  Không vật gì, không người nào có thể cưỡng nổi sự phẫn nộ của đại dương ngoài bàn tay mầu nhiệm và sự sắp xếp của các Đấng Thiêng Liêng.
  “ Nam Mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn…nhất thiết tai ương hóa vi trần.”
  22/04/79 hai anh em tôi từ giã cha mẹ để lên đường, phó thác cuộc đời cho định mệnh.  Từ xa, tôi vẫn thấy được ánh mắt nhạt nhòa, thầm lặng tiễn đưa con của hai đấng sinh thành.  Lòng tôi dâng lên một cảm xúc nghẹn ngào khó tả.  Giây phút biệt ly nào mà chẳng đớn đau! Sinh, ly, tử, biệt không ngoài số mệnh của nuôn loài.
  Trên đường xuống Cà Mau, chúng tôi đã bị bắt giữ một đêm vì “tình nghi vượt biên”, nhưng có lẽ vì thành tâm cầu khẩn nên chúng tôi đã “may mắn” thoát khỏi.
  26/04 chúng tôi bắt đầu cuộc trốn thoát.  Những ngày đầu tiên, thật ngoài trí tưởng tượng của tôi, thuyền lướt đi êm ả nhẹ nhàng trên những làn sóng nhỏ, lăn tăn tựa như mặt hồ.  Bốn ngày sau, cũng tròn đầy bốn năm kể từ ngày mất nước, không khí tự do đã thật sự đến với chúng tôi từ khi chủ thuyền tuyên bố đã vào hải phận quốc tế.  Những nụ cười ròn rã trên khuôn mặt hân hoan còn hằn in quá khứ của những chuỗi ngày lo âu.  Cũng cùng một phương trời mà sao không khí nơi đây thật tươi mát và trong lành, tôi đã lặng yên hít thở thật chậm và dài để thưởng thức hương vị quí báu đó.  Chặng đường thứ nhất đã đi qua.
  Đêm trôi qua, ngày lại đến.  Trưa hôm đó chúng tôi gặp được một tàu đánh cá của ngư phủ Thái, sau khi trao đổi vài lời thì dược biết đoàn người Thái này hứa giúp đưa chúng tôi đến trại tỵ nạn Mã Lai với điều kiện trao đổi: là chúng tôi phải trao cho họ tất cả hiện vật đang có trên tay như đồng hồ, nhẫn và một số Mỹ kim.  Tất cả mọi người đều vui vẻ thuận theo, và mang tất cả hành lý cùng vật quí giá chuyển sang tàu Thái vì phải bỏ thuyền của mình lại.  Sau khi kiểm điểm tất cả mọi người và vật hoàn tất, chúng tôi tất cả được lệnh ngồi yên, những nụ cười xã giao đã tắt hẳn trên bọn người này khi dã thú đã hiện hình với móng vuốt trên tay.  Từng người một bị lục xét cho đến chiếc thuyền chúng cũng không tha.  Sau khi chiếm đoạt tất cả những gì chúng mong muốn, chúng đã đẩy chúng tôi trở lại chiếc thuyền cũ, để tiếp tục cuộc hải trình trên biển cả mênh mông.  Chúng tôi đã lãnh ngộ và trả giá cho bài học”  “Hậu quả của sự quá tin người!”  Rất may mọi người đều bình an vô sự vì “của đi thay người”.
  Thuyền lại tiếp tục trôi đi trong không khí trầm lặng và e dè, nhưng nghiệp ách còn chưa hết nên chẳng bao lâu, thuyền của chúng tôi lại bị một tàu cướp thứ hai đuổi theo.  Màn khám xét lại tái diễn, tôi luôn niệm thầm kinh Bạch Y Thần Chú mong nhờ sự che chở, bụng lại bị đau (không biết vì đói hay quá lo âu) nên không che dấu được trên khuôn mặt khiến cho tên cướp tiến đến lục soát biết được nên “hỏi thăm”.  Sau khi khám xét qua loa, tên cướp đó đã mang đến cho tôi một chai dầu (sau này tôi mới biết được tên đó là chỉ huy phó của chiếc tàu cướp).
  Cũng như lần thứ nhất, chúng tôi lại được tha và thuyền tiếp tục trôi đi.  Nhưng tai kiếp lại trùng phùng nên chỉ trong một thời gian rất ngắn, thuyến của chúng tôi lại bị tàu cướp thứ ba, thứ tư, thứ năm đến cướp cùng một lúc.  14 người chúng tôi bị hàng chục người bao vây, và tra hỏi một cách dữ tợn.  Thuyền bị cạy gở khắp nơi.  Tai kiếp thật khó thoát!  Mọi người chỉ biết niệm kinh cầu nguyện.  Bỗng đâu từ xa, chiếc tàu cướp thứ hai lại quay đầu hướng thẳng về phía chúng tôi.  Tất cả đầy lo âu và thắc mắc.  Có lẽ lời cầu nguyện của chúng tôi đã được đáp ứng.  Tên chỉ huy chiếc tàu cướp thứ hai trong bộ hắc phục, tay cầm súng M16 ra dấu cho bọn cướp thả chúng tôi ra.  Có lẽ vì thấy tàu cướp này quá ít người so với bọn chúng, nên bọn cướp vẫn đứng yên quan sát, chưa chịu buông tha.  Không nói thêm một lời, tên chỉ huy của tàu cướp thứ hai đưa tay lắp đạn và hướng mũi súng vào bọn cướp.  Không ai bảo ai, tất cả bọn cướp đều phóng về tàu của mình, một số tên thì phóng ngay xuống biển lội về tàu, nhưng vẫn chưa chịu rời xa.  Biết gặp được người cứu mạng, toàn thể chúng tôi đều cầu xin sự giúp đỡ của chiếc tàu cướp này.  Không nỡ nhẫn tâm lìa khỏi chúng tôi trong những tiếng kêu cầu thảm thiết, xen lẫn những tiếng khóc nức nở đó đây của một vài thiếu nữ còn đầy vẻ kinh hoàng, chỉ chậm thêm khoảnh khắc sẽ mang đời ô nhục, tên chỉ huy đã ưng thuận cứu chúng tôi, và cho chúng tôi lên tàu để đưa đến hải phận Mã Lai. Thuyền của chúng tôi được kéo theo sau,  tất cả chúng tôi đều thầm tạ ơn Trời Phật.
  Đang ngồi ngồi nghỉ trên khoang tàu chưa đầy 10 phút thì bỗng đâu tên cướp lúc trước  (tuổi trạc 50) ra dấu bảo tôi vào phòng lái.  Không biết chuyện gì xảy ra, tâm trí tôi hoang mang suy nghĩ, chân bước thật chậm để cố gắng niệm cho dứt bài chú, rồi chuyện gì tới đâu sẽ tới.  Bước vào phòng, mặt ngơ ngác đứng nghe hai người đối thoại, nhìn vào cử chỉ họ, tôi biết họ đang nói về tôi.  Quả thật sau đó, tên chỉ huy quay lại hỏi tôi (bằng tiếng Anh):  Cảm thấy như thế nào rồi"  Có cần tiêm thuốc không"  Thật ngạc nhiên, lúc đó tôi mới sực nhớ không biết cơn đau hết tự lúc nào, có lẽ nỗi lo sợ trong tâm trí đã làm mất cảm giác đó"  Tôi vội cảm ơn và cho biết đã bình thường.  Và bây giờ tôi mới nhận thấy nét thiện cảm trên khuôn mặt của họ nên mới yên tâm.  Được ngồi nghỉ trong phòng tôi cảm thấy thoải mái hơn và bắt đầu nhận xét cảnh vật chung quanh…Được ít lâu, tôi được tên chỉ huy tiếp chuyện, với số vốn Anh ngữ ít ỏi cùng với sự cố gắng suy đoán qua cử chỉ bằng tay chân của tên phụ tá người Thái, tôi tạm được biết như sau:  Chỉ huy của tàu cướp này là người Hoa, đánh cướp không phải là hoạt động chính của họ, thật ra…cho nên họ chỉ có thể đưa giúp chúng tôi đến gần hải phận Mã Lai mà thôi vì sợ gặp rắc rối. Sau khi hỏi thăm về hoàn cảnh của tôi, tôi may mắn được hai người này cho biết thuyền của chúng tôi là chiếc thứ hai được họ giúp đỡ (không biết chiếc thứ nhất có cùng một hoàn cảnh như chúng tôi không"), và tôi được họ cho biết lần lượt về các hành vi cướp bóc của từng chiếc tàu mà trên hải trình đã nhìn thấy.  Rất may mắn cho đoàn người chúng tôi là không gặp phải một trong những tàu cướp vừa ngang qua, vì bọn cướp đó rất tàn ác!  Sau khi cướp của hiếp người, bọn chúng còn dùng dao rạch mặt nạn nhân để làm dấu.  Tôi bỗng thấy làm lạ, không hiểu tại sao họ lại quá rành rẽ về hoạt động của bọn cướp"  Không biết đã nhìn và nghe thêm những gì, tôi đã thấm mệt chỉ biết gật đầu và say “yes” cho qua chuyện mà không cần hiểu để làm gì.  Điều này đã sém mang họa cho tôi sau này.


  Đến chiều thì đoàn người chúng tôi được ăn uống no nê, tất cả mọi người đều vui vẻ vì biết sắp đến hải phận của Mã Lai.  Sau buổi ăn, tên phó cướp người Thái mặt tươi cười nói với một số người trong nhóm của tôi là tôi chịu ở lại tàu với họ lúc trưa, nghe tin này họ vội vã hỏi tôi tại sao như vậy"  Còn em trai tôi thì sao"  Tôi hoàn toàn kinh ngạc và phủ nhận điều này.  Tôi vội đến gặp hai người đó để trình bày rõ ràng.  Có lẽ hiểu lầm ý của tôi, nên tên phó cướp cố gắng thuyết phục tôi, nếu tôi ở lại tàu sau này tôi sẽ theo tên chỉ huy qua Hong Kong, hoặc ở lại coi trên tàu chứ không có cướp.  Tôi nhất định từ chối và thầm cầu xin Phật Bà cứu giúp.  Sau cùng có lẽ thông cảm cho tôi, nên họ cũng đồng ý với lời cầu xin của tôi.  Tôi thật cảm ơn Trời Phật!
  Trong khi mọi người chuẩn bị dọn dẹp và trở lại thuyền của mình, thì bỗng đâu xa xa lại xuất hiện một chiếc tàu cướp khác.  Biết không ổn, chúng tôi lại cầu xin vị chỉ huy dùng máy truyền tin liên lạc để can thiệp trước.  Như hiểu ý, ông cũng chìu chúng tôi nên bước vào phòng một vài phút rồi trở ra, nói chúng tôi yên tâm.  Khi sắp sửa rời tàu, ông đã gọi tôi và một anh bạn đến để trao một bức thư bằng tiếng Thái và căn dặn chúng tôi như sau:  “ Nếu có gặp cướp Thái thì đưa bức thư này ra sẽ gặp được giúp đỡ, còn nếu như gặp cướp Mã Lai thì không có hiệu lực.”  Sau đó ông ta còn trao cho tôi US$500.00 để giúp lộ phí…Còn ông người Thái thì mang đến cho tôi một bao thuốc thật to gồm đủ loại với lời căn dặn về liều lượng thật kỹ lưỡng.  Tôi đã trao số tiền và bức thư cho chủ thuyền để lo cho tất cả mọi người.  Thật là cảm động và không biết làm sao để cảm ơn sự giúp đở của hai ân nhân này.  Toàn thể chúng tôi đồng thanh cảm ơn và từ giã họ để lên đường.
   Không bao lâu, thật không ngoài dự đoán lúc trước, chiếc tàu cướp thứ sáu đợi cho chiếc tàu cứu giúp chúng tôi xa hẳn, đã rượt theo bắt chúng tôi.  Làm theo lời dặn, chúng tôi vội đưa bức thư cho những tên đang lục soát, nhưng không biết chúng có biết đọc hay không, nên chúng cứ tiếp tục.  Chúng tôi chuyển thư qua cho một tên khác trông có vẻ đứng tuổi, sau khi đọc xong thì hắn ra dấu bảo các tên cướp khác ngưng lại, và chuyển   đưa bức thư đó cho tên chỉ huy.  Sau khi đọc xong, thì tên cướp này bước ra ngoài kêu bọn cướp quăng trả lại hành lý cho chúng tôi, và hỏi chúng tôi có cần trợ giúp gì hay không"  Sau đó chúng tôi tiếp tục hải trình.
   Qua 6 lần bị cướp, có một điều tôi lấy làm lạ là chiếc bóp tôi mang theo đã không bị một tên cướp nào tìm thấy và lục soát.  Trong bóp, tôi chỉ mang theo một hình Đức Quán Thế Âm mà tôi luôn cất giữ gần 10 năm, và một số giấy tờ cần thiết.  Tôi nâng niu tấm hình và đặt hết niềm tin vào Đức Quán Thế Âm.
  Qua ngày hôm sau, thuyền chúng tôi đã vào hải phận Mã Lai và được đưa đến gần một chiếc tàu tuần duyên.  Mọi người đều thở dài khoan khoái vì tưởng đã đưọc bình an sau bao ngày hiểm nguy trên biển cả.  Một ngày lại trôi qua, bây giờ chung quanh lại có thêm 3 chiếc thuyền tỵ nạn khác.  Chúng tôi được thông báo là hãy dùng dây nối 4 chiếc lại với nhau thành một hàng một để được kéo đến trại tỵ nạn.  Chiếc thuyền của chúngtôi giờ đây chẳng khác chiếc bè trôi trên biển vì hầu hết máy móc đã bị bọn hải tặc Thái tháo gở, khi vào đến Mã Lai là lúc chiếc máy cuối cùng cũng ngưng hoạt động vĩnh viễn, nhưng mọi người không lo vì tưởng đã được cứu.  Đến chiều thì tàu Mã Lai bắt đầu lôi 4 chiếc thuyền tỵ nạn ra khơi càng lúc càng xa đất liền, lúc đó tất cả mọi người mới chợt hiểu nhưng đã nuộn.
  Trời lại nổi cơn sóng gió, từng cụm sóng cao to đánh vào mạn thuyền.  Thuyền chúng tôi lướt lên thật cao rồi lại chúi nhào xuống theo từng cơn sóng lớn…Lời nguyện cầu Đức Mẹ Maria và Đức Quán Thế Âm Bồ Tát không ngừng vang lên trong đêm tối.  Đúng là “hoạ vô đơn chí”, chốt giữ dây trên nóc thuyền lại bị bứt khỏi, tốc độ dần chậm lại…khi 2 chiếc thuyền phía sau vẫn còn trên đà lao tới bởi sức kéo của sợi dây vẫn còn nối liền với chiếc phía trước.  Nhìn chung quanh thấy nét kinh hoàng trên từng khuôn mặt, xen lẫn tiếng kêu la hãi hùng trên mặt biển!  Tâm tôi bỗng lắng dịu, bình thản lạ lùng, linh tính tôi cho biết rằng có lẽ mình chưa phải chết nơi đây.  Tôi lại niệm thầm kinh Bạch Y Thần Chú.  Có lẽ lời nguyện cầu của chúng tôi đã thấu đến Bề Trên, như một phép lạ nhiệm mầu, những chiếc thuyền phía sau bỗng chuyển hướng lướt sát thuyền chúng tôi trong gan tấc.  Tất cả lại cảm ơn Trời Phật.  Cơn hãi hùng đã đi qua, nhưng cơn lo âu khác lại đến bởi vì trong đêm tối, sóng gió bao phủ bốn bề, thuyền lại không chạy được thì trước sau cũng bị lật ngả.  Tận dụng tất cả sức lực còn lại của mình, mọi người đồng thanh hét lớn cho tàu Mã Lai dừng lại.  Sau khi xem xét mối dây lại cẩn thận, đoàn thuyền lại tiếp tục bị lôi di trong đêm mưa gió bão bùng…
  Một vài tiếng sau, tai ách lại đến với chúng tôi, vì không chịu nổi áp lực quá mạnh của sức sóng, thuyền chúng tôi lại rạn nứt.  Tiếng kêu cứu lại vang lên khiến cho tàu lính Mã Lai dừng lại.  Chúng tôi van xin những thuyền tỵ nạn đồng hương chung quanh cho chúng tôi tạm qua nhờ, và chúng tôi được đáp lại bằng những tiếng chửi thề thô tục, cùng sự tiếp đón bằng những hàng dao mác sẵn sàng chém sả vào người chúng tôi.  Tình đồng hương thật đáng nhớ!  Rất may 1 trong 3 chiếc thuyền có lẽ cảm động nên tới gần, chúng tôi cố gắng thuyết phục họ để cho một người trong bọn chúng tôi qua để trình bày sự việc cho bọn lính biết.  Nghe thuận tai, nên họ tiến tới gần hơn, không bảo ai 14 người chúng tôi đồng phóng qua một lượt.  Biết đã lỡ, họ cũng la hét nhưng cũng đành chấp nhận vì họ chỉ có 15 người nên thuyền còn rất rộng chỗ.  Chúng tôi đã trao tiền cho sự cứu giúp của họ.
  Sau khi quan sát cơn sóng, ông Năm, chủ thuyền mới (vốn là ngư phủ Cà Mau, tàu số 838), quyết định chặt đứt dây nối để chạy thoát đi vì nếu để kéo tiếp tục mọi người sẽ chết.  Trong lúc lộn xộn, vì được thông báo thuyền của chúng tôi có một người rớt xuống biển (sự thật không có), bọn lính Mã Lai đã soi đèn tìm kiếm trên mặt biển để mặc cho thuyền chúng tôi chạy đi.  Khoảng nửa giờ sau, tàu Mã Lai bắt đầu rượt theo và bắn từng loạt đạn hướng vào thuyền chúng tôi, tất cả đền nằm rạp xuống.  Mọi người đều nghĩ đến cái chết trước mặt, lời nguyện cầu lại vang lên trong đêm tối.  Chẳng bao lâu, thuyền của chúng tôi bị bắt và bị cột dây như trước, nhưng lần này không thấy 2 chiếc còn lại nơi đâu.  Người đại diện thuyền của chúng tôi bị dẫn lên trên tàu, sau khi dằn mặt, bọn lính cho biết có chạy đi đâu cũng không thoát khỏi radar của chúng.
  Đến sáng hôm sau qua cuộc nói chuyện giữa người đại diện trong nhóm chúng tôi với một sĩ quan trên tàu thì tình cờ họ nhận ra đã học cùng một khóa bên Mỹ trước kia nên chúng tôi đươc bọn lính cho lên tàu nghỉ ngơi một chút.  Sau đó chúng tôi đươc biết 2 chiếc thuyền đòi chém giết bọn tôi tối hôm qua đã chìm mất trong đêm mưa gió đó.
  Nghe đến đây, mọi người đều cảm nhận sự “may mắn” không ngờ.  Riêng tôi, tôi đã thầm cảm ơn sự cứu giúp của Đức Phật từ bi, và nguyện ghi nhớ mãi ơn này, quyết một lòng thành nơi Phật pháp.  Một ngày lại trôi qua, khi đến gần hải phận của Indonesia thì chúng tôi đã được trả lại sự tự do.  Chúng tôi lại tiếp tục cuộc hải trình và mọi diễn biến đều tốt đẹp và bình an…
  Mười một tháng trôi qua dài như vô tận trên bán đảo Nam Dương, ngoài sự giúp đỡ của những người không thân thích, tôi đã nhìn thấy biết bao mặt trái của cuộc đời, từ những gia đình vô luân lý cho đến những hạng người đầy thủ đoạn, gian manh luôn chực chờ hại lẫn nhau để tranh giành miếng lợi.  Chửi bới, cờ bạc, chém giết, sa đoạ và bệnh tật lan tràn trên khắp đảo…
  Những ngày đầu tiên va chạm với cuộc sống hỗn loạn, với bệnh tật giá rét khiến tôi luôn nghĩ đến mái ấm gia đình.  Trong đêm tối những giọt nước mắt chợt lăn dài trên má.  Những lời phật pháp thâm sâu về cuộc đời huyễn hoá đã an ủi cho tôi rất nhiều trong cuộc sống.  Đức tin đã ban cho tôi nghị lực để chống trả với bao thử thách chông gai của cuộc đời.  Tôi nhớ đến lời Phật dạy:  “Như đàn voi say trận, không kể lằn tên mũi đạn, ta phải can đảm chịu đựng những bất hạnh của cuộc đời…Một phần lớn nhân loại đã sống ngoài khuôn khổ của giới luật.  Ta phải có thái độ của đàn voi lâm trận mạnh tiến giữa rừng dao, giáo, mác, bình tĩnh hứng lấy những nỗi chua cay của đời, và thản nhiên bước trên con đường phạm hạnh.”
  Tôi vẫn nhớ nơi biển đó: có một vị Phật ngàn tay, ngàn mắt luôn linh ứng ẩn hiện, lắng tai nghe lời cầu cứu của chúng sanh để cứu giúp.  Ngài được mệnh danh là Đức Thiên Thủ Thiên Nhãn Bạch Y Quán Thế Âm Bồ Tát.
Mùa Thu 1991
Phương Chính Nguyễn Quang Đạt
www.duongsinhthucphap.org

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.