Hôm nay,  

Nhìn Lại Chặng Đường Đã Đưa Nợ Công Hoa Kỳ Tăng Lên 31 Ngàn Tỷ

10/03/202300:00:00(Xem: 6591)

Debt
Hoa Kỳ đang mắc nợ 31 ngàn tỷ Mỹ Kim. Hầu hết số nợ là tích lũy dần trong suốt 20 năm qua. Nếu không có thay đổi, khoản nợ này sẽ ngày càng lớn hơn.
 
Hoa Kỳ đang mắc nợ 31 ngàn tỷ MK. Hiện nay, mỗi năm Washington chi nhiều hơn thu khoảng 1 ngàn tỷ MK, buộc Bộ Tài Chánh phải đi vay để bù vào khoản chênh lệch. Điều đó có nghĩa là nợ công quốc gia vẫn đang tăng lên.
 
Nếu không có thay đổi gì lớn, khoản nợ này rồi sẽ lớn hơn so với khi nó đạt đỉnh điểm vào cuối Thế Chiến II. Hầu hết số nợ là do tích lũy dần trong suốt 20 năm qua. Năm 2001, Hoa Kỳ thực ra có dư dả tiền mặt – Bộ Tài Chánh thu thuế được nhiều hơn khoản chi cho các dịch vụ của chính phủ.
 
Kể từ đó, bốn đời tổng thống, 10 kỳ họp Quốc Hội và hai cuộc chiến tranh đã góp phần tạo nên làn sóng khủng hoảng kinh tế. Phần nào nhờ vào các quyết sách được đưa ra từ nhiều thế hệ trước, chi phí An Sinh Xã Hội và Medicare tăng theo thời gian, đồng thời cũng làm tăng thêm khoản nợ. Mặc dù các khoản thanh toán lãi vẫn ở mức thấp theo tiêu chuẩn lịch sử, nhưng điều đó có thể thay đổi nhanh chóng.
 
Các quyết định gần đây – thí dụ như những đợt cắt giảm thuế phá vỡ ngân sách, các thỏa thuận chi tiêu của lưỡng đảng và các khoản chi ào ạt để đối phó với đại dịch COVID-19 – tất cả đã kéo đất nước lún sâu vào nợ nần. Xin mời quý vị cùng điểm qua chín thời điểm quan trọng đã đẩy nợ công lên cao đến mức này. Lưu ý: Tổng số nợ theo Bộ Tài Chánh thông qua Dữ Liệu Kinh Tế của Quỹ Dự Trữ Liên Bang. Số tiền thể hiện tổng số nợ vào cuối quý cho từng thời điểm, không phải vào ngày tháng cụ thể.
 
v Cắt giảm thuế thời tổng thống Bush | Ngày 7 tháng 6 năm 2001
Tổng số nợ: 5.7 ngàn tỷ MK
 
Tổng thống George W. Bush đặt bút ký thành luật đợt cắt giảm thuế đầu tiên trong hai khoản cắt giảm lớn, cắt giảm thuế đối với thu nhập thông thường cũng như lãi vốn và cổ tức. Vào năm 2012, Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (Congressional Budget Office) ước tính rằng quyết định cắt giảm thuế của Tổng thống Bush đã làm tăng thêm khoảng 1.5 ngàn tỷ MK vào khoản nợ công quốc gia. Phần lớn các khoản cắt giảm thuế này về sau vẫn được tiếp tục kéo dài theo thỏa thuận giữa các dân cử Cộng Hòa trong Quốc Hội và Tổng thống Barack Obama.
 
v Chiến tranh ở Iraq và Afghanistan | Ngày 19 tháng 3 năm 2003
Tổng số nợ: 6.5 ngàn tỷ MK
 
Sau sự kiện kinh hoàng ngày 11 tháng 9 năm 2001, Hoa Kỳ quyết định xâm lược Iraq, và đã dành khoảng 20 năm tham chiến ở Trung Đông. Điều này cũng dẫn đến sự gia tăng chi tiêu cho Ngũ Giác Đài và các cựu chiến binh. Một phân tích của Harvard chỉ ra rằng các cuộc xung đột ở Iraq và Afghanistan đã làm tiêu tốn từ 4 đến 6 ngàn tỷ MK.
 
v Mở rộng phúc lợi thuốc theo toa | Ngày 1 tháng 1 năm 2006
Tổng số nợ: 8.4 ngàn tỷ MK
 
Medicare Part D – một phần mở rộng của Medicare nhằm chi trả bảo hiểm thuốc theo toa cho người cao niên – có hiệu lực gần ba năm sau khi được Tổng thống Bush ký thành luật. Quốc Hội dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng Hòa đã không chịu chi tiền cho dự luật có ích lợi cho cộng đồng nhưng tốn kém này.
 
v Cuộc suy thoái 2008 | Ngày 17 tháng 2 năm 2009
Tổng số nợ: 11.1 ngàn tỷ MK
 
Một cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chánh gây ra cuộc Đại Suy Thoái (Great Recession), cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Khủng Hoảng (Great Depression). Nó đã làm tăng đáng kể khoản nợ công quốc gia bởi 2 lý do: Thứ nhất, việc thu thuế giảm mạnh. Thứ hai, chi tiêu tăng vọt dành cho việc tăng trợ cấp thất nghiệp và các chương trình khác để giúp mọi người vượt qua suy thoái. Quốc Hội và chính quyền Obama cũng đã thông qua gói kích thích kinh tế lớn. Brian Riedl, kinh tế gia tại Viện Manhattan, ước tính chính quyền Bush và Obama đã cùng nhau ban hành khoảng 2 ngàn tỷ đô la cho các biện pháp khẩn cấp để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chánh và cuộc suy thoái kinh tế sau đó.
 
v Tổng thống Obama và Đảng Cộng Hòa thỏa thuận tiếp tục cắt giảm thuế thời tổng thống Bush | Ngày 1 tháng 1 năm 2013
Tổng số nợ: 16.8 ngàn tỷ MK
 
Khi chính sách cắt giảm thuế của cựu tổng thống Bush sắp hết hạn trong tình hình phục hồi kinh tế diễn ra chậm, tổng thống Obama lúc bấy giờ đã đồng ý gia hạn vĩnh viễn hầu như tất cả các cắt giảm đó, mở rộng giảm thuế cho tất cả mọi người, trừ những người giàu có bậc nhất Hoa Kỳ. Đổi lại, các dân cử Cộng Hòa trong Quốc Hội đồng ý gia hạn một số biện pháp kích thích kinh tế. Thời điểm đó, Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội ước tính thỏa thuận này sẽ tiêu tốn khoảng 4 ngàn tỷ đô la trong 10 năm.
 
v Cắt giảm thuế thời tổng thống Trump | Ngày 22 tháng 12 năm 2017
Tổng số nợ: 20.5 ngàn tỷ MK
 
Tổng thống Donald Trump đã ký một dự luật cắt giảm thuế sâu rộng, tập trung vào kế hoạch giảm thuế cho các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ từ 35% xuống còn 21%. Luật cũng cắt giảm thuế cho hầu hết những người nộp thuế cá nhân. Ủy Ban Joint Committee on Taxation của Quốc Hội ước tính biện pháp này sẽ tiêu tốn khoảng 1.5 ngàn tỷ đô la trong 10 năm. Một phân tích sau đó của Committee for a Responsible Federal Budget, một tổ chức tư vấn của Washington, cho thấy dự luật này có thể tích lũy tiền nợ lên tới gần 2.9 ngàn tỷ đô la nếu Quốc Hội bỏ phiếu gia hạn một số điều khoản, vốn sẽ hết hạn vào những năm về sau trong suốt thập niên này.
 
v Thỏa thuận chi tiêu lưỡng đảng dưới thời Trump | Ngày 1 tháng 8 năm 2019
Tổng số nợ: 22.7 ngàn tỷ MK
 
Các dân cử Đảng Dân chủ và Đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội đã đồng ý tăng cường chi tiêu liên bang vì ông Trump coi nhẹ quan điểm chính thống của Đảng Cộng Hòa về việc thu hẹp quy mô chính phủ. Đây là thỏa thuận thứ hai kiểu này trong hai năm. Khoản chi tiêu này giúp thúc đẩy thị trường lao động phát triển mạnh mẽ, nhưng lại làm trầm trọng thêm khoản thâm hụt ngân sách. Theo Committee for a Responsible Federal Budge, các dự luật này đã ‘góp’ thêm tổng cộng 2 ngàn tỷ đô la vào khoản nợ công quốc gia.
 
v Quốc Hội chi hàng ngàn tỷ đô la để ứng phó khẩn cấp với coronavirus | Ngày 27 tháng 12 năm 2020
Tổng số nợ: 27.7 ngàn tỷ MK
 
Tổng thống Trump đã ký thành luật gói thứ hai trong số ba gói cứu trợ lớn được Quốc Hội chuẩn thuận để ứng phó đại dịch COVID-19. Gói đầu tiên và tốn kém nhất là một thỏa thuận trị giá 3.4 ngàn tỷ đô la vào tháng 3 năm 2020, khi nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào tối tăm. Gói tiếp theo trị giá 900 tỷ đô la được chuẩn thuận vào tháng 12 năm 2020. Sang năm 2021, các dân cử Đảng Dân Chủ dưới quyền tổng thống Biden chuẩn thuận thêm 1.9 ngàn tỷ đô la, lần này không có sự ủng hộ của Đảng Cộng Hòa.
 
v Chương trình nghị sự kinh tế của Biden | Ngày 24 tháng 8 năm 2022
Tổng số nợ: 31 ngàn tỷ đô la
 
Tổng thống Biden công bố kế hoạch xóa nợ sinh viên trị giá 400 tỷ đô la, và việc này đã nhanh chóng bị đình chỉ trong khi chờ Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ xem xét. Trong khi đó, Biden cũng thúc đẩy Quốc Hội chi tiền nhiều hơn trong lãnh vực chăm sóc sức khỏe cựu chiến binh, cơ sở hạ tầng vật chất và các cơ quan chính phủ. Đạo luật Inflation Reduction Act của Biden ‘rót’ nhiều tiền hơn cho một loạt các chương trình khác, bao gồm cả Sở Thuế Vụ, nhưng dự kiến sẽ bớt khoản vay nợ bằng cách áp thuế cao hơn đối với các doanh nghiệp.
 
Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “See how the national debt grew to $31 trillion” của Jeff Stein, được đăng trên trang WashingtonPost.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm nay ở Davos, nơi 60 Tổng Thống và Thủ Tướng, 800 lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận tập họp để thảo luận về những thách thức lớn của thời đại chúng ta, Trí tuệ nhân tạo, AI, lần này đã trở thành chủ đề làm lu mờ mọi chủ đề khác. Trí tuệ nhân tạo AI ngày càng ảnh hưởng đến chúng ta, ngoài việc có thể xử dụng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và ảnh hưởng đến nền kinh tế, AI cũng ngày càng có vẻ là một phần của bộ máy chiến tranh, hay ngay cả trong thị trường lao động AI cũng cho thấy sự hiệu quả rõ ràng hơn, AI, trí tuệ nhân tạo là siêu năng lực vừa có thể hủy diệt mà cũng vừa có thể cải thiện, là rủi ro cũng như là cơ hội.
Lịch sử kinh tế của Mỹ là chu kỳ giữa sự các đợt tăng trưởng và suy thoái kinh tế. Gần đây nhất là sự tăng trưởng kinh tế từ thời Tổng Thống Obama, kéo dài sang thời Tổng Thống Trump trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Tổng Thống Biden nhậm chức trong thời điểm nền kinh tế Mỹ bắt đầu có những dấu hiệu suy thoái. Theo các nhà hoạch định chính sách, hiếm khi các chính sách giảm lạm phát được áp dụng mà không xảy ra suy thoái. Nhưng có vẻ như lần này điều này có thể xảy ra.
Giá xăng trung bình vào ngày 14-12-2023 ở Mỹ là 3.10 USD/gallon, giảm 0.02 USD so với ngày hôm qua, 0.10 USD so với tuần trước và 0.25 USD so với tháng trước. Hawaii có giá cao nhất là $4.70, tiếp đến là California với giá là $4.63. Ngược lại, Texas ghi nhận giá thấp nhất trên toàn nước Mỹ là $2.55. Giá xăng giảm do mức cầu hạ theo mùa và mức cung trong nước Mỹ gia tăng đáng kể là một tin đáng hoan nghênh đối với những người Mỹ đã phải vật lộn với giá xăng cao trong quá khứ. Ngoài ra, tình hình kinh tế Trung Quốc là một điểm đáng lưu tâm. Trung Quốc là một quốc gia nhập cảng xăng dầu nhiều nhất thế giới. Kinh tế Trung Quốc đi xuống sẽ làm giảm mức cầu.
Sẽ không có một bản tổng kết nào đầy đủ về tình hình kinh tế Mỹ trong năm 2023. Sẽ không có dự đoán nào chính xác cho kinh tế tương lai 2024. Nhưng hai chữ “kinh tế” lớn lao và khách quan này lại ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền và đời sống hàng ngày của chúng ta. Kinh nghiệm và hiểu biết về khả năng kinh tế cộng đồng ảnh hưởng đến kinh tế cá nhân/gia đình, sẽ giúp cho lòng tham giàu có chững chạc hơn và nỗi sợ hãi nghèo khó được nhẹ nhàng hơn.
Theo trang mạng tin tức kinh tế thương mại Business Insider, báo cáo mới đây nhất về dự báo thị trường nhà ở năm 2024 có một số tin tốt lành, nhưng vẫn có nhiều thách thức từ năm nay sẽ vẫn tồn tại. Báo cáo này là của trang mạng chuyên về địa ốc Realtor.com. Nhìn chung, Realtor đưa ra một dự báo có nhiều điểm trái chiều. Điều này sẽ làm thất vọng nhiều người Mỹ đang hy vọng sẽ có một thị trường nhà cửa dễ mua bán nhiều hơn so với năm 2023, khi mà tỷ lệ lãi suất cao đã làm đóng băng phần lớn thị trường.
Ở Mỹ, khi người ta kết hôn, tài khoản của họ cũng thường được ‘quy về một mối’: phần lớn các cặp vợ chồng đều sẽ gửi toàn bộ thu nhập của mình vào một tài khoản chung. Trong những năm 1970 và 1980, việc tách biệt tài chánh có thể bị coi là điềm xấu cho một mối quan hệ. Nhưng ngày nay điều đó không còn đúng nữa. Tỷ lệ các cặp đôi, dù đã kết hôn hay chưa, giữ ít nhất một phần tài chánh riêng biệt đã tăng lên trong những thập niên gần đây, một phần vì người dân Hoa Kỳ có khuynh hướng kết hôn trễ hơn so với ngày xưa, và khi đó thì họ đã có thói quen tiêu xài của riêng mình.
Tập Cận Bình, bằng cách thắt chặt kiểm soát từ chính sách, truyền thông, đến quân đội, đã nâng quyền lực của mình tới mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Nhưng chính nhu cầu chứng tỏ quyền lực của Tập cũng chính là chiếc ”gậy ông đập lưng ông”. Nền kinh tế Trung Quốc khó có thể phục hồi như mong đợi sau đại dịch covid, ngành bất động sản khủng hoảng, các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ra khỏi nước và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp lên tới trên 20%. Các nhà phê bình năm nay đã sử dụng những thuật ngữ như đây là ”sự kết thúc của phép màu kinh tế Trung Quốc”. Vấn đề nan giải của Tập Cận Bình là ông dường như chỉ có một giải pháp duy nhất cho mọi vấn đề: tăng cường kiểm soát. Tập đã loại bỏ những cố vấn giỏi nhất vì tham nhũng hay có thể nói chính xác hơn là ông không tin tưởng họ.
Từ Adidas AG đến Nike Inc, các nhà sản xuất quần áo và giày dép đã chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc do căng thẳng địa chính trị và chi phí sản xuất thấp hơn. Nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng bất ổn và nhu cầu tiêu dùng suy yếu, nhiều công ty đã nhận ra rằng việc tìm kiếm các trung tâm sản xuất thay thế cũng đi kèm với những thách thức riêng. Một số thậm chí còn đóng cửa cơ sở sản xuất vừa mới thành lập để quay về Trung Quốc đại lục.
Đô la điện tử (digital dollar), còn gọi là đô la kỹ thuật số, là một vấn đề tài chánh có tầm vóc thế giới, có khả năng thay đổi nền kinh tế Hoa Kỳ và toàn cầu. Vấn đề này được bàn thảo trong những năm qua: Liệu đã đến lúc Hoa Kỳ có thể thay đổi tiền giấy, tiền đồng bằng tiền điện tử? Nhưng những cuộc thảo luận không được nổi bật vì tình hình chính trị sôi nổi, chính quyền, báo chí vây quanh câu chuyện cựu tổng thống Trump bị truy tố khoảng trên 90 tội, trong lúc ông đang tranh cử cho chuyến trở về tòa Bạch Ốc năm 2024.Thay đổi hệ thống tiền tệ quốc gia sẽ tạo ra sự xáo trộn thói quen sử dụng và cách đánh giá mặt tiền của dân chúng. Nhiều câu hỏi sẽ phải giải quyết: Tại sao phải đổi tiền giấy thành tiền điện tử? (Có lẽ, ngày xưa, người ta cũng đặt câu hỏi tương tựa như vậy khi đổi từ tiền kim loại, tiền vàng thành tiền giấy. Dĩ nhiên, phải có lợi ích cho người tiêu dùng, có khả năng phát triển kinh tế quốc gia và đồng minh.)
Trần nợ là mức ấn định số tiền tối đa mà chính phủ có thể vay nợ. Quốc hội biểu quyết số nợ tối đa, tạo ra mức “Trần Nợ”, và chính phủ không được vay tiền nhiều hơn mức “Trần Nợ” này. Chính phủ Hoa Kỳ đã đụng đầu vào “trần nợ” từ tháng Giêng năm 2023, khi số nợ lên tới $31.4 ngàn tỷ đô la. Bộ Tài Chánh không được vay nữa, phải “du di” các món chưa dùng trong ngân sách để xài tạm vào các mục đã hết tiền. Nhưng từ đầu tháng Sáu, sẽ bắt buộc phải vay nợ thêm mới có tiền chi tiêu. Nếu không thanh toán được thì chính phủ bị “vỡ nợ”, chính phủ Mỹ sẽ không có tiền trả lãi và vốn từ các món nợ cũ, công khố phiếu Mỹ sẽ mất giá trị kéo theo những tai họa kinh tế khôn lường cho kinh tế nước Mỹ lẫn kinh tế thế giới.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.