Hôm nay,  

Điều Lệ, Tiêu Chuẩn Việt Nam Phải Tuân Thủ Khi Vào WTO

01/09/200700:00:00(Xem: 4395)

Em bé này sẽ được gì khi VN gia nhập WTO"

PHẦN MỞ ĐẦU

Ngày 11 tháng 1 năm 2007, Việt Nam đã chánh thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Mậu dịch Thế giới (World Trade Organization), thường được gọi tắt là WTO.  Đây là thời điểm sau cùng trong thủ tục của WTO, 30 ngày sau khi Việt Nam thông báo cho WTO biết (ngày 11 tháng 12 năm 2006) rằng các văn kiện gia nhập WTO đã được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn (ngày 28 tháng 11 năm 2006).  WTO định nghĩa “mậu dịch” là việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ, và tin tức giữa cá nhân hoặc đoàn thể (exchange of goods, services and information between individuals or groups) (1).

Việc gia nhập WTO của Việt Nam không dễ dàng và suôn sẻ.  WTO phải mất hơn 11 năm để “cứu xét” đơn xin gia nhập của Việt Nam được nộp ngày 1 tháng 1 năm 1995.  Đoàn công tác (Working Party), được thành lập vào ngày 31 tháng 1 năm 1995, phải trải qua hai đời chủ tịch (Đại sứ Seung Ho của Nam Hàn từ 1998 đến 2004 và Đại sứ Eirik Glenne của Na Uy từ 2005 đến 2006) và phải họp tất cả 14 lần để xem xét đơn xin gia nhập của Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 1998 cho đến tháng 10 năm 2006 (2).  Ngoài 14 phiên họp chánh thức đó, Đoàn công tác còn “… tham dự nhiều phiên họp bán chánh thức, xem xét hàng ngàn câu trả lời, hàng ngàn trang tài liệu và vô số luật lệ Việt Nam.  Thêm vào đó, các thành viên của Đoàn công tác cũng đã thực hiện hàng trăm buổi đàm phán song phương với Việt Nam.  Kết quả của tiến trình đó được đúc kết trong các tài liệu vừa được Đoàn công tác phê duyệt hôm nay.” (3)

Giống như các thành viên khác, Việt Nam phải tuân thủ các điều lệ và nguyên tắc chung của WTO, các thỏa ước song phương và đa phương với các thành viên khác, cũng như các điều khoản mà Việt Nam đã cam kết.  Bài viết nầy nhằm mục đích tóm lược các điều lệ, nguyên tắc, thỏa ước, và các điều khoản cam kết đó.

SƠ LƯỢC VỀ WTO

WTO, hậu thân của Thỏa ước chung về Thuế quan và Mậu dịch (General Agreement on Tariffs and Trade (GATT)), là một trong những tổ chức quốc tế trẻ trung nhất được thành lập vào ngày 1 tháng 1 năm 1995.  WTO được điều hành bởi Văn phòng WTO (Secretariat) do một Tổng giám đốc (Director General) phụ trách có trụ sở đặt tại Geneva, Thụy Sĩ (Switzerland).  Mục tiêu của WTO là giúp cho mậu dịch luân lưu được dễ dàng, tự do, công bằng, và có thể đoán trước.  Nhiệm vụ chánh của WTO là điều hành các thỏa ước mậu dịch (administering WTO trade agreements), tạo diễn đàn thương thảo mậu dịch (forum for trade negotiations), giải quyết tranh chấp về mậu dịch (handling trade disputes), theo dõi chánh sách mậu dịch quốc gia (monitoring national trade policies), huấn luyện và trợ giúp kỹ thuật cho các nước đang phát triển (technical assistance and training for developing countries), và hợp tác với các tổ chức quốc tế khác (cooperation with other international organizations) (4).  WTO hiện có 151 thành viên.

Muốn gia nhập WTO, một quốc gia cần phải đàm phán với Đoàn công tác, được WTO thành lập để cứu xét đơn xin gia nhập của quốc gia đó, và với các thành viên của WTO.  Bất cứ một thành viên của WTO hay bất cứ một quốc gia có quan tâm đến tình hình mậu dịch của quốc gia đương đơn đều có thể tham gia Đoàn công tác.  Quốc gia đương đơn phải trải qua một tiến trình để các thành viên tìm hiểu (fact-finding process) về chánh sách mậu dịch (trade policy) của mình và phải chấp nhận một loạt cam kết (series of commitments) để điều chỉnh chánh sách mậu dịch cho phù hợp với các thỏa ước của WTO.  Tiến trình nầy có thể rất tốn kém, phức tạp, và thường mất từ 3 đến 10 năm.  Riêng Trung Hoa phải mất trên 15 năm (1).

ĐIỀU LỆ VÀ NGUYÊN TẮC CHUNG CỦA WTO

Thành viên WTO phải tuân thủ các điều lệ về mậu dịch của WTO (WTOs trade rules).  Các điều lệ nầy chính là những thỏa ước đạt được thông qua việc đàm phán giữa các quốc gia, tổng cộng lên đến 60 văn bản (5).  Những thỏa ước nầy được chia làm sáu phần chính như sau:

1. Thỏa ước bao quát (umbrella agreement)

Thỏa ước bao quát là Thỏa ước Marrakesh Thành lập WTO (Marrakesh Agreement Establishing the WTO), được ký kết tại Marrakesh, Morocco vào ngày 15 tháng 4 năm 1994.

2. Các nguyên tắc căn bản (basic principles)

a. Thỏa ước GATT, được ký kết năm 1947 và cập nhật năm 1994, là nguyên tắc căn bản cho việc trao đổi hàng hóa (goods).

b. Thỏa ước chung về Trao đổi Dịch vụ (General Agreement on Trade in Services) (Thỏa ước GATS), được ký kết năm 1995, là nguyên tắc căn bản cho việc trao đổi dịch vụ (services).  Dịch vụ bao gồm ngân hàng (banking), viễn thông (telecommunications), du lịch (tourism), dịch vụ chuyên môn (professionsal services), v.v.

c. Thỏa ước về Quyền Sở hữu Trí tuệ Liên quan đến Khía cạnh Mậu dịch (Agreement on Trade-Related Aspects of Intellectual Property Rights) (TRIPS), được ký kết năm 1994, là nguyên tắc căn bản cho việc trao đổi ý tưởng (ideas) và tri thức (knowledge).  Sở hữu trí tuệ bao gồm bản quyền và các quyền liên hệ (copyright and related rights), thương hiệu (trademarks), địa danh (geographical indications), thiết kế kỹ nghệ (industrial designs), cầu chứng (patents), thiết kế mạch tổng hợp (layout-designs of integrated circuits), và bí mật nhà nghề (undisclosed information and trade secrets).

3. Các chi tiết (additional details)

Các chi tiết nầy có thể bao gồm các thỏa ước bổ túc (extra agreements) và phụ bản (annexes) mô tả những yêu cầu đặc biệt cho từng lãnh vực hoặc vấn đề cá biệt. 

Đối với việc trao đổi hàng hóa (GATT), chi tiết bao gồm nông nghiệp, quy định y tế cho sản phẩm nông trại (health regulations for farm products), vải vóc và quần áo (textiles and clothing), tiêu chuẩn cho sản phẩm (product standards), thủ tục đầu tư (investment measures), biện pháp chống phá giá (anti-dumping measures), phương pháp ấn định thuế quan (customs valuation methods), kiểm tra trước khi giao hàng (preshipment inspection), điều lệ về nguồn gốc (rules of origin), giấy phép nhập cảng (import licensing), trợ giá và các biện pháp chống trợ giá (subsidies and counter-measures), và bảo vệ (safeguards).

Đối với việc trao đổi dịch vụ (GATS), chi tiết bao gồm việc di chuyển của con người (movement of natural persons), không vận (air transport), dịch vụ tài chánh (financial services), vận chuyển (shipping), và viễn thông (telecommunications).   

4. Các cam kết (schedules or lists of commitments)

Là các danh sách rất dài và chi tiết liệt kê các hàng hóa và các nhà cung cấp dịch vụ ngoại quốc mà một quốc gia thành viên WTO cho phép du nhập vào thị trường của mình.  Đối với hàng hóa (GATT), các cam kết có thể là thuế suất (tariff) đánh trên hàng hóa hoặc thuế suất hạn ngạch (tariff quota) cho một số nông sản.  Đối với dịch vụ (GATS), các cam kết phải nêu rõ các lãnh vực và mức độ mà các nhà cung cấp dịch vụ ngoại quốc được phép hoạt động và các loại dịch vụ mà quốc gia đó sẽ không áp dụng nguyên tắc không kỳ thị “tối huệ quốc” (“most-favoured-nation” principle of non-discrimination).

5. Dàn xếp tranh chấp (dispute settlement)

Quốc gia thành viên phải dùng hệ thống đa phương do WTO ấn định để dàn xếp tranh chấp thay vì có hành động đơn phương.  Việc dàn xếp tranh chấp thuộc thẩm quyền của Cơ quan Dàn xếp Tranh chấp (Dispute Settlement Body) bao gồm tất cả thành viên WTO.

6. Minh bạch (transparency)

Điều lệ và chánh sách (regulations and policies) liên quan đến mậu dịch của quốc gia thành viên phải minh bạch.  WTO bảo đảm sự minh bạch bằng hai cách: (1) quốc gia thành viên phải thông báo định kỳ (regular notifications) với WTO và thành viên bạn về các biện pháp, chánh sách hoặc luật lệ và (2) WTO duyệt xét định kỳ (regular reviews) chánh sách mậu dịch của các quốc gia thành viên.

Mặc dù các thỏa ước WTO rất dài và phức tạp, chúng dựa trên năm nguyên tắc căn bản và đơn giản làm nền móng cho hệ thống mậu dịch đa phương của WTO.  Năm nguyên tắc nầy được tóm tắt như sau:

1. Mậu dịch bình đẳng (trade without discrimination): một quốc gia không nên phân biệt đối xử giữa các đối tác mậu dịch (trade partners), giữa hàng hóa nội địa và nhập cảng, giữa nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, và giữa người bản xứ với người ngoại quốc.

2. Mậu dịch tự do hơn (freer trade): hạ thấp dần các hàng rào mậu dịch (trade barriers) thông qua đàm phán để thúc đẩy mậu dịch.

3. Sự tin cậy (predictability): các công ty ngoại quốc, các nhà đầu tư, và các nước khác sẽ tin rằng hàng rào mậu dịch sẽ không bị nâng cao một cách tùy tiện.

4. Cạnh tranh lành mạnh (fair competition): ngăn ngừa các lề lối mậu dịch bất công (unfair practices) như hổ trợ xuất cảng và bán phá giá.

5. Nhiều lợi ích hơn cho các quốc gia kém phát triển (more beneficial for less developed countries): các quốc gia nầy có nhiều thời giờ để điều chỉnh, điều lệ được áp dụng uyển chuyển hơn, và có nhiều đặc lợi (privileges) hơn.

ĐIỀU LỆ VÀ TIÊU CHUẨN RIÊNG ÁP DỤNG CHO VIỆT NAM

Ngoài những điều lệ và nguyên tắc áp dụng chung cho các thành viên, Việt Nam còn phải cam kết thi hành các điều khoản được mô tả trong “Quy định cho việc Thu nhận nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (Protocol on the Accession of the Socialist Republic of Vietnam) (Quy định), được Đại hội đồng (General Council) WTO chấp thuận vào ngày 7 tháng 11 năm 2006.  Theo Quy định nầy, Việt Nam phải thi hành những cam kết được ghi trong Phụ bản I của Quy định, liệt kê những nhượng bộ và cam kết về hàng hóa và dịch vụ, cùng với những điều khoản được ghi ở Điều 527 trong Phúc trình của Đoàn công tác (6).  Đây là danh sách và thời biểu chi tiết mà Việt Nam cam kết sẽ thi hành trong việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ và thiết lập các cơ chế và luật lệ mậu dịch.

Nhượng bộ và Cam kết về Hàng hóa

Những nhượng bộ và cam kết về hàng hóa (Schedule of Concessions and Committments annexed to the GATT 1994) được ghi trong hai văn kiện WT/ACC/VNM/48/Add.1 và WT/ACC/VNM/48/Add.1 Part 2.  Hai văn kiện nầy, dài tổng cộng 560 trang, liệt kê thuế suất và hạn ngạch cho từng loại hàng hóa, giới hạn (ceiling) trong việc hỗ trợ nông nghiệp (agricultural subsidies), và trong vài trường hợp, thời biểu áp dụng.  Những nhượng bộ và cam kết quan trọng được tóm lược như sau:

-- Thuế suất đánh trên hầu hết hàng hóa, kể cả nông sản, sẽ không quá giới hạn 35%.  Thuế suất cao hơn 35% đánh trên một số sản phẩm (thí dụ như rượu, thuốc lá, cà phê uống liền (instant coffee), xe hơi cũ và mới, phụ tùng xe hơi, và ngói) sẽ được giãm dần, kể từ nay cho đến 2014.

-- Một số sản phẩm về kỹ thuật thông tin (information technology) nhập cảng từ các quốc gia thành viên đã ký kết Thỏa ước Kỹ thuật Thông tin (Information Technology Agreement) sẽ được miễn thuế.  Một số sản phẩm có hiệu lực ngay lập tức, một số khác sẽ được miễn dần từ nay cho đến 2010 hoặc 2014.

-- Thuế suất trên một vài sản phẩm (như trứng, thuốc lá, đường, và muối) sẽ được đánh theo thuế suất hạn ngạch (thuế suất thấp cho số lượng ít hơn hạn ngạch, thuế suất cao hơn cho số lượng vượt hạn ngạch).  Tuy nhiên, Việt Nam sẽ nới rộng và bãi bỏ hạn ngạch theo thời biểu được thỏa thuận.

-- Việt Nam có quyền ấn định thuế quan dựa trên trọng lượng ($/ta^'n) thay vì trên giá cả (phần trăm) của hàng hóa, miễn là thuế suất thực sự không vượt quá giới hạn đã được thỏa thuận.

-- Việt Nam cam kết không trợ giá cho nông sản xuất cảng.  Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam được quyền hỗ trợ cho nông dân trong nước nhưng không quá 246 triệu $US cộng với 10% tổng sản lượng nông nghiệp nội địa.  Cũng như các thành viên WTO khác, Việt Nam có quyền hỗ trợ không hạn chế cho các hoạt động không có ảnh hưởng đến mậu dịch.

-- Có tất cả 18 loại hàng hóa bị cấm lưu hành ở Việt Nam được ghi ở Bảng 1, Phụ bản 2 trong Phúc trình của Đoàn công tác (6).  Trong số nầy có “Sản phẩm văn hóa phản động và khiêu dâm; sản phẩm phục vụ mê tín hoặc sản phẩm có hại cho việc phát triển con người (products of reactionary culture and ponographic products; products serving superstitious purposes or products which are harmful to personal development).”

Cam kết về Dịch vụ

Cam kết về dịch vụ (Schedule of Specific Committments annexed to the GATS) được ghi trong văn kiện WT/ACC/VNM/48/Add.2.  Văn kiện nầy, dài tổng cộng 56 trang, liệt kê tất cả điều kiện và dịch vụ được mở cho các nhà cung cấp dịch vụ ngoại quốc, kể cả những giới hạn về quyền sở hữu.  Những cam kết quan trọng được tóm lược như sau:

-- Các nhà cung cấp dịch vụ ngoại quốc được phép hoạt động trong các lãnh vực kinh doanh (business), bưu chính và viễn thông (communication), xây cất, phân phối hàng hóa (distribution), giáo dục, môi trường, tài chánh (financial), y tế-xã hội, du lịch, giải trí và thể thao, và vận tải.

-- Trong một số lãnh vực được thỏa thuận, Việt Nam có thể giới hạn quyền sở hữu ngoại quốc của các nhà cung cấp dịch vụ ngoại quốc.  Thí dụ, trong một số dịch vụ viễn thông, sở hữu ngoại quốc bị giới hạn trong khoảng 49 đến 65%.

-- Quyền sở hữu ngoại quốc của hầu hết các dịch vụ sẽ được điều chỉnh đến mức tối đa (100%) theo thời biểu được thỏa thuận (thường là vài năm).  Đối với các dịch vụ khác (thí dụ như kế toán), các nhà cung cấp dịch vụ ngoại quốc có quyền sở hữu hoàn toàn (100%) ngay lập tức.

-- Có tất cả 5 loại dịch vụ bị cấm hoạt động ở Việt Nam được ghi ở Bảng 1, Phụ bản 2 trong Phúc trình của Đoàn công tác (6).  Trong số nầy có “Kinh doanh nhà chứa, tổ chức mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em (brothel business, organizing prostitution, trafficking in women and children); tổ chức cờ bạc dưới mọi hình thức (organized gambling in any form); môi giới kết hôn với người nước ngoài để trục lợi (marriage broking involving a foreign element for profit-making purposes).”

Điều 527 trong Phúc trình của Đoàn công tác

Phúc trình của Đoàn công tác tức văn kiện WT/ACC/VNM/48, dài tổng cộng 198 trang (không kể hai phụ bản vừa nêu), ghi chép tất cả các cam kết về những đổi mới (reforms) mà phía Việt Nam sẽ duy trì và thực hiện để được gia nhập WTO.  Đây là những cam kết về chánh sách kinh tế, thủ tục hành chánh, và khuôn khổ luật pháp được thỏa thuận thông qua các cuộc đàm phán với Đoàn công tác hoặc các thành viên WTO khác.  Nguyên văn của Điều 527 được lược dịch như sau:

“DDoàn công tác ghi nhận và phản ánh trong Phúc trình những lời giải thích và phát biểu liên quan đến chế độ mậu dịch quốc tế (foreign trade regime) của Việt Nam.  Đoàn công tác ghi nhận những cam kết của Việt Nam liên quan đến một số vấn đề cụ thể (specific matters) được lập lại trong các điều 31, 78, 79, 95, 103, 117, 119, 134, 135, 139, 146, 147, 155, 158, 162, 174, 177, 184, 198, 199, 206, 208, 209, 215, 216, 218, 227, 238, 244, 250, 253, 255, 260, 269, 281, 286, 288, 303, 315, 316, 328, 332, 339, 355, 366, 403, 465, 471, 479, 480, 483, 484, 485, 488, 489, 491, 494, 496, 498, 499, 502, 503, 506, 507, 508, 517, 518, 519, 523, và 526 của Phúc trình.  Đoàn công tác ghi nhận rằng các cam kết nầy đã được ghi trong điều 2 của bản dự thảo Quy định cho việc Thu nhận Việt Nam vào WTO” (2).

 Những cam kết quan trọng (7) được tóm lược như sau:

-- Về chánh sách kinh tế: Việt Nam sẽ chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung do nhà nước chi phối (kinh tế xã hội chủ nghĩa) sang nền kinh tế thị trường tự do (free market) không có sự can thiệp của nhà nước.

-- Về thủ tục hành chánh: Việt Nam sẽ thiết lập hoặc cải tổ các cơ cấu và thủ tục hành chánh hiện có cho phù hợp với điều lệ và nguyên tắc của WTO, đặc biệt là tính minh bạch.  Luật lệ có liên quan đến mậu dịch phải được phổ biến trên Công Báo hoặc các phương tiện truyền thông.

-- Về luật pháp: Việt Nam phải có đầy đủ luật lệ và cơ chế tư pháp độc lập để giải quyết tranh chấp mậu dịch theo đúng quy định của WTO.

-- Về hối đoái: Việt Nam sẽ tuân thủ các điều lệ của WTO và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund (IMF)).

-- Về ngân hàng: Ngân hàng có vốn ngoại quốc 100% được phép hoạt động kể từ ngày 1 tháng 4 năm 2007.

-- Đối với các doanh nghiệp quốc doanh (state enterprises): hoạt động kinh doanh thương mại (ngoại trừ việc cung cấp cho chánh phủ) sẽ được tiến hành theo thủ tục thương mại không có sự can thiệp của chánh phủ.  Một số sản phẩm như thuốc lá, xăng dầu, báo chí (newspaper), tạp chí (journal), dụng cụ thính thị (audio-visual materials), và máy bay thuộc quyền kinh doanh của doanh nghiệp quốc doanh.

hóa xí nghiệp quốc doanh (privatization and equitization of state enterprises): sẽ được tiến hành minh bạch và phải báo cáo hàng năm cho WTO.

-- Việc định giá và kiểm soát giá (pricing and price controls): Việt Nam sẽ tuân thủ các thỏa ước WTO và sẽ thông báo cho WTO biết các biện pháp để kiểm soát giá cả.

-- Cơ chế hoạch định và thi hành chánh sách (policy-making and enforcing framework): một số cơ cấu hành chánh và luật pháp đã được thiết lập hoặc củng cố để áp dụng các điều khoản của WTO, kể cả việc điều tra và duyệt xét pháp lý (investigation and legal review) trong việc khiếu nại (complaints).

-- Đối với quyền mậu dịch (quyền xuất nhập cảng): một bộ luật mới được soạn thảo để dung hòa sự khác biệt trong thủ tục đăng ký của doanh gia trong nước và ngoại quốc.  Sau khi đăng ký, doanh nhân hoặc doanh nghiệp ngoại quốc sẽ được tham gia vào các hoạt động xuất nhập cảng như là một nhà xuất nhập cảng “chánh thức” (of record), và được quyền chọn nhà phân phối nội địa (domestic distributors).

-- Về thuế quan nội địa (excise duties): Việt Nam đồng ý đơn giản hóa thuế biểu trong vòng 3 năm bằng cách áp dụng thuế suất duy nhất, một cho rượu bia và một cho tất cả các loại rượu có nồng độ trên 20%.

-- Giới hạn về số lượng (quantitative and other restrictions): việc áp dụng hạn ngạch, ngăn cấm (bans) và các giới hạn khác, bao gồm việc nhập cảng thuốc lá, xì gà và xe cũ, sẽ được tiến hành theo đúng điều lệ của WTO hoặc được bãi bỏ.

-- Điều lệ trong các thỏa ước WTO (WTO agreements dealing with rules): chẳng hạn như việc ấn định thuế quan, điều lệ về nguồn gốc, kiểm soát trước khi giao hàng, chống phá giá, bảo vệ, trợ giá, và thủ tục đầu tư mậu dịch (trade-related invesment measures) sẽ được Việt Nam áp dụng ngay lập tức, ngoại trừ một vài điều khoản được tạm hoãn một thời gian.

-- Các giới hạn xuất cảng: Việt Nam sẽ tiếp tục kiểm soát việc xuất cảng một số sản phẩm như gạo cùng một số đồ gỗ và khoáng sản, nhưng sẽ không đi ngược lại các thỏa ước WTO.

-- Tiêu chuẩn (standards): Việt Nam sẽ tuân thủ các Thỏa ước về Hàng rào Kỹ thuật trong Mậu dịch (Technical Barriers to Trade (TBT)) và Biện pháp Vệ sinh và Vệ sinh Thực vật (Sanitary and Phytosanitary Measures (SPS)) ngay lập tức.

-- Việc mua sắm của chánh phủ (government procurement): Việt Nam sẽ cứu xét việc ký kết Thỏa ước về việc Mua sắm của Chánh phủ (Government Procurement Agreement) sau khi gia nhập WTO.

-- Sở hữu trí tuệ: Việt Nam sẽ tuân thủ Thỏa ước TRIPS ngay lập tức.

ĐIỀU LỆ VÀ CAM KẾT ĐÃ THỰC HIỆN

Không phải đợi đến khi được gia nhập WTO Việt Nam mới bắt đầu thực hiện các điều lệ, nguyên tắc, và cam kết được thỏa thuận.  Ngược lại, Việt Nam đã phải thực hiện một số điều lệ và nguyên tắc căn bản của WTO cùng các yêu cầu của một số thành viên để được thu nhận vào tổ chức quốc tế nầy.  Đại sứ Glenne, trong buổi họp sau cùng của Đoàn công tác vào ngày 26 tháng 10 năm 2006, đã ca ngợi thành quả mà Việt Nam đã đạt được: “Việc gia nhập WTO là một tiến trình mất nhiều thời giờ và công sức và đòi hỏi nhiều quyết định về chánh sách rất khó khăn.  Chánh phủ Việt Nam rất đáng được khâm phục trong việc đáp ứng các yêu cầu của thành viên một cách xây dựng và nhanh chóng cũng như trong việc thiết lập và thi hành luật lệ phù hợp với WTO.”  Còn đại diện của Liên hiệp Âu Châu (EU) thì cho rằng: “DDó [việc thực hiện các điều lệ và nguyên tắc WTO trước khi được thu nhận] là một con đường đúng đắn bởi vì nó đã thay đổi nền kinh tế và hệ thống mậu dịch của Việt Nam” (8).  Những điều lệ và cam kết quan trọng mà Việt Nam đã thực hiện trước khi gia nhập WTO được tóm lược dưới đây.

Cam kết thực hiện kinh tế thị trường

Theo “Tờ trình về kết quả đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới” của Thủ tướng Chánh phủ gởi Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày 15 tháng 11 năm 2006, Việt Nam dường như không muốn thay đổi nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; nhưng vì muốn được thu nhận, Việt Nam đã “chánh thức cam kết sẽ tuân thủ về cơ bản toàn bộ các hiệp định của WTO ngay từ thời điểm gia nhập” trong phiên họp tháng 12 năm 2004 của Đoàn công tác.  “Thời gian đầu, đàm phán tiến triển rất khó khăn vì mức độ “mở” của nền kinh tế còn thấp, bảo hộ còn cao, cơ chế quản lý còn chịu nhiều ảnh hưởng của thời bao cấp, phức tạp, cồng kềnh, nhiều chỗ không tương thích với chuẩn mực của WTO...  Đàm phán chỉ thực sự được đẩy mạnh trong 3 năm cuối, khi ta đã có sự chuyển biến mạnh về nhận thức của xã hội đối với hội nhập kinh tế quốc tế căn cứ trên các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, khi đội ngũ đàm phán dần được kiện toàn, năng lực xây dựng pháp luật được nâng cao” (9).

Việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế Việt Nam được ghi nhận ở Điều 7 trong Phúc trình của Đoàn công tác: “Các thành viên ghi nhận những đổi mới tích cực đã được thực hiện và khuyến khích Việt Nam tiếp tục thực hiện các chánh sách nhắm đến kinh tế thị trường, tự do hóa, và minh bạch hóa mậu dịch...  Một vài thành viên nghĩ rằng Việt Nam cần phải điều chỉnh (adjustments) nhiều hơn nữa chế độ mậu dịch và pháp luật để đáp ứng yêu cầu của WTO...” (2).

Thiết lập hệ thống luật pháp về mậu dịch phù hợp với WTO

Sau khi cứu xét đơn xin gia nhập, Đoàn công tác đã yêu cầu phía Việt Nam soạn thảo một Chương trình xây dựng pháp luật để thiết lập một hệ thống luật pháp về mậu dịch phù hợp với điều lệ và nguyên tắc của WTO.  Chương trình nầy được thi hành từ năm 2000, và cho đến tháng 7 năm 2006, “... 25 trong số 26 văn bản cam kết trong Chương trình đã được ban hành, chỉ còn Bộ luật Thi hành án dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2006” (9).  Ngoài 26 bộ luật được ghi trong Chương trình, Việt Nam đã ban hành rất nhiều quy định, nghị định, quyết định có tánh cách pháp lý sau ngày nộp đơn xin gia nhập WTO.  Theo Phụ bản 1 trong Phúc trình của Đoàn công tác, có đến 162 trong 184 văn kiện pháp lý mà phía Việt Nam nộp cho WTO được ban hành sau ngày 1 tháng 1 năm 1995.

Thiết lập cơ chế minh bạch hóa mậu dịch

Khi gia nhập WTO, Việt Nam cam kết sẽ tuân thủ toàn bộ các quy định về minh bạch hóa của WTO bao gồm việc công bố dự thảo luật liên quan đến mậu dịch để lấy ý kiến của dân và đăng tải các văn bản pháp luật được ban hành trên các tạp chí hoặc trang điện tử trên internet.

Để bảo đảm cho những cam kết đó, WTO yêu cầu và Việt Nam đã ấn định điều lệ và thủ tục về việc ban hành và góp ý kiến các văn bản pháp luật về mậu dịch qua Luật về việc Ban hành Văn bản Luật pháp được Quốc hội phê chuẩn ngày 12 tháng 11 năm 1996 và tu chỉnh ngày 16 tháng 12 năm 2002 và qua Nghị định số 161/2005/ND-CP của Thủ tướng ký ngày 27 tháng 12 năm 2005.  Theo đạo luật nầy, các dự thảo luật phải được phổ biến đến các cá nhân hoặc tổ chức có thể bị ảnh hưởng hoặc đăng tải trên báo chí để thu thập ý kiến của dân.  Tất cả văn bản pháp luật phải được đăng tải trên Công Báo và chỉ có hiệu lực 15 ngày sau khi được đăng hoặc một ngày trễ hơn đã được ấn định.  Việc ấn hành tờ Công Báo của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được quy định trong Nghị định số 104/2004/ND-CP của Thủ tướng ký ngày 23 tháng 3 năm 2004 và Hướng dẫn Thực hiện số 04/2005/TT-VPCP của Văn phòng Thủ tướng ký ngày 21 tháng 3 năm 2005.

Việt Nam đã cung cấp cho WTO danh sách các website (Bảng 23 trong Phúc trình của Đoàn công tác) có đăng tải luật lệ và quy định liên quan đến mậu dịch như sau:

1. Văn phòng Quốc hội (www.na.gov.vn)

2. Văn phòng Chánh phủ (www.chinhphu.vn)

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (www.mpi.gov.vn)

4. Bộ Tài chánh (www.mof.gov.vn)

5. Bộ Thương mại (www.mot.gov.vn)

6. Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)

7. Bộ Bưu chính và Viễn thong (www.mpt.gov.vn)

8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (www.sbv.gov.vn)

9. Bộ Khoa học và Công nghệ (www.most.gov.vn)

10. Bộ Kỹ nghệ (www.moi.gov.vn)

11. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (www.mard.gov.vn)

Thiết lập tiêu chuẩn quốc gia (national standards)

Để bảo đảm cho việc tuân thủ Thỏa ước TBT, vào tháng 6 năm 2006, Việt Nam đã ban hành Luật về Tiêu chuẩn và Quy định Kỹ thuật bao gồm tất cả các tiêu chuẩn ghi trong các văn bản pháp luật hiện hành như Quy định về Đo lường, Phẩm chất Thực phẩm, Vệ sinh và An toàn Thực phẩm, Bảo vệ Thực vật, Thú y, và Bảo vệ Giới Tiêu thụ.  Việt Nam cũng thực thi nhiều chương trình để dung hòa (harmonize) tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế.  Tính đến cuối năm 2004, Việt Nam có trên 5.800 tiêu chuẩn, khoảng 1.450 tiêu chuẩn dịch thẳng và khoảng 4.350 nháy theo tiêu chuẩn quốc tế hoặc của các quốc gia trong vùng.  Ngoại trừ 231 tiêu chuẩn bắt buộc, việc áp dụng tiêu chuẩn có tính cách tự nguyện (voluntary).  Các tiêu chuẩn bắt buộc và những quy định kỹ thuật được áp dụng tại Việt Nam có thể đặt mua ở Trung tâm Thông tin Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) (www.tcvninfo.gov.vn).

KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC TRONG TƯƠNG LAI

Những thành quả mà Việt Nam đã đạt được, kể từ khi nộp đơn xin gia nhập WTO cho đến nay, dường như chỉ giới hạn trong các lãnh vực chánh sách, thủ tục hành chánh, pháp luật, và quản trị kinh doanh.  Còn những cam kết kỹ thuật đòi hỏi trình độ chuyên môn và kinh nghiệm cao, thì vẫn còn là những khó khăn mà Việt Nam phải đối phó trong thời gian sắp tới.

 Cam kết quan trọng và khó thực hiện nhất là việc tuân thủ ngay lập tức các Thỏa ước TBT và SPS.  Đây là hai thỏa ước quan trọng nhất của WTO nhằm các mục tiêu tối hậu (legitimate objectives) như bảo vệ sức khỏe và an toàn của con người, bảo vệ đời sống hoặc sức khỏe của thực động vật, bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia, và ngăn ngừa thủ đoạn gian manh.

Thỏa ước TBT cho phép một quốc gia được can thiệp vào (obstruct) mậu dịch nếu có lý do tối hậu, chẳng hạn như sức khỏe, nhưng thủ tục áp dụng không được hạn chế (restrict) mậu dịch một cách không cần thiết.  Các quốc gia thành viên được khuyến khích sử dụng tiêu chuẩn y tế quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization (WHO)), nhưng cũng có quyền sử dụng tiêu chuẩn y tế quốc gia, với điều kiện là phải biện minh được cho quyết định của mình nếu các thành viên khác yêu cầu.  Các tiêu chuẩn quốc gia nầy, ngoài việc bảo vệ sức khỏe con người, còn có thể nhắm các mục đích khác như an ninh quốc gia, ngăn ngừa thủ đoạn gian manh, an toàn, và bảo vệ môi trường.  Sau khi gia nhập, việc thi hành Thỏa ước TBT sẽ được WTO duyệt xét 3 năm một lần.

Thỏa ước SPS bao gồm các quy định cụ thể trong việc hạn chế mậu dịch nhằm mục đích bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm qua động thực vật.  Các quốc gia thành viên được khuyến khích sử dụng tiêu chuẩn, hướng dẩn, và đề nghị quốc tế (international standards, guidelines and recommendations) để tuân thủ Thỏa ước SPS.  Các quốc gia thành viên có thể áp dụng các biện pháp y tế chưa có trong tiêu chuẩn quốc tế hoặc khắt khe hơn các tiêu chuẩn quốc tế, với điều kiện chúng phải được biện minh một cách khoa học.  

Có lẽ vì nhận thức được những khó khăn đó, trong tiến trình đàm phán, Việt Nam đã yêu cầu một thời gian chuyển tiếp từ 3 đến 5 năm để thực hiện nhưng không được các thành viên chấp thuận (9).  Tuy nhiên, yêu cầu trợ giúp kỹ thuật của Việt Nam được WTO ghi nhận ở điều 327 trong Phúc trình của Đoàn công tác: “Mặc dù lúc ban đầu đại diện Việt Nam cho biết là Chánh phủ của Ông thiếu nhân lực, phương tiện, và cơ sở để thực hiện trọn vẹn các cam kết trong Thỏa ước SPS và cần một thời gian chuyển tiếp, nhưng sau đó đại diện Việt Nam đã xác nhận rằng Việt Nam sẽ tuân thủ các yêu cầu của Thỏa ước SPS ngay sau khi được gia nhập mà không cần qua giai đoạn chuyển tiếp.  Tuy nhiên, Ông lưu ý rằng Việt Nam cần được trợ giúp kỹ thuật trong lãnh vực SPS, như được ghi trong Điều 9 của Thỏa ước SPS.  Ông hy vọng sẽ nhận được sự trợ giúp trong việc huấn luyện nhân viên; thiết lập thủ tục thông báo (notification); thực hiện tạp chí SPS; cung cấp dụng cụ kỹ thuật và khả năng chuyên môn (đặc biệt trong việc phân tích nguy cơ gây bệnh, đánh giá, giám sát, kiểm soát, và thủ tục chuẩn nhận) để xây dựng các phòng thí nghiệm Việt Nam, các hệ thống thông tin và các biện pháp kiểm soát.”    

KẾT LUẬN

Khi gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết tuân thủ ngay lập tức tất cả các điều lệ và nguyên tắc chung về mậu dịch của WTO.  Các điều lệ và nguyên tắc chung nầy là kết quả của các cuộc đàm phán giữa các quốc gia thành viên từ năm 1947 được đúc kết trong 60 văn bản, thường được gọi là Thỏa ước WTO.  Mục đích của các thỏa ước nầy là giúp cho mậu dịch thế giới được bình đẳng và tự do hơn, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, và ưu đãi các quốc gia kém phát triển. 

Việt Nam cũng cam kết tuân thủ, ngay lập tức hoặc theo thời biểu được ấn định, các điều khoản riêng được ghi trong Quy định cho việc Thu nhận nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mà Đại hội đồng WTO chấp thuận ngày 7 tháng 11 năm 2006.  Các điều khoản nầy bao gồm những nhượng bộ và cam kết về thuế suất và hạn ngạch cho các loại hàng hóa và hỗ trợ nông nghiệp; các cam kết về dịch vụ bao gồm điều kiện và giới hạn quyền sở hữu áp dụng cho các nhà cung cấp dịch vụ ngoại quốc; và các cam kết về chánh sách kinh tế, thủ tục hành chánh, khuôn khổ luật pháp, và minh bạch hóa mậu dịch.

Để bảo đảm cho việc tuân thủ Thỏa ước WTO, Việt Nam được yêu cầu và đã thực hiện một số điều khoản trước khi được thu nhận chánh thức vào ngày 11 tháng 1 năm 2007.  Một số thành quả đáng chú ý được WTO ca ngợi gồm có việc cam kết thực hiện nền kinh tế thị trường tự do và việc thiết lập hệ thống luật pháp về mậu dịch phù hợp với WTO, cơ chế minh bạch hóa mậu dịch, và tiêu chuẩn quốc gia. 

Các thành quả nầy chỉ giới hạn trong các lãnh vực chánh sách, thủ tục hành chánh, luật pháp, và quản trị kinh doanh.  Còn những cam kết kỹ thuật đòi hỏi trình độ chuyên môn và kinh nghiệm cao thì vẫn còn là những khó khăn mà Việt Nam phải đối phó trong thời gian sắp tới.  Cam kết quan trọng và khó thực hiện nhất là việc tuân thủ ngay lập tức các Thỏa ước TBT (bảo vệ sức khỏe con người, an ninh quốc gia, an toàn, bảo vệ môi trường, và ngăn ngừa thủ đoạn gian manh) và Thỏa ước SPS (bảo đảm an toàn thực phẩm và ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm qua động thực vật).  Thật vậy, từ tháng 4 năm 2007, Nga đã cấm nhập cảng thủy sản Việt Nam vì vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.  Đến ngày 25 tháng 6 năm 2007, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã gởi thơ thông báo cho Bộ trưởng Bộ Thủy sản Việt Nam rằng nếu việc vi phạm chất kháng sinh trong thủy sản xuất cảng sang Nhật không được giải quyết, Nhật Bản sẽ áp dụng biện pháp cấm nhập cảng (10).

Nhà cầm quyền Việt Nam cũng cho đó là “một thách thức lớn” và “cần phải có một đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, cơ sở và một đội ngũ doanh nhân đủ mạnh.  Đội ngũ những người hoạt động trên lĩnh vực đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế phải được tăng cường.  Đây cũng là một thách thức to lớn đối với ta do phần đông cán bộ của ta còn bị hạn chế về kinh nghiệm điều hành một nền kinh tế mở, có sự tham gia của yếu tố nước ngoài.  Nếu không có sự chuẩn bị phù hợp, thách thức nầy sẽ chuyển thành những khó khăn dài hạn rất khó khắc phục.” (9)

Việt Nam đã yêu cầu WTO trợ giúp trong việc huấn luyện chuyên viên và hình như đang soạn thảo “… một chương trình đào tạo quy mô, trong đó huy động cả lực lượng chuyên gia quốc tế, đặc biệt lực lượng người Việt ở nước ngoài, đào tạo và tư vấn theo chiều sâu và thực chất sớm hình thành một đội ngũ chuyên gia đủ trình độ và đủ năng lực để bảo vệ quyền lợi thích đáng và có thể có của DN [doanh nghiệp] trong giai đoạn mới hội nhập.” (11)

Việc huấn luyện chuyên viên Việt Nam, qua sự trợ giúp kỹ thuật của WTO hoặc qua chương trình đào tạo quy mô với chuyên gia quốc tế, chỉ có hiệu quả một khi các chuyên viên nầy đã có một trình độ và năng lực tối thiểu.  Hệ thống giáo dục hiện nay ở Việt Nam dường như chưa có đủ khả năng để đào tạo những chuyên viên đạt được trình độ và năng lực tối thiểu đó!

Khi gia nhập WTO, Việt Nam cam kết tuân thủ tất cả điều lệ và nguyên tắc chung trong Thỏa ước WTO và điều lệ và tiêu chuẩn riêng mà Việt Nam đã cam kết trong các thỏa ước đạt được qua tiến trình đàm phán.

Việt Nam đã thực hiện được một số cam kết tích cực như việc chuyển hóa sang nền kinh tế thị trường tự do không có sự can thiệp của nhà nước, thiết lập cơ chế hành chánh và luật pháp phù hợp với nguyên tắc của WTO, minh bạch hóa mậu dịch, và thiết lập tiêu chuẩn quốc gia.

Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc thực hiện hai thỏa ước quan trọng về Hàng rào Kỹ thuật trong Mậu dịch (TBT) và Biện pháp Vệ sinh và Vệ sinh Thực vật (SPS) vì thiếu chuyên viên có trình độ và kinh nghiệm cao.

Việt Nam đang thảo kế hoạch để vượt qua thách thức nầy, nhưng có lẽ khó thành công vì sự yếu kém của hệ thống giáo dục hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) World Trade Organization and World Health Organization.  2002.  WTO Agreements & Public Health, a Joint Study by WHO and the WTO Secretariat.  Geneva, Switzerland.

(2) World Trade Organization.  27 October 2006.  Report of the Working Party on Accession of Viet Nam.  WT/ACC/VNM/48.  Working Party on Accession of Viet Nam.  Geneva, Switzerland.

(3) World Trade Organization.  26 October 2006.  “Statement by Mr. Truong Dinh Tuyen, Minister of Trade, Viet Nam at 14th and final Session of the Working Party on the Accession of Vietnam to the WTO.”  www.wto.org.

(4) World Trade Organization.  May 2007.  The World Trade Organization in Brief.  Information and Media Relations Division (IMRD).  Geneva, Switzerland.

(5) World Trade Organization.  2007.  Understanding the WTO.  Geneva, Switzerland.

(6) World Trade Organization.  November 7, 2006.  Protocol on the Accession of the Socialist Republic of Vietnam.  Geneva, Switzerland.

(7) World Trade Organization. 7 November 2006.  “General Council Approves Viet Nams Membership.”  WTO: 2006 Press Release.  Geneva, Switzerland.

(8) World Trade Organization. 26 October 2006.  “Viet Nam Membership Negotiations 26 October 2006 – Working Party Completes Viet Nams Membership Talks.”  WTO: 2006 Press Release.  Geneva, Switzerland.

(9) Nguyễn Tấn Dũng.  Ngày 15 tháng 11 năm 2006. “Tờ trình về kết quả đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới.”  Văn bản số 150/TTr-CP của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.  Hà Nội, Việt Nam. www.chinhphu.vn.

(10) Quang Thuần.  Ngày 4 tháng 7 năm 2007. “Xuất khẩu thủy sản: Có vượt qua thử thách"”  Báo Thanh Niên.  Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.  www.thanhnien.com.vn.

(11) H. Nguyên.  Ngày 29 tháng 11 năm 2006. “Tại kỳ họp thứ 10, QH khóa XI: Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO.”  Báo Lao Động.  Hà Nội, Việt Nam.  www.laodong.com.vn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm nay ở Davos, nơi 60 Tổng Thống và Thủ Tướng, 800 lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận tập họp để thảo luận về những thách thức lớn của thời đại chúng ta, Trí tuệ nhân tạo, AI, lần này đã trở thành chủ đề làm lu mờ mọi chủ đề khác. Trí tuệ nhân tạo AI ngày càng ảnh hưởng đến chúng ta, ngoài việc có thể xử dụng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và ảnh hưởng đến nền kinh tế, AI cũng ngày càng có vẻ là một phần của bộ máy chiến tranh, hay ngay cả trong thị trường lao động AI cũng cho thấy sự hiệu quả rõ ràng hơn, AI, trí tuệ nhân tạo là siêu năng lực vừa có thể hủy diệt mà cũng vừa có thể cải thiện, là rủi ro cũng như là cơ hội.
Lịch sử kinh tế của Mỹ là chu kỳ giữa sự các đợt tăng trưởng và suy thoái kinh tế. Gần đây nhất là sự tăng trưởng kinh tế từ thời Tổng Thống Obama, kéo dài sang thời Tổng Thống Trump trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Tổng Thống Biden nhậm chức trong thời điểm nền kinh tế Mỹ bắt đầu có những dấu hiệu suy thoái. Theo các nhà hoạch định chính sách, hiếm khi các chính sách giảm lạm phát được áp dụng mà không xảy ra suy thoái. Nhưng có vẻ như lần này điều này có thể xảy ra.
Giá xăng trung bình vào ngày 14-12-2023 ở Mỹ là 3.10 USD/gallon, giảm 0.02 USD so với ngày hôm qua, 0.10 USD so với tuần trước và 0.25 USD so với tháng trước. Hawaii có giá cao nhất là $4.70, tiếp đến là California với giá là $4.63. Ngược lại, Texas ghi nhận giá thấp nhất trên toàn nước Mỹ là $2.55. Giá xăng giảm do mức cầu hạ theo mùa và mức cung trong nước Mỹ gia tăng đáng kể là một tin đáng hoan nghênh đối với những người Mỹ đã phải vật lộn với giá xăng cao trong quá khứ. Ngoài ra, tình hình kinh tế Trung Quốc là một điểm đáng lưu tâm. Trung Quốc là một quốc gia nhập cảng xăng dầu nhiều nhất thế giới. Kinh tế Trung Quốc đi xuống sẽ làm giảm mức cầu.
Sẽ không có một bản tổng kết nào đầy đủ về tình hình kinh tế Mỹ trong năm 2023. Sẽ không có dự đoán nào chính xác cho kinh tế tương lai 2024. Nhưng hai chữ “kinh tế” lớn lao và khách quan này lại ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền và đời sống hàng ngày của chúng ta. Kinh nghiệm và hiểu biết về khả năng kinh tế cộng đồng ảnh hưởng đến kinh tế cá nhân/gia đình, sẽ giúp cho lòng tham giàu có chững chạc hơn và nỗi sợ hãi nghèo khó được nhẹ nhàng hơn.
Theo trang mạng tin tức kinh tế thương mại Business Insider, báo cáo mới đây nhất về dự báo thị trường nhà ở năm 2024 có một số tin tốt lành, nhưng vẫn có nhiều thách thức từ năm nay sẽ vẫn tồn tại. Báo cáo này là của trang mạng chuyên về địa ốc Realtor.com. Nhìn chung, Realtor đưa ra một dự báo có nhiều điểm trái chiều. Điều này sẽ làm thất vọng nhiều người Mỹ đang hy vọng sẽ có một thị trường nhà cửa dễ mua bán nhiều hơn so với năm 2023, khi mà tỷ lệ lãi suất cao đã làm đóng băng phần lớn thị trường.
Ở Mỹ, khi người ta kết hôn, tài khoản của họ cũng thường được ‘quy về một mối’: phần lớn các cặp vợ chồng đều sẽ gửi toàn bộ thu nhập của mình vào một tài khoản chung. Trong những năm 1970 và 1980, việc tách biệt tài chánh có thể bị coi là điềm xấu cho một mối quan hệ. Nhưng ngày nay điều đó không còn đúng nữa. Tỷ lệ các cặp đôi, dù đã kết hôn hay chưa, giữ ít nhất một phần tài chánh riêng biệt đã tăng lên trong những thập niên gần đây, một phần vì người dân Hoa Kỳ có khuynh hướng kết hôn trễ hơn so với ngày xưa, và khi đó thì họ đã có thói quen tiêu xài của riêng mình.
Tập Cận Bình, bằng cách thắt chặt kiểm soát từ chính sách, truyền thông, đến quân đội, đã nâng quyền lực của mình tới mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Nhưng chính nhu cầu chứng tỏ quyền lực của Tập cũng chính là chiếc ”gậy ông đập lưng ông”. Nền kinh tế Trung Quốc khó có thể phục hồi như mong đợi sau đại dịch covid, ngành bất động sản khủng hoảng, các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ra khỏi nước và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp lên tới trên 20%. Các nhà phê bình năm nay đã sử dụng những thuật ngữ như đây là ”sự kết thúc của phép màu kinh tế Trung Quốc”. Vấn đề nan giải của Tập Cận Bình là ông dường như chỉ có một giải pháp duy nhất cho mọi vấn đề: tăng cường kiểm soát. Tập đã loại bỏ những cố vấn giỏi nhất vì tham nhũng hay có thể nói chính xác hơn là ông không tin tưởng họ.
Từ Adidas AG đến Nike Inc, các nhà sản xuất quần áo và giày dép đã chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc do căng thẳng địa chính trị và chi phí sản xuất thấp hơn. Nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng bất ổn và nhu cầu tiêu dùng suy yếu, nhiều công ty đã nhận ra rằng việc tìm kiếm các trung tâm sản xuất thay thế cũng đi kèm với những thách thức riêng. Một số thậm chí còn đóng cửa cơ sở sản xuất vừa mới thành lập để quay về Trung Quốc đại lục.
Đô la điện tử (digital dollar), còn gọi là đô la kỹ thuật số, là một vấn đề tài chánh có tầm vóc thế giới, có khả năng thay đổi nền kinh tế Hoa Kỳ và toàn cầu. Vấn đề này được bàn thảo trong những năm qua: Liệu đã đến lúc Hoa Kỳ có thể thay đổi tiền giấy, tiền đồng bằng tiền điện tử? Nhưng những cuộc thảo luận không được nổi bật vì tình hình chính trị sôi nổi, chính quyền, báo chí vây quanh câu chuyện cựu tổng thống Trump bị truy tố khoảng trên 90 tội, trong lúc ông đang tranh cử cho chuyến trở về tòa Bạch Ốc năm 2024.Thay đổi hệ thống tiền tệ quốc gia sẽ tạo ra sự xáo trộn thói quen sử dụng và cách đánh giá mặt tiền của dân chúng. Nhiều câu hỏi sẽ phải giải quyết: Tại sao phải đổi tiền giấy thành tiền điện tử? (Có lẽ, ngày xưa, người ta cũng đặt câu hỏi tương tựa như vậy khi đổi từ tiền kim loại, tiền vàng thành tiền giấy. Dĩ nhiên, phải có lợi ích cho người tiêu dùng, có khả năng phát triển kinh tế quốc gia và đồng minh.)
Trần nợ là mức ấn định số tiền tối đa mà chính phủ có thể vay nợ. Quốc hội biểu quyết số nợ tối đa, tạo ra mức “Trần Nợ”, và chính phủ không được vay tiền nhiều hơn mức “Trần Nợ” này. Chính phủ Hoa Kỳ đã đụng đầu vào “trần nợ” từ tháng Giêng năm 2023, khi số nợ lên tới $31.4 ngàn tỷ đô la. Bộ Tài Chánh không được vay nữa, phải “du di” các món chưa dùng trong ngân sách để xài tạm vào các mục đã hết tiền. Nhưng từ đầu tháng Sáu, sẽ bắt buộc phải vay nợ thêm mới có tiền chi tiêu. Nếu không thanh toán được thì chính phủ bị “vỡ nợ”, chính phủ Mỹ sẽ không có tiền trả lãi và vốn từ các món nợ cũ, công khố phiếu Mỹ sẽ mất giá trị kéo theo những tai họa kinh tế khôn lường cho kinh tế nước Mỹ lẫn kinh tế thế giới.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.