Hôm nay,  

Về Nhà Ăn Tết: Chuyện Người Lính Gốc Việt 7 Năm Phục Vụ Đơn Vị Jpac Tìm Hài Cốt Mỹ Tại Việt Nam

30/01/200600:00:00(Xem: 6632)
Hình trên: John Nguyễn, 26 tuổi, vừa trở về nhà sau 7 năm tại ngũ. Anh là một trong những tác giả tham dự giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Bài viết của anh, “My American Dream”, do Việt Báo phổ biến ngày 22-9-2005, là bài viết thứ 1,421 trong số 1,528 bài viết của 5 năm qua. John cho biết 7 năm quân vụ của anh là làm việc trong đơn vị đội tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Sau khi giải ngũ, anh về ăn tết với gia đình tại Little Saigon. Cuối năm, được tin anh về nhà, phái viên Hoa Thuỷ Tiên của Việt Báo tới thăm...

*

Cánh cửa mở… Chàng trai trẻ đầu đinh xuất hiện, cười toe. Một người lính vừa rũ áo phong sương, trở về từ mặt trận của thời bình. Tôi hỏi tên, John Nguyễn, anh hơi ngờ ngợ. Nhưng rồi khẽ gật đầu. Hồi sau, hai vợ chồng một người bác của anh xuất hiện. Tôi nghe họ gọi anh là Phúc. Thì ra hầu như mọi người đồng hương đều gọi anh là Phúc, Nguyễn Dương Hồng Phúc.

Người lính về nhà

Phúc chính thức xuất ngũ vào tháng 10-2005. Trong 7 năm tòng quân, Phúc trực thuộc đội tìm kiếm những binh sĩ mất tích vì công vụ, đơn vị Bộ Binh JPAC (Joint POW/MIA Accouting Command) và đã có 3 năm làm việc tại Việt Nam.

Trong những năm đầu phục vụ Quân Đội, Phúc đóng ở Hawaii, vùng hải đảo xa xôi, cách đất liền đến những năm giờ bay. Trong tâm thức, nhiều người Mỹ vẫn còn nhớ đến trận Trân Châu Cảng năm 1941, gần 4000 người lính Mỹ đã bỏ thây ở vùng đảo hẻo lánh. Đó là lần đầu tiên xứ sở Hoa Kỳ vung một nắm đấm để kết thúc cuộc chiến tranh Thế Giới lần thứ II.

Làm quân nhân nhưng không phải ra mặt trận, Phúc đã trải qua những ngày làm “công chức quân đội”, khá yên bình: không đối diện với chiến tranh, không phải nghe tiếng súng…

Anh lái xe 10 phút từ nhà đến doanh trại mỗi ngày. Không quen rượu chè, bài bạc, trai gái, hút xách, Phúc đã dành hết thời gian cho công việc, mà anh nghĩ “lính” cũng là một “cái nghề” nên cũng phải đổ hết sức lực để cho nghề trở thành tinh xảo. Thời gian quý báu còn lại, mỗi tuần ba ngày, Phúc dành thời gian học đàn dương cầm. Thú tiêu khiển của Phúc là đánh đàn, nỗi đam mê của anh từ lúc mới 11 – 12 tuổi. Nghề lính không làm anh gián đoạn thú chơi đàn dương cầm.

Hầu như đêm nào Phúc cũng viết thư thăm người thân và viết … nhật ký. Anh say mê viết, một cách để trút cạn giòng tâm sự.

Người gần gũi nhất của Phúc trong bảy năm làm lính lại là má. Bà Dương Thị Thúy, xuất thân là một giáo sư Việt Văn trường cấp II ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Phúc thương má vì bà khéo nấu ăn trong khi Phúc lại rất…thích được ăn những món “khoái khẩu”. Má biết ý Phúc, cứ mỗi tháng lại gửi ra đảo một hũ thịt chà bông cho anh. Bù lại, mỗi lần về phép, Phúc mua cho quà cho bà và …đưa nhật ký cho má đọc. Tin má, thương má, gửi gắm cho má tất cả những điều thầm kín nhất trong lòng là thói quen của Phúc từ khi còn bé, trở thành thường xuyên trong bảy năm ở trong quân ngũ. Phúc dựa hẳn vào má. Còn má thì hiểu Phúc hơn tất cả những ai khác. Bản nhạc mà anh vẫn thường đánh đi đánh lại là bài Phố Núi Cao. Khi nghĩ đến đứa con trai lớn, bà khe khẽ hát những lời… “Phố núi cao…”

Gia đình ông Bản chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, ở bất cứ nơi đâu, từ trong nhà cho đến chỗ đông người. Bà Thúy dạy Đức nói từng chữ Việt, sau đó thì đưa hai con trai đến học Trung tâm Việt Ngữ Dũng Lạc do một người bác ruột làm hiệu trưởng. Vốn tiếng Việt mỗi ngày một nhiều, Phúc và nhất là Đức có thể diễn đạt lưu loát tiếng Việt và cả nhà chỉ đối thoại bằng tiếng Việt với nhau.

Tôi ngạc nhiên khi nhận ra trong suốt câu chuyện với cả gia đình, không ai buông ra một tiếng Anh, kể cả Phúc và Đức, những người nói tiếng Mỹ lưu loát như là dân sinh trưởng ở đây. Đức giải thích:

“Hồi nhỏ, tôi cũng không quen nói tiếng Việt. Nhưng bây giờ thì tôi hiểu được rằng tiếng mẹ đẻ của mình cũng đặc biệt lắm. Tiếng “bố, má, anh, em” nghe dịu dàng, tình cảm sâu lắng làm sao…Tiếng “you, me, I…” thì khô cứng, lạnh lùng. Chỉ có thể bằng tiếng Việt, tôi mới hiểu được bố má và giúp bố má hiểu được rằng mình đang nghĩ gì, muốn gì, cần gì.”

Chuyện Bố Má kể

Từ nhỏ, Phúc đã thường xuyên “bị đặt trong sự giám sát” của bố, ông Nguyễn Văn Bản. Ông cũng xuất thân là một người lính, hạ sĩ quan kỹ thuật Không Quân VNCH.

Cuối năm 1979, ông đưa Phúc, khi đó mới 9 tuổi, băng rừng lội suối vượt biên sang Cam Bốt; ở Thái Lan 18 tháng rồi chuyển đến Phi Luật Tân. Đến tháng 10/1989, bà Thúy dắt đứa con trai nhỏ, Nguyễn Dương Hồng Đức, vượt biên bằng tàu. Ngày 19/6/1990, họ đoàn tụ gia đình trên đất Mỹ. Hai ông bà tìm được việc làm ở Nursing Home, vừa làm y tá ở bệnh viện để kiếm tiền lo cho hai con trai ăn học.

Bà Thúy vẫn còn nhớ, vừa từ bệnh viện về, bà lao vào bếp, lo cơm nước cho cả nhà, và còn dạy kèm tiếng Việt cho con. Ông Bản đưa đón con đi học mỗi ngày.

Mỗi lúc ngồi bên nhau trên xe, ngồi trong bàn ăn, hay những buổi tối có một tí thời gian rỗi, ông bà nhắc nhở con những điều hay lẽ phải. Ông Bản có một thời khóa biểu mỗi ngày cho Phúc, từ khi còn ở Thái Lan. Sau này chính Phúc lại là người làm thời khóa biểu cho Đức. Người này là tấm gương của người kia, nhìn người kia mà làm theo.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Bản bùi ngùi hối tiếc. Một lỗi lầm của 7 – 8 năm về trước đã làm ông ray rứt mãi không thôi. Ông kể:

“Từ hồi học tiểu học cho đến cấp 2 bậc trung học, Phúc luôn luôn đứng hạng cao, từ hạng nhất đến hạng ba của lớp. Chưa bao giờ Phúc rơi xuống hạng tư. Khi Phúc học lớp 12, cháu gia nhập đội điền kinh, ngày ngày tập chạy cùng các bạn. Nhưng khi tôi biết được, chỉ một thời gian ngắn, tôi bắt cháu phải từ giã đội điền kinh, để chuyên tâm học hành. Tôi muốn cháu chỉ lo học chữ mà thôi. Tôi nhìn thấy ánh mắt buồn tuyệt vọng của Phúc, nhưng tôi lại không lường được hệ quả từ một quyết định sai lầm. Phúc học hành sa sút. Cháu không còn được điểm cao, trong khi những đồng đội của Phúc vẫn học, vẫn chạy trong đội điền kinh, vẫn tốt nghiệp ra trường, vào đại học và đều trở thành bác sĩ y khoa. Nhận ra rằng mình thua sút bạn bè trong năm cuối trung học, Phúc nản lòng, bỏ ngang và quyết định đầu quân. Lúc đó thì tôi không cản cháu và tôi đã hiểu ra rằng tôi sẽ không giờ ngăn cản bất kỳ việc gì mà các con tôi muốn. Tôi chỉ có thể giải thích, hướng dẫn để cháu tự nhận thức được vấn đề. Còn thì do cháu quyết định và tự chịu trách nhiệm.”

Nghe giọng ông ngậm ngùi, tôi hiểu ông mắc sai lầm cũng chỉ vì quá thương con…

Nhưng ông không giấu được sự vui mừng: “Các cháu nay đã thật sự trưởng thành. Tôi mừng. Trở thành người lính rất có kỷ luật, Phúc vẫn là một người con hiếu thảo. Cháu luôn nhớ đến gia đình. Mỗi khi về phép, cháu luôn mang về cho bố má, em trai và cả ông nội, các chú bác mỗi người một món quà. Còn Đức cũng đã bỏ học năm thứ hai Đại học, nhưng giờ cháu rất hăng hái khuếch trương công ty quảng cáo của mình. Các cháu không phải là người thành đạt, nhưng đã thành danh. Như vậy là tôi mừng, tôi yên tâm…”

Bà Thúy lại nói về niềm vui lớn của gia đình. Họ không giận nhau được lâu vì họ hiểu sự bất hòa làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình mỗi ngày một ít. Chỉ giận một hồi, và không lâu quá 24 tiếng đồng hồ, bà lập tức làm lành trở lại. Đức, thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhà cũng phụ họa: “Chúng tôi biết quý những gì mình đang có và luôn nghĩ rằng nếu mình cư xử không phải với nhau, sẽ hối tiếc khi sau này không còn có nhau.” Phúc đã xa nhà 7 năm, còn Đức cũng đi làm ăn ở San Diego suốt 2 năm qua. Hoàn cảnh đã sắp xếp cho họ có những thời gian không được ở gần nhau để thấy yêu thương nhau nhiều hơn!

Trở lại VN trong đội POW/MIA

Phúc nhẩm đếm, 7 năm đời lính, ba năm phục vụ tại đội tìm kiếm binh sĩ Hoa Kỳ mất tích thời chiến tranh Việt Nam là quãng thời gian anh sống trọn vẹn với những công việc đầy tình người.

Phúc kể, để chuẩn bị cho công tác của đội, anh được tham dự một khóa huấn luyện trong doanh trại kéo dài 3 tháng, và tiếp theo đó là một đợt huấn luyện khác tại Taxas. May mắn cho anh, vì việc tìm kiếm người lính Hoa Kỳ bị mất tích trong chiến tranh Việt Nam sẽ diễn ra tại VN là chính, mà anh lại là người Việt Nam, vì thế mà anh được điều động về đội POW/MIA.

Đội anh gồm 12 người, trong đó có chuyên viên tháo gỡ chất nổ, y sĩ, chuyên viên tiếp vận, nhà nhân chủng học…cùng làm việc với nhau ở Tổng hành dinh tại Hawaii trước khi bay về VN. Anh là nhân viên phiên dịch, từ tiếng Mỹ sang tiếng Việt và ngược lại.

Trong cả hai đợt huấn luyện, vốn tiếng Anh chuyên môn được nhiều lên. Nhiều từ ngữ lâu nay không thông dụng trong những câu chuyện xã giao, --tất nhiên là có trong tự điển, nhưng vì không có dịp xài nên người ta dễ quên khuấy đi—càng không thông dụng lại được nhắc đến nhiều nhất trong các hồ sơ. Công việc trên lý thuyết khá đơn giản, nhưng khi bàn cãi, tranh luận trong phòng họp thì quả là không dễ dàng chút nào. Chẳng hạn như chữ “ghế bố”, nếu không được học thì Phúc sẽ lúng túng và việc giúp cho hai bên đối tác hiểu sau trở nên khó khăn biết bao! Phúc biết rằng anh chỉ diễn dịch sai một câu, hoặc hớ hênh một lời nói, có thể làm bế tắc cả một chương trình.

Anh chúi mũi cả ngày trong thư viện để tìm kiếm các hình ảnh, tài liệu phân tích diễn biến cuộc chiến, đi tìm chi tiết các tai nạn đã xảy ra cho các phi công lái máy bay chiến đấu trên bầu trời VN; chi tiết các trận đánh… có liên quan đến hồ sơ quân nhân mất tích. Phòng làm việc của anh tràn ngập các loại hồ sơ, giấy tờ. Anh lên mạng để cập nhật những tin tức mới nhất về tình hình POW/MIA. Anh biết công việc của mình thật sự nặng nề. Anh sẽ trở thành người diễn đạt một cách trung thực tiếng nói của cả hai phía, và thông qua sự diễn đạt của anh, suy nghĩ của hai bên hoặc có thể mềm dịu, hoặc trở nên căng thẳng. Vừa là tiếng nói của phái đoàn Mỹ, vừa nói hộ những người Việt Nam cộng tác với hy vọng tìm kiếm được tin tức, hoặc di vật còn sót lại của những chiến sĩ Hoa Kỳ đã hy sinh. Một công việc cao quý để trả ơn những người đã nằm xuống, để đem lại niềm an ủi mong manh cho thân nhân của họ, ngày đêm khắc khoải trông chờ, dù cho cuộc chiến tranh đã kết thúc gần 30 năm qua. Anh cũng biết, mỗi một ngày qua là sự tuyệt vọng của thân nhân của người đã nằm xuống trên quê anh càng lớn. Anh muốn góp phần rút ngắn thời gian!

Đội anh theo lịch trình được cử về VN làm bốn đợt, mỗi đợt kéo dài khoảng 3 tháng. Khi địa điểm được đánh một dấu chấm trên bản đồ, đội lập tức bay đến VN. Trước hết là gặp gỡ các nhân chứng, phân tích các tài liệu để xác định tính chính xác của nguồn tin, xác định địa điểm khai quận. Sau đó là tổ chức cuộc họp để thương thảo với phía viên chức CSVN có thẩm quyền. Tính ra trong mấy chục cuộc họp như thế, anh là người trung gian giúp hai bên thảo luận, bàn cãi, dằng co…để có thể đi đến sự đồng thuận sau cùng.

Phúc kể: “Có những vụ thương thảo chỉ mất có một ngày là xong, nhưng có vụ kéo dài đến cả tháng trời. Kinh nghiệm mà tôi rút tỉa được là phải mềm mỏng, bền bi, khéo léo thuyết phục cả hai phía đi đến sự đồng thuận. Gặp những người khó tính, thường phía CSVN là các sĩ quan cấp tá, tôi hay nở nụ cười, rất tự nhiên, và tỏ vẻ tôn trọng sự hợp tác của họ, nhấn mạnh rằng đây là một công tác nhân đạo. Có lần, tôi nhắc nhở các đồng nghiệp Hoa Kỳ của tôi nên bắt tay những người VN già cả, đáng cha đáng chú của mình bằng cả hai tay để tạo thiện cảm ở nơi họ. Tôi hiểu rằng khi gieo được tình cảm nơi họ, họ sẽ đáp ứng mọi yêu cầu của mình một cách dễ dàng, mau chóng.”

Thông thường, sau khi đạt được sự đồng thuận, đội của Phúc mới đổ bộ xuống địa điểm đã xác định và bắt đầu cuộc khai quật. Đến giai đoạn này thì công việc thường diễn ra nhanh chóng, để lập tức di chuyển đến địa điểm kế tiếp. Cả đội đều muốn xúc tiến mọi việc thật nhanh, để số vụ tìm kiếm được thực hiện càng nhiều càng tốt.

Trong bốn đợt có mặt tại VN, đoàn của Phúc đã thực hiện khoảng 10 vụ khai quật tìm hài cốt lính Mỹ ở cả ba miền, từ miền Bắc, vào miền Trung rồi xuống tận Cà Mau và đã tìm được khá nhiều di vật có giá trị.

Có những chuyến, nơi họ đến là “thâm sơn cùng cốc”, khi ở đỉnh đèo Hải Vân, khi ở giữa rừng Quế Phong, Đà Nẵng… Có một chuyến, cả đoàn được “trực thăng vận” xuống đỉnh đèo, khu giáp ranh Huế và Đà Nẵng ở bên này núi Bà Nà. Mọi người vừa lo phát quang, vừa lo dựng lều…Có lúc phải leo vách đá, bò theo triền núi; có lúc ngồi trên trực thăng nhìn rán chiều bị sương mù che phủ, suýt nữa cả đoàn bỏ mạng vì trực thăng đâm vào núi…Các khóa học căn bản ở Hawaii, ở Vermont, ở Texas và tính ham leo trèo, chạy nhảy từ tuổi ấu thơ đã giúp Phúc vượt qua mọi hiểm nghèo mà chính anh cũng không ngờ.

Phúc cho tôi coi mấy tấm ảnh khi đứng giữa đồng ruộng bát ngát của vùng Cà Mau trù phú, khi đứng giữa đồi núi cheo leo hiểm trở của miền Trung. Công việc của anh nguy hiểm nhưng cũng đầy thú vị. Có những đêm ngả mình xuống lán trại, anh nhớ lại những lần tổ chức triển lãm hoạt động của đơn vị tại Hawaii. Ở đó, anh đã gặp được nhiều bậc cha mẹ bị mất con trong chiến tranh. Họ đến để bày tỏ hy vọng gửi cho các đoàn tìm kiếm người mất tích. Họ mong ngóng tìm được chút gì còn lại của người thân yêu đã tử trận, như là một niềm an ủi to tát sau cùng.

Có lần, Phúc gặp một người Mỹ tuổi đã trên 70, đến gặp đoàn để cám ơn hoạt động của các đội POW/MIA. Gia đình ông đã nhận được hài cốt của anh trai ông, một sĩ quan Hoa Kỳ đã bị mất tích ở châu Âu, trong chiến tranh thế giới lần thứ II. Ông khóc, và nói: “Tôi không bao giờ nghĩ rằng chính phủ Mỹ làm được những việc như thế này. Tôi và thế hệ sau hết sức hãnh diện khi biết về người anh, người ông của mình đã hy sinh vì đất nước và biết rằng chính phủ đã mang lại niềm an ủi cho gia đình chúng tôi, cho người đã nằm xuống vì chính nghĩa của đất nước Hoa Kỳ.” Gia đình ông không ngờ rằng hơn 50 năm sau, đội POW/MIA đã mang những di vật của người thân yêu của họ về lại nhà.

Phúc kể, sau những giờ căng thẳng trong các buổi họp là cả đoàn miệt mài lao vào việc khai quật, cùng với người địa phương được thuê mướn tạm thời trong một thòi gian ngắn. Họ mang vác các vật dụng, khi leo trèo trên núi đá hiểm trở, khi đào cuốc những đất đá xen lẫn với bùn sình…Tất cả chỉ để mong tìm được một mảnh xương vụn vỡ, một mảnh răng, một sợi dây dù hay một bao dù, một mảnh máy bay rỉ sét, một ống khí, một thẻ bài, một đế giầy, một mặt đồng hồ, một khẩu súng lục đã han rỉ, hoặc một viên đạn…dấu ấn của những tử sĩ đã trở thành cát bụi.

Tháng 3-2005, đội anh lập được công đầu: tìm được một phù hiệu phi công bằng vải đã bị mục rửa, nhưng may mắn vẫn còn lại một cái tên tại một nơi khai quật ở khu ven biển Hà Tĩnh. Tất cả các di vật thu nhặt đều được chuyển về tổng hành dinh ở Hawaii để nơi đây nhận dạng, xác định nguồn gốc, tiểu sử của chiến binh. Bảng tên của viên phi công lái máy bay bị bắn rơi sau đó được xác định là đúng vụ việc và con người.

Một trong những niềm vui của anh là được tiếp xúc với ngưòi dân địa phương được thuê mướn làm công việc khai quật. Mỗi buổi sáng bắt đầu ngày làm việc mới, dân bản xứ: người Thái, người Tày lục tục kéo lên. Họ hiền lành, hiếu khách, mang gùi leo lên tận đỉnh đèo hàng giờ mới tới. Họ mang đến những nắm xôi nếp, một tí cá gói trong lá chuối…mời Phúc dùng bữa. Anh đem đồ hộp Mỹ biếu lại, nhưng họ lại không ăn được. Khác Phúc, ăn xong, xin ngày mai được ăn tiếp, chỉ một nắm xôi không đã thèm. Họ hiền lành nhưng họ thật thà, tận tình giúp đội anh làm việc. Mỗi khi phát hiện được một di vật, họ cũng reo lên mừng rỡ, như chia sẻ niềm an ủi với đội của anh.

Tết Bính Tuất đầm ấm

Về nhà lần này, Phúc cũng từ giã đời lính. Anh dự định, sau khi ăn Tết Bính Tuất đầm ấm với gia đình tại Little Saigon, sẽ trở lại trường học và dành thời gian chăm sóc cha mẹ, và nhất là…chơi đàn piano.

Về VN mấy đợt, anh chợt ao ước, một ngày nào đó, khi đất nước có tự do, dân chủ, sẽ mua một căn nhà để bố má được về VN. Anh cảm nhận được rằng, sinh sống nơi chôn nhau cắt rún là hạnh phúc to lớn nhất trong đời của một con người. Anh muốn khi bố má nghỉ hưu, anh đưa họ về VN sống, cứ đi đi về về mỗi năm một lần, 6 tháng ở Mỹ, 6 tháng ở VN. Anh nói, khi biết được bố má được trò chuyện cùng người thân thuộc, bà con lối xóm , được ăn những món tinh túy của quê nhà, được ngửi mùi lúa chín thơm ngát cánh đồng, được đếm những mùa xuân thanh bình đi qua, là anh toại nguy ện.

Ước mơ thời hậu chiến của người lính Mỹ gốc Việt có vẻ đơn giản vậy thôi, cũng như ước mơ của ba năm tại ngũ đã qua: mang về niềm an ủi lớn cho gia đình của những người đã hy sinh mạng sống vì nền tự do của nhân loại.

HOA THỦY TIÊN

(Trích báo xuân Việt Báo Tết Bính Tuất)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
California có thể tự hào với nền y tế hướng tới toàn dân của mình, với khoảng 15 triệu cư dân (tương đương 1/3 dân số) đang được hưởng Medi-Cal
Tại Trường Valley High School, 1801 S. Greenville St, Santa Ana, CA 92704, sáng Thứ Bảy ngày 13 tháng Tư năm 2024, Giám Sát Viên Quận Cam Vicente Sarmiento Địa hạt 2 và Phó Thị Trưởng Santa Ana cô Thái Việt Phan đã tổ chức Hội Chợ Y Tế và Thông Tin Quyền Lợi của Cộng đồng. Hội chợ diễn ra từ 9 giờ sáng đến 1 giờ chiều, quy tụ hàng trăm cư dân, đa số là người Mễ Tây Cơ, một số ít người Việt Nam và các sắc dân khác. Đúng 9 giờ 15, Giám Sát Viên Vicente Sarmiento, Phó Thị Trưởng Thái Việt Phan và Dân Biểu Lou Correa cùng một số viên chức thành phố Santa Ana ra chào mừng mọi người. Giám Sát Viên Vicente Sarmiento nói, hôm nay tôi và Phó Thị Trưởng Thái Việt Phan tổ chức Hội Chợ Y Tế và giới thiệu với Cộng đồng các dịch vụ giúp phục vụ mọi cư dân trong thành phố hữu hiệu hơn. Chúng tôi cũng chào mừng Dân biểu Lou Correa đã đến với chúng ta, chứng tỏ ông rất quan tâm đến đời sống cư dân chúng ta.
Tại Clara Studio 15138 Goldenwest Circle Thành Phố Westminster vào lúc 1 giờ chiều Chủ Nhật, 14 tháng Tư năm 2024 Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ do Nhạc Sĩ Cao Minh Hưng làm Hội trưởng đã tổ chức thành công Chương Trình Văn Nghệ Tưởng Niệm Quốc Hận 30 tháng 4 với chủ đề "QUÊ HƯƠNG và TÌNH MẸ." Điều hợp chương trình do Nhạc Sĩ Cao Minh Hưng và MC Hồng Vân. Mở đầu với nghi thức chào cờ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ và phút mặc niệm do ban hợp ca Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ thực hiện.
Hiệp Hội Pháp Huy Công lý Người Mỹ gốc Á Nam California (AJSOCAL) đã công bố gói lập pháp năm 2024, bao gồm 04 ưu tiên nâng cao cộng đồng gốc Á. Các ưu tiên này nhằm mục đích tăng cường lực lượng lao động song ngữ, giáo dục những người lao động có trình độ Anh ngữ hạn chế về quyền lao động, cung cấp nghiên cứu về nạn buôn người và chấm dứt phương thức tuyển sinh truyền thống ở các trường đại học tư ở California.
– Vào trưa ngày Thứ Năm 11 tháng 4 2024, tổ chức Phục Vụ Truyền Thông Sắc Tộc (Ethnic Media Services -EMS), kết hợp với tổ chức Truyền Thông Gốc Phi California (California Black Media) đã có buổi họp báo qua zoom với giới truyền thông cộng đồng sắc tộc. Chủ đề của buổi họp báo là để giới thiệu về những đặc điểm ưu việt của chương trình Medi-Cal mở rộng. EMS dự định sẽ có 6 buổi họp báo về chủ đề này, nhằm nâng cao nhận thức của các cộng đồng sắc tộc về những cải tiến gần đầy của Medi-Cal.
EMS cảnh báo khuynh hướng xã hội ngày nay xem người gầy như một chuẩn mực, dẫn đến tâm lý sợ hãi cơ thể mập một cách thái quá, đặc biệt đối với phụ nữ và thanh thiếu niên.
Ngày 14 tháng 4, năm 2024, văn thi sĩ Y Thy Võ Phú có buổi ra mắt tập truyện ngắn "Xóm Chài" và tập thơ "Nhật Ký 6/8 2023" của anh tại Mason District Government Center. Với hơn 150 thân hữu và bạn hữu đã đến tham dự buổi ra mắt sách của văn thi sĩ trẻ trong vùng Hoa Thịnh Đốn.
kính mời quí đồng hương tham dự buổi nói chuyện với các vị tăng ni tu viện Lộc Uyển về những phương cách kết nối truyền thông trong gia đình, cải thiện liên hệ giữa cha mẹ con cái.
Medi-Cal hiện nay đang chăm sóc y tế cho khoảng 1/3 dân số California, đang đi đầu trong cuộc cách mạng y tế toàn dân ở nước Mỹ.
Sky River Casino hào hứng giới thiệu một loạt những chương trình khuyến mãi vô cùng kích thích vào Tháng Tư này, hứa hẹn một Mùa Xuân ngập tràn cơ hội vui đùa, kích thích, và trúng lớn. Thêm vào đó, Sky River Casino thật là hãnh diễn và kích thích loan báo việc vừa mới kết hợp với Đội Bóng Đá Sacramento Republic FC. Việc kết hợp này không chỉ nhằm mục đích nâng cao trải nghiệm giải trí cho quý vị khách cũng như 'fan' mà còn nhằm vinh danh và hỗ trợ di sản phong phú của Bộ tộc Wilton Rancheria và sự kết nối có từ thời tiên tổ của Bộ tộc với vùng Sacramento.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.