Hôm nay,  

Hội Ngộ Lần Đầu Sau 30 Năm: Họa Sĩ Mỹ Thuật Saigon-huế

18/04/200500:00:00(Xem: 6062)
Phân nửa tác phẩm lấy đề tài nữ tính...và vài tác phẩm liên hệ 30-4
Westminster (VB) . -Hai mươi chín họa sĩ thuộc hai trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Saigon và Huế đã hội ngộ lần đầu tiên sau 30 năm xa quê hương, trong một cuộc triễn lãm tưng bừng trưa Thứ bảy tại phòng hội báo Người Việt, trong đó có ít tác phẩm nhắc đến những kỷ niệm ngày quốc hận 30 tháng 4.
Họ thuộc thành phần cựu sinh viên và giáo sư của hai trường Mỹ thuật Huế-Saigon, đã cho công chúng Quận Cam xem hơn 50 tác phẩm nghệ thuật về họa, điêu khắc, sơn mài, mà trong số đó, các tác phẩm có vẽ hình phụ nữ chiếm tới 27 bức tranh. Những tác phẩm mô tả phụ nữ này thuộc các đề tài thiếu nữ, thiếu phụ, tình mẫu tử, khỏa thân, tình yêu, ..v.v.
Họa sĩ lớn tuổi nhất có tranh triển lãm là nữ họa sĩ Trương thị Thịnh (78 tuổi) tốt nghiệp khóa 1 Trường Quốc Gia Mỹ Thuật SAIGON. Họa sĩ trẻ nhất là anh Hồ thành Cung (sanh năm 1968) đang theo học dở dang tại Trường QGMT Saigon, sau đó vượt biên tới Phi năm 89, tốt nghiệp cử nhân hội họa CSU Fullerton.
Có 4 cựu sinh viên QGMT Saigon vắng mặt vì họ đã qua đời hoặc đang sống tại VN, nhưng được các nhà sưu tập tranh cho mượn chưng bày trong cuộc triển lãm để công chúng thưởng lãm. Đó là các họa sĩ Lê thành Nhơn, Đỗ quang Em, Trịnh Cung, Nguyễn Trung và Hồ hữu Thủ.
Hầu hết những người còn lại đều hiện diện trong cuộc triển lãm được ghi nhận là này hiếm có này. Đó là các nam nữ họa sĩ: Nguyễn Siên, Ngô Bảo, Trương Thị Thịnh, Vũ Thị Ngà, Đinh Cường, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Trọng Khôi, Nguyễn Phước, Nguyễn Quỳnh, Rừng, Hồ Thành Đức, Nguyên Khai, Nguyễn Lâm, Dương Văn Hùng, Ann Phong, Phạm Hoàng, Huỳnh Minh Chí, Phanngy, Thanh Trí, Nguyễn Thị Hợp, Tôn Nữ Liên Tâm, Hồ Thành Cung, Lâm Vĩnh Phú, Võ Hồng Diệp.
Cuộc triển lãm do DAN CHI ART GALLERY tổ chức, được báo Người Việt bảo trợ.
Bốn họa sĩ của ban tổ chức đã được khen tặng là "có tình với nghệ thuật và đồng nghiệp, những con người dạt dào tình cảm, đáp ứng lòng mong ước của anh chị em cựu sinh viên các trường quốc gia mỹ thuật trước 75", theo lời nữ họa sĩ Thanh Trí (khóa 1 Mỹ thuật HUẾ) baỳ tỏ cảm tưởng. Một nhà báo nói việc tập họp lại tinh hoa về hội họa của các cựu sinh viên sau 30 năm sống ở hải ngoại, là một sự kiện hi hữu. Trong khi đó, nhà sưu tập tranh Đỗ viết Thanh và một nữ khán giả tên Phạm thị Ngân cùng đánh giá "cuộc tập hợp các tác phẩm họa này rất có giá trị , tuy còn thiếu mặt một số họa sĩ tên tuổi khác. "Những tác phẩm thật đa dạng, phản ảnh những tài năng khác nhau. Tôi thích nhất là bức "enjoying music" của Nguyễn Siên ,có nét vẽ cổ điển của Pháp được dung nạp như là đường nét hội họa mới trong thời kỳ trường mỹ thuật Đông Dương", theo lời ông Thanh. Khi được hỏi nhận xét về số lượng phân nửa tranh chưng bày đều chọn đề tài có dính dáng tới phụ nữ, nhà sưu tập tranh trên nói "vì phụ nữ luôn biểu tượng cho cái đẹp. Họ là phái đẹp, nên dễ hiểu là đề tài muôn thuở của họa sĩ và thi nhân!"

Tuy vậy, người xem cũng tìm thấy vài ba bức tranh ngoài giá trị nghệ thuật, có liên quan tới biến cố 30 tháng 4. Bức tranh trên lụa "SADNESS" của Phan Ngy Nguyễn hữu Lộc mô tả một thiếu nữ chống tay tư lự. Họa sĩ Lộc giải thích cho một số khán giả đang xem: "tranh này được vẽ từ 29 năm nay, diễn tả nỗi buồn mất quê hương của chúng tôi khi đến Mỹ! Tôi còn hai bức khác không có trong cuộc triển lãm này, vẽ con tàu vượt biện trước bão tố, hiện được chưng tại viện bảo tàng TT Ford"
Bức tranh sơn mài "Nhớ Rừng" của Lâm vĩnh Phú vẽ một con cọp đứng trong cũi với cặp mắt căm hờn. Họa sĩ Phú nói tranh hổ nhớ rừng này được gợi ý từ thơ của Thế Lữ, nhằm nói tâm tư của tôi lúc tôi bị tù sau 30 tháng 4 1975. "Gặm một mối căm hờn trong cũi sắt, Ta nằm dài trong bóng tối dần qua".
Tại một góc khác cạnh sân khấu, bức "Searching" của Ann Phong cũng thu hút nhiều người xem. Nữ họa sĩ này có sở trường tranh biểu hiện, mô tả trong tranhû sự tìm kiếm những kỷ niệm quá khứ trên những lá khô tan vữa của thời gian. "Trong quá khứ ấy, tôi không quên được những con thuyền vượt biên tìm tự do của người Việt, nên trong tranh có hình dáng 3 chiếc thuyền..", Ann Phong giải thích.
Nữ họa sĩ cao niên nhất, Bà Trương thị Thịnh muốn người xem "trở về với quê hương bằng cách diễn tả một thiếu nữ tân thời lại mang đôi guốc gỗ" trong bức "đôi guốc mộc", tranh son dầu. Tranh vẽ thiếu nữ ngồi bên cầu ao có cành sen vây bọc, với đôi mắt nhắm lại như mơ mộng gì đó. Nữ họa sĩ Thịnh nói, "nói tới quê hương thì rộng quá, mênh mông quá, tôi nghĩ người ta chỉ cần nhìn sự mộc mạc qua đôi guốc gỗ, là liên tưởng tới được quê hương".
Trong tập tranh "Nửa thế kỷ sống với màu sắc", nữ họa sĩ này được họa sĩ Tú Duyên khen là "đã gần 80 tuổi mà vẫn luôn hướng về quê nhà, là điều đáng quí, sau bao năm sống xa nhà, tác phẩm vẫn giữ được phong cách mạnh khỏe, xen lãng mạn, tạo một dấu ấn riêng. Ta từng tự hào với nữ họa sĩ Lê thị Lựu, thì nay nữ họa sĩ Trương thị Thịnh cũng xứng đáng là hoạ sị tiêu biểu của thế kỷ".
Một bức tranh khác chỉ vẽ đơn giản hai tàu lá chuối vươn lên dưới vừng dương, cũng tạo ấn tượng cho người xem. Nữ họa sĩ Võ thị Hồng Diệp đặt tên cho bức sơn dầu đó là "The sun and homeland".
Đặc biệt Hồ thành Cung chưng ngay cửa bước vào tác phẩm digital paiting độc đáo với tựa "LOVE". Anh là người trẻ nhất (37 tuổi) trong số 29 họa sĩ có tranh triển lãm.
Cuộc triển lãm được nhiều viên chức chính quyền địa phương quan tâm, đến dự. Một trong những viên chức, Ông Peter Nguyễn (ủy viên văn hóa Westminster) nói rất tự hào về cuộc triển lãm, "nó cho người Hoa kỳ thấy tài năng hội họa của cộng đồng VN, thể hiện văn hóa nghệ thuật của người VN"...
(Nguyên Hiền thuật)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.