Hôm nay,  

Giới Thiệu Hoàng Vi Kha: Văn, Thơ, Họa

31/07/201500:00:00(Xem: 4805)

“Book Club” trong Nhà Việt Nam/Hoa Thịnh Đốn đã tổ chức một chương trình với chủ đề nối kết hai thế hệ qua sinh hoạt văn học, nghệ thuật, đã giới thiệu Hoàng Vi Kha, vừa là Nhà văn – Nhà thơ và là Họa sĩ, vào lúc 3 giờ chiều ngày 18 Tháng 7, 2015 tại trụ sở Nhà Việt Nam ở Falls Church, Virginia.

Có khoảng sáu mươi quan khách tham dự, trong đó có sự hiện diện Giáo sư Nguyễn Ngọc Linh, GS Nguyễn Ngọc Bích, Nhà văn Sơn Tùng, nhà văn Hồng Thủy, Nhà văn Lê Thị Nhị cùng rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng ở vùng Hoa Thịnh Đốn.

Nhà Báo Đào Trường Phúc điều hợp chương trình, ông giới thiệu sơ qua về Hoàng Vi Kha. Anh là một người trẻ tuổi, tài hoa, vừa viết văn, làm thơ và vẽ tranh lịch sử. Hoàng Vi Kha tên thật là Trần Chiêu Anh Tuấn, sinh năm 1970 tại Saigon, vượt biên năm 1988, định cư Hoa Kỳ năm 1991. Hiện anh cư ngụ tại Virginia, công việc chính là kỹ sư công nghệ thông tin. Hoàng Vi Kha hiện là Hiệu trưởng trường Việt Ngữ Thăng Long, là họa sĩ viết và vẽ truyện tranh cho Viet Toon, anh đã vẽ trên 110 bức tranh các anh hùng dân tộc VN. Ngoài ra anh cũng tham gia nhiều sinh hoạt trong cộng đồng như Tinh Hoa Nuớc Việt.

Hoàng Vi Kha đã xuất bản năm tác phẩm là Khóe Nhìn, truyện ngắn, năm 2006; Yêu, tập thơ, năm 2006; Hành Trình Tìm Tự Do, tập tự truyện, năm 2008; 40 Lan Man truyện ngắn, năm 2015 và Một Thuở Học Trò, tập truyện ngắn, năm 2015.

Ngoài ra Hoàng Vi Kha còn nhiều văn thơ chưa xuất bản, đăng trải ở nhiều diễn đàn như Chim Viễn Xứ, Điên, Dòng Sông Mây Trắng, Sen và Trăng (Thơ), Đồng Hành, Tản văn (truyện ngắn) năm 2000.

blank
Trong buổi lễ.

Về tranh vẽ, Hoàng Vi Kha có nhiều truyện tranh Thiếu Nhi (do Viet Toon thực hiện) như Việt Nam Anh Hùng (5 tập), Rồng Nam Tiên Mai (3 tập) (sách song ngữ, dùng làm tài liệu phụ giảng lịch sử VN).

Hai Bà Trưng, An Dương Vương, Phù Đổng Thiên Vuơng (Truyện song ngữ). Hoàng Vi Kha từng thực hiện bộ truyện tranh bốn tập vẽ tay kiếm hiệp dã sử Ngọc Kỳ Lân tại trại tị nạn ở Thái Lan năm 1988 – 1989.

Ngoài ra Hoàng Vi Kha còn có bộ tranh Việt Nam Anh Hùng gồm72 bức tranh minh họa các anh hùng liệt nữ dân tộc từ thời đại Hùng Vuơng tới giai đoạn chống Pháp. Bộ tranh Việt Nam Tinh Hoa gồm 40 bức tranh minh họa một số danh nhân VN qua lãnh vực văn học, khoa học, y học và các nét tiêu biểu văn hóa cổ truyền (âm nhạc, tập quán).

Sau đó chị Trịnh Bình An giới thiệu qua các tác phẩm của Hoàng Vi Kha. Quyển hồi ký Hành Trình Tìm Tự Do dày 145 trang, là một tự truyện. Tuy chuyến vượt biên chỉ dài đúng một tuần nhưng cũng đủ cho những con người trên đó lãnh chịu những tai uơng thảm khóc. Mãi 20 năm sau, những hình ảnh của chuyến hải hành kinh hoàng vẫn không phai mờ trong tim óc tác giả. Có thể nói Hồi ký Hành Trình TìmTự Do là chứng nhân của thảm trạng thuyền nhân, nhưng mặt khác là sự công nhận những hiện tượng siêu nhiên.


Khóe Nhìn là tập truyện ngắn 400 trang, gồm hai tập truyện mang tên Tản Mạn Tháng Sáu và Còn Có Một Ngày Mai in vào năm 2005, đánh dấu kỷ niệm 20 năm khởi “Nghiệp”. Khóe Nhìn gồm có 41 chuyện ngắn ghi nhận trung thực về một giai đoạn đau thương nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Yêu gồm 250 bài thơ, in năm 2005, gồm các thi tập Phượng Hồng, Hai Phương Trời Nhớ, Ta Cảm Ơn Đời Lại Có Em, Đau Thương …đánh dấu 20 năm yêu và …thơ.

40 Lan Man là tập truyện ngắn 100 trang, đánh dấu 40 năm cuộc đời tị nạn ly hương nhưng luôn hướng về đất mẹ. Đó cũng là 40 ngọn nến thắp lên trong đêm tối mịt mùng.

blank
Trong buổi lễ.

Một Thuở Học Trò, tập truyện ngắn 255 trang. Những cô bé, cậu bé học sinh tràn đầy nhựa sống, tuy ngây ngô nhưng bắt đầu biết làm duyên, biết mơ mộng, biết nhớ nhung và biết làm thơ. Nhưng trong vùng trời hoa bướm ấy vẫn không thoát những đám mây mờ đục. Đó là chuyện của những người cha, của những người mẹ, của thế hệ đầy gian nan trong chiến tranh và càng khổ nhọc thêm sau chiến cuộc.

Qua tác phẩm của Hoàng Vi Kha, trong sự hoài cảm bay bổng vẫn dành một chốn riêng cho những mất mát, tang thương để trân trọng, để tuởng nhớ.

Về tranh vẽ, Hoàng Vi Kha và Công Xuân Tùng là hai người bạn từ thời trung học, nay họ đến với nhau vì có cùng mơ ước “Tạo ra một bước đi mới trong việc sáng tác truyện tranh dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng Việt Nam và thông qua đó nhằm khích lệ tinh thần tự hào dân tộc và góp phần vào tư liệu giảng dạy tiếng Việt ở hải ngoại”.

Vì đối tượng phục vụ của Viet Toon là trẻ em Việt Nam tại hải ngoại và người ngoại quốc, với mục đích khêu gợi sự hiếu kỳ để rồi yêu thích và tìm đến đọc lịch sử Việt Nam. Viêt Toon quyết định vẽ tranh theo các lối vẽ hiện đang thịnh hành của truyện tranh Mỹ (DC Comics, Fantasy Art, Digital Art) để tạo sức lôi cuốn.

Sau đó Anh Hoàng Vi Kha có vài lời tâm tình với khán giả, nói về những ngày anh sống ở Việt Nam, lý do anh và gia đình vượt biên tìm tự do cũng như lý do vì sao anh mơ uớc làm Thầy Giáo và viết văn. Anh Hoàng Vi Kha giới thiệu về Viet Toon và Chương Trình Tinh Hoa Nươc Việt. Đó là một chương trình văn nghệ, văn hóa lịch sử được tổ chức hằng năm với mục đích chính là nhằm giúp các thanh thiếu niên Mỹ gốc Việt biết được nguồn gốc mình là người Việt Nam để từ đó có thể yêu thương quê hương đất nước và dân tộc hơn.

Chương trình giới thiệu sách, thơ và tranh vẽ lịch sử của Hoàng Vi Kha được chấm dứt lúc 5 giờ chiều.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.