Hôm nay,  

Một Ngày Vui Trong Nursing Home

07/11/201300:00:00(Xem: 7887)
Vừa vào bãi đậu xe, tôi nhìn thấy một nhóm anh chị mặc áo quần hóa trang đang đi dần vào bên trong viện dưỡng lão. Tôi nhanh chóng tiến về phía họ và được anh BS. Bùi Cao Đệ, một thành viên kỳ cựu của ban nhạc “Chân Quê”, giới thiệu từng người. Vị nào cũng mang mặt nạ và trang phục kiểu Halloween. Ngoài những anh chị ca sĩ, nhạc sĩ cố hữu của “Chân Quê” như quý chị Diamond Bích Ngọc (MC, guitar accord & trống), Thanh Hằng, Thùy Liêm, Lan Anh, quý anh Thái Nguyên (keyboard), nhạc-sĩ kỳ cựu Châu Hiệp (lead guitar), Trung Chánh (bass), Quốc-Hùng (Black Caps)… còn có ba ca sĩ thân hữu: Tuyết Nhung, Phượng Linh, “TV Chi Bảo” Phương Hồng Quế và ái nữ là cô sinh viên trẻ Cát Phương.

Hôm nay tôi đến Nursing Home: Garden Park Center nằm trên đường Haster, thành phố Garden Grove. Lòng muốn tham dự một buổi trình diễn văn nghệ của gia đình “Chân Quê” để luôn tiện tìm hiểu sinh hoạt của một viện dưỡng lão ở Quận Cam trong buổi sáng cuối tuần khiến tôi quyết định “mạo hiểm” và từ chối uống cà phê với nhóm bạn thân. Tôi không mấy nghĩ nhiều về viện dưỡng lão, có lẽ do tinh thần chối bỏ của một người đang bước dần vào tuổi vàng.

Trong phòng sinh hoạt, khoảng chừng hai mươi lăm cụ ông cụ bà, đa số ngồi trên xe lăn, đang làm những động tác thể thao nhẹ như giang tay dở chân dưới sự điều hợp của anh Nguyễn Lâm, một nhân viên phụ trách sinh hoạt của trung tâm. Cụ nào cũng ăn mặt sạch sẽ thơm tho, râu tóc tươm tất. Cụ nào cũng có tất, có giày. Có cụ được quấn thêm chăn bông nhẹ trên người, hay khăn quàng ở cổ. Các xe lăn được sắp xếp theo từng hàng ngay ngắn. Gần cửa đi ra sân chơi là hàng ghế để dọc theo bờ tường. Tùy theo tình trạng sức khỏe, có những cụ xử dụng gậy bốn chân tự mình bước đến ngồi trên ghế, có cụ được nhân viên dẫn ra đặt ngồi vào ghế; lại có những cụ kém hơn ngồi hẳn trên xe lăn, thỉnh thoảng ngước mắt nhìn xung quanh một cách xa lạ. Cũng có vài cụ nằm dài trên xe, đầu gục xuống như không còn hiểu biết bao nhiêu. Tuy nhiên, sự săn sóc hoàn toàn giống nhau cho mọi người bằng cách từ tốn, nhẹ nhàng, ưu ái, nhân hậu và cảm thông. Chính anh Lâm đem đến tận tay các cụ còn hiểu biết những ly nước sinh tố, hay trà nóng, trà đá cùng với bánh cup cake hoặc vài miếng trái cây cắt sẵn để trên dĩa nhỏ. Đây đó bên cạnh vài cụ là các thân nhân đến thăm.

Ở góc phòng sinh hoạt ngay liền lối vào cửa chính, ban nhạc đang bận rộn với các nhạc cụ và hệ thống âm thanh. Tôi thật tình ngạc nhiên khi biết không phải là một one man band như tôi thường thấy ở hầu hết các cuộc trình diễn văn nghệ của các hội đoàn hay tiệc mừng, ngay khi cả trăm người tham dự. Tôi nhìn thấy ban nhạc “Chân Quê” có 1 key board, 2 lead guitars, 1 đàn bass và 1 piano (có sẵn của trung-tâm để anh Quốc-Hùng trong ban biểu diễn). Quả là một sự trân quý và trang trọng đặc biệt cho chỉ với chừng ấy khán giả cao niên của viện!

Với một giọng nói nhẹ nhàng và trìu mến, rất chuẩn như trong bất cứ một buổi trình diễn văn nghệ chuyên nghiệp, chị MC Bích Ngọc bắt đầu mở lời chào đến các cụ, giới thiệu sơ về ban nhạc “Chân Quê” cùng chương trình đặc biệt cho mùa Halloween. Giọng nói ngọt ngào tự nhiên của Chị, cùng những câu hỏi kèm theo câu trả lời ngắn,gọn và dễ hiểu, đã làm không khí trong phòng sinh hoạt bỗng nhộn lên, lôi cuốn ngay sự chú ý của những cụ ông cụ bà. Tôi nhìn thấy những thân hình chợt ngồi thẳng, đầu đưa cao hơn, ánh mắt mở lớn nhìn thẳng vào ban nhạc. Như trông đợi một niềm vui đang đến, như sẵn sàng lắng nghe những lời ca tiếng nhạc. Có cụ chỉ ngước nhìn thôi với một thoáng ngạc nhiên, tò mò. Đây đó là những tiếng vỗ tay của các cụ, nhân viên y tá và người nhà của bệnh nhân.

MC Bích Ngọc tuần tự giới thiệu các ca sĩ thân hữu, bắt đầu với chị Phương Hồng Quế hát hai bài “Hai Vì Sao Lạc” và “Tôi Yêu Quê Tôi”, rồi đến chị Phượng Linh, trong bộ đồ hoá trang con mèo, vừa trình bày hai bản “Bảy Ngày Đợi Mong” và “Anh Chờ Em Trở Lại” vừa di chuyển đến gần thân mẫu của Chị đang ngồi trên xe lăn ở hàng thứ hai và ôm lấy mẹ mình nhiều lần. Tôi nhìn thấy ánh mắt người mẹ vụt sáng, thần sắc tươi lên, sung sướng bên cạnh con. Dù được che dấu bởi mặt nạ, đôi khi tiếng hát run run của Chị cũng nói lên đưọc sự xúc cảm của mình. Kế đến là chị Tuyết Nhung với bài “You Are My Soul, You Are My Heart” thật vui nhộn; Tuyết Nhung là một tên tuổi trong làng nhạc trẻ và cũng từng có bà ngoại đã ở 12 năm trong viện dưỡng lão này trước khi mất.
nursing-home-py-resized
Giúp vui trong nursing home.

Tôi được dẫn đến ngồi bên cạnh một bệnh nhân trẻ tuổi, được biết cô bị mất trí nhớ và bệnh động kinh vì chấn thương sọ não do tai nạn lưu thông; tên cô là Tina Thái, 38 tuổi, khoe biết nói và đọc được cả tiếng Mỹ lẫn tiếng Mễ. Tina rất bình thường với ngoại hình, tuy giọng nói khó khăn như bị mắc nghẹn trong cổ. Cô ngồi trên xe lăn, nhưng tự đẩy xe cho mình. Có lẽ Tina là người linh động nhất trong nhóm. Không những cô hát và đánh nhịp theo tiếng nhạc, mà còn thỉnh thoảng đứng hẳn lên khỏi xe lăn, uốn éo thân hình, múa tay chân, lắc đầu theo điệu nhạc giật gân của những bài hát ngoại quốc.

Trong thời gian trình diễn nhạc, có thêm những chiếc xe lăn tiếp tục được đẩy vào phòng sinh hoạt. Và mỗi lúc không khí càng vui nhộn hơn, dù sau khi 3 chị ca sĩ thân hữu PHQuế, Tuyết Nhung và Phượng Linh chào ra về, dành trọn thời gian còn lại cho những anh chị ca sĩ cố hữu của nhóm “Chân Quê”.

Hai bản nhạc “Nếu Có Yêu Tôi” và “And I Love You So” của anh BS. Bùi Cao Đệ cùng với những bản khác như “Hello Mary Lou”, “Gosh Rider in the Sky”, “Top of The World”, “Only You”, “Sway”…do các anh chị Quốc Hùng, Thanh Hằng, Thùy Liêm, Lan Anh, Thái Nguyên, Bích Ngọc làm không khí vui nhộn hẳn lên, một phần do các nhạc sĩ trình diễn thật tình mà cũng vì điệu nhạc lôi cuốn, âm thanh sống động khiến các thính giả, dù cao niên cũng khó ngồi yên, nên đã cùng hòa nhịp bằng cách lúc lắc thân hình, hoặc vỗ tay nhịp nhàng theo từng câu hát.

Từ xa, tôi thấy một chị đứng bên cạnh một cụ bà nằm mơ màng trên xe lăn ở gần cuối phòng. Thỉnh thoảng chị cúi sát gần với bà cụ như thể lập lại những câu hát cho bà nghe. Tôi bước đến thăm hỏi chị và được cho biết chị là con dâu đến thăm mẹ chồng mỗi ngày, kể cả cuối tuần, từ khi bà cụ nhập vào viện dưỡng lão này nhiều năm qua, và hầu như chị có mặt trong tất cả những lần trình diễn của gia đình “Chân Quê” tại đây. “Tôi thấy ban nhạc làm việc rất chí tình, các anh chị trong đoàn rất tử tế, nồng nhiệt, thật dễ thương và tôi rất hoan nghênh tinh thần làm việc vô vụ lợi của nhóm này”. Đó là lời chị khi tôi hỏi cảm tưởng của chị như thế nào về ban nhạc “Chân Quê”. Qua câu chuyện và nhìn cách chị săn sóc nhạc mẫu, bà cụ quả có đại phước khi có được người con dâu hiền hiếu thảo như vậy!

Tôi tìm đến nói chuyện với anh Nguyễn Lâm. Anh cho biết Anh làm việc tại trung tâm điều dưỡng Garden Park Care Center này khoảng gần mười năm. Nhìn Anh săn sóc các cụ cao niên một cách tận tình chu đáo, tiếp xúc thân mật với những thân nhân và qua cách Anh trao đổi câu chuyện, tôi thấy ở Anh một mẫu người rất từ tâm, có tấm lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Anh nhanh nhẹn trong công việc, di chuyển thường xuyên giữa những xe lăn để tìm hiểu nhu cầu của các cụ. Anh ăn nói từ tốn, nhẹ nhàng và chính xác. Tuy thỉnh thoảng cũng cười đùa với những người xung quanh, tôi vẫn thấy một nổi u sầu trong ánh mắt của anh. Khi được hỏi đến, anh trầm giọng trả lời “ Những người đã rời nhà vào đây, không sớm thì muộn, sẽ chỉ có một con đường exit. Cho nên mình làm được những gì cho họ thích, họ vui, họ thoải mái, cho họ sống lâu…thì mình nên làm. Vì rồi đây, mình cũng sẽ như họ mà thôi…” Anh có chỉ cho tôi 2 cựu Thiếu Tá Biệt Đông Quân, 2 cựu Đại Úy, bà chị của một Phó Tổng Thống, thân mẫu của một BS, một người gốc Đại Hàn, 2 người gốc Mỹ trong số những bệnh nhân hiện diện trong phòng.

Anh Lâm dẫn tôi đi tham quan một vòng nhỏ trong viện. Các dãy hành lang sáng trưng sạch sẽ, nền nhà bóng loáng; không khí rất thoáng và nhất là không có một mùi bất thường khiến ta khó nghĩ đây là Nursing Home. Nhìn vào các phòng, nhiều nhân viên đang dọn dẹp, săn sóc, chải tóc…cho các thân chủ của mình. Khi đến gần một người Mỹ da trắng đang đẩy một xe lăn trong lobby, anh Lâm dừng lại và giới thiệu với tôi. Anh Michael, 53 tuổi, cho biết người đang mơ màng nằm dài trên xe lăn là vợ của Anh, bà Andrea. Trông bà khá trẻ dù bà đã vào viện dưỡng lão từ trên 3 năm qua, sau cơn tai biến mạch máu não.

Vóc người cao lớn, nhưng Michael lại có một giọng nói rất nhỏ nhẹ, mặt mày thật hiền lành. Anh cho biết không có ngày nào là anh không đến thăm vợ vào mỗi buổi chiều, sau khi rời chỗ làm. Có nhiều khi quá mệt, anh tưởng như không thể đến được, nhưng mỗi lần như vậy anh luôn nghĩ vợ anh cần anh bên cạnh, cần nghe tiếng nói của anh, cho dù sự hiểu biết của bà mỗi ngày một kém dần. Khi vợ anh cần được đưa ra bên ngoài khám bệnh chuyên môn, anh cũng xin phép nghỉ làm vì Anh muốn cùng đi theo để tìm hiểu bệnh trạng của vợ. Michael và tôi nói chuyện rất hợp khi cùng nhắc đến thành phố New Orleans và tiểu bang Louisiana, nơi anh đã gặp Andrea và lấy nàng. Đó cũng là nơi tôi đã từng hành nghề chuyên môn gần 20 năm; chúng tôi lại càng thông cảm hơn sau khi tôi thật tình thổ lộ con gái đầu của tôi cũng tàn tật. Anh nói “Tôi chơi đàn vì tôi biết nhà tôi rất muốn nghe- nhiều hay ít, có hay không có nghe được- tôi không cần biết. Có điều nếu tôi ngưng chơi đàn, thôi nói chuyện thì chắc nàng đã chết từ lâu rồi…” Trước đó, tôi đã được anh Lâm cho biết Michael lần nào cũng gảy đàn guitar và hát cho vợ nghe mỗi khi đến thăm.

Về lại phòng sinh hoạt, chương trình văn nghệ vẫn đang sôi động với những bản nhạc quen thuộc như “Thu Quyến Rũ”, “Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay”, “Để Quên Con Tim”, “ Anh Còn Nợ Em”…và vợ chồng anh Thái Nguyên & chị Bích Ngọc song ca một bản dân ca rất được ưa chuộng vì cô Tina và một vài cụ ông cùng hát theo một cách thích thú. Nhìn từ cuối phòng hướng về phía ban nhạc, sinh hoạt đang diễn tiến rất hào hứng. Vừa khi ấy, tôi thấy một anh cũng lớn tuổi từ từ phân phát báo đến tận tay cho các cụ ngồi trên ghế. Anh Lý, tên của người đưa báo, cho biết anh làm công việc phân phối báo vào cuối tuần cho nhiều viện dưỡng lão trong Quận Cam từ nhiều năm qua, và các nơi phát hành tuần báo đều biết công việc thiện nguyện của anh nên họ dành sẵn một số báo chờ anh đến lấy vào mỗi cuối tuần. “Tôi không thuộc hội đoàn, nhóm hay tôn giáo nào cả. Tôi tự động làm vì muốn mình mang chút niềm vui đến cho các cụ cao niên còn đọc được”.
nursing-home-1-resized
Giúp vui trong nursing home.

Tôi chợt nghĩ: “Chỉ đơn giản như thế, nhưng mấy ai nghĩ đến! Mấy ai cùng làm được việc này như anh Lý!?”

Vừa xong câu chuyện với anh Lý, tôi gặp người quản lý của viện Garden Park Care Center. Ông Ronald Ellenich cho biết viện có 120 giường, đa văn hóa với nhiều chủng tộc khác nhau, trong đó có khoảng gần 30 người Việt. Ông tự hào cơ sở này là nơi đầu tiên trong quận có riêng một chương trình sinh hoạt hoàn toàn do người Việt tổ chức cho người Việt. Tuy vậy, vẫn có vài người gốc Đại Hàn, Trung Hoa, Mễ cũng như gốc Mỹ cùng tham gia chung, và nhóm “Chân Quê” cũng biết điều đó nên họ thường trình diễn những bản nhạc Mỹ, Tây Ban Nha… xen kẽ với những nhạc Việt Nam. Ông ta vui mừng thật sự khi tôi nói lên những nhận định và cảm tưởng tốt đẹp của mình về trung tâm này.

Tôi cũng có cơ hội tiếp xúc với một thân nhân khác đang cùng đứng tham dự văn nghệ bên cạnh tôi ở cuối phòng. Anh Trình, nguyên là một Dược Sĩ từng làm việc ở Đà Nẵng trước 1975, cùng một lứa tuổi và từng quen biết trước đây với ông anh của tôi và nhiều người gốc Huế khác như BS. Nguyễn Văn Tự, BS. Lê Xuân Công, BS. Bùi Xuân Nhiếp,Thẩm Phán Ngô Bút... Trước đây anh định cư ở Las Vegas, nhưng từ 2 năm rưỡi qua, anh mua một căn nhà ở gần viện dưỡng lão nầy để tiện chăm lo săn sóc hàng ngày cho…nhạc mẫu!? Bà cụ nay đã 92 tuổi và đang trong tình trang hôn mê. Vợ anh vì bận công ăn việc làm tại Las Vegas, vẫn đi đi về về thăm Mẹ và chồng mỗi 2 tuần. Quả là một người con rể chí hiếu!

Trước khi mãn chương trình văn nghệ, MC Bích Ngọc yêu cầu toàn khán thính giả đồng hát bài “It’s Time To Say Good Bye” cùng với ban nhạc “Chân Quê”. Có lẽ bài hát này quen thuộc, nên tôi nhìn thấy nhiều cụ, nhất là các cụ ông, bắt giọng hát theo một cách tự nhiên. Một truyền thống vui, đáng khích lệ cho một buổi sinh hoạt văn nghệ cộng đồng. Cuối bài, các anh chị trong ban nhạc đến bắt tay với từng cụ ông, cụ bà, nói lời chào tạm biệt trước khi ra về. Anh Nguyễn Lâm có vài lời cám ơn ban nhạc và đã đọc bài thơ của anh Lý (người thiện-nguyện phát báo nói trên) như để thân tặng lại cho gia đình “Chân Quê”:

“Tôi đuổi theo những chiếc lá thu vàng
Và vấp ngã
Đến mùa đông tôi không còn đứng lên được
Và rồi chỉ nghe
Những tiếng hát mơ hồ
Từ nơi nào đó trong cõi Trời
Từ quê hương nhiều kỷ niệm
Như giấc mơ bay xa…và mùa xuân trở lại…”


Anh Lâm giải thích thêm ý câu cuối bài thơ là gia đình “Chân Quê” đang mang mùa xuân trở lại cho các bệnh nhân dù mùa đông lạnh lẽo đang đến dần ngoài kia.

Cám ơn anh Lâm, cám ơn ban điều hành viện dưỡng lão đã săn sóc các bệnh nhân một cách tốt đẹp trong một môi trường ấm cúng đầy tình thương. Cám ơn ban nhạc “Chân Quê”, cám ơn các anh, các chị trong gia đình “Chân Quê” đã thường xuyên,từ 13 năm qua, âm thầm mang âm nhạc làm niềm vui cho các cụ. Cám ơn những thân nhân mà sự hiện diện trung thành bên cạnh người nhà đã làm cho họ nhận biết không bị quên lãng. Cám ơn những tình nguyện viên, những người mà tôi vừa gặp hay chưa gặp, đã không ít thì nhiều dự phần đóng góp vào việc nâng cao phẩm chất đời sống của các vị cao niên đang sống âm thầm trong viện dưỡng lão. Quý vị đã thật sự mang đến cho họ hạnh phúc của mùa xuân, nắng ấm cho mùa đông.

Trời thật xanh và trong khi tôi bắt đầu rời Garden Park Care Center. Lòng tôi chan chứa một niềm phấn khởi khó tả, thầm cám ơn đời cho tôi vẫn thấy yêu thương xung quanh mình, và ngất ngây như vừa nhìn thấy được những nét chấm phá tuyệt đẹp đầy sắc màu trong bức tranh bốn mùa của đời người.

Bác-Sĩ Vĩnh Chánh

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Biến cố 30 tháng Tư năm 1975 đã ảnh hưởng thế nào đến bản thân, gia đình và để lại trong bạn những ảnh hưởng gì? Hãy chia xẻ bằng cách tham gia vào Cuộc triển lãm: Suy Tư Về Ngày 30 Tháng Tư Năm 1975 do Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt tổ chức, qua việc thể hiện những câu chuyện bằng hình họa và các bức ảnh miêu tả về những sự kiện lịch sử xoay quanh ngày 30 tháng 4 năm 1975, cùng những hậu quả lâu dài như tù “cải tạo”, vượt biên, kinh tế mới, đời sống tỵ nạn hải ngoại, mối quan hệ giữa những thế hệ gốc Việt. Hạn chót: Trước 11 giờ 59 phút khuya ngày 1 Tháng 4 Năm 2024. Đọc thêm để biết rõ về chi tiết, thể lệ, chủ đề...
Ông tên là LĐL (xin viết tắt vì vấn đề an ninh, nếu có người bảo trợ chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ chi tiết). Ông L hiện đang sống vất vưởng ở Thái Lan từ hàng chục năm qua như hàng trăm người tị nạn Việt Nam khác đang sống tại Vương quốc này. Ông đã phải bỏ nước ra đi lánh nạn Cộng Sản và tránh sự ngược đãi những cựu QNVNCH ở quê nhà hiện nay. Ông LĐL là quân nhân phục vụ tại Tiểu Đoàn 7 Nhẩy Dù, sau tháng Tư, 1975 ông đã trốn trình diện, sau đó lưu lạc sang Cam Bốt từ năm 1981, rồi qua Thái Lan năm 2003.
Những buổi học này không chỉ là về đường nét và màu sắc, mà còn mở ra một hành trình đáng yêu với câu chuyện, tạo ra những kí ức bền vững và xây dựng mối quan hệ ý nghĩa. Hãy đưa gia đình của bạn đến trải nghiệm nghệ thuật đặc biệt này, nơi không chỉ học về nghệ thuật mà còn kết nối qua sự sáng tạo và khám phá về biểu đạt nghệ thuật.
Lời khuyên để bảo vệ khách hàng khi SCE đang chấp nhận các hình thức trả hóa đơn ngày càng phổ biến. Từ Tháng Giêng, Southern California Edison bắt đầu nhận tiền trả hóa đơn của khách hàng bằng ví kỹ thuật số từ Apple Pay, Google Pay, PayPal và Venmo. Công ty đang chấp nhận việc sử dụng một số ứng dụng trả hóa đơn trên điện thoại cầm tay vì những ứng dụng này ngày càng trở nên phổ biến với khách hàng. Mặc dù các ứng dụng ví kỹ thuật số rất tiện lợi, nhưng phương thức trả hóa đơn này cũng trở thành mục tiêu của những kẻ lừa đảo nhằm đánh cắp tiền và thông tin cá nhân của khách hàng. Là một phần trong Tuần Lễ Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Quốc Gia từ ngày 3 đến ngày 9 tháng Ba, SCE nhắc nhở khách hàng đề cao cảnh giác và tránh các hành vi lừa đảo liên quan đến việc trả hóa đơn bằng ví kỹ thuật số.
Hai giai đoạn đăng ký khác nhau cho bảo hiểm Medicare sẽ kết thúc vào ngày 31 tháng 3, đó là GEP (Giai đoạn đăng ký chung - General Enrollment Period) và MA OEP (Giai đoạn đăng ký mở Medicare Advantage). Hãy gọi điện hoặc email cho chúng tôi để được hỗ trợ đăng ký. Nếu quý vị có thêm câu hỏi về Medicare, Medicaid, thị trường bảo hiểm y tế theo Đạo luật chăm sóc giá cả phải chăng, phúc lợi hưu trí an sinh xã hội, thu nhập an sinh bổ sung hoặc tiêm chủng ngừa COVID/Cúm, quý vị có thể gọi điện hoặc email chúng tôi ngay hôm nay bằng 3 cách:
Vào trưa ngày Thứ Năm 7 tháng 3 2024, tổ chức Phục Vụ Truyền Thông Sắc Tộc (Ethnic Media Services -EMS), kết hợp với California Department of Aging ( CDA- Bộ Phụ Trách Vấn Đề Lão Hóa) đã có buổi họp báo qua zoom với giới truyền thông cộng đồng sắc tộc. Chủ đề của buổi họp báo là giới thiệu những khóa học cả trên mạng và tại lớp của CalGrows dành cho những người chăm sóc (caregivers) về cách chăm sóc sức khỏe cho người cao niên.
Sky River Casino hãnh diện thông báo tưng bừng khai trương The Humidor, một khu Lounge uống rượu mạnh và hút xì-gà cho những tay sành điệu trong vùng Sacramento. Khu hưởng thụ thanh lịch này là niềm tự hào mới nhất của sòng bài, hiện đã phô trương tới 18 'bar', nhà hàng và 'lounge' thượng đẳng gồm SR Prime Steakhouse, 32 Brews Street, Dragon Beaux, và khu ẩm thực sinh động The Market. The Humidor sẽ là nơi thường xuyên thoải mái lui tới cho những ai mà lẽ sống là hưởng thụ những thứ thanh lịch nhất trong đời, với một bộ sưu tầm trên 50 loại rượu mạnh ngon, hiếm luôn được tìm kiếm và đã được tỉ mỉ chọn lựa. Danh sách bộ sưu tầm gồm những nhãn hiệu tên tuổi như Macallan, Pappy Van Winkle Family, WhistlePig, và Louis XIII, mà khách hàng có thể nhấm nháp trong một khung cảnh thật sang trọng, thật tiện nghi.
Chủ đề của buổi họp báo là giới thiệu những khóa học cả trên mạng và tại lớp của CalGrows dành cho những người chăm sóc (caregivers) về cách chăm sóc sức khỏe cho người cao niên.
Cuộc vận động sẽ tăng cường kiến thức và thảo luận để giảm nguy cơ, phát hiện dấu hiệu và đưa ra lựa chọn...
Pechanga Resort Casino hân hạnh kính mời quý vị đến tham dự chương trình nhạc hội chủ đề “Trấn Thành – The Galaxy Show” sẽ được tổ chức vào lúc 8 giờ tối ngày Thứ Bảy 30 tháng Ba, 2024 tới đây trên sân khấu Pechanga Summit. Nhạc Rap xuất phát từ thập niên 70 tại Mỹ và khi bước sang thập niên 90 thì nở rộ. Đây là một thể loại nhạc “khác với những dòng nhạc khác” nhưng có lẽ nhờ vậy, nó lại chiếm một chỗ riêng trong thế giới âm nhạc. Đối với khán thính giả người Việt, nó rất lạ và thời gian đầu không được chào đón nồng nhiệt lắm, phần vì còn quá mới mẻ và phần vì giới nghệ sĩ Việt còn bỡ ngỡ chưa quen với thể loại nhạc không phải nhạc này. Có thể nói đó là một hình thức hát nói. Nhưng theo thời gian, giới trẻ lớn lên đã quen thuộc với nó và biết sử dụng những âm hưởng nhạc tiềm ẩn của ngôn ngữ Việt để đặt ra những ca khúc Rap rất riêng cho khán thính giả Việt
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.