Hôm nay,  

Bảo Vật Phật Giáo Tây Tạng Lần Đầu Triển Lãm Tại My

02/12/199900:00:00(Xem: 6761)
SANTA ANA (VB) - Cuộc triển lãm bảo vật Phật Giáo Tây Tạng sẽ kéo dài từ ngày 1.12 tới 15.12 tại Hội Trường Việt Báo, 201 N. Sullivan St., Santa Ana, California. Dưới đây là các thông tin về cuộc triển lãm này.

CHÙA DZONGKAR CHOEDE
Chùa Dzongkar Choede là một ngôi chùa cổ Tây Tạng có nhiệm vụ gìn giữ, bảo quản các di tích cổ truyền và bảo vật linh thiêng của Phật giáo mật tông Tây Tạng. Sau khi Trung Cộng xâm chiếm Tây Tạng vào năm 1959, mhờ 18 vị lạt ma chùa Dzongkar Choede mang theo các bảo vật trong khi chạy trốn Cộng sản nên một số bảo vật đã tránh khỏi sự cướp bóc và tàn phá của Cộng Sản. Ngày nay, chùa được tái lập tại miền Nam nước Ấn và có khoảng 100 tăng chúng. Mặc dù, cho đến nay, chúng ta có rất nhiều phái đoàn Tây Tạng đi ra hải ngoại để truyền bá Phật Pháp hay để giới thiệu văn hóa Tây Tạng, đây là lần đầu tiên, Phật tử Việt Nam ở Bắc Mỹ được chiêm ngưỡng các bảo vật linh thiêng của Phật giáo mật tông Tây Tạng và đồ hình mạn-đà-la bằng gỗ ba chiều.

MẠN-ĐÀ-LA YAMANTAKA BẰNG GỖ
Theo Phật giáo mật tông, người nào thấy được mạn-đà-la và thành tâm đảnh lễ, người đó sẽ được nhiều phước báu. Mạn-Đà-la tượng trưng cho cảnh giới Phật. Yamantaka là Chiến Thắng Dạ Ma Phật. Ngài là vị Phật Mật tông; báo thân của ngài là Bồ Tát Văn Thù. Đây là lần đầu tiên tại Hoa Kỳ, chúng ta được chiêm ngưỡng và đảnh lễ mạn-đà-la bằng gỗ do chư tăng Dzongkar Choede tạo. Mạn-đà-la được tạc trên gỗ trầm và là một công trình mỹ thuật vô giá, diễn tả đầy đủ về đời sóng của cõi dục giới và cảnh Phật Yamantaka. (Kích thước : chiều cao mặt bàn: 3’, chiều cao đồ hình: 5’ và đường kính đồ hình: 10’)

TRIỂN LÃM CÁC BẢO VẬT LINH THIÊNG


Dưới đây là các bảo vật triển lãm tại Hội Trường Việt Báo, Santa Ana:
* Dấu chân của Tổ Liên Hoa Sanh, thế kỷ thứ 9. Vào thế kỷ thứ 9, tổ Liên Hoa Sanh đã dùng thần thông hàng phục các thầy phù thủy đạo Bonn và thành lập phái Nyinmapa (phái thủ cựu) tại Tây Tạng.
* Dấu tay của tổ Atisha, thế kỷ thứ 11.
* Bảo tháp Kadam, thế kỷ thứ 11. Vào thế kỷ thứ 11, tổ Atisha là người đã thành lập tông phái Kadam; về sau, tổ Tống Lạt Ba đã tiếp nối theo truyền thống nầy và đổi tên Kadam thành Gelupa (tông phái Giới Đức mũ vàng).
* Tượng Phật mật tông Heruka, thế kỷ thứ 10. Phật Heruka là vị Phật thuộc về mật tông tối thượng. (Heruka do ba chữ ghép lại: He là tánh không, Ru là vô ngã, Ka là sự hợp nhất giữa bồ đề tâm và trí tuệ tánh không).
* Tượng Phật Mahakala sáu tay. Ngài Mahakala là hình tướng mật của bồ tát Quan Thế Âm. Tượng nầy do ngài Randhawa (thầy của tổ Tống Lạt Ba) tạc.
* Vòng đeo tay của bà Marpa, thế kỷ thứ 11. Dịch giả Marpa là vị đạo sư Tây Tạng đã sang tận Ấn Độ để học hỏi giáo pháp và dạy đạo cho ngài Milarepa; về sau, ngài Milarepa dạy lại cho đệ tử là tổ Gampopa. Vị nầy có công truyền bá pháp tu ẩn dật cho đại chúng và thành lập tông phái Kagyupa (Mật truyền, còn gọi là Mũ Đỏ, Hồng Mạo). Bà Marpa là hóa thân của một vị bồ tát theo hộ trì cho hai ngài Marpa và Milarepa.
* Mão của Đức Ban Thiền Lạt Ma Đời Thứ 7. Ngài Ban Thiền Lạt Ma vừa là thầy cũng là học trò của Đức Đạt La Lạt Ma. Ngài hóa thân của Đức Phật A Di Đà.
* Giày của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời Thứ 5. Đây là một trong những vị Đạt Lai Lạt Ma có nhiều tác phẩm chú giải kinh Phật nhất, còn được mệnh danh là Đại Đạt Lai Lạt Ma.

Cuộc triển lãm kéo dài từ ngày 1 tới 15 tháng 12.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.