Hôm nay,  

Lá Phiếu Kim Chính Nhật

05/10/200700:00:00(Xem: 7790)

Hoà giải Nam-Bắc Hàn, hay một trò láu vặt"

Cách đây một tháng, tại Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương APEC, Tổng thống George W. Bush đã đề ra một ý kiến với Tổng thống Nam Hàn Roh Moo Hyun làm vị Tổng thống họ Lỗ tỏ vẻ ngạc nhiên. Đó là đã tới lúc phải kết thúc chiến tranh Triều Tiên bằng một hòa ước giữa hai nước Nam và Bắc Hàn.

Khi ấy, dư luận thế giới cho rằng ông Bush quen tính nói sảng mà không ngờ rằng Roh Moo Hyun là một chính khách gian trá. Việc hoà giải hai miền đã được nghĩ đến và bàn tới từ lâu, nhưng Tổng thống Nam Hàn muốn là mình có công trong việc đó, chứ không do một sáng kiến hay kế hoạch của Tổng thống Mỹ.

Quả nhiên, một tháng sau, dư luận đã quên lời phát biểu của ông Bush, lại nức nở ngợi ca lãnh tụ hai xứ Nam-Bắc Hàn trong Thượng đỉnh ba ngày tại thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Hàn vì hai người đồng ý sẽ tiến tới một hiệp định chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên, một cuộc chiến kéo dài ba năm và chỉ tạm ngưng với hiệp ước ngưng bắn năm 1953.

Chúng ta phải trở lại chuyện này để hiểu rõ hài kịch Nam Hàn và của Lỗ Mộng Huyễn - tên của ông Tổng thống trán bóng và láu vặt.

Vào đầu năm nay, Roh Moo Hyun phải từ chức Chủ tịch đảng cầm quyền Uri vì thành tích còn thê thảm hơn ông Bush, được 10% dân chúng ủng hộ, so với tỷ lệ từ 40 đến 50% dành cho đảng đối lập Grand National Party (GNP) thuộc phe hữu. Ông từ chức để đảng Uri có thể chuẩn bị giải pháp thay thế trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 12 tới đây.

Sau khi đắc cử Tổng thống năm năm về trước bằng cách khích động chủ nghĩa dân tộc Đại Hàn và chủ yếu là tinh thần chống Mỹ, Roh đạt thành tích hiếm có là dẫn đảng của mình tuột dốc. Vội quên những hứa hẹn với các nghiệp đoàn khi tranh cử, ông ta o bế các tổ hợp kinh doanh và vuốt ve tự ái dân tộc bằng những hành động chống Mỹ rất an toàn. Vừa đắc cử, ông đã bị đàn hặc và xuýt bị truất phề về tội gian lận bầu cử.

Trong gần năm năm cầm quyền, ông không cải thiện được tình hình kinh tế quốc gia và chỉ sơn phết một màn trình diễn là đối thoại với Bắc Hàn cộng sản trong tinh thần của "Nhật quang Chính sách", chính sách hoà dịu Nam-Bắc do vị tiền nhiệm là Kim Đại Trung khởi xướng. Cả hai đều thuộc cánh tả và muốn áp dụng chính sách hoà hoãn với Đông Đức - Ostpolitics - của Thủ tướng Đức Willy Brandt, mà họ gọi là Nhật quang, ánh sáng mặt trời.

Chuyện ấy, người ta thông cảm được.

Điều khó thông cảm là họ xây dựng tinh thần hoà dịu với miền Bắc dưới lá chắn bảo vệ của Hoa Kỳ - và nhất là sự hiện diện của hơn 30 ngàn lính Mỹ trong vùng phi quân sự giữa biên giới hai nước. Các đơn vị Hoa Kỳ thực sự giữ chức năng của những "cầu chì" có thể cháy bất cứ lúc nào nếu Bắc Hàn chơi bạo và xua quân qua vĩ tuyến 38.

Sau Kim Đại Trung, Lỗ Mộng Huyễn đã tốn rất nhiều tiền, ít ra là vài chục tỷ, để hối lộ miền Bắc Cộng sản bằng viện trợ và hàng loạt dự án phát triển hạ tầng. Cuộc điều tra về các khoản viện trợ ấy chưa ngã ngũ, nhưng dân chúng Nam Hàn không mấy hài lòng với thành quả lãnh đạo của họ Lỗ và của đảng Uri.

Trong suốt giai đoạn ấy, Bắc Hàn tiếp tục bóp nghẹt đời sống người dân, dồn tài nguyên vào việc phát triển võ khí nguyên tử và ráp chế hỏa tiễn với tầm bắn ngày một xa hơn. Chế độ Kim Chính Nhật, Kim Il Jong, tại Bình Nhưỡng khéo bắt bí các nước với trò tống tiền bằng võ khí nguyên tử. Hội nghị sáu phe về kế hoạch giải giới nguyên tử Bắc Hàn đã là màn trình diễn định kỳ về khả năng đóng kịch của họ Kim.

Khi bị áp lực thì hứa từ bỏ kế hoạch tự sát này, rồi lại trì hoãn và biểu diễn thêm một màn khiêu khích khác, để lại tiếp tục đàm phán. Đó là mưu cao của một chế độ độc tài không thể lo cho đời sống của người dân nên dùng thế võ "đổi bom lấy gạo". Điều ấy, người ta cũng có thể hiểu được.

Điều khó hiểu là sự trâng tráo của lãnh đạo Nam Hàn khi cùng Bình Nhưỡng tung hứng trong trò bắt bí ấy.

Khi trình diễn màn Thượng đỉnh Nam-Bắc với đầy kịch tính là bước qua biên giới trên bộ, Tổng thống Nam Hàn đã gói trong túi một số quà cáp tượng trưng cho lãnh tụ Bắc Hàn Cộng sản: phim ảnh Nam Hàn! Rất có ý nghĩa, nhưng đầy mỉa mai.

Dân chúng Bắc Hàn mà có loại văn hoá phẩm đồi trụy và phản động ấy thì ắt đã vào tù. Roh Moo Hyun hoàn toàn không nhắc tới điều ấy và cũng chẳng nói tới nhu cầu giải phóng cho người dân miền Bắc có được một chút tự do, dù chỉ là một chút. Nhân quyền đề tài tối kỵ. Còn quà tặng là phim ảnh thì Kim Chính Nhật có sẵn cả một kho.

Nói cho đúng thì đây chỉ là tặng quà cho quân khủng bố đang bắt giữ 23 triệu con tin!

Mà Bình Nhưỡng sở dĩ đã phải hứa hẹn với quốc tế về việc tháo gỡ hệ thống võ khí nguyên tử - vào cuối năm nay - là do áp lực và cả sự phong toả kinh tế tài chánh của Hoa Kỳ. Trong trò chơi này, nước Mỹ thủ vai ông ác kiêm trọng tài và cảnh sát trưởng, để bắt kẻ gian phải buông súng, rồi ôm hôn thắm thiết ông thiện là Tổng thống Nam Hàn!

Tổng thống Bush có thể bị lãnh nhiều tội lắm, nhưng có khi lãnh oan cái tội cầm... bô cho Bình Nhưỡng xịt nước lên Nhật quang Chính sách của Hán Thành.

Ở vào tuổi 65 đầy bệnh tật, Kim Chính Nhật là lãnh tụ hết thời. Tại Thượng đỉnh Nam-Bắc tuần qua, ông ta có dấu hiệu lú lẫn. Trong năm phút đón mừng Lỗ Mộng Huyễn lại không nói ra lời, tay phải gần như bị liệt và có đi đứng được là do thuốc men bồi bổ của các y sĩ Đức. So với hình ảnh được phóng chiếu ra ngoài nhân Thượng đỉnh đầu tiên năm 2000 với Kim Đại Trung, Kim Chính Nhật ngày nay là một xác chết chưa chôn.

Năm 2000 đó, tình hình quốc tế chưa ngã ngũ. Vladimir Putin mới lên cầm quyền, Hồ Cẩm Đào mới đang chuẩn bị, thủ tướng Nhật thì bất ngờ tạ thế và Hoa Kỳ đang trong thời tranh cử. Vào thời điểm ấy, việc lãnh tụ hai nước Nam-Bắc Hàn gặp nhau đã nhen nhúm tia hy vọng hoà giải. Niềm hy vọng đó lại sớm tắt ngấm. Nhật quang Chính sách cũng vậy, không đủ sáng sủa và ấm áp cho hai miền, nhưng là cơ hội cho Bắc Hàn giở đòn bắt bí.

Lần này, tình hình đã đổi khác và Bình Nhưỡng đang phải lui dần. Người ta không tin rằng Kim Chính Nhật sẽ tôn trọng những cam kết, nhưng biết chắc là Bắc Hàn phải lui dần, trước khi họ Kim xuống hố vì bệnh tật. Hành động chót của lãnh tụ đi giày cao gót này là bỏ một lá phiếu cho Lỗ Mộng Huyễn đem về trước kỳ bầu cử tháng 12.

Nếu không là Lỗ Mộng Huyễn hay đảng Uri đang lãnh đạo Nam Hàn thì về dài Bắc Hàn cũng vẫn phải nhượng bộ. Nhưng ngay trước mắt thì thà nhượng bộ một lãnh tụ yếu thế tại Hán Thành vào tháng 10 này còn hơn là phải nói chuyện với một lãnh tụ thuộc khuynh hướng quốc gia sẽ đắc cử vào năm tới trên thế mạnh.

Vì vậy, không nên sớm lạc quan về chuyện hoà giải vào tuần qua, mà cũng đừng cho rằng Tổng thống Roh Moo Hyun là người có công trong việc hoà giải. Người dân Nam Hàn sẽ nói rõ hơn điều ấy trong kỳ bầu cử sắp tới.

Lúc đó, nếu có xét lại chuyện hoà dịu Nam-Bắc vẫn chưa muộn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tương lai của nền học vấn nước nhà sẽ ra sao, khi mà cả "Thầy" và "Trò" đều là nạn nhân của một chế độ xã hội lạc hậu, làm hủy hoại các giá trị truyền thống
Ngày 6 tháng 8 năm 2007, thêm một nhà máy giấy ở Việt Nam xuất hiện. Dự án nhà máy với tổng mức đầu tư lên đến 1,2 tỷ Mỹ kim
Tuần tới, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ triệu tập Đại hội toàn đảng khóa 17, một biến cố năm năm mới có một lần, để hoạch định đường lối và đề cử lãnh đạo
Khi nghe tiếng khoá lách cách bên ngoài, tôi cảm thấy nhẹ nhàng. Dù sắp phải đối phó với những màn ép cung mà một lời nói sơ suất có thể mang lại
Ông Alan Greenspan là một người Mỹ độc đáo, do sự nghiệp đưa đẩy. Ông được tổng thống Ronald Reagan bổ nhiệm vào chức vụ Thống đốc Ngân hàng
Như tôi đã trình bày trước đây là các tôn giáo lớn trên thế giới đều chú tâm đến sự quan trọng của việc phát triển tình thương và lòng từ bi
Tương lai của nền học vấn nước nhà sẽ ra sao, khi mà cả “Thầy” và “Trò” đều là nạn nhân của một chế độ xã hội lạc hậu, làm hủy hoại các giá trị truyền thống
Dù còn khoảng bốn tháng nữa thì đảng Dân Chủ mới chính thức bắt đầu đi bầu người đại diện để tranh chức tổng thống Mỹ với đảng Cộng Hòa
Nếu muốn đi cho đúng con đường của mình đã chọn để làm tròn nhiệm vụ thì phải tập sống vượt trên cảm quan của người.
Chuyến đi New York của Nguyễn Tấn Dũng để vận động cho nhà nước CHXHCN Việt Nam vào ghế uỷ viên không thường trực
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.