Hôm nay,  

Iran - Hoa Kỳ: Đấu Văn Hơn Đấu Võ

10/02/200700:00:00(Xem: 8781)

Iran - Hoa Kỳ: Đấu Văn Hơn Đấu Võ

Đừng lật tẩy nhau trước đối thủ...

Tuần báo The Economist trong số ra ngày mùng 10 đã có một bài quan điểm rất lạ: "Hoa Kỳ không nên tấn công Iran".

Đó là tiêu đề được giới thiệu ngay từ ngoài bìa, bên trong là những lý luận giải thích vì sao Tổng thống George W. Bush không nên chấm dứt nhiệm kỳ bằng một màn từ biệt đầy máu lửa. Đáng chú ý hơn nữa là phần hai của bài bình luận: "Tuy nhiên, đừng tưởng rằng Iran không nguy hiểm!"

Từ một tuần báo có uy tín của thế giới, lời cảnh báo là điều có... đầy sức thuyết phục. Rằng không khéo thì Chính quyền Bush lại nhấn ga tiến tới thì nguy to. Nghĩa là dù tân Tổng trưởng Quốc phòng Robert Gates có khẳng định hôm mùng hai, rằng "chúng tôi không lập kế hoạch chiến tranh với Iran", người ta vẫn nên phòng ngừa là chiến tranh có thể nổ lớn. "Người ta" ở đây là lãnh đạo Tehran.

Từ đầu năm ngoái, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Baghdad là Zalmay Khalilzad đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẵn sàng đối thoại với Tehran. Đối thoại như thế nào, về đề tài gì, chúng ta không biết, nhưng việc một Đại sứ Mỹ tiết lộ như trên thì điều ấy tất nhiên phản ảnh quan điểm của vị thượng cấp, là Ngoại trưởng Condoleezza Rice, nếu không phải từ cấp cao hơn nữa. Sau đó, dư luận không được biết rằng việc đối thoại ấy có thành hay chăng.

Kể từ tháng Ba năm ngoái cho đến đầu năm nay, tình hình Iraq ngày càng thêm suy đồi sau một năm 2005 tương đối khả quan sau ba lần bầu cử. Từ đầu năm nay, Chính quyền Bush nhiều lần trình bày trước dư luận, rằng Tehran là một nguyên nhân của những gì đang xảy ra tại Iraq. Và từ đó, hai bên đã đi vào đấu khẩu và đấu trí, với việc một số nhân vật ngoại giao của Iran đã bị bắt giữ tại Iraq, gần nhất là một Tham vụ Ngoại giao.

Tehran tri hô rằng việc bắt giữ này là do Mỹ đề xướng. Phía Hoa Kỳ phủ nhận nhưng nhiều nguồn tin thì cho rằng các nhóm võ trang Sunni - thân Mỹ - đã tiến hành việc này, nghĩa là cũng vẫn do Mỹ chỉ đạo. Về mặt ngoại giao, Hoa Kỳ phủ nhận nhưng tác dụng chính trị thì vẫn nguyên vẹn: "Mỹ không nói đùa" và chính quyền Bush dám chơi bạo lắm! Với việc tờ The Economist lên tiếng, mọi người đều cho rằng ông Bush táo tợn có khi sẽ đánh liều.

Như vậy là đủ!

Đối lập Dân chủ chỉ nhao nhao đòi Chính quyền Bush phải nói chuyện với Iran, là điều đã thực tế được kín đáo tiến hành từ năm ngoái. Nhưng, để đạt mục tiêu gì khi Hành pháp Bush đang bị cột tay ở nhà" Không ai lại đàm phán trong thế yếu vì chẳng còn gì để đổi chác.

Những nhà ngoại giao lão thành và bị lão hoá trong Ủy ban Baker-Hamilton lẫn các nhân vật Dân chủ đối lập cứ hò hét yêu cầu đàm phán với Tehran nhưng nước Mỹ không thể đàm phán khi mọi áp lực đều bị hậu phương vô hiệu hoá một cách vô trách nhiệm. Vô trách nhiệm là tinh thần phổ biến của chính trường Mỹ ngày nay.

Hoa Kỳ chỉ có thể thuyết phục được Tehran nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết của Liên hiệp quốc và chấm dứt can thiệp vào Iraq khi có thế mạnh. Cái thế ấy không còn vì đối lập đòi cắt cánh ông Bush ở nhà, các nước trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thì thọc gậy bánh xe để vô hiệu hoá đòn trừng phạt của Liên hiệp quốc về tội Tehran tiếp tục kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm. Lãnh đạo Tehran chỉ cần chờ thêm một năm nữa là nước Mỹ sẽ bận rộn với bầu cử mà chẳng dám làm gì.

Sau 2008, Iran sẽ toàn quyền hành động tại Iraq.

Ở vào thế hạ phong, Tổng thống Bush không thể làm gì hơn là leo thang hăm dọa. Nôm na là tháu cáy.

Nhưng, nếu nhìn cho sâu hơn thì đối phương, chính trường Tehran không phải là không có vấn đề.

Xứ này có hai hệ thống lãnh đạo. Tối cao là quyền lực của các Giáo chủ, dưới sự chỉ đạo của Đại giáo chủ Ali Khamenei, dưới đó là của nhà nước, do Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad lãnh đạo. Trong khi sức khoẻ của Khamenei suy yếu dần - ông có thể bị ung thư đến hồi nguy kịch - thì thế lực của Ahmadinejad cũng suy giảm - ông có thể mất chức trong vài ba tháng tới vì dân chúng thất vọng với thành quả kinh tế quá kém và nạn tham nhũng quá nhiều. Nhân vật có triển vọng thay thế Khameinei là một vị Giáo chủ tương đối thực tiễn dù bảo thủ và đã từng là Tổng thống trong gần 10 năm, trước Ahmadinejad, đó là Ali Akbar Hashemi Rafsanjani.

Trong tuần qua, từ Tehran, người ta đã thấy nhiều tín hiệu bất thường khi những cố vấn thân tín của Đại giáo chủ Khameinei lên lưới nói chuyện về an ninh và đối ngoại, với cả một cường quốc đang muốn thủ vai trung gian hoà giải là Liên bang Nga. Việc người cầm đầu an ninh Iran là Ali Larijani trù tình sẽ đi Munich dự hội nghị quốc tế về an ninh với các nước Tây phương, rồi lại hủy chuyến đi "vì lý do sức khoẻ", cuối cùng sẽ lại đi, cho thấy trong nội tình Tehran, người ta vẫn chưa thống nhất được quan điểm.

Chính là những dụ dự ấy mới khiến dư luận suy đoán rằng Chính quyền Bush đang thận trọng cân nhắc từng áp lực, khi văn khi võ, để thực sự nói chuyện phải quấy với Tehran. Nếu có một tờ báo nhanh nhẩu đoảng cảnh báo nước Mỹ là đừng tấn công Iran thì đấy là điều có lợi. Thà đánh dứ còn hơn phải đánh thật.

Miễn là chính trường Mỹ cũng hiểu như vậy, và đừng nhảy vào màn nói thách trước khi hoà đàm!

Năm xưa, có ma mãnh như Henry Kissinger khi phải hoà đàm với Hà Nội cuối cùng cũng thua, tức là nhượng bộ ngầm và nhượng bộ thật vì trong khi ông đang tháu cáy nói thách thì George McGovern và John Kerry đã tiêu lòn cửa sau để nói chuyện riêng với phía Hà Nội! Và xoè cho đối phương thấy con tẩy lủng của Mỹ.

Năm nay, George W. Bush chẳng có vẻ gì là ma mãnh mà còn dám làm liều. May ra thì khỏi thua... cho tới ngày bầu cử.

Thắng Mỹ quả là không khó!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bản tin ngắn của Phóng viên dân chủ từ Hà nội gởi ra với hình chụp cái vách tường của nhà bác sĩ Phạm Hồng Sơn bị khóet một lổ nhỏ
Thủ tướng cộng sản Nguyển Tấn Dũng đã ký pháp lệnh số 1568 ngày 8 tháng 1 năm 2007 do quyết định của chính phủ trao
Bao giờ báo chí trong nước được quyền nhắc lại những sai lầm của một giai đoạn u ám trong lịch sử thì lúc ấy Việt Nam mới thực sự đổi mới...
LTS: Bài viết của nhà văn Chu Tất Tiến nhìn lại cuộc bầu cử chức Giám Sát Viên Điạ Hạt I Quận Cam nơi đây không nhất thiết phản ảnh quan điểm của Việt Báo
Cái gì chứ tắm giặt là không có … tui, à nha. Đánh răng, rửa mặt cũng không luôn. Nói tóm lại là tui hơi sợ nước
Hiện tại Học Khu Garden Grove trong Quận Cam là nơi duy nhất có Ban Quản Trị với người Việt chiếm đa số 3/5trong đó có hai người Việt giữ chức vụ Chủ Tịch
Sự kiện quan trọng nhất trong năm 2007 sẽ là cuộc bầu cử Quốc hội khóa 12 tới. Người ta chờ đợi Đảng và Nhà nước đặt vấn đề chuẩn bị cho công việc này
Việt Nam Cộng sản công bố  tài liệu về Tôn giáo ngày 1/2 (2007) được gọi là "Sách trắng" mang tên "Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam"
Theo tin tức phổ biến từ hảng truyền thông quốc tế BBC, “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam sẽ dành hai giờ để đối thoại
Ngày 9.2 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có buổi đối thoại trực tuyến trên truyền thông. Những câu hỏi được mạng VietnamNet chọn lựa
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.