Hôm nay,  

Đông Á Phục Hưng

20/09/200600:00:00(Xem: 7267)

Báo cáo của WB về Đông Á nói đến khía cạnh thiếu lạc quan là Đông Á bị tụt hậu trong nỗ lực diệt trừ tham nhũng. Và VN đứng hạng thấp trong nỗ lực ấy nếu ta đối chiếu với báo cáo về chế độ cai trị vừa công bố...

Trong hai ngày 19 và 20 tại Singapore, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới có hội nghị thường niên với sự tham dự của đại biểu 184 quốc gia hội viên. Nhân dịp này, trong tiết mục chuyên đề do Việt Long thực hiện sau đây, Diễn đàn Kinh tế sẽ trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về lượng định của Ngân hàng Thế giới về sự phục hưng của Đông Á.

- Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, hội nghị thường niên năm nay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới được tổ chức trong hai ngày 19 và 20 tại Singapore. Vào dịp này, hai định chế tài chính quốc tế trên đã công bố một số báo cáo về tình hình kinh tế tài chính quốc tế để chuẩn bị nghị trình thảo luận. Ông có nhận định sơ khởi ra sao về hội nghị này"

- Hội nghị năm nay của hai định chế tài chính thế giới sẽ đề cập tới một chục tiết mục chính mà chúng ta sẽ nói sau. Riêng tôi thì chú ý nhất đến sự kiện là hai định chế này đã được các nước dân chủ Tây phương thành lập cách đây đúng 60 năm trong hoàn cảnh tái thiết thế giới sau Thế chiến II với những mục tiêu nay đã đổi thay nên việc cải tổ đang trở thành đề mục đáng chú ý. Đáng chú ý nhất là việc cải tổ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF vì cấu trúc tài chính thế giới đã thay đổi cùng với những rủi ro kinh tế tài chính của thế kỷ 21. Một trong những thay đổi do phía Hoa Kỳ đề nghị là phải có sự tham gia rộng rãi và quyết định hơn của các nước đang phát triển trong cơ chế điều hành IMF.

Về phần mình, là định chế viện trợ phát triển cho các nước nghèo, Ngân hàng Thế giới cũng được yêu cầu tập trung chú ý nhiều hơn vào những cản trở phát triển tại các quốc gia này nên đã công bố một số phúc trình liên hệ, ngoài những báo cáo thường lệ về kinh tế thế giới.

- Hỏi: Chúng tôi xin đề nghị là kỳ này ta nói về những báo cáo ấy mà xin ông trình bày sơ lược và sẽ đề cập tới báo cáo ông cho là đáng chú ý.

- Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Paul Wolfowitz, Ngân hàng Thế giới chú ý đến hai hiện tượng có mối liên hệ gần như hữu cơ là chế độ cai trị và nạn tham nhũng. Cuộc khảo sát năm nay về chế độ cai trị trong 216 quốc gia trên thế giới cho thấy Việt Nam chưa được cải tiến nhiều so với năm ngoái. Phúc trình về điều kiện kinh doanh cũng vậy, so với năm ngoái thì năm 2006 này Việt Nam tụt mất sáu hạng, từ hạng 98 sụt xuống 104. Hôm Chủ nhật vừa qua, để chuẩn bị cho hội nghị, Ngân hàng Thế giới cũng có cuộc hội thảo về việc bài trừ tham nhũng, với chủ đề là muốn đẩy lui sự nghèo đói thì phải xoá bỏ được nạn tham nhũng.

Về các phúc trình, nói chung, hai định chế tài chính này đã công bố khoảng một chục báo cáo lớn nhỏ khác nhau. Như về viễn ảnh phát triển kinh tế thế giới thì đề mục năm nay là đầu tư vào y tế, giáo dục và huấn nghệ cho giới trẻ, cho các thanh thiếu niên từ 12 đến 24 tuổi. Theo hướng ấy, Ngân hàng thế giới trình bày tiến độ của mình trong việc viện trợ cho giáo dục. Ngoài ra còn có báo cáo về việc viện trợ cho các nước có lợi tức trung bình, tức là các quốc gia đã tương đối phát triển trong các nước nghèo. Cũng đáng chú ý là Ngân hàng Thế giới tường trình về hồ sơ năng lượng sạch cho châu Phi và những diễn biến của vòng đàm phán Doha và việc viện trợ để phát triển ngoại thương.

- Hỏi: Về phần ông, ông chú ý đến báo cáo nào nhất"

- Vì năm nay hội nghị thường niên của hai định chế nói trên được tổ chức tại Đông Á và để kiểm điểm lại tình hình kể từ vụ khủng hoảng Đông Á năm 1997, Ngân hàng Thế giới có công bố một phúc trình mà họ gọi là sự "Phục hưng của Đông Á Thái bình dương". Tôi chú ý tới tài liệu nghiên cứu này hơn cả vì tính chất quá lạc quan của nó.

- Hỏi: Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về một số tiết mục của bản báo cáo ấy. Nhưng trước hết, vì sao ông lại cho là quá lạc quan"

- Mươi năm trước, Ngân hàng Thế giới vừa công bố một báo cáo đầy khích lệ về tám nền  kinh tế Đông Á thì khủng hoảng tài chính rồi kinh tế bùng nổ tại năm trong số tám nước ấy. Tháng Hai năm 1997, Quỹ Tiền tệ Quốc tế vừa có phúc trình ngợi khen Thái Lan thì năm tháng sau, cuộc khủng hoảng ngoại hối từ Thái Lan đã châm ngòi cho khủng hoảng tài chính và kinh tế cho Indonesia, Malaysia, Philippines và Nam Hàn. Trên đại thể thì các nước Đông Á đã vượt qua được khủng hoảng trong khoảng thời gian ngắn hơn vụ Mỹ châu La tinh bị vỡ nợ vào thập niên 80, nhưng chẳng vì vậy mà mình nên quên là sự biến bất ngờ vẫn có thể xảy ra!

Tôi còn chú ý tới bản phúc trình về Đông Á Phục Hưng vì một lý do chuyên môn khác là sau vụ khủng hoảng, cũng chính Ngân hàng Thế giới đã lượng định rằng khủng hoảng sở dĩ lây lan nhanh vì các nước Đông Á có mối quan hệ về ngoại thương quá khắng khít với nhau, cụ thể là gần hai phần ba khối lượng xuất nhập khẩu của các quốc gia này là trao đổi với nhau nên một xứ bị khủng hoảng là gây ngay khó khăn cho xứ khác. Tình hình ngày nay vẫn chưa thay đổi và một yếu tố dây chuyền lần này sẽ là đầu tư từ nước này qua nước kia, chủ yếu là giữa Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Singapore và Nam Hàn.

- Hỏi: Bây giờ, chúng ta sẽ đi vào nội dung của phúc trình ấy, vì sao họ lại gọi là Phục hưng"

- Hai tác giả chủ biên bản phúc trình ấy có thể là những người lãng mạn. Họ nói đến hiện tượng Phục hưng của Âu châu vào thế kỷ 15, khi chấn động chính trị tại Contanstinople, nay là Istanbul của xứ Turkey, khiến giới trí thức và khoa học tỵ nạn qua Ý và mở ra trào lưu tư tưởng mới với những kiến thức mới đã lan truyền khắp Đông Âu và Tây Âu. Từ đấy, Âu châu thay đổi và thành bá chủ toàn cầu trong năm thế kỷ. Từ kinh nghiệm ấy của Âu châu, người ta cũng mong rằng Đông Á sẽ trải qua một thời Phục hưng khi tiếp nhận kiến thức mới từ Hoa Kỳ và Âu châu để làm đổi thay toàn khu vực, từ kinh tế cho đến nhận thức.

Sở dĩ như vậy vì người ta thấy tình hình kinh tế và lợi tức cùa Đông Á đã gia tăng rất mạnh từ khoảng 15 năm nay, với sản lượng từ một ngàn 200 tỷ năm 1990 nay đã lên tới 4.000 tỷ đô la. Và đặc biệt là Đông Á đã hồi phục sau cuộc khủng hoảng năm 1997-1998. Từ đấy, bản phúc trình còn dự báo là nếu chiều hướng này tiếp tục thì đến năm 2030, sức nặng kinh tế Đông Á sẽ chiếm tỷ trọng là 43% toàn cầu, bằng với sức nặng của khu vực này vào năm 1820, trước khi Đông Á bị suy sụp trong gần hai thế kỷ. Chúng ta cần tỉnh táo đặt vấn đề vào bối cảnh của nó vì năm 1820 ấy, Việt Nam bước vào thời Minh Mạng và thực ra không có sức năng kinh tế đáng kể tại Đông Á, cũng như ngày nay mà thôi.

- Hỏi: Ông không có vẻ gì là lạc quan tin tưởng lắm"

Tôi thiển nghĩ rằng lãnh đạo không nên uống nước đường và dư luận cần nhìn ra mặt trái của mọi huy chương hay khẩu hiệu. Nếu Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng hiện nay thì năm năm nữa mới đứng vào loại quốc gia có mức lợi tức gọi là trung bình của thế giới và vẫn thua kém nhiều nước Đông Nam Á, chưa nói gì đến Đông Bắc Á. Mà từ nay đến đấy và khi thuộc loại trung bình về lợi tức thì thói quen về tiêu thụ, sản xuất và nhất là tư duy sẽ thay đổi, với lắm thách thức mới cho giới lãnh đạo. Trong khi ấy, nhiều chứng tật cố hữu của chiến lược kinh tế Đông Á, và cũng là cái nhân của khủng hoảng Đông Á năm 1997, thì vẫn còn nguyên tại Việt Nam.

- Hỏi: Những chứng tật đó là gì, ông có thể kể ra được không"

- Về kinh tế thì quá chú ý đến xuất nhập khẩu mà lãng quên thị trường nội địa và thành phần dân chúng ở thôn quê không được tiếp cận với thị trường bên ngoài. Về kinh doanh là việc ngân hàng tài trợ các doanh nghiệp bất kể lời lỗ và rủi ro vì đó là chính sách của nhà nước. Về tổ chức thì có chủ nghĩa "tư bản thân tộc" hay chủ nghĩa tư bản của tay chân nhà nước, với hậu quả là nạn tham nhũng phổ biến và bất công lan rộng. Đi sớm nhất theo chiến lược ấy, Nhật Bản đã bị khủng hoảng mất 15 năm nay mới hồi phục sau những cải cách gắt gao trong cơ chế chính trị. Tại các xứ Đông Á khác, khủng hoảng kinh tế đã dẫn tới khủng hoảng chính trị và họ sở dĩ hồi phục được cũng nhờ chấp nhận dân chủ để có lãnh đạo mới hầu tìm giải pháp khác. Việt Nam chưa có được điều kiện chính trị ấy và một khi mở cửa để hội nhập với thế giới như các nước kia thì sẽ bị nhiều chấn động mạnh mà chưa được chuẩn bị để đối phó.

- Hỏi: Thế bản báo cáo về Phục hưng Đông Á có đề cập tới những vấn đề trên hay không"

- Người ta có nhắc tới những đổi thay về tư duy, qua trao đổi thương mại, qua tăng trưởng kinh tế với vai trò quan trọng hơn của tư doanh - quan trọng hơn vai trò của nhà nước. Người ta cũng đã thấy sự bấp bênh đầy rủi ro của chế độ ngoại hối cứng ngắc và hệ thống ngân hàng ngập nợ, nguồn dự trữ ngoại tệ ít ỏi. Do đó, các nước Đông Á có cố khắc phục loại vấn đề ấy. Bản phúc trình cũng đưa ra nhiều cảnh báo mà Việt Nam có thể chưa thấy hoặc đã quên.

- Hỏi: Những lời cảnh báo ấy là gì, có lẽ chúng ta phải đề cập tới ở đây.

- Sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh vì khởi đi từ một mức quá thấp, tốc độ tăng trưởng có thể giảm. Đồng thời, sau khi mở cửa ra thị trường thế giới với nỗ lực đa diện hoá nền sản xuất thì tiến trình đa diện hoá ấy cũng chậm lại vì nước nào cũng tìm ra lợi thế tương đối của mình và điều ấy sẽ ảnh hưởng tới cơ chế sản xuất và việc làm trong nước. Thứ ba, khi đã vượt ngưỡng cửa nghèo đói thì yếu tố làm gia tăng sản xuất là đầu tư sẽ giảm tầm quan trọng và đòi hỏi nhiều sáng kiến mới, nghĩa là cũng đòi hỏi nhiều quyền tự do hơn, từ tự do thông tin đến tự do quyết định về kinh doanh - sản xuất những gì, bán cho ai, v.v… Thứ tư, hình thái sản xuất thay đổi sẽ đòi hỏi những thay đổi về giáo dục và đào tạo, khi ấy, vấn đề không còn là đào tạo ra nhân công có tay nghề thích hợp mà là nhân viên có khả năng tiên liệu và trù hoạch sản xuất. Đấy là những điều dễ thấy nhất và Việt Nam có thể sớm thấy hoặc sớm bị nay mai.

- Hỏi: Ngoài ra, bản báo cáo này còn có những điểm gì đáng cho Việt Nam chú ý"

- Tôi cho rằng đáng chú ý nhất là việc Việt Nam phải hội nhập vào thế giới, trên bình diện toàn cầu, đồng thời hội nhập vào khu vực Đông Á, nhưng quan trọng hơn cả là phải có sự hội nhập ngay bên trong xã hội, giữa các thành phần dân chúng và các địa phương với nhau. Một thí dụ là 60% lượng đầu tư của nước ngoài vào Việt nam lại tập trung vào hai thành phố lớn nhất là Saigòn và Hà Nội, và vào tỉnh Đồng Nai. Những địa phương khác thì sao" Thiếu sự hội nhập nội bộ thì bất công xã hội sẽ tiếp tục đào sâu và bất công nhất là nạn tham nhũng. Chúng ta đang thấy một biểu hiện của vấn đề ấy khi nông dân phải biểu tình liên tục và kinh nghiệm của Đông Á, vốn là khu vực nổi tiếng về tham nhũng, cho thấy người ta chỉ có thể giải trừ được tham nhũng khi giảm được quyền hạn của nhà nước, tức là khi có thêm dân chủ. Báo cáo lạc quan của Ngân hàng Thế giới về Đông Á có nói đến một khía cạnh thiếu lạc quan là Đông Á bị tụt hậu trong nỗ lực diệt trừ tham nhũng sau vụ khủng hoảng. Và Việt Nam đứng hạng thấp trong nỗ lực ấy nếu ta đối chiếu với báo cáo về chế độ cai trị vừa công bố.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Những lúc gần đây báo chí tại hải ngoại hay đề cập đến vấn đề thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam và Trung quốc thường bị nhiễm chất cấm hoặc không đáp ứng đầy đủ
Trong thời gian gần đây, trong một số các cuộc tranh luận liên quan đến tự do báo chí
Sau gần một tháng trời đoàn người dân oan gần 20 tỉnh thành phía Nam đã phải sống cảnh màn trời chiếu đất, dầm mưa dãi nắng
Dùng thủ đoạn có thành công không hay chỉ thất bại" Thành công trong trường hợp nào và thất bại trong trường hợp nào"
Tình trạng một số người dân tập trung về Sài Gòn và Hà Nội khiếu kiện vượt cấp diễn ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng
Chúng tôi xấu hổ vì Việt Nam có ĐCS, chúng tôi tự hào vì Việt Nam có Nguyễn Vũ Bình".
Mùa hè trong nước đang nóng, cái nóng nung người nóng nóng ghê! Thời sự trong nước cũng nóng, nóng nóng ghê, nóng dồn dập
Với lời Phật dạy về hai hạng người đáng quý “ thứ nhất là, chưa từng phạm tội; thứ hai là, phạm tội mà biết thực tâm sám hối” thì người CS đã không ở nơi hạng nào!
Văn Bút Quốc Tế lại lên án chế độ Hà Nội tiếp tục vi phạm nghiêm trọng các quyền Tự do Phát biểu, Thông tin và Báo chí.
Gần đây, một số báo chí Việt ngữ đã loan tin về vài nhân vật trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã tham dự buổi tiếp tân tối ngày 22-6-2007 tại Dana Point
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.