Hôm nay,  

Lao Động Và WTO

13/09/200600:00:00(Xem: 7542)

 ...Với viễn ảnh gia nhập WTO, Việt Nam có thể đi bước trước bằng cách cho phép thành lập công đoàn tự do, của tư nhân...
Một khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Việt Nam sẽ phải chấp nhận nguyên tắc bình đẳng giữa các doanh nghiệp, trong đó có cả sự bình đẳng về chế độ lao động và tiền lương. Việt Nam sẽ xử trí ra sao về vấn đề ấy" Diễn đàn Kinh tế đài RFA nêu câu hỏi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa trong tiết mục chuyên đề hàng tuần do Việt Long thực hiện sau đây.
Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, sau khi gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam sẽ phải xây dựng một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp nội địa và nước ngoài, tư nhân và nhà nước, trong đó có cả nguyên tắc bình đẳng về chính sách lao động và lương bổng. Vì vậy, tiếp tục loạt bài về những chuẩn bị cho việc gia nhập WTO, kỳ này, chúng tôi đề nghị là ta sẽ cùng trao đổi về khiá cạnh lao động, ông có ý kiến ra sao"
Tôi thấy đây là một sáng kiến hay và nói về sân chơi bình đẳng cho người lao động Việt Nam thì có một vấn đề nổi bật mà ít nhắc tới là người lao động Việt Nam chưa có quyền bình đẳng như công nhân của nhiều xứ khác là sinh hoạt nghiệp đoàn. Việt Nam chưa có các công đoàn tự do, độc lập do công nhân tự thành lập hầu đấu tranh cho quyền lợi đích thực của họ.
Công nhân Việt Nam vì vậy bị chi phối bởi ba tầng quyền lực là; thứ nhất, chiến lược kinh tế do đảng và nhà nước quyết định; thứ hai là những quy định của bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề ra, chủ yếu là để thực hiện phần vụ lao động của chiến lược ấy; thứ ba là các lớp cao thấp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, là Công đoàn chính thức và duy nhất có quyền hoạt động để đoàn ngũ hoá công nhân theo chủ trương của đảng. Tình trạng ấy nên cần thay đổi một khi Việt Nam hội nhập vào hệ thống kinh tế tự do của thế giới, của WTO.
Hỏi: Xin ông đơn cử cho vài thí dụ về tình trạng thiếu quyền bình đẳng này của công nhân.
Từ ngày mùng một Tháng 10 tới đây, mức lương tối thiểu tại Việt Nam sẽ tăng đồng loạt từ 350 nghìn đồng một tháng lên 450 nghìn, tức là tăng gần 28,6%, một tỷ lệ rất lớn, và đây là lần thứ ba từ hai năm qua. Điều ấy tất nhiên gây khó khăn cho các doanh nghiệp vì mức tăng này cao quá đà gia tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, trong cuộc thảo luận của giới chức hữu trách, không thấy quan điểm của công nhân thợ thuyền. Chiến lược kinh tế của Việt Nam là khai thác lợi thế lương bổng thấp để chiêu dụ đầu tư, nay với viễn ảnh gia nhập WTO và phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, vấn đề lương bổng và điều kiện lao động phải là đề tài cần làm sáng tỏ và cân nhắc kỹ lưỡng với sự tham gia thảo luận của công nhân.
Trong khi ấy, tại một cuộc hội thảo tuần trước của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các giới chức của bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và của Công đoàn Nhà nước than phiền là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện chưa có thang bảng lương thống nhất và còn quá nhiều dị biệt về thang lương giữa các doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài. Đồng thời, ta đều biết là công nhân Việt Nam không được bảo vệ đúng mức, thường bị ngược đãi, nữ công nhân bị mang nhục trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư Đông Á và nếu họ đình công thì lại vi phạm luật lệ công đoàn. Tình trạng bất thường ấy sớm phải chấm dứt, nhưng sau đó sự thể sẽ ra sao, chúng ta chưa biết.
Hỏi: Chúng ta cần nói rõ thêm về đề tài rất thời sự là mức lương tối thiểu. Nhìn từ giác độ kinh tế, ông nghĩ sao về nguyên tắc ấy"
Thuần về kinh tế, lương bổng là thước đo của mức cung cầu về lao động và khi định ra mức lương tối thiểu quá cao, người ta gặp phản tác dụng là gây khó khăn cho doanh nghiệp với hậu quả là cản trở việc tuyển dụng nên càng dễ gây thất nghiệp. Thứ nữa, dù đại đa số các doanh nghiệp đều trả lương tối thiểu cho công nhân cao hơn mức tối thiểu pháp định ấy, mức tối thiểu pháp định này là cơ sở tính ra các loại phúc lợi xã hội khác như bảo hiểm xã hội hay sức khoẻ cho công nhân nên nó là đòn bẩy đẩy lên phí tổn lao động và xã hội cho doanh nghiệp và làm giảm sức cạnh tranh. Thứ ba, nói về kinh doanh thì quy định về mức lương tối thiểu quá cao sẽ thu hẹp khả năng quản lý qua tưởng thưởng của doanh nghiệp dành cho các công nhân có năng suất cao hay tinh thần mẫn cán nhất. Cho nên, nguyên tắc định mức lương tối thiểu là một tàn dư của chế độ kinh tế bao cấp và tạo ra sự bình đẳng giả hiệu về lao động và gây tác dụng ngược về khả năng nhân dụng và cạnh tranh.
Hỏi: Ở Mỹ cũng có luật lệ tiểu bang và liên bang ấn định mức lương tối thiểu, nhưng đâu phải là kinh tế bao cấp"
Chế độ bao cấp thì nơi nào cũng có, kể cả ở bên Mỹ. Nhưng, người ta không điều chỉnh mức lương tối thiểu ba lần trong vòng hai năm và, vẫn đứng trên giác độ kinh tế, giới kinh tế biết rõ là nhiều chính khách Hoa Kỳ thường đòi tăng lương tối thiểu với lý do là để bảo vệ quyền lợi cho công nhân thiếu tay nghề và giới trẻ, nhưng hậu quả vẫn gây tác dụng ngược là hai thành phần này khó kiếm việc hơn. Cũng vì vậy mà trong Quốc hội việc tăng lương tối thiểu ấy thường bị bác.
Hỏi: Đó là về giác độ kinh tế, còn về giác độ xã hội thì sao"
Xin nói ngay là trong tình trạng còn thô thiển về luật lệ lao động và công nhân không được bảo vệ đúng mức thì việc quy định mức lương tối thiểu ấy vẫn là cần thiết trên nguyên tắc. Còn cao thấp ra sao thì nên để cho các doanh nghiệp và công nhân quyết định lấy, nếu công nhân có công đoàn tự do và là đối tác có trách nhiệm đối với việc quản lý doanh nghiệp, trong đó có cả việc quy định về thang lương và chế độ lao động. Ta cần thấy ra vấn đề xã hội ấy khi giới chức Việt Nam than phiền là có tới 80% doanh nghiệp nước ngoài chưa có hệ thống bảng lương và từng bậc thang cho việc tăng lương. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thực sự tranh đấu cho quyền lợi công nhân hay không" Và mai này, khi Việt Nam gia nhập WTO thì chế độ lương bổng hay nói chung là xã hội có được quy đinh cho mọi loại hình doanh nghiệp hay không" Chúng ta chưa thấy vấn đề ấy được đề cập.


Hỏi: Có một vấn đề khác đang được giới đầu tư quốc tế chú ý là công nhân các doanh nghiệp có quyền sinh hoạt nghiệp đoàn hay không. Việt Nam nên xử trí ra sao với vấn đề ấy" 
Tôi thiển nghĩ rằng Việt Nam phải có bộ luật lao động tinh vi với các quy định được áp dụng chung cho mọi loại doanh nghiệp, của nhà nước, của tư nhân nội điạ hoặc có vốn đầu tư  nước ngoài. Bộ luật lao động ấy phải vạch rõ nguyên tắc gần như thuộc phạm vi đạo đức là công nhân phải có quyền sinh hoạt nghiệp đoàn trong đó có cả quyền thành lập công đoàn. Còn lại, việc đấu tranh cho quyền lợi của công nhân sẽ do các công đoàn tự do ấy quyết định qua thương thảo với chủ đầu tư và giới điều hành doanh nghiệp.
Hỏi: Ông nói như vậy thì còn vai trò của Công đoàn Nhà nước hay Tổng Liên đoàn Lao động thì sao"
Đây là điều nhạy cảm đối với giới lãnh đạo Việt Nam. Loại công đoàn này được thành lập trên nguyên tắc là để bảo vệ quyền lợi công nhân, nhưng vì đảng là đại biểu hiến định của công nhân và dân tộc nên công đoàn trở thành công cụ thực hiện chính sách lao động của đảng. Mà chính sách lao động lại là một phần của chiến lược kinh tế xã hội của đảng - thí dụ như khai thác mức lương bổng thấp để thu hút đầu tư và sản xuất để xuất khẩu với giá thấp - cho nên, công đoàn có thể mặc nhiên hy sinh quyền lợi chân chính của công nhân và vì vậy mới có hàng loạt những vụ biểu tình bị coi là phi pháp mà vẫn đang thực tế xảy ra.
Thứ nữa và đây là vấn đề còn nhạy cảm hơn, vì bản năng sinh tồn của đảng, công đoàn cũng là một bộ phận đoàn ngũ hoá công nhân để bảo vệ đảng và có khi kiểm soát doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài. Điều ấy, giới đầu tư nước ngoài trong các công ty đầu tư trực tiếp gọi tắt là FDI đều biết rõ và rất khó chịu.
Với viễn ảnh gia nhập WTO, Việt Nam có thể đi bước trước bằng cách cho phép thành lập công đoàn tự do, của tư nhân và bảo vệ quyền sinh hoạt của các công đoàn này trong mọi doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, một cách bình đẳng. Nếu tự xưng là "xã hội chủ nghĩa", Việt Nam nên thi hành việc ấy vì quyền lợi của công nhân thay vì của đảng.
Hỏi: Các nước khác xử lý ra sao về vấn đề lao động trong khuôn khổ WTO"
Các hội viên WTO đều tôn trọng quyền sinh hoạt nghiệp đoàn của công nhân và để doanh nghiệp thương thảo với công nhân và công đoàn theo nguyên tắc tự do. Một ngoại lệ đang gây rắc rối cho nhiều doanh nghiệp quốc tế là trường hợp của Trung Quốc.
Hỏi: Xin ông trình bày cho thính giả một vài chi tiết về trường hợp này.
Xứ này có một Tổng Liên đoàn Lao động Toàn quốc được thành lập từ năm 1925 và chính thức sinh hoạt sau khi đảng Cộng sản Trung Quốc lên cầm quyền năm 1949 tại Hoa lục. Năm 1966 Tổng Liên đoàn này bị giải tán trong cái trớn của cuộc Đại văn cách, mãi tới năm 1978 mới lại được đảng cho hồi sinh.
Ngày nay, tổng công đoàn này tự xưng là quy tụ 134 triệu đoàn viên trong hơn một triệu công đoàn hoạt động trong 31 liên đoàn địa phương, nhưng vẫn bị một tổ chức công đoàn quốc tế là International Confederation of Free Trade Union, tức là Tổng Liên đoàn Tự do Quốc tế, coi là thiếu độc lập và không là tiếng nói đích thực của công nhân Trung Quốc mà còn xâm phạm quyền lợi công nhân và công đoàn.
Hỏi: Nhưng sự thật thì ra sao"
Sự thật thì Tổng Liên đoàn Lao động Toàn quốc này là công cụ của đảng Cộng sản. Dưới thời ông Giang Trạch Dân, công đoàn này thi hành việc sa thải công nhân viên chức của các doanh nghiệp nhà nước trong khuôn khổ kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp. Qua đến thế hệ lãnh đạo mới, của các ông Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia bảo và Úy Kiện Hành, công đoàn này được huy động để đoàn ngũ hoá công nhân viên từ nông thôn đổ vào các thành thị kiếm sống và nhất là để tránh những xáo trộn xã hội do hiện tượng đô thị hoá tự phát này.
Hỏi: Còn tình hình bây giờ ra sao"
Từ đầu năm nay, Tổng Liên đoàn này được chuyển hướng vào một mục tiêu mới là phát triển đoàn viên trong các doanh nghiệp ngoại quốc và tháng Bảy vừa qua đã đạt thành tích đáng chú ý là khiến tổ hợp Wal-Mart phải chấp nhận cho công nhân thành lập nghiệp đoàn, dĩ nhiên là một phân bộ của Tổng Liên đoàn Toàn quốc. Gần đây, chính quyền thành phố Thẩm Quyến tại Quảng Đông cũng ra chỉ thị là từ nay đến cuối năm các doanh nghiệp nước ngoài phải cho thành lập các phân bộ của Tổng Liên đoàn Lao động Toàn quốc. Chiều hướng này sẽ tiếp tục ở nhiều địa phương khác với chỉ tiêu là từ 30% sẽ tiến tới tỷ lệ 50% các doanh nghiệp nước ngoài phải có phân bộ của Tổng Liên đoàn.
Hỏi: Ông kết luận ra sao về trường hợp này" 
Trung Quốc e sợ động loạn xã hội vì đường lối kinh tế lệch lạc của họ nên tăng cường vai trò của công đoàn hầu bắt mạch được sự bất mãn và kịp ngăn ngừa sự nổi loạn của công nhân. Với doanh nghiệp nước ngoài, công đoàn trở thành tai mắt của chính quyền trong hệ thống quản lý doanh nghiệp, để vừa học nghề vừa theo dõi tình hình kinh doanh. Nếu bất mãn của công nhân thợ thuyền bùng nổ, lãnh đạo xứ này có thể khơi động công đoàn gây rối trong các doanh nghiệp quốc tế để giải thích nguyên nhân là sự bóc lột của tư bản nước ngoài.
Trước sau thì công nhân vẫn không được bảo vệ và theo đúng luật thì không được quyền đình công hay sinh hoạt nghiệp đoàn ngoài khuôn khổ công đoàn quốc doanh. Cho nên, tổ chức này là công cụ thi hành chính sách của đảng và ngăn ngừa động loạn xã hội dù có thể gây khó chịu cho các doanh nghiệp quốc tế. Với tất cả những đồn đãi về phép lạ kinh tế, xứ này vân chưa bình thường, dù đã gia nhập WTO được năm năm rồi.
Hỏi: Câu hỏi cuối, theo ông thì Việt Nam nên làm như thế nào để có lợi nhất cho người lao động"
Việt Nam nên theo đó mà khác với Trung Quốc thì mới có lợi cho người lao động và tránh được nhiều bất trắc về sau. Cụ thể là chính quyền chú trọng đến việc nâng cao tay nghề và năng suất công nhân, cho phép công nhân có quyền thành lập công đoàn tự do độc lập và kiểm soát mọi doanh nghiệp, ngoại quốc và nội địa, quốc doanh và tư nhân, để luật lệ lao động do Quốc hội đề ra vì quyền lợi lao động được chấp hành hẳn hoi và nhất là nên chấm dứt việc dùng công đoàn nhà nước làm công cụ của đảng và duy nhất được quyền sinh hoạt.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Việc cắt giảm chăm sóc sức khỏe để trả tiền cho các khoản giảm thuế sẽ là sai về mặt đạo đức và tự sát về mặt chính trị.” TNS Josh Hawley (Cộng Hòa, Missouri)
Từ năm 1949, tháng Năm được chọn là Tháng Nhận Thức Về Sức Khỏe Tâm Thần (Mental Health Awareness Month – MHAM) ở Mỹ. Đây là tháng mang ý nghĩa kêu gọi cùng nâng cao nhận thức, giảm bỏ kỳ thị và thúc đẩy bảo vệ sức khỏe tâm thần. Theo phúc trình năm 2024 của tổ chức Mental Health America ở Alexandria, Hoa Kỳ thật sự đang trong cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần. Cứ năm người trưởng thành ở Mỹ thì có trên một người đang sống chung với bệnh tâm thần, và hơn một nửa không được điều trị. Gần 60 triệu người lớn (23.8%) mắc bệnh tâm thần trong năm 2024. Gần 13 triệu người lớn (5.04%) có ý định tự tử.
Chiến dịch cắt giảm chi tiêu của chính quyền Trump, vốn đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực từ nghệ thuật đến nghiên cứu ung thư, nay còn bao gồm cả nỗ lực thực hiện mục tiêu lâu dài của Đảng Cộng Hòa: chấm dứt hoàn toàn nguồn tài trợ liên bang cho hai hệ thống truyền thông phục vụ công chúng lớn nhất nước Mỹ: NPR và PBS. Hiện có khoảng 1,500 đài phát thanh và truyền hình độc lập liên kết với NPR và PBS trên khắp Hoa Kỳ, phát sóng các chương trình nổi tiếng như Morning Edition, LAist, Marketplace, PBS NewsHour, Frontline và Nova... Theo dữ liệu từ các hệ thống này, có khoảng 43 triệu người nghe đài công cộng hàng tuần, và mỗi năm có hơn 130 triệu lượt xem đài PBS.
Ngày 30.04.1975 là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử cận đại của Việt Nam. Nhưng năm mươi năm sau nhìn lại, dân tộc Việt oai hùng, như vẫn thường tự nhận, đã không có đủ khôn ngoan để ngày chiến tranh chấm dứt thành một cơ hội đích thực để anh em cùng dòng máu Việt tìm hiểu nhau, cùng chung sức xây dựng đất nước.Tiếc thay, và đau thay, cái giá tử vong cao ngất của hơn 2 triệu thường dân đôi bên, của hơn 1triệu lính miền Bắc và xấp xỉ 300.000 lính miền Nam đã chỉ mang lại một sự thống nhất địa lý và hành chính, trong khi thái độ thù hận với chính sách cướp bóc của bên thắng trận đã đào sâu thêm những đổ vỡ tình cảm dân tộc, củng cố một chế độ độc tài và đẩy hơn một triệu người rời quê hương đi tỵ nạn cộng sản, với một ước tính khoảng 10% đã chết trên biển cả.
Bằng cách làm suy yếu các đồng minh của Mỹ, chính quyền Trump đã làm suy yếu việc răn đe mở rộng của Mỹ, khiến nhiều quốc gia cân nhắc liệu họ có nên có vũ khí hạt nhân cho riêng mình không. Nhưng ý tưởng về việc phổ biến vũ khí hạt nhân nhiều hơn có thể ổn định dựa trên nền tảng của các giả định sai lầm.
Tạp chí TIMES kết thúc cuộc phỏng vấn với Tổng thống Trump nhân dịp đánh dấu 100 ngày ông ta quay lại Tòa Bạch Ốc (20/1/2025) bằng câu hỏi, “John Adams, một công thần lập quốc, vị tổng thống thứ hai của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ (1797 – 1801) đã nói chúng ta là một quốc gia pháp trị, chứ không phải bất kỳ người nào, Tổng thống đồng ý không?” Donald Trump trả lời: “Chúng ta là một chính phủ do luật pháp cai trị, không phải do con người sao? Ồ, tôi nghĩ vậy, nhưng anh biết đấy, phải óc ai đó quản lý luật pháp. Bởi nên, con người, nam hoặc nữ, chắc chắn đóng một vai trò trong đó. Tôi không đồng ý với điều đó 100%. Chúng ta là một chính phủ mà con người tham gia vào quá trình thực thi luật pháp, và lý tưởng nhất là anh sẽ có những người công chính như tôi.”
Chuyện “Ngưng bắn…” kể cho độc giả Bloomington ngày ấy, đã là chuyện quá khứ. 30 tháng Tư năm sau, cuộc chiến trên đất Việt tàn. Chủ nghĩa Cộng sản, nguyên nhân của nạn binh đao, dìm quê hương tôi trong biển máu hàng thập kỷ, cuối cùng đã hưởng hết 70 năm tuổi thọ. Tưởng chuyện đau thương trong một ngày ngưng bắn của gia đình, vì sự an toàn, phúc lợi của loài người, phải trở thành cổ tích. Vậy mà hôm nay, trong thời đại này, chuyện buồn chiến tranh của tôi đang tái diễn...
Mười năm, 20 năm, và nhiều hơn nữa, khi lịch sử kể lại buổi chuyển giao quyền lực hứa hẹn một triều đại hỗn loạn của nước Mỹ, thì người ta sẽ nhớ ngay đến một người đã không xuất hiện, đó là cựu Đệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama.
Chiến tranh là chết chóc, tàn phá và mất mát! Có những cuộc chiến tranh vệ quốc mang ý nghĩa sống còn của một dân tộc. Có những cuộc chiến tranh xâm lược để thỏa mãn mộng bá quyền của một chế độ hay một bạo chúa. Có những cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa hai chủ nghĩa, hai ý thức hệ chỉ biến cả dân tộc thành một lò lửa hận thù “nồi da xáo thịt.” Trường hợp sau cùng là bi kịch thống thiết mà dân tộc Việt Nam đã gánh chịu! Hệ lụy của bi kịch đó mãi đến nay, sau 50 năm vẫn chưa giải kết được. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, một nữ chiến binh cộng sản miền Bắc có tên là Dương Thu Hương khi vào được Sài Gòn và chứng kiến cảnh nguy nga tráng lệ của Hòn Ngọc Viễn Đông thời bấy giờ đã ngồi bệch xuống đường phố Sài Gòn và khóc nức nở, “khóc như cha chết.” Bà khóc “…vì cảm thấy cuộc chiến tranh là trò đùa của lịch sử, toàn bộ năng lượng của một dân tộc dồn vào sự phi lý, và đội quân thắng trận thuộc về một thể chế man rợ. Tôi cảm thấy tuổi trẻ của tôi mất đi một cách oan uổng ...
Ngày 30 tháng 4 năm 2025 là một ngày có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử Việt Nam đương đại, cũng là dịp để chúng ta cùng nhau hồi tưởng về ngày 30 tháng 4 năm 1975 và những gì mà dân tộc đã sống trong 50 năm qua. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã kết thúc chiến tranh và đáng lẽ phải mở ra một vận hội mới huy hoàng cho đất nước: hoà bình, thống nhất và tái thiết hậu chiến với tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc. Nhưng thực tế đã đánh tan bao ước vọng chân thành của những người dân muốn có một chỗ đứng trong lòng dân tộc.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.