Thư tịch cổ ghi rằng…
Lịch sử trên thế giới thật sự rất hiếm người tài vừa là vua đứng đầu thiên hạ vừa là một hiền triết. Nếu văn minh La Mã có Marcus Aurelus, hoàng đế triết gia, vừa minh trị dân, độ lượng với mọi người và để lại tác phẩm triết học nổi tiếng “Meditations” thì ở phương Đông hơn mười hai thế kỷ sau có Vua Trần Nhân Tông của nước Việt.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, triều đại của Vua Trần Nhân Tông là triều đại cực thịnh nhất của sử Việt. Ông là vị vua liêm chính, nhân đức, một thi sĩ, đạo sĩ Phật giáo. Do là một vị vua đức độ, trọng dụng nhân tài, nên ông thu phục nhiều hào liệt trong dân, lòng người như một. Quốc triều có Thái sư Trần Quang Khải, về binh sự có các danh tướng Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật…Về văn thơ có những người uyên bác như Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi. Vua Trần Nhân Tông thương dân như con, xem trung hiếu làm đầu, lấy đạo nghĩa trị quốc.
Thời Tam Quốc Diễn Nghĩa – thời đất nước loạn lạc, thì có Lưu Bị là một minh quân dùng đạo đức để thu phục người tài. Vốn chỉ là một thợ hàn tay trắng, không giỏi bày trận chiến, cũng không biết võ, nhưng khi xưng vương xưng đế, do tấm lòng nhân hậu, luôn nghĩ cho dân, chưa bao giờ hiếp đáp kẻ yếu hơn mình, dưới Lưu Bị có biết bao tướng tài trong thiên hạ, đến Tào Tháo phải ghen hờn.
Đi tìm một minh quân thời nay
Mượn vài điển tích xưa của phương Đông nói chuyện đời nay của phương Tây – câu chuyện nước Mỹ chọn một minh quân.
Có lẽ không còn gì mang tính chất “hot news” để nói về một người đang đi tìm quyền lực không phải bằng tài năng, càng không phải bằng đức độ, mà bằng quyền lực của đồng tiền, sự gieo rắc hận thù, chia rẽ, đả kích, phỉ báng người khác. Vì những gì có thể phơi bày về tư cách đạo đức của tỷ phú Donald Trump vốn đã được nói khá nhiều từ năm 2016, khi ông ta bước vào Tòa Bạch Ốc. Vấn đề là những ý kiến đó không xuất hiện nhiều bằng tầng số “phát thanh và phát hình” của Trump, trên truyền thông chính lẫn trên mạng xã hội cá nhân của ông ta.
Max Lucado là một mục sư, diễn giả và tác giả những cuốn sách bán chạy nhất, theo lời ông mô tả là “viết sách cho những người không đọc sách.” Ngày 24 Tháng Hai năm 2016, khoảng một tháng Trump trở thành tổng thống Mỹ, mục sư Lucado viết một bài xã luận đăng trên Washington Post có tên “Tư cách một tổng thống.”
Trong bài viết, mục sư Lucado cho biết ông có ba cô con gái “rượu” và ông “bảo lưu quyền hỏi chuyện những người muốn hẹn hò với con gái của tôi.” Đơn giản thôi. Ông và vợ nuôi dưỡng các cô con gái, sắm sửa quần áo, tài trợ cho làm đẹp, chở đến các giải thi đấu bóng chuyền và biểu diễn piano. Thế thì chỉ năm phút gặp mặt trực tiếp với một anh chàng nào đó, với ông là “kỳ vọng hợp lý.” Vì năm phút đó cho ông biết ông đúng hay sai khi giao phó tình yêu của cuộc đời vợ chồng ông cho một chàng trai xa lạ. Cô gái sẽ phụ thuộc vào khả năng chạy xe của anh ta, có thể tránh xa những người xấu, tỉnh táo trong những cuộc vui. Nói ngắn gọn, ông cần phải biết, chàng trai đó có tử tế hay không? Có đàng hoàng không? Có đạo đức không?
“Sự đàng hoàng, đạo đức rất quan trọng với tôi, tư cách là một người cha,” mục sư Lucado viết.
Chắc chắn đây là hình ảnh rất quen thuộc cho bất kỳ gia đình nào trong xã hội, bất kể chủng tộc, màu da. Và nó cũng áp dụng cho những ai quan tâm đến người thân, anh chị em, cháu, bạn thân… Nó là phản ứng bình thường cốt lõi của những người có một định hình chung về giáo dục và đạo đức.
Ngay đoạn tiếp theo, mục sư Lucado ghi: “Người trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của thế giới tự do sẽ không vượt qua được cuộc phỏng vấn năm phút của tôi. Tôi sẽ tống cổ hắn đi ngay. Tôi sẽ bảo con gái tôi ở nhà. Tôi không tin hắn có thể chăm sóc con gái tôi.”
“Tôi không biết ông Trump. Nhưng tôi đã rất tức giận với những trò hề của ông ta. Ông ta giễu cợt một người hùng chiến tranh (John McCain.) Ông ta chế giễu chu kỳ kinh nguyệt của một phóng viên (Megyn Kelly khi còn làm việc cho CNN.) Ông ta chế giễu bộ dạng của một phóng viên khuyết tật. Ông ta gọi cựu đệ nhất phu nhân Barbara Bush là "mẹ" và coi thường Jeb Bush vì đã đưa bà vào chiến dịch tranh cử. Ông ta thường xuyên gọi người khác là “ngu ngốc” và “ngu ngốc.” Một nhà văn đã ghi lại sáu mươi bốn lần ông ta gọi ai đó là “kẻ thua cuộc.” Tất cả những điều này được đăng tải công khai trên Twitter, báo chí, phỏng vấn.”
Mục sư Lucado đặt câu hỏi, “nếu một người hôm nay cầu nguyện Chúa Kitô, hôm sau lại rủa xả người khác là “thứ phụ nữ xanh đỏ não ngắn”, thì có gì đó không bình thường phải không? Và làm như vậy, không phải một lần, mà là nhiều lần? Không hối hận? Không ăn năn? Chúng ta không có quyền mong đợi một tiếng nói là tấm gương tốt cho con cái chúng ta sao? Chúng ta phản đối nạn bắt nạt ở trường học. Phải chăng chúng ta cũng không nên đồng tình với điều đó trong bầu cử tổng thống?”
Washington Post đã đăng bài viết này năm 2016. Trong suốt tám năm sau, không thể liệt kê những gì thuộc về phạm trù đạo đức, tư cách, để lấp thêm vào những gì mục sư Lucado đã nhắc đến.
Từ giữa thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21, các ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa thường là những người cam kết phục vụ người dân, kinh nghiệm lãnh đạo và cá nhân họ ủng hộ các quan niệm truyền thống về nhân phẩm đạo đức, tôn trọng các giá trị của tầng lớp trung lưu nước Mỹ, thúc đẩy sự liêm chính, đạo đức quốc gia – cho dù là trong chính sách đối ngoại, cải cách kinh tế hay tập trung vào luật pháp và an ninh. Những phẩm chất này được coi là cốt lõi trong khả năng đắc cử của một ứng cử viên Cộng hòa, và cả Dân Chủ.
Thế nhưng tất cả đã thay đổi từ khi Donald Trump tranh cử, đắc cử, rồi lại tranh cử, rồi thất cử, và nay lại tranh cử. Tám năm đủ để Trump chứng minh tất cả con người thật của ông ta, từ kiến thức chính trị, kinh nghiệm lãnh đạo, cho đến lịch sự tối thiểu của một con người, nói rộng ra là tư cách lãnh đạo. Đoạn video ngắn mô tả khi Donald Trump là tổng thống, tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh, đã xô đẩy lãnh đạo của các quốc gia khác để bước lên trước, gương mặt hất cao đầy tự mãn, sẽ mãi là những hình ảnh “bất tử” của một giai đoạn của nước Mỹ.
Hàng loạt những lời phỉ báng đối thủ – tức những người không “thần phục” Trump hoặc cả những người đang “phò” Trump – diễn ra như cơm bữa. Nhiều chính trị gia của lưỡng đảng dưới thời Donald Trump đã bị ông ta buông lời khiếm nhã. Câu chuyện Trump giễu cợt vợ của Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz là một ví dụ. Lịch sử chính trường Mỹ chưa một ai có “khả năng” đặt tên cho đối thủ chính trị của mình bằng những lời khinh miệt như Trump. Lịch sử chính trường Mỹ cũng chưa có một cựu tổng thống nào bị buộc tội vì đã phỉ báng và tấn công tình dục, phải bồi thường $18,3 triệu thiệt hại và $65 triệu tiền phạt. Chưa kể đến bị kết tội 34 tội danh vì chi tiền bịt miệng một ngôi sao khiêu dâm.
Thế nhưng, một phần không nhỏ cử tri Mỹ đã từng và đang vẫn chọn Trump là người lãnh đạo nước Mỹ. Mục sư Max Lucado đã giải thích như thế này:
“Giải thích chung cho thành công của Trump là ông ta đã khai thác được sự tức giận của người dân Mỹ. Như có một người đàn ông đã nói, "chúng ta đang bỏ phiếu bằng ngón giữa.” Nghe giống như một bình luận về một cuộc ẩu đả giữa các băng đảng hơn là một cuộc bầu cử tổng thống.”
Sự tức giận đó là gì, có lẽ chính những người đang ủng hộ Trump cũng không bao giờ thể biết rõ và giải thích một cách thuyết phục. Bởi vì, chính Donald Trump cũng không biết phân biệt giữa cái đúng và cái sai. Cựu cố vấn an ninh quốc gia của Trump, John Bolton, từng trả lời phỏng vấn với CNN rằng Trump “gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa sự thật và hư cấu.”
Tám năm trước, mục sư Lucado đã hy vọng và cầu nguyện “cho sự lịch sự trong lời nói được trở lại.”
“Có lẽ Trump rồi sẽ biết giữ mồm giữ miệng của mình tốt hơn. (Chắc chắn là đáng để cầu nguyện.) Hoặc có lẽ người dân Mỹ sẽ nhớ vai trò quan trọng của tổng thống: Là bộ mặt của nước Mỹ. Khi ông ấy/bà ấy phát biểu, ông ấy/bà ấy nói thay cho chúng ta. Cho dù chúng ta đồng ý hay không đồng ý với các chính sách của tổng thống, chúng ta có quyền hy vọng rằng họ sẽ nói theo ngôn ngữ của một vị lãnh đạo hay không?”
Nhưng tám năm sau, trong đêm Đại Hội Đảng Dân Chủ 2024, nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey vẫn còn phải kêu gọi: “Cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 sẽ phụ thuộc vào sự lựa chọn các giá trị và nhân cách.” Bà cảnh báo “phẩm cách đạo đức và sự tôn trọng người khác đang nằm trong lá phiếu.”
Tám năm sau, không biết mục sư Max Lucado có còn hy vọng Trump có thể kiểm soát lời ăn tiếng nói của mình hay không? Chỉ biết rằng, vẫn còn rất nhiều cử tri cương quyết đẩy sang bên lề chính trường Mỹ một nền tảng đạo đức cần thiết cho một minh quân.
Kalynh Ngô
Gửi ý kiến của bạn