Hôm nay,  

Không Ai Đứng Một Mình

22/08/202109:07:00(Xem: 3969)

 

 

Cơn mưa phùn đêm qua còn đọng nước trên đường. Gió thu đã về. Lá vàng theo gió lác đác vài chiếc cuốn vào tận thềm hiên. Cây phong đầu ngõ lại chuẩn bị trổ sắc đỏ ối như mọi năm. Người đi xa từ những mùa thu trước, sẽ không trở về. Những người bạn lâu không gặp, thư gửi đi bị trả lại, nhắn tin điện thoại không thấy trả lời. Có lẽ cũng đã ra đi, không lời từ biệt.

Đã có những cuộc ra đi rất lặng lẽ từ gần hai năm qua, không chỉ ở nơi đây, mà ở khắp toàn cầu. Ra đi bất ngờ, ra đi nhanh chóng. Không hoa tang. Không lễ nghi tôn giáo. Không lời ai điếu. Những túi bọc thi thể chất vội vào những thùng xe đông lạnh. Những thi hài quấn vải hoặc cuộn trong manh chiếu được chất trên những giàn củi, hỏa thiêu. Những chiếc quan tài được chôn lấp vội vàng trên đất công, với bia mộ đơn giản, không hình ảnh, ghi tên tuổi của một người già bệnh hay một người trẻ cường tráng, một người quyền quý hay một người bần cùng vô danh… Tất cả những người ra đi ấy, từ những nơi chốn khác nhau, thành thị hay thôn dã, nước lớn hay nước nhỏ, nước giàu hay nước nghèo… đều chung một cách. Như lá xanh trên cành, đốt giai đoạn, cấp kỳ chuyển sang vàng úa, rồi rơi rụng. Như thể có một tấm lưới to lớn trùm hết cả hành tinh. Vùng vẫy trong lưới là những phận người, không phân biệt, sẽ đón nhận chung một tai họa giáng xuống; và mỗi người chỉ có thể tùy theo số phận (hay biệt nghiệp) của mình, hoặc từ nơi đồng phận (hay cộng nghiệp) tập thể mà dính mắc hay vuột khỏi. Cái chung nào cũng có cái riêng: không phải ai ở xứ đó, vùng đó đều bị nhiễm bệnh như nhau, và không phải ai bị nhiễm bệnh cũng phải tử vong. Cũng không có cái riêng nào thực sự tách khỏi cái chung: cá nhân không nhiễm bệnh có thể bị truyền nhiễm từ tập thể, và cá nhân nhiễm bệnh sẽ có thể lây nhiễm đến những người chung quanh.

Không thể nói tôi tự chịu trách nhiệm cho cá nhân tôi, không liên can đến người khác. Không thể nói tôi muốn độc lập, tự do giữa một tập thể đang cùng nhau chống dịch bệnh.

Thực ra không có gì, không có ai, cá nhân hay tập thể nào, có thể độc lập, đứng một mình.

Độc lập của cá thể trong gia đình và xã hội chỉ là một tình trạng, trạng thái, một hoàn cảnh sống riêng tương đối nào đó (chẳng hạn con cái không còn lệ thuộc cha mẹ). Độc lập của một quốc gia là nói việc thoát khỏi sự thống thuộc từ một quốc gia khác. Như nước Mỹ, để đánh dấu sự kiện quan trọng của quốc gia vào ngày tuyên bố độc lập (khỏi vương quốc Anh), người ta dành một ngày lễ lớn trong năm, gọi là Ngày Độc Lập (Independence Day), toàn dân được nghỉ lễ, ăn mừng (1). Đó là một sự biến lịch sử, ở một giai đoạn nào đó, giành độc lập. Khi còn là thuộc địa, người ta vận động sự độc lập; đã độc lập rồi thì không cần và không thể dùng mãi tiêu đề độc lập nữa, vì thực sự là không có gì độc lập, đứng một mình, đứng một chân, ở thế gian này. Tất cả quốc gia, xã hội, gia đình, cá nhân con người, ở bất cứ đâu, đều tương thuộc, tương hệ lẫn nhau để tồn tại và phát triển.

Cũng không có quyền tự do tuyệt đối của một cá nhân trong một quốc gia, một thế giới tương quan, tương liên, với những mâu thuẫn hoặc đồng thuận chồng chéo, đan xen nhau giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể. Quyền của con người trong xã hội, quốc gia, luôn được qui định trong khuôn khổ, qui ước, chứ không thể nào là quyền tuyệt đối. Nên hiểu rằng thứ quyền tự do mà con người xã hội được hưởng chỉ là tự do tương đối, tự do trong định chế, trong luật lệ; nó không cho phép gây rủi ro hay phương hại đến công ích, hoặc lấn át quyền lợi của người khác—vì mọi người đều có quyền bình đẳng như nhau. Người ta không thể vì quyền tự do của mình mà tước đoạt quyền tự do của kẻ khác. Cụ thể là không thể viện dẫn quyền tự do ngôn luận để la lớn trong rạp hát rằng có lửa cháy (2).



Bình sinh, không ai cấm đoán ngăn trở tự do của bạn, nhưng trong một số trường hợp, nhất là trước cơn đại dịch nguy hiểm đang hủy diệt, tàn phá nhân mạng và kinh tế toàn cầu, mỗi người nên tự nguyện hy sinh chút quyền tự do cá nhân để góp phần bảo vệ sinh mệnh và quyền lợi của số đông. Một mực đòi hỏi quyền tự do và lợi ích cho bản thân khi bao nhiêu nhân mạng lần lượt nằm xuống là đã rơi vào vị ngã, ích kỷ. Đó không phải là hành xử của người nhân đức. Đó không phải là tâm thế của người học đạo.

Rồi mùa thu cũng sẽ qua đi như những mùa thu trước. Nhưng năm sau, thu trở lại. Còn những người lẳng lặng ra đi không lời từ biệt thân nhân, nơi hành lang bệnh viện, nơi những thùng xe đông lạnh, nơi những lò thiêu và giàn thiêu dã chiến, trong những ngôi nhà to lớn hay những gác trọ ọp ẹp nghèo khó… những người ấy, sẽ không quay lại bao giờ. Cái chết đến nhanh, như lá thu rơi xuống thềm chỉ qua một cơn gió nhẹ — nhanh đến nỗi người ở lại không kịp rơi nước mắt, nhanh đến nỗi chưa kịp khóc người thân ra đi thì đã đến lượt mình phải lìa xa cõi thế này. Nước mắt trần gian mùa đại dịch, dường như đều chảy ngược vào tim.

 

Người con Phật chân chính, quán sát thế giới chúng sinh đều do nhân-duyên sinh-khởi; lắng nghe tiếng kêu cầu thống khổ của nhân sinh; cảm nhận vị mặn của giọt lệ tử biệt trong cõi vô thường mà phát đại-bi tâm, tu bồ-tát đạo; không từ nan làm mọi việc lành, tận tụy cứu khổ ban vui, chỉ duy một hoài bão là mang lại an lạc hạnh phúc chân thực cho con người và cuộc đời. Chí nguyện ấy là vô cùng, bản hoài ấy là vô biên; dũng mãnh bước tới tận cùng vị lai, cho đến khi cùng tất cả pháp giới chúng sinh, một thời chứng ngộ chánh đẳng chánh giác (3).

 

Mùa Vu Lan, tháng 08 năm 2021

Vĩnh Hảo

www.vinhhao.info

 

_______________

 

(1) Ngày 4 tháng 7 là Ngày Độc Lập của Hoa Kỳ, đã có từ thế kỷ 18. Vào ngày 2 tháng 7 năm 1776, Quốc hội đã bỏ phiếu ủng hộ nền độc lập, và hai ngày sau, các đại biểu từ 13 thuộc địa đã thông qua Tuyên ngôn Độc lập, một văn kiện lịch sử do Thomas Jefferson soạn thảo. Từ năm 1776 đến nay, ngày 4 tháng 7 đã được kỷ niệm là ngày khai sinh nền độc lập của Mỹ (Theo history.com).

(2) "Shouting fire in a crowded theater" - la lớn là có lửa cháy trong rạp hát đông người, là một thành ngữ đã được phổ biến trong luật pháp Hoa Kỳ (liên quan đến Tu chính án thứ nhất và thứ 14), qua đó giới hạn quyền tự do ngôn luận/phát biểu (freedom of speech) nếu nội dung phát biểu rõ ràng tạo ra hoảng loạn, hoặc khích động bạo loạn.

(3) “Ngã kim phát tâm bất vị tự cầu nhân thiên phước báo, thanh văn, duyên giác, nãi chí quyền thừa chư vị bồ-tát, duy y tối thượng thừa, phát bồ-đề tâm, nguyện dữ pháp giới chúng sinh nhất thời đồng đắc a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề,” – Con nay phát tâm không vì cầu cho riêng mình phước báo của trời-người, Thanh văn, Duyên giác, cho đến chư vị quyền thừa Bồ-tát, chỉ y nơi tối thượng thừa mà phát tâm bồ-đề, nguyện cùng pháp giới chúng sinh một thời cùng chứng đắc quả vị chánh đẳng chánh giác. (Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong khi chính quyền CSVN cố gắng tỏ ra “trung lập” trong cuộc chiến xâm lăng Ukraine của Nga, nhưng phe quân đội lại đứng về phía Nga là bằng chứng không thống nhất trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam.
Báo giới quốc tế đồng loạt đưa tin là Moscow đang bị sa lầy tại Ukraine và yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ quân sự. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đính chính ngay nguồn tin này. Cộng đồng quốc tế sẽ chịu hậu qủa gì nếu Bắc Kinh thực sự viện trợ toàn diện cho Moscow.
Nếu có ai hỏi tôi về một mùi hương Sài Gòn, nơi tôi đã ra đời và sống hơn ba thập niên trước khi ra đi, hẳn là tôi chỉ nhớ tới mùi cà phê. Cũng lạ, khắp thế giới, nơi nào mà chẳng có mùi cà phê? Nhưng mùi hương cà phê Sài Gòn với tôi rất khác, đó là kỷ niệm với tiếng cười của những tình bạn một thời Văn Khoa, với các góc phố ẩn khuất những ngày trốn học để làm thơ, với những gốc cây me lề đường nơi gió thổi thẹn thùng các tà áo trắng... Nhiều năm sau khi rời quê nhà, được đọc một bài viết của nhà văn Văn Quang về cà phê Sài Gòn, tôi nghĩ rằng phải chi có ai đóng gói được mùi hương cà phê Sài Gòn cho người phương xa.
Tính đến nay 14-3-2022, cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine bước sang ngày thứ 19. Chiến sự vẫn xảy ra ngày càng ác liệt gây bao đau thương tang tóc cho hai dân tộc Nga và Ukraine.
Người dân cả thế giới xúc động về cuộc chiến tranh thảm khốc ở Ukraine khi bị Nga vô cớ xâm lăng. Tổng Thống Ukraine, Volodymyr Zelensky và gia đình chống ngoại xâm; chính phủ, dân chúng, quân đội, nông dân, người nào cũng cầm súng. Tổng Thống Ukraine và người dân một lòng giữ từng tấc đất của ông bà cha mẹ để lại...
Việt Nam vẫn luôn khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có lịch sử lâu đời của Việt Nam, là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Nhưng Việt Nam hoàn toàn câm lặng chấp nhận quân đội Tàu cộng xâm lược làm chủ quần đảo Hoàng Sa, và một phần quần đảo Trường Sa.
...Trong chương trình « Face the Nation » của hãng thông tấn CBS, Thượng nghị sĩ John McCain đã giải thích tại sao nước Mỹ cần nghĩ đến sự đe dọa của Nga vì «Vladimir Putin là một tên côn đồ, một kẻ giết người và một điệp viên KGB»....
Bình luận của tác giả Đào Như về khả năng một cuộc Thế Chiến III.
Khi quyết định xâm lăng Ukraine, Vladimir Putin đã tính sai nước cờ chiến lược. Ông ta đã tính sai xu hướng chính trị ngay trong quốc gia Nga, đã tính sai phản ứng của Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu và một số các quốc gia khác như Úc, Nhật, Canada, Nam Hàn, những nước có khả năng hợp tác cùng nhau đánh sập kinh tế Nga. Và, Putin đã tính sai công luận thế giới. -- Vậy thì Putin thắng hay bại? Xin mời theo dõi bài phân tích và bình luận sau của tác giả Trịnh Khải Nguyên-Chương. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
✱ Kyiv muốn các thẩm phán của Liên Hợp Quốc phán quyết vụ tấn công của Nga phạm tội diệt chủng ✱Tòa án Hình sự Quốc tế đã bắt đầu điều tra xem Tổng thống Nga có phải chịu trách nhiệm về các tội ác chống lại thường dân ở Ukraine hay không ✱ Phát ngôn viên chính phủ Pháp Gabriel Attal tuyên bố : « Việc Nga tấn công bệnh viện nhi đồng ở Mariupol là hành động vô nhân đạo và hèn nhát » ✱ Cuộc chiến của Stalin ở Ukraine - giết chết 3.9 triệu người dân Ukraine năm 1932 ...✱ Thượng viện Hoa Kỳ, trong một nghị quyết năm 2018, khẳng định rằng Stalin đã phạm tội diệt chủng.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.