Hôm nay,  

Niềm Kỳ Vọng Của Ba Tôi

16/06/201904:56:00(Xem: 5277)

Tùy bút

                                       NIỀM KỲ VỌNG CỦA BA TÔI

Thành kính tưởng niệm Ba tôi nhân Father’s Day

ĐIỆP MỸ LINH

Trong khi “lang thang” trên internet, thấy câu hô hào, kêu gọi của thủ tướng cộng sản Việt Nam (c.s.V.N.) Nguyễn Xuân Phúc: “Phải đồng cam cộng khổ với chính phủ để trả nợ công?” tự dưng tôi nghĩ đến Ba tôi – Cụ Điệp Linh Nguyễn Văn Ngữ – người đã từ bỏ cuộc sống an nhàn, đầy tiện nghi của một công chức trong “vùng bị chiếm” thanh bình, theo tiếng gọi thanh niên, ra “vùng giải phóng” để chống Tây.

Thời điểm đó, Má tôi đang mang thai đứa con thứ hai. Bà Nội của tôi tu tại gia, không để ý bất cứ việc gì của thế tục. Bà ngoại của tôi khóc hết nước mắt, không cho Má tôi theo Ba tôi; nhưng Má tôi vẫn vừa theo Ba tôi vừa khóc!

Đến “vùng giải phóng” được một thời gian, Má tôi sinh bé trai. Ba tôi đặt tên em là Nguyễn Phiêu Linh. Tôi chưa hiểu biết cho nên chẳng thắc mắc gì về nghĩa của hai chữ “Phiêu Linh”!

Ba tôi làm việc ở đâu, tôi cũng không biết; chỉ thấy mỗi khi Ba tôi về nhà với “ruột tượng” gạo thì tôi vui lắm; vì có Ba ở nhà tôi được nhõng nhẽo và được ăn cơm không trộn khoai mì. Thời gian đó chưa có bo bo. Sau này tôi mới biết, mỗi tháng chỉ một mình Ba tôi được lãnh 08 ký – xin lập lại, tám ký – gạo; ngoài ra không có bất cứ nguồn cung cấp nào khác cho Má và chị em tôi. Má tôi phải bán từ từ số nữ trang mà Má tôi giấu kỷ trong người để nuôi chồng con. Thế mà nay Việt Minh (tiền thân của đảng c.s.V.N.) kêu gọi, ép buộc dân chúng phải tận lực yểm trợ “tuần lễ bạc”; mai đảng c.s.V.N. lại bắt người dân phải dốc toàn lực để thực hiện “tuần lễ vàng”; vì vậy, số nữ trang Má tôi giấu trong người cứ từ từ “biến” dần, “biến” dần theo các cuộc quyên góp quy mô của đảng c.s.V.N..

Đôi khi tôi thấy Má tôi khóc và than nho nhỏ:

-Đi mần chi mà khổ như ri, Trời!

Hiện nay, Nguyễn Phiêu Linh không còn nữa và tôi cũng không còn trẻ để nhớ rõ về khoảng thời gian đói khổ của gia đình trong “vùng giải phóng”; nhưng không hiểu tại sao tôi không thể quên được hình dáng của Ba tôi – sau mỗi lần bị kiểm thảo tư tưởng – ngồi trên chiếc “đòn ngồi” bằng gỗ, hai ngón tay của bàn tay phải kẹp điếu thuốc rê được vấn bằng lá chuối non phơi cho heo héo một tý.

Chiếc “đòn ngồi” gồm hai mảnh gỗ nhỏ, bằng nhau, được đặt song, phía trên là một miếng gỗ hơi lớn, cỡ hai bàn tay, rồi dùng đinh đóng miếng gỗ lớn vào hai mảnh gỗ nhỏ. “Đòn ngồi” chỉ thấy ở “vùng giải phóng!”

Nhiều khi Ba tôi cứ ngồi trên “đòn ngồi”, hai tay ôm hai đầu gối, môi phì phà điếu thuốc rê, mắt nhìn vào cõi không gian u ẩn nào đó; đôi khi Ba tôi ôm Mandoline, ngồi trên chiếc “đòn ngồi”, chân duỗi thằng ra và đàn những tình khúc quen thuộc của Pháp mà tôi thường nghe khi còn trong “vùng bị chiếm”.

Khi nào cũng vậy, nghe Ba tôi đàn nhạc Pháp, Má tôi cũng nhắc:

-Đàn mấy bài nớ rủi bị kiểm thảo thì khổ thân đó!

-Tụi nó “dốt đặc cán mai” làm sao biết được nhạc nào của Tây, nhạc nào của ta mà em lo!

Má tôi im lặng. Tôi không biết, không nhớ, sau đó, Má tôi còn lo sợ mỗi khi Ba tôi đàn nhạc Pháp hay không; nhưng khi Ba tôi tập cho tôi hát tác phẩm đầu tiên của Ông – Người Tản Cư – tôi thấy Má tôi có vẻ rất lo lắng. Nhạc phẩm Người Tản Cư cung “Ré” trưởng, slow, được Ba tôi viết lời ca như thế này – tôi chỉ nhớ được những dòng sau đây: “Nắng vàng vừa tắt đi đêm âm u trong rừng, hoàng hôn ôm hoang vu. Đây sương lam mờ, mờ trắng trên đồi cao. Trăng non bâng khuâng chiếu ánh nhạt xanh, rừng đắm u hoài. Đêm về người tản cư đang mòn trông sống trong tình mến yêu nồng nàn gia đình. Chinh phu xa vời trông cố hương người dừng cho nhắn đôi lời…”

Tôi chỉ là đứa bé con thích ca hát, vừa được Ba tôi tập hát tình khúc của chính Ông – tuy chưa hiểu được ý nghĩa lời ca – tôi cũng thích lắm! Suốt ngày ngồi chơi với Phiêu Linh cạnh hầm tròn, để dễ nhảy xuống hầm khi máy bay đến, tôi cứ “nghêu ngao” bài đó hoài.

Tôi không hiểu vì tôi cứ “nghêu ngao” bài Người Tản Cư hoài mà “thiên hạ” nghe rồi báo cáo hay là vì Má tôi bắt đầu dạy tôi học tiếng Pháp mà Ba tôi bị kiểm thảo tư tưởng liên miên. Tinh thần của Ba tôi rất căn thẳng. Cuối cùng Ba tôi dặn Má tôi, khi nào dạy tôi học tiếng Tây, Má tôi phải cẩn thận, để Ba tôi khỏi bị họ đày đọa tinh thần.

Tuy còn là bé con, tôi vẫn thắc mắc và tự hỏi: Tại sao mỗi tối cán bộ cao cấp đến nhà Ba Má tôi, bảo tôi hoặc Phiêu Linh đóng cửa trước lại để Ba tôi dạy cán bộ học Pháp văn thì Ba tôi không bị kiểm thảo tư tưởng mà khi Má tôi dạy tôi học tiếng Tây thì Ba tôi lại bị “cấp trên” khiển trách nặng nề?

Một hôm tôi nghe Má tôi hỏi Ba tôi:

-Bài Người Tản Cư có chi mô mà tụi hắn ghép anh vô tội việt gian, phản động?

-Tụi nó kết tội anh vì câu: “Đêm về người tản cư đang mòn trông sống trong tình mến yêu nồng nàn gia đình”.

-Anh theo tụi hắn ra đây, chừ mình “tứ cố vô thân”, mình mong tình thương yêu gia đình thì có chi quá đáng mà tụi hắn bắt tội anh?

-Tụi nó nói anh ra đây sống trong tình đồng đội, trong sự quan tâm rất tích cực của đảng, trong tình thương bao la của “bác” Hồ vĩ đại. Anh phải “giác ngộ”, “tuân thủ” theo chủ nghĩa tam vô: Vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo thì anh mới có thể trở thành một đảng viên nồng cốt.

-Anh vô đảng cộng sản để làm cái chi?

-Đâu có. Tụi nó thúc hối hoài, nhưng anh – cũng như đa số bạn anh từ miền Nam thoát ly ra đây – cứ hẹn dần; vì tụi anh đã nhận ra được bề trái bỉ ổi của Việt Minh rồi!

Thời gian này Ba tôi sáng tác nhạc phẩm thứ hai, tựa là Bến Thu, cung “Ré” trưởng, slow. Mở bài là hai câu thơ:

Ai mòn mõi bên chân trời kia nhỉ!
Thấy Thu về tựa cửa mong con!


Và lời ca như thế này: “Nắng mênh mang êm đềm tràn dòng sông vắng. Tiếng Thu rơi nhẹ nhàng cùng áng khói lam. Chiều đến đìu hiu mang cả niềm thương nhớ. Sương mờ thoáng rơi trên đồi Thu trầm mơ.,Ly hương, kiếp tha phương nhuộm vết tang bồng. Chiều nay tôi thấy thoáng bóng mờ mờ trắng, đi ngoài xa xa. Lòng bâng khuâng tôi nhớ đến người Mẹ già miền Nam, ôi xót xa! Tủi thân người lữ thứ ôm mối sầu ly hương. Sống không một tình thương, không gia đình, không quê quán. Mòn mỏi dừng chân sau những ngày mưa gió. Phong trần xóa tan chuỗi ngày xanh đời tôi. Nghe chăng, tiếng thiết tha buồn nhớ quê nhà!”

 

Ba tôi lại bị kiểm thảo tư tưởng từng đêm vì câu: “Phong trần xóa tan chuỗi ngày xanh đời tôi!”

 

Sau thời gian dài bị kiểm thảo tư tưởng nặng nề mà Ba tôi cũng vẫn không thể tách rời được sự rung động nhạy cảm của một tâm hồn ướt lệ, Ba tôi bị “điều” về làng Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.

 

Khi đến Sơn Tịnh, Ba tôi gặp lại Bác Nguyễn Hữu Dưỡng – người thoát ly ra “vùng giải phóng” cùng thời với Ba tôi. Nhờ Bác Dưỡng đề bạc với cấp trên, Ba tôi nhận chức Trưởng Ban Văn Nghệ Liên Khu V, thay thế người tiền nhiệm không biết đọc “notes” nhạc.

 

Sau khi trốn về Nam, Bác Dưỡng là một giáo sư toán nổi tiếng tại các trường trung học ở Nha Trang và Ba tôi làm việc tại Khu Công Chánh, kiêm Trưởng Ban Văn Nghệ Khu Công Chánh miền Nam Trung phần và Ba tôi cũng là sáng lập viên của Ban Ca Nhạc Bình Minh Đài Phát Thanh Nha Trang.

 

Về sau, Ba tôi thi đỗ ngạch Hành Chánh Trung Ương và được thuyên chuyển vào Cam Ranh, nhận chức Trưởng Ty Nội An Thị Xã Cam Ranh kiêm giáo sư Pháp văn các lớp đệ nhị cấp – lớp đệ tam và đê nhị trường trung học công lập Cam-Ranh  – vào cuối thập niên 60 cho đến 1975.

 

Cuộc đời của Ba tôi gắn liền với âm nhạc, kịch nghệ và giáo dục, thế thì tại sao, sau khi cưỡng chiếm miền Nam, đảng và người c.s.V.N kết tội Ba tôi là “Ngụy” quyền rồi nhốt Ba tôi trong nhà tù Nghĩa Phú cùng với Nguyễn Phiêu Linh – bị động viên vào khóa 6/68 trường sĩ quan Bộ Binh Thủ Đức?

 

Bị người đồng chủng – c.s.V.N. – cướp phần đất mà người miền Nam chúng tôi đã bảo vệ, vun bồi, chúng tôi vươn lên từ tuyệt vọng! Mảnh đất này – U.S.A. – và người dân khác chủng tộc đã dang tay ân cần đón nhận chúng tôi trong mọi địa hạc, mọi lãnh vực; trong khi đó, tại Việt Nam, người c.s.V.N. lại nhốt tù người thân của chúng tôi và không cho con, cháu của chúng tôi theo học đại học.

 

Sau khi chúng tôi tìm được sự sống an lành, chúng tôi đã chắc mót từng đồng đô-la gửi về Việt Nam. Nếu không có những đồng đô la của chúng tôi gửi về, liệu người dân Việt Nam trong nước có thể qua được thời bao cấp hay không? Thế mà chúng tôi lại bị người c.s.V.N. mạ lỵ là chúng tôi chạy theo “liếm” gót giày của đế quốc Mỹ để ăn bơ thừa, sữa cặn!

 

Chúng tôi có ăn bơ thừa, sữa cặn hay không, chúng tôi tự biết. Nhưng, từ hành động và lời nói thiếu giáo dục của người c.s.V.N. sau năm 1975, tôi nhớ lại thái độ của các cán bộ ngày xưa đến nhà Ba Má tôi học Pháp văn do Ba tôi dạy.

 

Tôi nhận ra rằng, người c.s.V.N. chỉ thích “chui” vào cái vỏ bọc – không phải của họ – để che giấu sự yếu kém, sự thiếu tự tin của họ chứ người c.s.V.N. không muốn và không thể sống thật với bản chất của họ và những gì họ thật sự có.

 

Nhìn vào hệ quả hiện tại của đất nước Việt Nam sau gần nửa thế kỷ bị đảng c.s.V.N. thống trị và đời sống của người Việt tỵ nạn c.s.V.N. tại hải ngoại, người c.s.V.N. thấy gì? Có phải người c.s.V.N. thấy rõ sự thành công vượt bực của thế hệ tỵ nạn thứ II hay không? Và cũng chính sự thành công vượt bực của thế hệ tỵ nạn thứ II làm cho đảng và người c.s.V.N….thèm lắm, đúng không? Vì thèm quá cho nên c.s.V.N. đưa ra chiêu bài “hòa hợp hòa giải” dân tộc; chiêu dụ chuyên viên và nhân tài từ “nước ngoài” về Việt Nam giúp Quê Hương phát triễn.

Làm thế nào để “hòa hợp hòa giải” với những người đã nhốt tù Cha, chồng, anh, em của chúng tôi rồi đuổi Mẹ và chị em gái của chúng tôi đi kính tế mới để tịch thu nhà, tài sản và đất đai của Cha Mẹ chúng tôi?

Tôi hiểu, sau năm 1975, không phải chỉ có Ba Má tôi bị c.s.V.N. tịch thu tài sản mà hầu như 99.9% tài sản của người miền Nam, của chùa, của nhà thờ đều bị c.s.V.N. tịch thu.

Thế thì, với số tài sản người c.s.V.N. vơ vét của người dân, kể từ năm 1975 đến nay; tài sản tịch thu của chùa, của nhà thờ cùng với tiền người c.s.V.N. bán hoặc cho Trung cộng thuê đất xây hãng xưởng và 500 triệu đô la do hãng Formosa bồi thường cho nạn nhân của chất độc do Formasa thải ra người c.s.V.N. đã dùng vào mục đích gì mà nay thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại kêu gọi người dân “Phải đồng cam cộng khổ với chính phủ để trả nợ công”?

 

Lời kêu gọi vô trách nhiệm của thủ tướng c.s.V.N. Nguyễn Xuân Phúc mà chỉ có mấy phản ứng trên facebook thì… đáng buồn thật!

Bao nhiêu biến động đã xảy ra trên Quê Hương Việt Nam và nay thêm lời kêu gọi phi lý của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mà Người Trẻ Việt Nam cũng vẫn an nhiên, tự tại để người c.s.V.N. “ru ngủ” bằng những lễ hội “hoành tráng” làm cho tôi nhớ đến đoạn điệp khúc trong bài hát Khánh Hòa Niềm Thương, do Ba tôi sáng tác “ngầm” trong trại tù Nghĩa Phú. Năm 1990, sau khi Ba tôi sang Mỹ, Ba tôi mới chép lại cho tôi.

Bản nhạc được viết với âm giai “Do” trưởng, nhịp 2/4. Sau đây là lời ca của đoạn điệp khúc: “…Bao tiếng thét oai hùng đoàn xung phong tiến về dành Quê Hương. Đất Khánh Hòa nhìn năm niềm thân yêu giờ đây vang tiếng than! Người lìa Quê Hương, sông núi, đọa đày thân sống xa xôi. Quê Hương ơi! Giờ đây thấu chăng Mẹ hiền thổn thức? Quê Hương ơi! Giờ đây thấu chăng tiếng khóc của đàn con!...”

Năm 1990, lần đầu tiên đàn và hát ca khúc này, tôi âm thầm quẹt nước mắt; vì tôi hiểu được niềm kỳ vọng của Ba tôi.

Bây giờ, sắp đến đoạn kết của tùy bút này, tôi cũng không thể nén ngậm ngùi; vì tôi không thể biết được người Việt trong nước và người Việt ở hải ngoại còn được bao nhiêu người có cùng niềm kỳ vọng với Ba tôi!


ĐIỆP MỸ LINH
https://www.diepmylinh.com/ 

 



 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.