Hôm nay,  

ĐỒI XANH

27/03/201913:47:00(Xem: 4963)

ĐỒI XANH

 

Ngự Thuyết

               

Từ Quận Cam (Orange County) thuộc Nam California lên hướng Bắc để đến những vùng như Bakersfield, Fresno, Monterey, San Jose, Milpitas, Fremont, v.v..., trước hết phải qua những ngọn đèo khá dài  thuộc Quận Los Angeles (Los Angeles County) nằm ven các rặng núi chập chùng.

                Năm nay trời lạnh. Hơn nữa, khác với những năm hạn hán trước, có nhiều cơn mưa vào thời gian giao mùa giữa năm 2018 và năm 2019, cho nên tuyết đổ nhiều. Tuyết phủ kín non cao. Tuyết nằm rải rác trên những đỉnh núi, sườn đồi chạy sát hai bên xa lộ 5, nơi thì trắng xóa một màu, nơi thì chen lẫn  nhiều mảng màu xanh, đen, đậm, nhạt, của cây cỏ, của đất đá. Nhiều nơi trông như da cóc sù sì, như da ểnh ương nhòe nhoẹt rong rêu.

Nhưng khi xe đổ dốc sắp qua khỏi ngọn đèo cuối cùng, một cảnh tượng hết sức lạ lùng bày ra trước mắt.

Sau lưng ta, thế giới cũ, là màu sắc hỗn tạp như vừa nói. Trước mặt ta, dưới kia, dưới thung lũng mênh mông, một màu xanh bao la bất tận trên đó xa lộ 5 trông như sợi chỉ màu đen chạy luồn lách khi ẩn khi hiện. Ta như vừa lạc vào một cõi khác, một chốn bồng lai. Những ngọn đồi xanh uốn mình êm đềm, dịu dàng; những cánh đồng xanh nối tiếp nhau đến tận chân trời.

Bỗng nhớ nhà thơ Nguyễn Bính của thời Tiền Chiến rất tình tứ mà mộc mạc, nhớ non sông đất nước cũ xa tít mù khơi. Nhớ như nhớ chuyện đã xẩy ra từ tiền kiếp - chắc là có tiền kiếp. Hay là như nhớ giấc mơ về một vùng quê xưa mình chưa tới, tha thiết mong tới, và có lẽ không bao giờ tới được, mà nhà thơ, cách đây ngót một thế kỷ, đã mô tả:  

 

                Xanh cây xanh cỏ xanh đồi

                Xanh rừng xanh núi da trời cũng xanh

                Áo chàm cô Mán thanh thanh

                Mắt xanh biêng biếc một mình tương tư

 

                Cỏ đồi ai nhuộm mà xanh

                Áo em ai nhuộm mà anh thấy chàm

                Da trời ai nhuộm mà lam

                Tình ta ai nhuộm ai làm cho phai           

     Nguyễn Bính – Vài Nét Rừng

           Phú Thọ -1938

 

Nay xanh đó có còn? Quê đó có còn?

 

Mùa đông đang muốn giã từ. Mùa xuân lấp ló. Thế nhưng cỏ non xanh đã trùm lên khắp nơi, khắp chốn. Thì phải “Đạp Thanh”, phải bắt chước người xưa , “Xuân du phương thảo địa”. Không thể làm được như chàng Kim Trọng phong lưu thuở nào, áo cũng pha màu cỏ và màu da trời, lỏng buông tay khấu, thoáng thấy người quốc sắc đằng xa vội vàng xuống ngựa lần đi từng bước trên cỏ xanh, chúng tôi, vì đường còn dài quá, đành phải ngồi trên xe hơi, cửa kính hạ xuống, giảm tốc độ, chạy thật êm, vượt qua hàng mấy trăm dặm xanh, mỗi dặm dài hơn một cây số rưỡi. Chúng tôi khởi đi từ sáng sớm.

Cỏ non và cỏ non. Có lẽ không phải chỉ nhờ nhiều trận mưa cỏ mới đua nhau mọc hối hả cùng một lúc, và tưng bừng đến thế. Thử nhớ lại. Trải qua những ngày tháng dài, đồi núi vào mùa Hè, vào mùa Thu, cằn cỗi vì khát nước, bỗng có nhiều trận mưa đổ xuống, cỏ cố vươn mình lên khỏi mặt đất. Nơi này thưa thớt vài đám, nơi kia lún phún mấy vạt. Chậm chạp, uể oải, yếu đuối, ngập ngừng. Rồi sống vất vưởng trong một thời gian ngắn. Và cuối cùng núi đồi trở lại cằn cỗi như xưa.

Nhưng khi Xuân sắp về, thì khác hẳn. Trong lòng đất, cỏ, mầm cỏ, xôn xao, rạo rực, trông ngóng. Chắc hẳn ngoài loại cỏ nhẹ dạ hễ gặp mưa là trỗi dậy, còn có vô vàn mầm cỏ thuỷ chung nhất định nằm yên suốt cả năm trời lắng nghe bước đi của Chúa Xuân. Đấy là loại cỏ gì nhỉ? Cứ gọi đấy là cỏ Chức mỗi năm mong được gặp “Chàng Ngưu” một lần, không phải vào tiết Tháng Bảy mưa Ngâu, mà vào lúc Đông tàn Xuân đến. Lại nhân có thêm mưa móc. Cho nên khi Xuân chưa đến hẳn, cỏ đã sốt ruột ùn ùn rủ nhau nghênh đón.      

Mới 9 giờ sáng, nắng đã lên. Nhưng mọi người trong xe không lấy kính mát ra đeo. Màu xanh mát mắt quá, đeo kính làm chi thêm cản trở. Cứ  mắt trần chủ động nhìn ngắm, và hòa điệu với Thiên Nhiên. E không phải thế, không phải ta chủ động, không phải ta hòa điệu. Thiên Nhiên đang làm chủ, ta bị lôi kéo. Cỏ và nắng đang chuyện trò với nhau, thỉnh thoảng chợt thấy ta, liền ban ơn lên tiếng gọi, Này, mấy người “lưu vong” lơ đãng kia, hãy nhìn chúng tôi đây. Cỏ non rưng rưng mời mọc nắng mới. Nắng mới rưng rưng ôm ấp cỏ non. Cỏ rưng rưng trong nắng rưng rưng. Rưng rưng vì nhớ nhung lâu ngày nay gặp nhau lại. Rất trong sáng, rất tinh khôi, rất hồn nhiên. Nắng reo mừng lên tiếng, cỏ hân hoan cất giọng. Thiên nhiên đang ngẫu hứng hòa tấu bằng vĩ cầm và dương cầm.

Cỏ và nắng trong sáng quá. Ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Đâu phải như trăng với hoa lén lút chờ đêm tối hẹn hò.  

Nắng càng lên, cỏ càng say. Nắng và cỏ càng quấn quýt. Cỏ say nắng ửng vàng, nắng pha màu theo cỏ. Không phải màu da cam, da chanh, cánh bướm, hoa cúc. Hoa cải chăng? Trong vàng có xanh, trong xanh có vàng. Vàng xanh cỏ nắng.

Nhìn lên cao, da trời cũng xanh, xanh cách khác. Xanh lam nhạt. Lác đác nhiều cụm mây trắng nõn như lông ngỗng lặng lẽ trôi nhè nhẹ. Cũng có không ít những cụm mây nặng phơn phớt màu khói đen bên dưới trong khi bên hông, và chắc chắn mặt trên của mây, nắng chiếu sáng ngời. Đấy là những đám mây mưa. Thế là chiều nay, khuya nay, hay ngày mai lại có mưa nữa. Mưa tiếp sức cho màu xanh. Sẽ xanh lâu. Dăm ba cánh chim bay phân vân, ngại ngùng, lạc điệu, những con chim không chịu bay về phương Nam tránh rét, hay là không đủ sức bay xa, đành ở lại.  

Trên những mảnh đất hoang nằm rải rác hai bên xa lộ, cũng một màu cỏ xanh được điểm xuyết bằng nhiều vũng nước mưa đọng chưa kịp ngấm xuống hết. Xa hơn, con sông, con suối, mặt hồ, óng ánh như những tấm gương khổng lồ màu xanh lam nhạt. Vâng, sông, hồ, suối cùng màu với da trời. Nguyễn Du từng viết trong Truyện Kiều:

 

Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng

                 

Hai câu thơ sau trong bài Thu Rừng của Huy Cận cũng nói lên hình tượng đó:

 

                Sắc trời trôi nhạt dưới khe

                Chim đi lá rụng cành nghe lạnh lùng

 

Trời vốn kín đáo, không chịu loã lồ, không để lộ xương, máu, lòng, dạ cho nhân gian thấy. Cho nên người khó biết ý trời. Trời chỉ cho thấy da. Da trời thường màu xanh lam khi không có mưa gió bão bùng, thì con sông, dòng suối, mặt hồ cũng mang màu xanh lam ấy. Và gặp những hôm mưa bụi bay bay xóa nhòa trời đất, giọt mưa thánh thót, dòng sông lại trắng một màu:

 

                Thánh thót tầu tiêu mấy giọt mưa

                Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ

                Xanh om cổ thụ tròn xoe tán

                Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ

                      Hồ Xuân Hương – Cảnh Thu

 

Và cũng có những dòng sông đen, những đêm không trăng không sao, nhà thơ ảo não của chúng ta trăn trở:

 

tôi buồn chết như buồn ngủ

dù tôi đang đứng bên bờ sông

nước đen sâu thao thức

Thanh Tâm Tuyền – Phục Sinh        

 

Càng tiến về hướng Bắc để đi đến những vùng như San Jose, Milpitas, Fremont, chúng tôi càng bị choáng ngợp bởi màu xanh mỗi lúc một tươi thắm và liền lạc không còn một chỗ trống. Thiên nhiên mặc áo mới, chiếc áo nhung xanh lành lặn, dày dặn, kín đáo.

Nhưng kìa, có lẽ tôi nhầm chăng, những gì đấy? Những điểm nâu, rồi những chấm trắng, vừa hiện lên trên sườn đồi thoai thoải. Thôi, thế là chiếc áo nhung đã có chỗ rách? Nhìn kỹ, những điểm, những chấm ấy đang di động chậm chạp từ bên kia ngọn đồi lũ lượt tràn qua bên này. Thì ra bò, cừu đang gặm cỏ. Lác đác, những vạt màu xanh đậm của vòm cây và những chòm lá gồi vươn lên cao lấp lánh soi gương trong nắng mới. Rải rác dăm ba vườn lê đang trổ bông trắng man mác như nỗi nhớ đuổi theo mãi bánh xe lăn. Và xa xa in hình màu trắng rực rỡ của những dãy núi  tuyết phủ làm thành đường chân trời.

Xe chạy miên man trên xa lộ như thế đã hơn 5 tiếng đồng hồ. Đồi núi xoay vần. Lại nhớ Nguyễn Du, với tiết tháng ba Thanh Minh, và hội Đạp Thanh. Yêu thiên nhiên, chị em nàng Kiều thong thả dắt tay nhau “bộ hành du xuân”. Kim Trọng không tha thiết bằng, “lỏng buông tay khấu”, cưỡi ngựa ngắm hoa. Cố nhiên vừa thoáng thấy giai nhân đằng xa, chàng đã vội vàng xuống ngựa. Trong khi đó, chúng tôi  quá cẩu thả. Phải xuống xe chứ!

Xe đang chạy qua vùng Milpitas. Nghe nói vùng này có Đền Thiên Long Sơn (The Dragon Mountain Thiên Long Sơn) nổi tiếng đẹp. Chúng tôi quyết định đến đó xuống xe thăm trước khi tiếp tục lên đường đi Fremont .

Gọi là Đền Thiên Long Sơn vì đây không phải là chùa Phật giáo, hay nhà thờ Công Giáo, Tin Lành, hay tu viện, mà là một Trung tâm Văn Hóa, Tâm Linh, Đa Tôn Giáo, do một cặp vợ chồng triệu phú người Việt khởi công xây dựng cách đây khoảng 5 năm. Công trình này đang tiếp tục phát triển. Xây thêm đền miếu, phóng thêm những con đường lên nhiều ngọn đồi.

Có nhiều bức tượng đúc bằng đá quý, gỗ quý. Tượng Phật Thích Ca, Phật Bà Quan Âm, Đức Mẹ. Khu Phật Giáo, khu Thiên Chúa Giáo, khu dành cho những danh nhân Việt Nam như Đức Thánh Trần, Vua Trần Nhân Tông, Bà Chúa Liễu Hạnh, Tả quân Lê Văn Duyệt v.v... Có những phòng ốc tĩnh lặng để thiền định, cầu nguyện. Mỗi Chủ Nhật, cơm chay miễn phí.

Đường lên Đền rất đẹp len qua những đồi dốc san sát. Đến khu đền thứ nhất gặp ngay chỗ đậu xe miễn phí nằm trên một khoảnh sân khá rộng tiếp giáp với mặt tiền của một ngôi miếu. Đằng trước miếu là mấy cột cờ, cờ Mỹ, cờ Việt Nam Cộng Hoà, cờ của Đền, cờ California. Từ đấy có thể đi lên một ngọn đồi khá cao theo những đường bậc cấp bằng xi-măng uốn mình ngoằn ngoèo. Chạy theo song song là lan can lưới có tay vịn, người leo đồi khỏi sợ bị té ngã xuống những vực sâu.

Tôi phân vân. Chân tôi yếu. Có dám chống gậy lên đỉnh đồi gần nhất hay không. Tôi thầm nghĩ nếu không lên nổi đến đỉnh thì cũng có thể ngồi lại nghỉ chân tại bất cứ nơi nào trên những con dốc dài này. Rồi đi tiếp, hoặc quay trở lại xuống chân đồi, tuỳ sức khỏe cho phép. Lại nữa, những cơn gió mát rười rượi và nắng rải mênh mông nghe như lời thúc giục. Thế là tôi chống gậy bước đi. Trên đường bằng phẳng, tôi có thể không cần gậy.  

Trước hết tôi được nhìn gần, cỏ xanh ngay dưới chân. Đạp thanh! Giẫm lên cỏ xanh! Tôi nhìn kỹ chiếc áo nhung xanh của Mẹ Thiên Nhiên. Vâng, nhìn gần vẫn thấy chiếc áo rất lành lặn. Cỏ non xanh mọc dày san sát. Nắng ấm chan hòa. Thơm ngát.

Dù chống gậy trèo lên khá vất vả, tôi cũng cố đếm xem có bao nhiêu bậc cấp. Nhưng xa quá, cao quá, nhiều bậc cấp quá, và mệt quá. Cuối cùng không đếm xuể. Lẽ dĩ nhiên tôi phải ngồi nghỉ chân nhiều lần mỗi khi vượt qua được mấy mươi bậc cấp. Có mấy người trẻ tuổi cũng gậy như tôi, nhưng là loại gậy cao quá đầu mà người chuyên leo núi cần đến. Họ đi phăng phăng, thấy mà thèm. Một người bạn học tập kết đi theo “bên kia” sau này gặp lại gọi đấy là loại “gậy Trường Sơn”, có nó tha hồ trèo đèo vượt suối.

Tôi biết trước trở xuống chân đồi sẽ không phải là chuyện đơn giản. Khó khăn và nguy hiểm hơn nhiều. Nhưng đã đi thì ráng đi cho tới nơi.

Lên đến đỉnh đồi, tự lượng sức không thể tiếp tục trèo lên những ngọn đồi khác như nhiều khách hành hương, tôi ngồi nghỉ trên một chiếc ghế đá cạnh cái miếu nhỏ, nhìn quanh. Đồi xanh chập chùng không biết là bao nhiêu ngọn, những thung lũng xanh tỏa rộng thênh thang. Làm so sánh thiên nhiên, cảnh vật, đồi núi, thung lũng nơi quê cũ, tất cả đều thu nhỏ.

Chùa chiền xứ ta trước kia - không kể những ngôi chùa chen chúc nơi đô thị náo nhiệt - cũng thế, nhỏ nhắn, khiêm tốn, thân thương. Ngôi chùa thường nép mình bên một sườn đồi xinh xinh, hay ẩn nấp trong một thung lũng con con, hay lẫn khuất trong một làng quê nho nhỏ. Có cây tùng, cây bách án ngữ, hay cây bồ đề, cây đa rợp bóng, hay cây đại, cây sứ xúm xít, hay lũy tre già bao bọc đu đưa trong gió. Ai đã từng ở Huế hẳn còn nhớ nhiều ngôi chùa thật đẹp. Chùa Từ Hiếu nằm gọn trong lòng một thung lũng be bé lẫn trong rừng thông và cây cối um tùm; chùa Trà Am thấp thoáng trong khóm trúc lóng đen, tre cán giáo lóng vàng, bên dòng suối nhỏ lòng nghiêng róc rách; chùa Tường Vân đứng trầm tư mặc tưởng trên một ngọn đồi thon thả, từ đó nhìn xuống một thung lũng nhỏ hơn nữa thấy ẩn hiện mái chùa Sư Nữ im lìm đang tham thiền nhập định. Và còn nhiều ngôi chùa đẹp khác. Đấy không phải khung cảnh của trần thế. Tiên cảnh.

Nhưng bây giờ mọi thứ đều thay đổi nhiều, từ thái cực này qua thái cực khác. Nhiều ngôi chùa “khủng” mọc lên tại nhiều nơi ở hải ngoại, và nhất là ở trong nước.  

Dưới xa tít tắp, mấy chiếc hồ xanh biếc in bóng núi đồi. Không gian bao la, vô cùng vô tận. Cái bao la khiến “một chiếc linh hồn nhỏ” (Huy Cận) hụt hẫng, choáng ngợp. Quen ngồi trong xe kín bưng, an toàn, chạy vùn vụt qua nhiều quãng đường dài nhìn trời cao đất rộng. Nay dừng lại, xuống xe “lần bước dặm xanh”, có cảm tưởng như con ếch rời khỏi đáy giếng thảng thốt vì khoảng trống mênh mông.

 

Chùa xưa ở quê cũ tịch lặng, nhưng gần gũi, êm đềm. Ngôi Đền này lại càng tịch lặng, nhưng càng xa vắng. Nơi đây khiến tôi nghĩ đến cái bao la của Đất Nước này, một lục địa nằm giữa hai Đại Dương của Địa Cầu. Con người vốn ghê sợ cái nghiệt ngã của Thời Gian, và cũng e ngại cái trống trải của Không Gian. Quen sống nơi quê cũ, nay không khỏi nhiều lúc cảm thấy lạc lõng nơi quê mới.

Lạc lõng? Tôi chợt nghĩ đến bốn chữ “Thế hệ lạc lõng”? Bốn chữ đó thường dùng để chỉ một lớp người sống giữa hai Thế Chiến I và II, đặc biệt là những nhà văn, nhà thơ người Mỹ có tiếng như Ernest Hemingway, F. Scott Fitzgerald, Sinclair Lewis, T. S. Eliot … Họ được mệnh danh là “Thế Hệ Lạc Lõng” (The Lost Generation). Lạc lõng, theo một số nhận định, vì vỡ mộng và tuyệt vọng sau khi trải qua một cuộc chiến tàn khốc đã giết chết mấy chục triệu người, vì những chuẩn mực đạo đức, trong sáng, ngây thơ, thơ mộng của nếp sống cũ không còn nữa, vì bơ vơ trước một tương lai vô định. Họ đã qua châu Âu, Paris, sinh sống một thời gian, càng lạc lõng hơn. Rồi đi lang bạt nhiều nơi khác trước khi quay về quê hương cũ.

Ta thì sao? Cũng là nạn nhân của một cuộc chiến còn khủng khiếp hơn, dai dẳng hơn. Lại mất tất cả, mất luôn cả quê hương, không có ngày về. Phải lưu vong, phải tới những nơi xa lạ -- khuôn mặt khác, tiếng nói khác, nếp sống khác, phong tục khác, suy nghĩ khác. Vậy nếu thế hệ chúng ta không tìm thấy sự an vui, cái yên ổn trong tâm hồn, không phải tại vì ta ưa làm dáng, ta thích bi thảm hóa. Cũng không phải chỉ vì cái không gian bao la của xứ này mà thôi.

Tôi đứng lên. Nhìn xuống dưới xa. Rồi lại ngồi. Con đường xuống đồi quanh co và dài quá. Chân yếu, đi xuống khó hơn đi lên, dễ bị ngã qụy. Mấy người đồng hành cùng tôi lên ngọn đồi này đều đã bươn bươn đi qua ngọn đồi khác theo những con đường mòn chưa xây bậc cấp. Và có thể họ theo lối khác xuống đồi. Không khéo chỉ còn một mình tôi trên ngọn đỉnh này. Tôi đâm lo, thử lần từng bước đi xuống. Chỉ qua ba bậc tam cấp, tôi biết tôi không thể bước thêm nữa. Cái mệt nhọc do ráng sức trèo lên mấy trăm bậc cấp còn đè nặng. Đành đứng lại, ngao ngán. Thì hai bàn tay đằng sau luồn vào nách của tôi và nâng tôi lên. A, đứa con gái của tôi. Nó không đi với mấy người kia, đứng khuất sau cái miếu nhỏ tôi không thấy, và đến dìu tôi đi từng bước một. Đi, nghỉ, nhiều lần, rồi cũng tới nơi. Tôi lên xe ngay, điều chỉnh ghế, và ngã lưng nằm dài.

*

Xe trở lại lối cũ chạy xuống con đường ngoằn ngoèo. Rồi vào xa lộ. Tôi có cảm tưởng như vừa chui vào cái mai rùa, chật chội mà chắc chắn và an toàn. Những ngọn đồi ngoài kia vẫn tiếp tục chạy theo từng đoạn, uốn mình nhịp nhàng, êm ái. Cỏ trùm lên đồi trông xanh hơn, mịn màng hơn. Nắng ngoài kia có vẻ vuốt ve hơn. Cái hụt hẫng trước không gian giảm đi nhiều khi tôi ngồi trong xe.

Xin giã từ Thiên Long Sơn. Xin giã từ đồi cao, lũng sâu. Đầu óc tôi đang muốn quay về với những ngôi chùa nhỏ êm êm tiếng chuông tiếng mõ; những giáo đường văng vẳng tiếng cầu kinh; những thánh thất, am miếu âm u nhang khói; những ngôi làng xa âm thầm lặng lẽ; những núi, những đồi, những sông, những biển mơ màng; những phố phường nhộn nhịp, đông vui; những khuôn mặt, những lời nói thân quen, quyến luyến. Mọi thứ đang lên tiếng gọi kẻ đi xa.

Tôi lại nghĩ đến những người dù chán ghét chế độ hiện hữu tại quê nhà vẫn muốn quay về tìm chút “hương xưa” khi tuổi đã cao, khi con cái đã thành đạt để tự trấn an làm xong nhiệm vụ, khi cảm thấy mình là chiếc lá sắp rụng, thì rụng về cội hơn là để gió cuốn đi lang bạt.

Nhưng dễ gì tìm lại được cảnh cũ, người xưa. Người Tàu có câu: “Cứ 30 năm biển lớn biến thành ruộng dâu, và ruộng dâu biến thành biển lớn.” Nhanh thế sao. Dù không nhanh chóng như cái lối nói cường điệu ấy, người ta cũng “không thể tắm hai lần trên một dòng nước”. Nhiều người trở về ngỡ ngàng, hụt hẫng trước những biến thái ghê gớm. Ngoại cảnh không còn như xưa nữa đã đành, tâm cảnh cũng đổi khác. Lại ra đi. Rồi buồn bã có khi lại quay về. Cứ thế, cứ thế.

Cứ như trong một chuyện thiếu nhi của người Anh, cố nhiên sự so sánh có phần khập khiễng,  dùng để minh họa chữ “Dilemma”. Có hai chàng trẻ tuổi lạc bước vào một khu rừng. Hai chàng vừa tung tăng đi một quãng ngắn thì một con sư tử to lớn xuất hiện. Họ hoảng hốt vùng chạy. May gặp một cây cao, một chàng trèo nhanh lên thoát nạn. Cũng còn may, chàng kia chợt thấy cái hang nhỏ gần đấy, liền lao xuống trốn. Chỉ một khoảnh khắc ngắn, anh ta lại thò đầu lên miệng hang. Thì gặp ngay con sư tử đang liếm mép ngồi chờ. Chàng vội vàng thun người tụt nhanh xuống hang. Cái hành động quái lạ đó lặp đi lặp lại nhiều lần. Chàng ở trên cao thấy thế sốt ruột la lớn:

“Này, này, đừng điên khùng như vậy. Đừng thò đầu ra nữa, chết ngay bây giờ. Hãy kiên nhẫn. Hãy chờ con sư tử nản lòng bỏ đi. Tao canh chừng cho. Tao hô to một tiếng, thì mày mới được chui ra. Nhé, nhé.”

Chàng kia nghẹn ngào:

“Nhưng trong hang có một con gấu!”

Hoặc cũng có người cảm thấy mọi chuyện đều quá muộn màng đành miễn cưỡng kéo lê những ngày còn lại của đời mình tại một trong hai nơi, thay vì đi đi về về như thoi đưa.

 

Xe tiếp tục chạy trên đường dài, vượt qua nhiều đồi núi. Trí óc của tôi không còn yên ổn như trước khi ghé Thiên Long Sơn, không còn mơ tưởng gì đến màu trắng như tuyết cuả con ngựa chàng cưỡi, màu xanh như cỏ, như da trời của chiếc áo chàng mặc, chàng Kim Trọng. Nghĩ quẩn nghĩ quanh. Những ý nghĩ rối rắm lại đưa tôi trở lại với Hemingway, nhưng không phải một Hemingway lạc lõng, mà Hemingway tác giả cuốn Những Đồi Xanh của Châu Phi (Green Hills of Africa). Trong tác phẩm này, ở nhiều đoạn, Hemingway cố dò hỏi lòng mình, cố tìm tòi những mạch ngầm bạo liệt, và cái đẹp, cái vinh quang của châu Phi hoang dại mà ông say đắm; cái cám dỗ ghê gớm, man rợ của thú săn bắn, giết chóc, nhất là khi giết được những con thú lớn như sư tử, tê giác. Và đồng thời nhà văn nổi tiếng này lo ngại một ngày nào đó không xa, Lục Địa Đen tuyệt vời này sẽ bị tiêu vong vì sự xâm nhập của con người.  

Phải chăng, với tư thế một du khách, một nhà săn bắn, một nhà câu cá, ưa cảm giác mạnh, Hemingway đã phát biểu như trên? Nhưng nếu ông là thổ dân ở đấy, hay khi đến châu Phi thấy thích quá bèn xin làm dân nhập cư, lưu dân, rồi nhập tịch vào một sắc dân bản xứ để có thể vĩnh viễn sống nơi đó, liệu những trầm tư, những dò hỏi lòng mình như trên có còn nguyên vẹn? Hay là Hemingway lại có thể bận tâm đến cuộc sống bán khai cơ cực của người bản xứ thay vì đi tìm cái mạch ngầm mang nặng tính lãng mạn?

Lại liên tưởng đến những sườn đồi, sườn núi vùng Lai Châu, Lào Cai biến thành những mảnh ruộng nấc thang nghiêng nghiêng, xanh thẳm, dưới bầu trời lồng lộng màu xanh lam mà các du khách, các nhiếp ảnh gia ca tụng như những bức tranh thiên nhiên tuyệt tác trời dành riêng cho dân bản xứ. Có lẽ đồng bào thiểu số nghèo đói sở hữu chủ của những “bức tranh thiên nhiên tuyệt tác” không hài lòng với nhận xét ấy. Vì không được may mắn có những cánh đồng bằng phẳng, màu mỡ như những vùng châu thổ để canh tác, họ đành phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” cào xới núi đồi sỏi đá làm thành những dải đất trồng trọt chật hẹp, cheo leo, cằn cỗi mong tìm chút dưỡng chất còn sót của trần gian đầy gian khổ này. Chẳng hay họ có còn hơi sức hay không để tung hô, tán tụng như những nhà nhiếp ảnh.

Chiếc xe vẫn chạy bon bon. Núi đồi vẫn nối tiếp nhau, lúc thì kéo dài như thân hình con rắn lục khổng lồ, lúc thì sưng lên thành những “vú đồi” tròn trịa, trong khi nắng mới và cỏ non say sưa chuyện trò với nhau, môi mấp máy, mắt long lanh. Vang vang. Nắng reo, nắng dậy. Cỏ rạt rào. Nắng là tiếng đàn vỹ cầm lả lướt uốn éo như dãi lụa mềm mại. Cỏ là vô vàn nốt nhạc dương cầm nhảy nhót du dương thánh thót.      

Tôi thử dò lại lòng mình, tìm “mạch ngầm” của những ngọn đồi cỏ non trong nắng mới. Không tìm được gì. Nắng và cỏ chuyện trò với nhau không chút quan tâm đến chúng tôi. Hay nói cách khác, tôi bị xem như người ngoại cuộc. Hay nói cách khác nữa, giữa chúng tôi và trời đất bao la này chưa có sự hoà điệu. Tôi nghĩ đến màu xanh Nguyễn Bính nơi quê cũ, Xanh cây xanh cỏ xanh đồi. Màu xanh đó phai nhạt dần, dù là màu của hoài niệm nằm sâu trong tâm khảm. Và tôi nghĩ thêm nếu tôi là một du khách chỉ đến đây một thời gian rồi ra đi, như Hemingway đến châu Phi cùng rượu mạnh và người đẹp giết dăm ba con thú lớn rồi trở về Mỹ, thì cỏ và nắng sẽ dễ dàng cho phép tôi tham dự chuyện trò. Xong ai về nhà nấy, không lưu luyến nhau, không quấy rầy nhau, không duyên nợ nhau. Có khi chỉ một thời gian ngắn, quên hẳn nhau. Nhưng tôi không là du khách. Tôi bỏ quê cũ, đi mãi. Đến đây, sống mãi. Sống nhờ. Và đứng bên lề cuộc đời.

Tôi thích du lịch. Nhờ sự giàu có của đất nước này, với đồng lương khiêm tốn theo tiêu chuẩn Mỹ, tôi có dịp đi khá nhiều nơi trên thế giới. Đến đâu cũng thấy lòng thoải mái, hân hoan. Và vô tư thưởng ngoạn cảnh đẹp lúc huy hoàng lộng lẫy, khi êm ái dịu dàng. Và say mê chiêm ngưỡng những di tích qúy hiếm của những thời xa xưa còn sót lại. Rồi giã từ không chút bịn rịn. Nhưng mỗi lần trở về quê hương thứ hai này là mỗi lần thấy băn khoăn, bồi hồi. Vui buồn lẫn lộn. Cảm thấy ấm lòng trở lại chốn cũ, đồng thời cũng cảm thấy có vấn đề. Đó là có chăng sự hòa điệu, sự hội nhập? Hòa điệu là con đường giao lưu hai chiều. Con đường đó dường như chưa suôn sẻ. Đối với những nước tôi đến thăm, tôi là du khách, sự hòa điệu không cần thiết được đặt ra. Có cũng tốt, không thì thôi. Nhưng đối với quê hương thứ hai của tôi, vấn đề không đơn giản.    

Nay tôi đang tập tểnh muốn làm người bản xứ. Được chấp nhận chưa? Hòa điệu chưa? Hội nhập chưa? Tôi đã tìm được việc làm, nghĩa là có chút đóng góp. Không là bao, nhưng cũng hội đủ điều kiện để về hưu và hưởng mọi thứ quyền lợi dành cho công dân xứ này cho đến cuối đời. Điều đó làm tôi áy náy, nhiều khi tự cảm thấy mình là một loại ký sinh trùng. Nhưng đấy mới chỉ là sự kiện xứ sở này chấp nhận tôi như một con số trong hàng triệu con số, một kẻ vô danh trong hàng triệu kẻ vô danh. Còn có nhiều thứ lấn cấn khác không phải chỉ bắt nguồn từ đất nước bao la và bao dung này, mà cả từ bản thân tôi, một cá nhân nhỏ bé, yếu kém, vô giá trị. Thì hãy khoan, hãy đừng sấn sổ, vồ vập. Hãy dành một khoảng cách về thời gian để cho mọi chuyện lắng xuống, nguôi ngoai. Họa chăng sự hội nhập nào đó dù chưa đến với tôi, thuộc thế hệ Việt Nam lưu vong thứ nhất, sẽ đến với mấy đứa con của tôi. Hay, có trễ đi nữa, con của con tôi.  

Hãy để nắng và cỏ chuyện trò với nhau trên những đồi xanh.

                                                                     2/2019     

 

                    

  

                       

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.