Hôm nay,  

TT Trump Đi Á Châu

21/11/201700:00:00(Xem: 12737)
Vũ Linh

 
...Phe đối lập DC có vẻ không có gì để chỉ trích...

 
TT Trump đi chu du một vòng 5 nước Á Châu. Đây là chuyến công du lâu nhất của tổng thống Mỹ trong lịch sử cận đại, kéo dài tới 12 ngày. Không thiếu gì lý do.

Lý do nghiêm chỉnh và quan trọng nhất là thông điệp của TT Trump, đặt nặng vai trò của Châu Á trong chính sách đối ngoại của tổng thống mới của Mỹ.

Ở đây phải thấy rõ sự khác biệt quan trọng giữa TT Obama và TT Trump. TT Obama ‘chuyển trục’, nhưng chú tâm vào quan hệ kinh doanh, đi rao món hàng TPP, trong khi TT Trump chủ ý đi Á Châu để tìm hậu thuẫn cho chính sách cứng rắn của ông đối với Bắc Hàn cũng như để giải thích chính sách mậu dịch mới của Mỹ, chủ trương thương thảo song phương dựa trên trao đổi sòng phẳng. Và dường như TT Trump đã phải trả một giá khá cao.

Tại Nhật và Hàn Quốc, khác với những tuyên bố khi tranh cử, TT Trump đã xác nhận Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ hai xứ này, vẫn giữ căn cứ quân sự và lính tại đây mà không đòi hỏi hai xứ này chia sẻ chi phí.

Tại TC, TT Trump đã không đề cập một tiếng nào về vấn đề nhân quyền cũng như về sự gian trá của TC trên thương trường quốc tế, hay triển vọng đánh thuế trừng phạt  trên hàng nhập của TC.

Tại VN, ông cũng không nói gì về nhân quyền. Rồi sau đó, đề nghị làm trung gian hòa giải các nước Đông Nam Á về vụ tranh chấp Biển Đông.

Không ai nghĩ CSVN sẽ nhờ Mỹ làm trung gian điều đình gì, mà có đi nữa thì cũng chẳng ai nghĩ TC sẽ chấp nhận. Cái thâm ý của TT Trump là khều chân TC, đánh tiếng cho VC và cả TC biết Mỹ không nhìn nhận độc quyền lưỡi bò của TC, mà coi toàn bộ vấn đề là tranh chấp quyền lợi, các quốc gia Đông Nam Á trong đó có CSVN, đều có quyền bác bỏ cái lưỡi bò đó, và tất cả cần phải thương lượng. Quan điểm này chỉ khiến cho chủ nhà VC mát ruột, dù TC không vui.

Các nước Á Châu hiểu được sự nhân nhượng của TT Trump cũng như muốn xác nhận họ tôn trọng lập trường của Mỹ nên đáp lễ bằng những cuộc đón rước long trọng chứ không phải cho ông đi tầu bay giấy như TTDC cố tình bôi bác một cách ngây ngô và rẻ tiền. Ở cấp lãnh đạo đại cường, khi quyền lợi cả nước được đặt lên bàn cân, họ không lý luận và xử thế trẻ con như vậy.

TT Trump thành công, huy động được hậu thuẫn chống Bắc Hàn không? Chẳng ai biết rõ. Chỉ thấy vài triệu chứng:

- Trong suốt thời gian công du, Cậu Ấm Ủn đã im re, không nói gì, cũng chẳng bắn hoả tiễn gì như TTDC tiên đoán. Nếu không phải là nể mặt Trump, thì cũng là hiểu rõ thông điệp của bác Tập khi ông này đón rước TT Trump quá trịnh trọng: “Thượng khách của tôi và tôi muốn có giao hảo tốt đẹp với ông ấy đấy chú!”. Cậu Ấm chưa khùng cũng chẳng ngu đâu.

- Cả Nhật lẫn Hàn Quốc tuyên bố ủng hộ lập trường cứng rắn của TT Trump đối với Bắc Hàn.

- Ngay sau chuyến đi của TT Trump, chủ tịch Tập đã gửi một đặc phái viên đi Bình Nhưỡng gặp Cậu Ấm, không ai biết để cảnh cáo hay trấn an cậu, chỉ biết là giữa TT Trump và CT Tập đã có ‘nói chuyện’ về Bắc Hàn.

Phe đối lập DC có vẻ mắc nghẹn, không có gì để chỉ trích. Bèn chơi trò đánh trống lảng: la hét ầm ĩ về vụ ứng viên CH trong cuộc tranh cử Thượng Viện tới tại Alabama, ông Roy Moore, bị mấy bà xồn xồn tố cáo cách đây ba bốn chục năm gì đó, bị ông này sàm sở, rờ mó hay hôn ẩu.

CNN phán ngay “TT Trump khiến tôi nhàm chán với những hình ảnh du lịch của ông”. Miễn bàn thêm.

Ngày đầu đến Nhật, chưa vào chương trình chính thức, thủ tướng Nhật đãi TT Trump ăn sáng hăm-bơ-ghơ Mỹ. Washington Post đập ngay Trump ngu dốt về nghi lễ ngoại giao, không tôn trọng văn hoá Nhật, không ăn đồ ăn Nhật khi đến Nhật. Câu hỏi cho WaPo: thế TT Obama đến VN có ăn hột vịt lộn không nhỉ?

TT Trump cùng thủ tướng Nhật đi thăm công viên, đến hồ cá vàng, cho cá ăn. CNN (chứ còn ai nữa?) chiếu đoạn phim TT Trump đổ nguyên bát đồ ăn xuống hồ, bôi bác Trump lỗ mãng, vô học. Chỉ một ngày sau là các trang mạng tràn ngập hình ảnh thủ tướng Nhật hất nguyên bát đồ ăn trước rồi TT Trump bắt chước làm theo, nhưng cái đoạn về thủ tướng Nhật bị CNN ‘đục bỏ’. CNN bầm cả hai mắt.

Trong các chuyến công du ngoại quốc của TT Trump, ông đều được tiếp đón cực kỳ long trọng, từ Ba Lan đến Pháp trước đây, đến bây giờ là chuyến đi TC, được chủ tịch Tập Cận Bình đích thân làm hướng dẫn viên đưa đi giới thiệu Tử Cấm Thành, rồi đãi đại yến trong đó, một chuyện chưa bao giờ xẩy ra cho bất cứ vị quốc trưởng ngoại quốc nào trong lịch sử TC từ ngày chiếm quyền năm 1949.

Phản ứng của TTDC? Đó là cách các quốc gia khác vuốt ve cái tôi vĩ đại của TT Trump, như đã viết sơ qua. Chắc tại TT Obama không có cái tôi lớn lắm nên TC cho ông ra cửa sau của máy bay, chẳng thảm đỏ, chẳng vòng hoa, chẳng cờ quạt, chẳng đại bác? Thú thật, kẻ này vẫn muốn thấy tổng thống đại cường Cờ Hoa được đón rước long trọng hơn đón một anh thư ký tòa đại sứ.

Sự thật là TC chẳng coi TT Obama ra gì, nhưng muốn vuốt TT Trump vì sợ ông này đánh mạnh trên mặt trận mậu dịch, như tăng thuế hàng nhập từ TC. Sự đón tiếp long trọng cũng như 250 tỷ hàng TC mua là cái giá TC trả trong cuộc chiến này. Mỗi năm, TC xuất cảng qua Mỹ hơn 450 tỷ đô. Ông Trump hăm dọa đánh thuế nhập tới 35%, nếu làm thật thì TC sẽ mất hơn 150 tỷ một năm. Rất có thể TC sẽ đi xa hơn nữa và sẽ áp lực hay kềm chế Cậu Ấm Ủn, coi như thêm một món quà nữa cho TT Trump.

TTDC đả kích TT Trump khi ông chủ trương mậu dịch song phương trong sòng phẳng, chống lại toàn cầu hoá. Chủ Tịch Tập Cận Bình đọc diễn văn, chủ trương ngược lại, hậu thuẫn toàn cầu hoá, dĩ nhiên để chính danh hoá việc TC đang vươn nanh vuốt qua Phi Châu, Nam Mỹ, và mỏ bauxite VN. Vài cụ tỵ nạn chống Trump với bất cứ giá nào vội nhẩy ra chửi Trump, hoan hô toàn cầu hóa theo Tập ngay. Lạ thật, có khuynh hướng mới trong cộng đồng tỵ nạn: ủng hộ Tập sao? Ý đồ của họ Tập hiển nhiên không phải là toàn cầu hoá hay tự do mậu dịch gì ráo, mà chỉ là bảo hộ mậu dịch tối đa cho quyền lợi của các Chú Ba trong giấc mộng toàn Hán hoá, kể cả VN, chẳng lẽ các cụ không nhìn thấy sao? Hay lại vẫn là chuyện hận Trump quá mất khôn như CNN?

VC vi phạm nhân quyền một cách thô bạo từ ngày đầu chiếm miền Nam (không kể dưới chế độ CSBV) chứ không phải là chuyện mới xẩy ra với TT Trump. Câu hỏi là trong suốt mấy đời tổng thống từ Carter cho đến Obama, những hô hào nhân quyền của họ đã gặt hái được thành quả nào ngoài việc VC trục xuất nửa tá người gọi là ‘nhà tranh đấu’ qua Mỹ biến vào biển người, ngày hai buổi đi cầy, giúp cho VC bứng được vài ba cái gai trước mắt? VC có mở cửa cho tự do báo chí chưa? Có tôn trọng nhân quyền tối thiểu gì chưa? Có bầu cử tự do gì chưa? Dân Việt hưởng được bao nhiêu tự do dân chủ? Câu trả lời: zero!

Đó là chưa nói đến việc đây là chuyện nhân quyền đổi lấy bom nguyên tử Bắc Hàn chứ không phải đổi lấy bạc cắc đâu, cụ ơi!

Đất nước của chúng ta, đồng bào của chúng ta, trách nhiệm tranh đấu cho nhân quyền VN là trách nhiệm của dân Việt chúng ta trước tiên, trong nước cũng như ngoài nước, chứ không phải trách nhiệm của tổng thống một nước ngoài, cho dù nước ngoài đó là Mỹ. Trước khi chỉ trích người ta không chịu giúp mình, hãy tự vấn lương tâm chính mình đã làm những gì? Có kết quả gì?

Các TT Carter và Clinton nói nhiều về nhân quyền, những cũng chính mấy ông này đã nhìn nhận chế độ CSVN, trao đổi ngoại giao với chế độ, cho gia nhập đủ thứ hiệp hội, tổ chức quốc tế, từ Liên Hiệp Quốc đến WHO, WTO, UNESCO, IMF, SEATO, APEC,... Cho hưởng quy chế mậu dịch ưu đãi,... TT Obama, trong bài diễn văn 32 phút đọc tại VN, đã bỏ ra chưa tới 30 giây nói về nhân quyền. Hơn xa TT Trump thật, nhưng ngay sau đó tặng cho các ‘lãnh đạo đại tài’ quyết định hủy bỏ cấm vận vũ khí, công an tha hồ mua súng. Đó là cách TT Obama vận động cho nhân quyền tại VN sao?


Tiếng Mỹ có cụm từ ‘lip service’, có thể dịch nôm na là ‘dịch vụ môi mép’ hay ‘dịch vụ miệng lưỡi’. Nói cho dẻo mà không làm gì.

Không ai chối cãi nước Mỹ có vị thế cường quốc đặc biệt, cũng như vì sự can thiệp vào chiến tranh VN trước đây, nên có một trách nhiệm đặc biệt giúp bảo vệ hay phát huy nhân quyền tại VN. Nhưng vấn đề là nhìn vào thực tế, vài lời tuyên bố của các TT Clinton, Bush và Obama đã có kết quả gì hay chỉ là ‘lip service’ cho có, tiêu biểu của chính trị gia?

Nếu muốn trách thì phải trách tất cả các tổng thống Mỹ, từ Carter đến Trump (cho đến nay) đã hoàn toàn bất lực, không làm được gì hay không muốn làm gì cụ thể để giúp phong trào tranh đấu cho nhân quyền tại VN ngoài dăm ba câu nói tượng trưng sau khi du ngoạn VN và cụng ly với các ‘lãnh đạo đại tài’.

Công bằng mà nói, TT Trump không nói gì là một sai lầm chính trị vì nhiều người thích nghe nhưng không được nghe nên bực mình, chứ chẳng có hậu quả gì khác. Ông có nói gì thì cũng như các TT Clinton, Bush và Obama, là ‘lip service’ thôi. Nói mà chỉ là ‘lip service’ thì thà đừng nói, đừng làm cho dân ta mơ tưởng và hy vọng Bác Sam sẽ làm gì đó để giúp họ trong khi Bác Sam thực tế đã chẳng nhấc một ngón tay nào trong hơn bốn thập niên qua bất kể dưới triều đại CH hay DC.

Chuyến viếng thăm Á Châu của TT Trump tuy là lâu dài nhất, nhưng có vẻ nghiêm chỉnh nhất, không rườm rà với những tiểu xảo chính trị vớ vẩn.

Không có chuyện phịa, nổi hứng giờ chót chạy đi ăn phở chợ Bến Thành như TT Clinton, hay như TT Obama, tạt vào ăn bún chả Hà Nội giữa đám ‘nghệ sĩ nhân dân’ đóng tuồng cực dở. Cũng không có màn lăng nhăng đi hát rap với một em ca sĩ nhí Sàigòn. Hay đi gặp đám ‘sinh viên’ hỏi những câu hỏi lót đường dấm dớ đã được công an soạn thảo từ ba tháng trước.

Dù vậy, có một thăm dò của PEW cho thấy dân Việt khá mê TT Trump. Chẳng hiểu họ làm thế nào để thăm dò dư luận dân Việt, nhưng trong 10 người thì có 6 người (58%) thích ông. Một anh mau mắn mở ngay tiệm cà-phê lấy tên “Coffee Trump” ở Đà Nẵng, đắt hàng như tôm tươi, bất kể cái tên sai văn phạm chẳng có nghiã gì. Ông Trump có ba đặc điểm dân ta thích.

Đầu tiên, ông là tỷ phú, tức là giỏi, thành công, có rất nhiều tiền. Dân Việt ta, từ ngày VC thi hành chính sách ‘đổi mới’, đâm ra mê tiền lạ lùng. Từ đại quan đến tiểu quan, đến cán bộ và bộ đội và dân thường, ai cũng mê làm giàu, hợp pháp cũng như bất hợp pháp. Vào tiệm sách nào ở VN cũng thấy cả trăm cuốn sách dạy cách làm giàu theo đường tắt. Trong đó có ít ra là 5 cuốn sách của ông Trump đã được dịch ra tiếng Việt, cũng đắt hàng như ‘Coffee Trump’. Ai cũng muốn bắt chước theo ông Trump làm giàu.

Điểm thứ hai là ông Trump có tánh ngang tàng, nói thẳng chẳng sợ chẳng nể ai, bất cần ‘phải đạo chính trị’. Dân ta có vẻ thích, nhất là dân Nam cờ ruột ngựa.

Điểm thứ ba quan trọng hơn cả, là ông có vẻ nói cứng chống TC, là điều dân Việt ta, trong hay ngoài nước, đều khoái, cho dù chưa thấy ông làm được chuyện gì cụ thể chống Tầu.

Thiên hạ cũng thấy hình như có hai ông Trump: trong nước thì hung hãn như... Trương Phi, ra ngoài nước thì có vẻ nghiêm trang như... Quan Công.

TT Trump đi ra nước ngoài, đường đường chính chính là một nhà lãnh đạo một đại cường, giữ đúng phép nghi lễ ngoại giao, đồng thời cũng có vẻ thân thiện, vỗ vai người này, đỡ lưng người kia, nhưng không khúm núm cúi rạp người trước bất cứ ai. Nhớ lại TT Obama dường như lúc nào cũng không thoải mái, có vẻ ngại ngùng, rụt rè như một người mang mặc cảm tội lỗi với cả thế giới, đi đâu cũng cúi gập người, lo xin lỗi những chuyện không có lỗi.

Ngay tại VN mà TT Trump cũng tổ chức lễ Cựu Chiến Binh –Veterans Day- công khai tiếp đón và ca tụng đại diện các cựu chiến binh Mỹ đã chiến đấu chống CSVN! Đố TT Obama dám làm!

Cũng tại Đà Nẵng, 11 quốc gia trong vùng đã họp và ra thông cáo xúc tiến hiệp ước Liên Thái Bình Dương TPP. Nhưng ai cũng thấy TPP mà thiếu bóng hai ông khổng lồ Mỹ và TC thì dĩ nhiên nếu không chết yểu vì bất đồng ý kiến giữa các nước, cũng chỉ là một loại hiệp thương nhỏ mang tính cục bộ địa phương mà ảnh hưởng không hơn gì con mèo giấy.

Nhìn vào các thông cáo và diễn văn của TT Trump, thấy có một danh từ mới, “Indo-Pacific”. Có người diễn giải đó là ý định của TT Trump muốn phủ nhận sự hiện diện của TC qua việc bỏ “China” để thay bằng “Pacific”. Thật ra, TT Trump không phải là phủ nhận sự hiện hữu của “China”, mà là muốn đặt TC vào trong một thực thể lớn hơn, bao gồm cả chục nước khác, coi TC cũng chỉ là một thành viên bình thường thôi. Cái mới lạ là thêm danh từ “Indo”, dường như để nhấn mạnh sự bành trướng qua Ấn Độ luôn, một diễn biến có lẽ không được Bắc Kinh hoan nghênh lắm. Ấn Độ với dân số gần cả tỷ, nhưng có dân chủ và kinh tế thị trường, sẽ có tiếng nói lớn trong tất cả các tổ chức mà Ấn tham gia, không thua gì tiếng nói của TC.

Chiến lược của TT Trump dường như vừa giảm tầm quan trọng của TC, vừa tìm cách bao vây TC, từ Mỹ qua Nhật, Nam Hàn, Đông Nam Á, Úc, bây giờ kéo thêm Ấn Độ vào. Có lẽ trong sách lược đó bao gồm cả Nga luôn, nhưng con chốt cuối cùng này bị kẹt bởi vụ điều tra về Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống.

Có nhiều người đặt câu hỏi TT Trump đi Á Châu thành công hay thất bại? Dĩ nhiên cử tri của ông thì khen rối rít, cử tri bà Hillary thì chê mệt nghỉ. Thật ra, cả hai phe đều sai hết. Ngay từ căn bản, đặt vấn đề tổng thống công du thành công hay thất bại là chuyện vớ vẩn, bất kể tổng thống nào.

Nếu lượng giá thành công hay thất bại qua các cuộc đón rước tiệc tùng, hay diễn văn này nọ, hay dân chúng đứng hai bên đường phất cờ quạt thì chỉ là nhận xét hời hợt. Không có quốc trưởng nào đi công du mà không có diễn văn nổ như pháo và đón rước đình đám màu mè (ngoại trừ TT Obama ra cửa sau của phi cơ!).

Ngay cả việc lượng giá chuyến đi qua việc TT Trump ký hợp đồng thương mại 300 tỷ cũng là chuyện không chính xác lắm. Những hợp đồng này đều đã được thảo luận cả mấy tháng trước giữa các công ty rồi. Nhân dịp tổng thống thăm viếng, mang hợp đồng ra khoe cho xôm trò thôi. Tổng thống nào cũng đều như vậy hết. Trong vấn đề này, điểm thành công hay thất bại là TT Trump đã làm gì, đưa ra chính sách kinh tế tài chánh như thế nào để các công ty ngoại quốc có thể tin tưởng vào tương lai kinh tế Mỹ, bỏ tiền ra đầu tư nhiều như vậy.

Phủ nhận các hợp đồng này, coi như chỉ là chuyện ‘hiểu ý’ khơi khơi vì chỉ là ‘memorandums of understanding” cũng sai. Ba trăm tỷ đô không phải là chuyện nói chơi cho vui, mà đòi hỏi điều đình gay gắt với những hợp đồng dầy cả mấy trăm trang, chưa có đồng ý 90% thì chưa có ‘understanding’. Không phải là chuyện đi mua một cái xe cũ.

Thực tế, những cuộc công du này là những dịp các vị quốc trưởng xác nhận lại quan hệ thân hữu cho cả thế giới thấy, và quan trọng hơn, là những cuộc nói chuyện thảo luận kín giữa các quốc trưởng và các chuyên gia cấp dưới. Họ nói chuyện gì, đồng ý với nhau chuyện gì, đó mới thật sự là chỉ dấu của thành công hay thất bại. Ngặt một nỗi đều là chuyện kín, chúng ta chẳng biết được gì. (19-11-17)

 

 

Vũ Linh

 

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.